Hành trình của cậu bé tự kỷ đến huy chương Vàng thế giới
Từ cậu bé 4 tuổi mới biết nói, từng bị chuẩn đoán tự kỷ dạng tăng động và rất khó khăn mới xin được vào tiểu học, Đinh Vũ Tùng Lâm ( học sinh lớp 9A2, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) đã làm nên kỳ tích với cả chục huy chương thế giới và khu vực.
Đinh Vũ Tùng Lâm chụp ảnh cùng Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khi giành huy chương bạc tại kỳ thi Olimpic toán học trẻ năm 2017 tại Ấn Độ (X-IMC)
Luôn có mẹ ở bên…
Gương mặt thông minh và đôi mắt sáng, gặp “hạt nhân” toán học của Trường THCS Cầu Giấy, khó có thể tưởng tượng được, cậu bé Lâm từng có một tuổi thơ gian nan đến vậy. Em nói còn nhớ như in rất nhiều lần cùng mẹ đi khám bệnh; những buổi học đánh vần chật vật; những buổi học ca dao tục ngữ mẹ dạy khi ngồi trên xe từ trường về nhà, từ nhà đến lớp học thêm; những buổi mẹ đưa con lang thang đi khắp các con phố để quan sát về làm văn miêu tả…
“Bác sĩ nói bệnh của em là tự kỷ dạng tăng động. Khi đó, con không biết từ đó nghĩa là gì, nhưng nó giống như bạn không kiểm soát được suy nghĩ và chân tay, không bao giờ có thể ngồi yên một chỗ.” – Tùng Lâm nhớ lại.
Nghịch, quậy phá, không thể tập trung ngồi học khiến thời gian đầu mới vào lớp 1, không trường nào dám nhận Lâm vào học. Phải cố gắng lắm, chị Vũ Thị Hải Yến – mẹ Tùng Lâm – mới xin được cho con vào Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Ba năm đầu tiên gian nan vô cùng và Lâm luôn cần có mẹ để có thể quen dần với nề nếp, với những nội quy của môi trường học đường.
Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Yến đến giờ còn ám ảnh: Khi còn nhỏ, Lâm dữ lắm, lúc nào cũng chạy lăng xăng, hay đánh mọi người. Đến mẹ cũng bị con đánh liên tục. Nhiều lúc tuyệt vọng, tìm nơi chuyên biệt cho con học. Nhưng nhìn thấy con bị thầy buộc tay, sợ phát khóc chỉ để chịu nói lại thôi. Nghĩ không ai có thể dạy con tốt hơn mẹ. Thế là, ngoài việc mời thầy vệ dạy riêng thời gian cố định trong ngày, còn lại mẹ con “chiến đấu” cùng nhau.
“Khi Lâm vào tiểu học còn vất vả hơn nhiều. Thấy con bị cô lập, ôm cây khóc, mình rơi nước mắt. Rồi nghĩ ra cách “mua chuộc” để con có bạn. Khi thì mua vé mời các bạn cùng lớp của Lâm đi xem phim; khi mua quà, làm đồ ăn mời bạn đến nhà. Đến ăn mặc, phong cách của mình cũng thay đổi để dễ dàng hòa nhập với các con hơn” – chị Yến kể.
Video đang HOT
Đinh Vũ Tùng Lâm
… và kỳ tích
Mắc căn bệnh oái oăm, nhưng từ nhỏ Lâm đã bộc lộ một trí nhớ rất đặc biệt. Với trí nhớ ấy, cậu bé từng khiến cô giáo dạy mầm non ấn tượng khi một bài lẽ ra các bạn phải học trong 10 buổi thì chỉ 1 buổi Lâm đã thành thạo. Em cũng đặc biệt hứng thú với những con số và các bài toán; đến nỗi, tuần đầu đi học lớp 2 đã giải hết các bài trong sách. Mê mẩn những bài toán trên tạp chí Toán tuổi thơ, Lâm đọc ngấu nghiến, giải rồi gửi Ban biên tập và luôn được phần thưởng từ năm lớp 3.
Những thay đổi tích cực bắt đầu từ năm lớp 4, Lâm hiền hẳn và không quậy phá nữa, dù kỹ năng sống còn non nớt. Điều tuyệt vời nhất đến vào năm lớp 5, khi em bắt đầu được ghi nhận như một người học giỏi Toán với giải thưởng Violimpic cấp thành phố.
Từ một cậu bé không có bạn chơi, lúc nào cũng nghĩ rằng mình kém cỏi, Lâm dần tự tin hơn. Từ sự say mê với các con số và không nản lòng với các phép tính khó, cũng như sự chính xác cho từng phép tính đơn giản nhất, đối với Lâm, những kỳ thi không gì khác là nơi con có thể chứng minh cho mọi người thấy con có thể làm được những điều mà bạn bè con có thể làm được.
“Thú thực, em luôn sợ thất bại, sợ rằng mình lại bị chê cười một lần nữa, bởi vốn dĩ con đã hay bị các bạn chê cười về sự vụng về và trẻ con của mình. Vì vậy, em cứ luôn tâm niệm cố gắng, cố gắng hết sức. Mỗi một thành tích đem lại cho em thêm chút tự tin, thêm cảm giác an toàn bên các con số. Toán học là thầy, là bạn, là nơi con khẳng định mình và cũng là món quà con dành cho bố mẹ, thầy cô kính yêu của mình” – Tùng Lâm .
Những thành tích vượt trội đến với cậu học sinh đặc biệt từ khi thi đỗ vào trường THCS Cầu Giấy. Ở đó Lâm được gặp cô Hiền – cô giáo chủ nhiệm, cô Thảo, cô Hoa, thầy Vịnh dìu dắt môn Toán và tạo điều kiện hết sức cho học sinh của mình theo đuổi đam mê.
Đinh Vũ Tùng Lâm cùng cô giáo chủ nhiệm trong ngày sinh nhật năm lớp 8
Bắt đầu từ giải bạc Toán châu Á Thái Bình Dương, Lâm dần chinh phục những đỉnh cao mới như: Huy chương Vàng cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ – MYTS 2017; huy chương Vàng cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng – HOMC 2017; huy chương Bạc cuộc thi Toán giữa các thành phố (Toán Nga); xếp hạng High distinction – cuộc thi Vô địch Toán Úc; thủ khoa Toán tuổi thơ năm 2017.
Đặc biệt, trong năm học 2016 -2017, khi còn đang học lớp 8, Lâm cùng các anh khối 9 đã mang về huy chương Vàng cá nhân và đồng đội trong kỳ thi Vô địch các đội tuyển Toán Quốc tế thi tại Hàn Quốc – WMTC.
Cũng mùa hè 2017, trong kỳ thi Olympic Toán học trẻ Quốc tế tại Ấn độ, Lâm giành huy chương Bạc – thành tích chưa phải là cao nhất nhưng là sự ghi nhận, động viên to lớn đối với những nỗ lực, là sự đền đáp niềm tin tưởng, yêu thương dìu dắt, hướng dẫn của các thầy cô trong trường.
Với những thành tích ấy, 3 năm liền Lâm được tặng danh hiệu “Gương mặt học sinh tiêu biểu” và được vinh danh tại Lễ tôn vinh gương mặt giáo viên, học sinh tiêu biểu của nhà trường.
Nhưng với người mẹ luôn dõi theo con từng ngày, hạnh phúc lớn nhất không chỉ là thành tích mà còn bởi Lâm đã không còn cảm giác cô độc. Em hòa đồng, được các bạn yêu thương gọi là “học giỏi nhất lớp”, là “từ điển Toán học”, là cán sự môn Toán để giúp đỡ các bạn… Hạnh phúc khi nghe ước mơ của con trai được trở thành nhà nghiên cứu toán học, thầy giáo dạy Toán và ngày ước mơ trở thành hiện thực đã thật gần…
Theo Giaoducthoidai.vn
Tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai: Học sinh phải nghỉ học vì hội làng
Ngày 27/2 (tức 12/1 Âm lịch), nhờ có lễ hội truyền thống chùa Bối, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, gần 2.500 học sinh (HS) trường Mầm non (MN), Tiểu học, THCS Tam Hưng được nghỉ học. Việc làm này của Ban Giám hiệu các nhà trường, UBND xã và Phòng GD - ĐT gây bức xúc cho phụ huynh HS.
ảnh minh họa
Tái diễn vi phạm
Có mặt tại trường THCS Tam Hưng ngày 27/2, thấy ngôi trường nằm sát đường trung tâm của xã này chỉ có vợ chồng ông bảo vệ trông giữ xe máy, ô tô và thu tiền của những người gửi xe. Cách đó 300 - 700m là trường tiểu học và các điểm trường MN cũng trong tình trạng cổng đóng, then cài im ỉm. Toàn bộ các lớp học và cổng của các ngôi trường này đều được khóa kỹ càng. Bên trong, không có hoạt động giảng dạy của thầy và trò.
Tìm hiểu được biết, hôm nay thôn Bối Khê có hội, nên mấy hôm trước các cô giáo thông báo cho HS nghỉ học cả ngày 27/2 (thứ Ba). Mà chẳng riêng năm nay, nhiều năm qua cứ mỗi khi địa phương có hội làng là Ban Giám hiệu nhà trường và UBND xã lại cho HS nghỉ học, sau đó bố trí học bù vào hôm khác. Câu chuyện này đã xảy ra không chỉ ở Tam Hưng mà còn tại nhiều xã khác, như Bình Minh, Thanh Cao, Phương Trung..., nhưng nhiều năm qua UBND huyện không có biện pháp xử lý dứt điểm.
Chị Nguyễn Thị K. (xã Tam Hưng), có con đang học tại trường Tiểu học Tam Hưng cho biết: "Việc Ban Giám hiệu nhà trường cho HS nghỉ học vào ngày hội làng không phải xảy ra lần đầu, mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nếu hội làng diễn ra vào ngày thường, mà cho HS nghỉ học là phụ huynh vất vả lắm, vì vừa phải đi làm, vừa phải trông con, lo cơm nước.
Vẫn biết việc cho HS nghỉ học vào ngày phải đi học là vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến việc học tập của các em và kỷ cương của cán bộ, viên chức, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường, thậm chí UBND xã và Phòng GD - ĐT còn đồng ý cho nghỉ mới lạ. Như vậy, phụ huynh biết kêu ai?".
Làm rõ trách nhiệm
Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Lê Huy Chung thừa nhận: "Trước khi diễn ra lễ hội, UBND xã đã yêu cầu Ban Giám hiệu các nhà trường xem xét, cân nhắc kỹ việc để HS nghỉ học vào ngày có lễ hội vì khoảng cách từ nơi tổ chức lễ hội đến các trường học có trường gần, trường xa. Không phải trường nào cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng trống, tiếng phách ầm ầm.
Tuy nhiên, tất cả ban giám hiệu các trường vẫn có văn bản đề xuất xin cho HS và giáo viên được nghỉ học trong ngày 27/2. Mặc dù, UBND xã không chấp thuận, nhưng vì từ trước đến nay, các trường đã thực hiện việc cho nghỉ vào ngày hội làng, thành quen rồi. UBND xã xin tiếp thu ý kiến và rút kinh nghiệm không để tái diễn tình trạng này ở các lễ hội sau".
Liên quan đến nội dung này, Trưởng phòng GD - ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng lý giải, do phong tục tập quán của người dân không chỉ ở xã Tam Hưng mà tại các xã như Bình Minh, Thanh Cao, Phương Trung là những địa phương có lễ hội đông người tham dự, nên Ban Giám hiệu và UBND các xã thường xin cho HS nghỉ học để tránh bị ảnh hưởng tiếng ồn của lễ hội. Việc làm này đã diễn ra từ nhiều năm trước. Cứ có hội làng là ban giám hiệu các trường lại có văn bản xin Phòng GD - ĐT cho HS nghỉ học.
"Để không xảy ra tình trạng này, Phòng sẽ quán triệt tới ban giám hiệu các trường phải thực hiện đúng quy định, thực hiện tốt năm kỷ cương hành chính, không cho HS nghỉ học vào ngày hội làng nếu là ngày đi học. Để xảy ra sự việc trên, Phòng xin rút kinh nghiệm sẽ không để vi phạm tái diễn" - ông Dũng khẳng định.
Theo Kinhtedothi.vn
Gieo chữ nơi 'ốc đảo' Cồn Chim Chòng chành trên những chuyến đò vượt sóng ra Cồn Chim dạy chữ, những người giáo viên vẫn từng ngày thầm lặng với công việc của mình. ảnh minh họa Muốn đến Cồn Chim phải đi nhờ ghe của dân bản xứ hết 15 phút. Điểm trường Cồn Chim hiện có hai khối lớp: Mầm non, trực thuộc trường mầm non xã Phước...