Hành trình cùng con rinh học bổng 6 tỷ đồng của bà mẹ Hà Nội
Phạm Nam Khánh, huy chương bạc Olympic Toán quốc tế 2017, được Đại học Chicago (Mỹ) chấp nhận và cấp học bổng 6 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Minh Hải và con trai Phạm Nam Khánh. Ảnh: NVCC.
Tết Nguyên đán 2018 của gia đình chị Nguyễn Minh Hải (Hà Nội) dường như vui hơn những năm trước. Con út của chị, Phạm Nam Khánh (lớp 12 Toán 1, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) mới nhận học bổng 264.000 USD (6 tỷ đồng) từ Đại học Chicago của Mỹ. Trong danh sách đại học tốt nhất thế giới (xếp hạng của QS 2018), trường Chicago đứng thứ chín. Đại học này cũng xếp thứ ba trong top trường tốt nhất nước Mỹ (theo US News). Năm 2017, Nam Khánh đã giành huy chương bạc cuộc thi Olympic Toán quốc tế tại Brazil.
“Ngày con nhận được thư chấp nhận và cấp học bổng từ Đại học Chicago, tôi xúc động và hạnh phúc vô cùng. Cả ngày tôi cứ nghĩ về quá trình sáu năm hai mẹ con cùng phấn đấu để con thực hiện được mơ ước du học. Hành trình đó không chỉ có hoa thơm mà cũng nhiều vất vả”, chị Hải nói.
Vượt qua rào cản tiếng Anh để giành học bổng du học cấp 3 tại Singapore
Người mẹ kể, khi học lớp 6 Nam Khánh bộc lộ hai ước mơ là du học Mỹ và thi Toán quốc tế, qua một bài viết về trường Amsterdam. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nam sinh là không thích học tiếng Anh.
Để định hướng cho con, trong các câu chuyện chị Hải luôn đan cài nội dung về tầm quan trọng của việc giỏi tiếng Anh trong yêu cầu công việc thời hội nhập. Chị dẫn dắt việc nắm bắt ngôn ngữ này sẽ giúp con khai thác nhiều tài liệu phục vụ học Toán và thực hiện ước mơ thi Toán quốc tế. Bên cạnh khuyến khích Nam Khánh tự học, ngày ngày chị Hải lại cùng con đến lớp học thêm tiếng Anh.
“Suốt hai năm việc học ngoại ngữ gần như không tiến triển vì Khánh không thích và quá say mê với Toán. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì cho con đến lớp tiếng Anh và tham gia cuộc thi Toán ở các nước để cháu cọ sát với môn Toán và rèn khả năng ngoại ngữ”, chị Hải kể.
Thành quả đến khi năm học lớp 9, nam sinh khối THCS của trường chuyên Hà Nội – Amsterdam lấy được học bổng của Chính phủ Singapore cho 4 năm học THPT tại đây. Học bổng được trao cho những thí sinh vượt qua hai vòng thi viết và phỏng vấn trực tiếp với hội đồng tuyển sinh, tất cả đều bằng tiếng Anh.
Với mong muốn được tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế với tư cách học sinh Việt Nam, Nam Khánh quyết định ở lại, học cấp ba tại THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Song song với việc chăm chỉ học môn chuyên, em chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ để đến gần hơn với mơ ước du học Mỹ.
Học nhiều thứ để khám phá bản thân và đi nhiều để rèn tính tự lập
Luôn tâm niệm gia đình phải là nơi dẫn dắt, giúp con biết đường nào cần đi để đạt được ước mơ, chị Nguyễn Minh Hải đã tìm hiểu về du học Mỹ. Người mẹ nhận thức rõ muốn lấy học bổng của trường top đầu ở quốc gia này, thành tích học tập tốt, điểm chuẩn hóa cao, đạt nhiều giải thưởng vẫn chưa đủ. Đại học Mỹ rất coi trọng tính toàn diện, khả năng hoạt động cộng đồng của ứng viên. Từ đó, chị định hướng cho con tham gia học đàn, vẽ… để khám phá bản thân, cũng là cách giúp con giải tỏa căng thẳng sau thời gian miệt mài học Toán.
“Khi giáo dục con, tôi không đi vào chi tiết hay áp đặt mà chỉ khuyến khích con tự học và đưa ra những lời khuyên về con đường, những việc cần làm để đạt mục tiêu. Nếu con không thích, tôi sẽ không ép”, chị Hải nói và cho biết đã để Nam Khánh dừng học đàn, vẽ khi thấy con không hứng thú.
Phạm Nam Khánh (giữa) tham gia nhiều hoạt động để khám phá bản thân. Ảnh: NVCC.
Người mẹ không biết con út khám phá ra khả năng viết truyện. Thời gian học lớp 8, sau mỗi tối học bài, Nam Khánh lại sáng tác truyện ngắn khoa học viễn tưởng về các nhân vật siêu anh hùng. Năm 2016, nam sinh xuất bản cuốn truyện đầu tay Biệt đội A11-15U dày 242 trang, được nhiều người đánh giá là thú vị.
Nắm bắt thực tế nhiều học sinh Việt Nam bị sốc khi du học nước ngoài bởi phải sống một mình ở môi trường khác biệt, từ sớm chị Nguyễn Minh Hải đã rèn cho con tính tự lập, khả năng dễ thích nghi. Từ năm lớp 6, mỗi khi Nam Khánh có chuyến ra nước ngoài hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa…, gia đình đều không đi cùng. Mùa hè năm lớp 10, nam sinh có hai tháng đi các nước để hoạt động ngoại khóa, thăm đại học Mỹ xem mình phù hợp với môi trường nào.
“Đó là phép thử cuối cùng để chúng tôi xem Nam Khánh có phù hợp với việc đi du học ở quốc gia có nhiều khác biệt so với Việt Nam, là Mỹ. Đến nay, tôi tự tin con đã quen với việc sống tự lập khi xa nhà và dễ dàng hòa nhập với môi trường quốc tế. Trong lần sang Brazil thi Olympic Toán quốc tế 2017, Nam Khánh cũng được giáo viên trong đoàn rất ngợi khen về sự chững chạc, giao tiếp và ứng xử tốt với bạn bè các nước”, chị Hải .
Video đang HOT
Chọn đại học Chicago để theo đuổi đam mê Toán lý thuyết
THPT là giai đoạn nước rút để Nam Khánh hoàn thành hai ước mơ thi Olympic Toán quốc tế và du học Mỹ. Nam sinh song song học để thi chuẩn hóa SAT, SAT2, ACT, TOEFL… và tham gia các đội tuyển thi học sinh giỏi Toán.
Lớp 10, em là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng đã đạt giải nhất thi học sinh giỏi Toán quốc gia. Lớp 11, Nam Khánh tiếp tục làm em út trong đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế. Với tấm huy chương bạc, em đã cùng các đàn anh tạo nên kỳ tích trong các mùa Việt Nam tham gia giải đấu này.
Thông thường, học sinh thi Olympic quốc tế thường chọn phương án lùi thời gian du học 1-2 năm để chuẩn bị tiếng Anh hoặc điểm chuẩn hóa. Tuy nhiên, do đã chuẩn bị từ trước, Nam Khánh đủ điều kiện để nộp hồ sơ từ học kỳ một lớp 12.
Theo chị Hải, con trai đã tự mình lựa đại học để nộp hồ sơ. Việc chọn học Toán lý thuyết của Nam Khánh ban đầu khiến gia đình “có chút lăn tăn”. Tuy nhiên vẫn như mọi lần, nam sinh này được bố mẹ tôn trọng quyết định. “Bố mẹ phải luôn là điểm tựa vững chắc và giúp con tin tưởng vào bản thân để hiện thực hóa ước mơ của mình”, chị Hải nhiều lần nhấn mạnh quan điểm giáo dục này.
động lực và nhân tố quan trọng đã giúp mình thành công, Phạm Nam Khánh khẳng định: “Đó là gia đình”. Thời điểm này, em dốc sức cho việc thi chọn đội tuyển tham dự Olympic Toán quốc tế 2018. Sau tốt nghiệp THPT, Khánh sẽ lên đường sang Mỹ theo học ngôi trường mơ ước.
Theo VNE
Nam sinh Hà Nội giành học bổng 6 tỷ đồng tại đại học Mỹ
Sau khi giành giải bạc Olympic Toán quốc tế 2017, nam sinh trường Ams tiếp tục thành công khi đỗ Đại học Chicago (Mỹ) với học bổng 264.000 USD cho 4 năm.
ảnh minh họa
Năm tháng sau khi đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế 2017 (IMO 2017), Phạm Nam Khánh - học sinh lớp 12 Toán 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - tiếp tục thành công khi giành tấm vé vào Đại học Chicago (Mỹ) với học bổng 264.000 USD (tương đương 6 tỷ đồng) cho 4 năm học.
Theo The World University Rankings, ngôi trường Khánh sẽ theo học xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng đại học thế giới và thứ 3 trong bảng xếp hạng đại học quốc gia Mỹ (theo US News).
"Đối với gia đình, không gì có thể tả nổi niềm vui này", chị Nguyễn Minh Hải - mẹ Khánh - .
"Nếu chia nhỏ thành từng phần, em thấy hồ sơ của mình không có gì đặc biệt hơn so với những bạn khác. Giải quốc gia và giải quốc tế thì nhiều người có. Sở thích viết truyện hay các hoạt động ngoại khóa cũng vậy.
Song khi tất cả những thứ đó hội tụ cùng nhau thì tạo nên cái độc đáo".
Phạm Nam Khánh
Khánh cho biết lý do cậu chọn Đại học Chicago xuất phát từ mong muốn học Toán lý thuyết. Trường là nơi công tác của các nhà khoa học lớn, nhận nhiều giải thưởng danh giá như Nobel và Fields.
Khánh tin cậu có thể phát triển sở thích của mình khi học tập, nghiên cứu trong một ngôi trường như vậy.
Tuy nhiên, trước mắt, nam sinh muốn dành thời gian tiếp tục khám phá bản thân cũng như mọi thứ xung quanh. Ngoài ra, cậu cũng chuẩn bị cho kỳ thi TST chọn đội tuyển Toán quốc tế 2018, cùng các kiến thức và kỹ năng cần thiết để khi bước sang môi trường học tập mới không bị bỡ ngỡ.
"Mình mong các bạn trẻ hãy tự tin theo đuổi đam mê, đừng để người ngoài làm ảnh hưởng đến quyết định. Đừng lo sợ điều gì bởi chúng ta có tuổi trẻ và nhiệt huyết. Hãy tiến lên và theo đuổi đam mê", Khánh nhấn mạnh.
Nam sinh cho biết người cậu muốn cảm ơn nhiều nhất chính là cha mẹ.Hành trình đến với Đại học Chicago
N
am sinh 17 tuổi cho biết người ảnh hưởng nhiều nhất đến các quyết định của cậu chính là cha mẹ - những người chưa bao giờ bắt ép cậu làm bất cứ điều gì, chỉ những trải nghiệm và cho Khánh những lời khuyên bổ ích. Cha mẹ cũng luôn là bạn đồng hành với cậu trong suốt chặng đường vừa qua.
"Nếu không có cha mẹ, chắc mình không thể đạt thành công như ngày hôm nay", Khánh nói.
Thực tế, 10X ước mơ đi du học Mỹ từ năm lớp 6. Nắm bắt mong muốn đó, chị Hải đã lặn lội tìm hiểu về nền giáo dục của Mỹ, từ đó dẫn dắt để con đạt mục tiêu.
"Quan điểm của gia đình là cha mẹ không bao giờ bắt ép. Mọi thứ luôn phải xuất phát từ sở thích và ý muốn của các con".
Chị Nguyễn Minh Hải
"Khó khăn lớn nhất của Nam Khánh khi đó là không thích học tiếng Anh. Năm lớp 6, tiếng Anh của con gần như mức số 0.
Để định hướng cho con, trong những câu chuyện, tôi luôn nói với con ngành nghề nào cũng cần đến ngôn ngữ đó. Hơn nữa, nếu giỏi tiếng Anh, con có thể khai thác hiệu quả kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại phục vụ cho việc học Toán", mẹ Khánh cho hay.
Bên cạnh việc khuyến khích Khánh học tiếng Anh, chị cũng tìm cho con những lớp học tiếng Anh phù hợp. Ban đầu, hiệu quả gần như không có, bởi Khánh quá say mê môn Toán. Nhưng sau đó, tình hình dần cải thiện.
Đến lớp 9, vốn tiếng Anh của nam sinh đã vững vàng. Minh chứng là Khánh thi đỗ học bổng ASEAN, học bổng toàn phần cho 4 năm học THPT của Chính phủ Singapore.
Tiếng Anh đạt chuẩn và giỏi Toán là chưa đủ, bởi các trường đại học của Mỹ đề cao sự đa dạng. Do đó, chị Hải lại lặn lội hướng dẫn con tự khám phá bản thân bằng việc thử học nhạc, học vẽ... Cuối cùng, Khánh đã tìm được cho mình sở thích viết lách.
Nam sinh trường Hà Nội - Amsterdam bắt đầu viết truyện vào khoảng năm 2013. Năm 2016, Khánh xuất bản tác phẩm đầu tay với tựa đề Biệt đội A11-15U. Thói quen viết vẫn được duy trì đến bây giờ.
"Việc tìm ra sở thích ngoài học tập nhằm giúp con phát triển cân bằng và toàn diện", chị Hải nói.
Để hoàn thiện các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo, Khánh tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường và giao lưu ở nước ngoài. Đến nay, cậu đã đi hơn 10 nước.
Năm 2016, tổng thời gian Khánh ở nước ngoài lên đến 2 tháng. Trong những lần đi đó, cha mẹ đều không đi cùng vì muốn rèn cho cậu tính tự lập. Đây cũng là bước chuẩn bị để cậu làm quen với việc sống xa gia đình.
Trong những chuyến đi xa, cha mẹ Nam Khánh thường không đi cùng con vì muốn rèn cho Khánh tính tự lập.
Ba năm nước rút
T
hông thường, những học sinh tham gia thi Olympic quốc tế thường chọn phương án lùi thời gian đi du học 1-2 năm vì cần chuẩn bị tiếng Anh hoặc điểm chuẩn hóa. Tuy nhiên, do được chuẩn bị từ trước nên Khánh có đủ điều kiện để nộp hồ sơ ngay khi học lớp 12.
Để làm được điều này, Khánh và gia đình đã lên kế hoạch chi tiết, chặt chẽ. Khi vào THPT là thời gian bắt đầu học để thi chuẩn hóa như SAT, SAT 2, ACT, TOEFL...
Tuy nhiên, Khánh tham dự kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia từ năm lớp 10 nên cậu phải ưu tiên cho học Toán, học SAT chỉ ở mức duy trì. Mãi đến lớp 11, cậu mới bắt đầu dốc toàn lực.
Theo đó, tháng 1, cậu thi quốc gia nên chỉ có thể thi SAT vào tháng 12/2016 hoặc tháng 1 năm nay. Nếu chọn tháng 12/2016, nam sinh chỉ có một tháng để ôn thi quốc gia. Nếu chọn tháng 1, cậu chỉ có 15 ngày để thi SAT.
Sau khi quyết định thi tháng 12/2016, Khánh bắt đầu khoảng thời gian chạy đua với lịch trình đặc kín. Xong SAT, cậu phải dồn toàn lực cho Toán. Đến hết tháng 3, Khánh được vào đội tuyển và lại quay về luyện thi SAT 2.
Kỳ thi SAT 2 diễn ra một tháng trước khi IMO 2017 bắt đầu. Sau khi từ Brazil trở về, cậu tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL vào tháng 10. Đầu tháng 11, Khánh nộp hồ sơ vào Đại học Chicago. Kết quả, sau hơn một tháng, gia đình nhận được thông báo trúng tuyển.
Bên cạnh lịch học dày đặc, Khánh vẫn tranh thủ tham gia các chương trình ngoại khóa. Những hoạt động này thường diễn ra vào mùa hè.
Nếu muốn con đi du học, gia đình phải chuẩn bị kỹ lưỡng
C
hia sẻ về kinh nghiệm đưa con đi du học, chị Hải khẳng định điều kiện tiên quyết là phải xuất phát từ mong muốn của các con. Sau đó, gia đình phải là điểm tựa về mặt tinh thần và tài chính.
Theo chị Hải, quá trình chuẩn bị du học là quá trình gian nan và vất vả nên gia đình cần động viên, tư vấn cho con trong những lúc khó khăn hay khi con nản lòng.
Để chuẩn bị được tốt nhất, bản thân con và gia đình nên lập kế hoạch, lộ trình cụ thể, phải cố gắng hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Vì thời gian có hạn trong khi các con có quá nhiều việc phải làm, đặc biệt là những con tham gia thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, gia đình nên định hướng sớm ngành nghề cho con. Tuy nhiên, quyết định phải đến từ bản thân mong muốn của các con, thông qua hoạt động để tự khám phá bản thân.
Về mặt tài chính, nếu đã xác định mục tiêu đưa con đi du học, gia đình nên chuẩn bị cho con trong khả năng có thể chi trả.
"Việt Nam thuộc top 10 những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ. Do đó, đối với các trường đại học của Mỹ, thị trường này không cần khai phá nữa dẫn đến tình trạng học bổng ngày càng ít. Nếu các gia đình cứ hướng đến săn học bổng hoặc hỗ trợ tài chính lớn sẽ hạn chế cơ hội du học của con", chị Hải nêu quan điểm.
Theo Zing
Quảng Bình: Nuôi ước mơ cho học sinh nghèo vùng biên Chương trình "Nâng bước em đến trường" được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động năm 2014, trong đó có BĐBP tỉnh Quảng Bình. Và tính đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh này đã nhận đỡ đầu 71 học sinh Việt Nam và 7 học sinh nước bạn Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha...