Hành trình giành 4 học bổng thạc sĩ của giảng viên Dược
Anh Nguyễn Viết Ngọc, 28 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, chia sẻ cách tìm học bổng chính phủ sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Tôi sinh ra ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong gia đình có bố mẹ học chưa hết phổ thông, ba chị gái không vào đại học. Tôi trở thành niềm hy vọng duy nhất của cả nhà khi là sinh viên ngành Dược sĩ ở Đại học Y Dược TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, tôi dự định đi làm hai năm và tìm cơ hội du học bằng học bổng.
Nhưng ba ngày trước khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp năm 2016, tôi biết tin mẹ bị ung thư phổi giai đoạn III-B. Lúc đó, tôi hoang mang, không nghĩ tới tương lai của mình, chỉ lo điều trị và chăm sóc mẹ tốt nhất. Ung thư phổi tiên lượng rất xấu, bác sĩ nói mẹ tôi chỉ còn sống được 3-6 tháng.
Ngày tôi báo cáo khóa luận, chị gái chở mẹ đến xem và chúc mừng tôi tốt nghiệp loại giỏi, top 1% ngành Dược sĩ. Hôm tôi được phát biểu trong lễ tốt nghiệp, mẹ vừa xong đợt hóa trị thứ hai và cũng tới dự.
Ngọc đứng trong khuôn viên Học viện Karolinska, Thụy Điển, hôm kết thúc học kỳ đầu năm 2021. Ảnh: NVCC.
Tôi đã định không đi làm và chỉ ở nhà với mẹ. Nhưng ngay lúc đó, bộ môn Dược lâm sàng tuyển giảng viên và thầy cô động viên tôi vào làm. Các thầy cô trong bộ môn hiểu cho hoàn cảnh của tôi nên mỗi khi mẹ nhập viện để hóa trị, xạ trị, tôi có thể vào ở lại bệnh viện với mẹ và làm việc qua email.
Mẹ tôi sau đó qua đời do ung thư tiến triển xa. Trong lúc đau buồn, tôi hiểu rõ đã đến lúc cần bắt đầu xin học bổng du học vì ước mơ của tôi và cũng là mong mỏi lớn của mẹ. Mẹ mong tôi du học và trở thành một thầy giáo tốt trong tương lai.
Tôi đã tìm hiểu, nộp hồ sơ và năm 2020 trúng 4 học bổng toàn phần của chính phủ Ireland (IDEAS), Bỉ (VLIR-UOS), Thuỵ Điển (SISGP) và Anh (Chevening). Tôi đang học thạc sĩ Dịch tễ học tại Học viện Karolinska, thành phố Stockholm. Đây là trường top 10 thế giới về ngành y, là nơi trao giải Nobel Y học.
Các bước tìm hiểu và nộp học bổng của tôi như sau:
1. Xác định mong muốn, khả năng và điều kiện của bản thân
Tôi đặt câu hỏi cho mình và tìm câu trả lời: Tại sao tôi muốn du học? Tôi muốn học ở nước nào, trường nào, ngành nào? Tại sao? Tôi muốn du học bao lâu? Tôi đang có những điểm mạnh và điểm yếu gì (về học thuật, kỹ năng mềm, tố chất)? Tôi sẽ làm gì sau khi du học xong? Điều kiện tài chính của tôi như thế nào (tìm học bổng toàn phần hay bán phần)?
2. Tìm, lọc, xác định học bổng phù hợp
Video đang HOT
Sau khi đã hiểu rõ bản thân, tôi tận dụng tất cả nguồn thông tin có thể (trang về học bổng trên mạng xã hội, website trường, website đại sứ quán, website học bổng…) để tìm kiếm học bổng tương thích với mong muốn và khả năng của mình.
Tôi lập danh sách học bổng và trường mà tôi đủ điều kiện nộp. Tiếp theo, tôi nghiên cứu kỹ tiêu chí đánh giá của các học bổng/trường và đối chiếu với hồ sơ, điểm mạnh, điểm yếu của mình để xác định những học bổng có khả năng đậu (từ cao đến thấp). Cuối cùng, tôi chốt danh sách học bổng sẽ nộp và thứ tự ưu tiên để có sự đầu tư thời gian.
3. Chuẩn bị hồ sơ
Đây là bước tốn nhiều thời gian và công sức nhất của tôi. Tôi mất khoảng 2 tháng để viết xong motivation letter (thư động lực) và recommendation letter (thư giới thiệu) đầu tiên. Mỗi học bổng có yêu cầu riêng về nội dung và hình thức của các loại giấy tờ này.
Trong motivation letter hay statement of purpose, tôi thường phải trả lời các câu hỏi như mục tiêu nghề nghiệp là gì? Tại sao tôi muốn học ngành này? Kế hoạch ngắn hạn, dài hạn sau khi học xong? Tại sao học bổng nên chọn tôi?
Về thư giới thiệu, nếu được người giới thiệu viết cho thì rất tốt. Nếu tự viết và nhờ người giới thiệu góp ý và ký tên, tôi kể về mối quan hệ giữa tôi và người giới thiệu, những phẩm chất của tôi mà người giới thiệu ghi nhận được, kèm theo những câu chuyện và ví dụ minh chứng cụ thể.
Đối với CV, tôi cố gắng làm nổi bật những điểm mạnh của mình, không chỉ liệt kê học tập và công việc, mà còn những thành tích, những đóng góp… bằng số liệu cụ thể.
Để có ý tưởng viết, ngoài việc hiểu mong muốn và kế hoạch của bản thân, tôi đã tìm hiểu nhiều về cách viết các loại hồ sơ trên mạng và blog của các anh chị từng đỗ học bổng. Tôi cũng nghiên cứu kỹ chương trình học, tiêu chí lựa chọn ứng viên, nội dung câu hỏi theo yêu cầu của học bổng…
Tôi chọn cách viết đi thẳng vào vấn đề, càng thực tế càng tốt. Tôi nêu cụ thể mục tiêu, kế hoạch và quan điểm của mình và cố gắng trình bày các ý một cách mạch lạc, logic. Khi muốn chứng minh mình có một phẩm chất nào đó, đầu tiên tôi phải đọc để hiểu rõ bản chất của phẩm chất đó là gì. Từ đó, tôi liên hệ lại bản thân xem mình đã thể hiện phẩm chất đó qua những việc gì để đưa vào bài viết. Sau khi viết, tôi thường nhờ bạn hoặc anh chị đi trước đọc và góp ý, sửa chữa.
4. Chuẩn bị phỏng vấn (nếu học bổng yêu cầu)
Tôi đọc lại kỹ những gì mình đã viết trong hồ sơ để khi phỏng vấn, câu trả lời thống nhất với những gì đã viết. Tôi tìm đọc trên mạng, các nhóm trên Facebook và liên hệ các anh chị từng đậu học bổng để xin kinh nghiệm phỏng vấn hay các câu hỏi thường gặp.
Tôi lập danh sách câu hỏi, chuẩn bị nội dung trả lời theo từng ý rõ ràng và ngắn gọn. Ngoài ra, tôi cũng tập phong thái trả lời sao cho thoải mái và tự tin. Tôi tập phỏng vấn với bạn hoặc anh chị đi trước.
Tôi cũng nhờ thầy cô trong bộ môn phỏng vấn thử và đặt các câu hỏi bất ngờ để tập xử lý tình huống khó. Trong lúc phỏng vấn, tôi luôn nhớ ba điều: Thống nhất với hồ sơ đã nộp, tự tin thoải mái giao tiếp và thành thật trong câu trả lời.
Tôi đã tranh thủ mọi thời gian rảnh, thức khuya, cuối tuần để tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ. Trước khi nhận tin đậu học bổng đầu tiên hồi tháng 4/2020, tôi đã liên tục nhận tin thất bại 6 học bổng trong tháng 1-3/2020. Khi đó, đã có lúc tôi nghĩ sẽ thất bại nốt 4 học bổng còn lại.
Tại sao tôi lại nộp nhiều học bổng trong lần đầu tiên như vậy? Vì tôi quyết tâm đi du học năm 2020. Tôi tự đánh giá hồ sơ của mình ở mức khá tốt, không phải xuất xắc nên nộp nhiều sẽ tăng cơ hội đậu. Và quan trọng là tôi tin mình có thể sắp xếp được thời gian để cân bằng giữa công việc, cuộc sống và chuẩn bị cho học bổng. Tuy nhiên, nộp nhiều học bổng cùng một năm không phải lúc nào cũng là ý hay, đặc biệt là với những bạn quá bận rộn.
Hiện tôi học kỳ hai năm nhất ở Thuỵ Điển. Thời gian đầu, tuy tiếng Anh khá nhưng kỹ năng nghe của tôi chưa hoàn thiện nên đôi lúc không theo kịp bài giảng. Tôi xin giảng viên cho phép ghi âm bài giảng về nghe lại, đọc thêm tài liệu tham khảo để nắm bài. Sau 2-3 tháng, tôi đã tiến bộ và hiện tại, kết quả học tập của tôi khá tốt.
Lúc mới sang, tôi không có bạn Việt Nam nào học cùng khóa nên cô đơn và rất nhớ nhà. Dần dần tôi làm quen với các bạn cùng trường trong ký túc xá. Hiện Covid-19 vẫn ảnh hưởng rất lớn đến học tập, sinh hoạt và phần nào làm giảm đi sự trải nghiệm của du học sinh.
Tôi dự định học xong thạc sĩ sẽ tìm cơ hội làm tiến sĩ ở châu Âu, sau đó về Việt Nam theo đuổi con đường giảng viên đại học. Con đường trở thành một giảng viên tốt sẽ rất dài và nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của mình và sự ủng hộ của mẹ, tôi tin mình sẽ làm được.
Giảng viên 9X nhận 4 học bổng thạc sĩ toàn phần tại châu Âu
Nguyễn Viết Ngọc đang là giảng viên đại học Y Dược TP.HCM xuất sắc nhận 4 học bổng thạc sĩ toàn phần từ các trường danh tiếng tại châu Âu.
Nguyễn Viết Ngọc - giảng viên trẻ nhất của khoa Y Dược, Đại học Y Dược TP.HCM - vừa kết thúc học kỳ đầu tiên (trong 2 năm học thạc sĩ) tại Viện Karolinska (Thụy Điển).
Hai năm trước, Nguyễn Viết Ngọc tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng với mục tiêu hoàn thành trong năm học 2020-2021. Ngọc từng nộp hồ sơ xin học bổng tại 10 trường đại học khác nhau. Kết quả, anh trúng tuyển 4 học bổng ngành Y Dược tại 4 trường đại học danh tiếng ở các quốc gia khác nhau.
Đó là học bổng chính phủ Ireland (học bổng IDEAS) ngành Global Health (Y tế toàn cầu) tại Đại học Trinity College Dublin, học bổng VLIR UOS - Bỉ, ngành Epidemiology (Dịch tễ học) tại Đại học Antwerp, học bổng được cấp bởi chính phủ Thuỵ Điển - ngành Epidemiology (Dịch tễ học) tại Viện Karolinska, học bổng của chính phủ Anh, ngành Public Health (Y tế công cộng) tại Đại học Glasgow.
Mỗi học bổng đều cấp toàn bộ học phí, vé máy bay hai chiều, sinh hoạt phí hàng tháng, bảo hiểm, phí làm visa và một số chi phí khác với giá trị khoảng 1,4 - 2 tỷ đồng.
Sau khi cân nhắc, Viết Ngọc lựa chọn học bổng cấp bởi chính phủ Thụy điển cho chương trình thạc sĩ toàn phần 2 năm tại Viện Karolinska. Anh nói điều này xuất phát từ tình yêu và sự ngưỡng mộ với nền giáo dục tại Thụy Điển. Anh muốn tìm hiểu cách làm giáo dục của nước bạn - một trong những quốc gia được đánh giá hàng đầu về xuất khẩu giáo dục.
Viện Karolinska cũng là đơn vị nằm trong nhóm những trường đào tạo ngành Y Dược tốt nhất thế giới, thường góp mặt trong top đầu tại châu Âu và thế giới theo hệ thống xếp hạng các trường đại học chuyên ngành Y Dược.
Anh Nguyễn Viết Ngọc chọn học thạc sĩ tại Thụy Điển sau khi giành được 4 học bổng. (Ảnh: NVCC).
Nhắc đến chàng trai 9X người Quảng Nam, nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Y Dược TP.HCM vô cùng ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Viết Ngọc trúng tuyển ngành Dược của trường (khóa 2011 - 2016). Thời sinh viên, Nguyễn Viết Ngọc không chỉ nổi bật với thành tích học tập tốt mà còn là gương mặt sôi nổi của các hoạt động cộng đồng, Đoàn - Hội.
Tốt nghiệp đại học với xếp loại giỏi (top 3/325 toàn trường), Viết Ngọc được giữ lại làm giảng viên bộ môn Dược lâm sàng - khoa Dược và Trung tâm điều trị nghiện chất và HIV. Chàng trai sinh năm 1993 này cũng là Phó bí thư Đoàn của khoa, phụ trách một số chương trình sinh viên liên quan đến văn nghệ, tiếng Anh.
Anh từng nhận được một số học bổng ngắn hạn của Đại học Takasaki (Nhật), học bổng Daewoong, học bổng Homtamin (Hàn Quốc).
Viết Ngọc chia sẻ, mục tiêu nghề nghiệp và ước mơ của anh là trở thành giảng viên giỏi về giảng dạy, giỏi về nghiên cứu và có thể truyền lửa được cho sinh viên. Vì thế anh lựa chọn việc đi du học trong 2 năm để hoàn thiện bộ kỹ năng cũng như tiếp thu được vốn sống, tri thức tốt hơn.
Trong những năm tháng học đại học, Viết Ngọc đã nung nấu ý định đi du học và quyết tâm hành động để đạt được mục tiêu trên. Xác định con đường duy nhất để hoàn thành ước mơ là nhận được học bổng toàn phần, Ngọc dành 2 năm tích lũy kinh nghiệm từ việc nộp hồ sơ thế nào, viết thư giới thiệu, bài luận ra làm sao.
Anh cũng thường xuyên kết nối với cộng đồng du học sinh, chia sẻ bài viết trên các blog, diễn đàn để nghe những lời khuyên bổ ích. Nói về khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ xin học bổng, anh cho biết nhiều bạn trẻ đang không biết mình muốn học gì hoặc làm gì trong tương lai. Bên cạnh đó căn bệnh của tuổi trẻ là quá tự tin nên đôi khi không nhận ra những điểm mạnh và hạn chế của bản thân.
Anh Ngọc đang là giảng viên trẻ nhất của khoa Y Dược, Đại học Y Dược TP.HCM. (Ảnh: NVCC).
Về bí quyết xin được nhiều học bổng danh giá, Viết Ngọc cho rằng yếu tố quan trọng nhất là hãy hiểu rõ bản thân mình muốn gì để từ đó xây dựng một kế hoạch cụ thể cho việc nộp hồ sơ xin học bổng. Ứng viên cũng cần phải chuẩn bị thật tốt thông qua chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước như cách thức viết bài luận, viết thư giới thiệu kèm hồ sơ học tập, làm việc.
Thêm vào đó, phần lớn các ứng viên sẽ gặp lúng túng khi gặp phải những câu hỏi như bạn muốn gì, mục tiêu trong học tập, công việc của bạn là gì? Ngọc gợi ý, ứng viên nên tìm hiểu thật kỹ và lắng nghe bản thân mình mong muốn điều gì.
Đối với bài luận, thư giới thiệu thì kỹ năng viết vô cùng quan trọng. Để viết hay, thuyết phục, ứng viên nên có nhiều trải nghiệm trong học tập cũng như cuộc sống. Lời khuyên của Viết Ngọc dành cho những bạn sinh viên đang có ý định du học đó là hãy lập cho mình một mục tiêu và từng bước chinh phục mục tiêu đó.
" Việc học ở trường rất quan trọng để tích lũy điểm số, làm đẹp hồ sơ. Tuy nhiên các bạn trẻ cũng cần có nhiều trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện để làm tăng vốn sống, hiểu biết ", Viết Ngọc chia sẻ.
Trường ĐH Ngân hàng TP HCM chuyển giao bản quyền 3 chương trình đào tạo sang Lào Tin từ Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho biết trường và Học viện Ngân hàng Lào đã thống nhất triển khai 3 chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM để đào tạo nguồn nhân lực của Lào Buổi làm việc giữa Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và Học viện Ngân hàng Lào được tổ chức theo...