Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái
Gia đình có 4 chị em, Lò Văn Tân may mắn được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng và trao cơ hội học tập đầy đủ.
Lò Văn Tân (20 tuổi), chàng trai người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn La, một tỉnh thuộc vùng núi cao Tây Bắc (Ảnh: NVCC).
Tân hiện là sinh viên năm 2 ngành Y học dự phòng, Khoa Y tế cộng đồng, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
“Khu vực em sinh sống chủ yếu là người dân tộc Thái, đa số mọi người quan niệm chỉ cần học hết cấp 1 hoặc cấp 2 để biết tiếng phổ thông là có thể đi làm kiếm tiền. Vì vậy, em cảm thấy mình rất may mắn khi được theo đuổi con đường học vấn lên đến tận đại học như hiện tại”, Lò Văn Tân chia sẻ.
Lò Văn Tân trong bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Thái (Ảnh: NVCC).
Quyết không nản chí, thi đại học 2 lần
Người dân sinh sống tại xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, quê nhà của Lò Văn Tân hầu hết là người dân tộc Thái và mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống kinh tế nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, gia đình Tân cũng không ngoại lệ.
Hai chị gái trong nhà chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học đi làm để phụ giúp gia đình. Chị cả của Tân cũng có cơ hội tiếp cận với môi trường cao đẳng, nhưng vì khó khăn kinh tế và chẳng thể bén duyên với nghề nên cũng đành trở lại quê nhà để làm kinh tế.
“Các chị em nghỉ học không phải vì bố mẹ ép buộc mà do các chị đã sớm nhận thức được những khó khăn, vất vả mà bố mẹ em phải gánh. Các chị quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình và trao lại cơ hội được học hành đầy đủ cho em út là em”, chàng sinh viên người Thái ngập ngừng nói.
Để đến được với giảng đường đại học, Lò Văn Tân phải trải qua không ít khó khăn, trắc trở. Thời cấp 1, mỗi ngày Tân đều phải đi bộ khoảng 3-4 km để đến được với điểm trường. Bước sang cấp 2, quãng đường di chuyển tới trường tăng lên thành 5 km. Khi đó, cậu con trai út đã được gia đình dành dụm mua cho một chiếc xe đạp để thuận tiện cho việc học hành.
Khi bước vào cấp 3, khoảng cách từ nhà Tân đến trường lên đến 13 km. Thấy việc di chuyển xa bằng xe đạp rất nguy hiểm, bố mẹ Tân đã quyết định đăng ký cho con trai đi học cùng xe đưa đón học sinh trong bản, dù kinh tế gia đình còn thiếu thốn.
Đáp lại sự kỳ vọng, mong mỏi của bố mẹ, 12 năm học phổ thông, Lò Văn Tân luôn đạt được danh hiệu học sinh Giỏi. Tân là một trong 3 học sinh giỏi toàn trường cấp 3 và xuất sắc đạt được giải Khuyến Khích trong cuộc thi sáng tạo tác phẩm tiêu biểu do Bộ Tư Pháp tổ chức.
Từ những ngày đầu quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, Lò Văn Tân đã ấp ủ cho mình ước mơ trở thành thầy giáo. Được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo cùng bạn bè trong trường cấp 3, nam sinh dân tộc Thái đã đạt tổng điểm 29,5 ở khối C trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và trúng tuyển ngành Sư phạm tại trường Đại học Tây Bắc – tỉnh Sơn La.
Vượt lên mọi khó khăn về khoảng cách địa lý và kinh tế, Lò Văn Tân vẫn theo đuổi con đường học tập đến cùng (Ảnh: NVCC).
Những ngày đầu đi học xa nhà là chuỗi ngày khó khăn và đáng nhớ với Tân. Chàng trai dân tộc Thái nhanh chóng kiếm cho mình một công việc làm thêm sau giờ học trên lớp để phần nào giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình, đồng thời giúp bản thân rèn kỹ năng giao tiếp.
Đặc biệt, sau thời gian ngắn theo học ngành sư phạm và tiếp xúc với nhiều ngành nghề công việc khác trong xã hội hiện đại, chàng trai dân tộc Thái chợt nhận ra niềm đam mê thực sự của bản thân là ngành Y với chiếc áo blouse trắng.
“Ông nội là người đầu tiên nói cho em biết về ngành Y và công việc cao cả thầm lặng của những bác sĩ áo trắng. Nhớ lại những câu chuyện của ông nội kể khi giúp đỡ các y tá trong thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ, niềm yêu thích với ngành Y của em lại lớn dần theo từng ngày”, Tân kể.
Thời điểm đó, Lò Văn Tân vừa theo học ngành sư phạm, vừa đi làm thêm, vừa quyết tâm ôn thi lại để chạm tới ước mơ mãnh liệt hơn là trở thành bác sĩ. Áp lực học hành và công việc làm thêm khiến Tân đôi lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đồng hành cùng chàng trai luôn là sự ủng hộ, động viên hết mình từ gia đình.
Video đang HOT
“Bố mẹ em cũng luôn hỏi thăm và động viên em bất cứ khi nào em cần. Bố mẹ nói, bố mẹ chẳng có điều kiện để được ăn học đầy đủ, nên đành chấp nhận công việc chân tay nặng nhọc để mưu sinh. Con phải cố gắng học tập thành tài, khó khăn đến mấy bố mẹ cũng xoay sở được. Nhớ đến câu nói của bố, em lại càng có thêm động lực để theo đuổi ước mơ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng”, Lò Văn Tân xúc động chia sẻ.
Tân bồi hồi xúc động mỗi khi nghĩ về bố mẹ, nguồn động lực cũng như chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của mình (Ảnh: NVCC).
Sau một năm cố gắng nỗ lực, Lò Văn Tân chính thức viết tiếp giấc mơ trở thành bác sĩ. Chàng trai dân tộc Thái đạt 24 điểm khối B trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và trúng tuyển vào ngành Y học dự phòng thuộc trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
Chàng sinh viên đa-di-năng
Trải qua một năm học tập tại Thành phố Sơn La, Tân cũng tích lũy được những kỹ năng kinh nghiệm để không gặp phải bỡ ngỡ của một tân sinh viên đi học xa nhà. Tuy vậy, cuộc sống mới tại một tỉnh thành phố cách nhà hơn 300 km và ngành học đặc thù mới mẻ ít nhiều cũng gây khó khăn cho chàng sinh viên dân tộc Thái.
Tuần học đầu tiên, Lò Văn Tân nhận ngay một cú sốc tâm lý khi điểm kiểm tra đánh giá của nam sinh rất thấp, điều trước đó chưa từng xảy ra. Môi trường mới, cuộc sống mới khiến việc làm quen bạn bè lại từ đầu cũng là một thử thách lớn đối với chàng sinh viên dân tộc Thái.
Khi gặp áp lực trong học tập và cuộc sống, Tân chọn cách chia sẻ cùng gia đình và bạn bè thân thiết để tìm lại sự tự tin. Chàng sinh viên dân tộc Thái mau chóng lấy lại bình tĩnh và tập trung tìm tòi, học hỏi các phương pháp học phù hợp và cách giao tiếp cởi mở hơn với bạn bè.
Kết thúc năm học thứ nhất, Lò Văn Tân xuất sắc đạt được học bổng khuyến khích học tập từ trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Bên cạnh đó, chàng sinh viên dân tộc Thái còn năng nổ tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm tại trường.
“Em may mắn khi đã đậu phỏng vấn làm Chi hội Trưởng chi hội sinh viên của lớp. Từ đó, em đã lấy lại được sự tự tin và chủ động giao tiếp, cởi mở với mọi người. Chính nhờ sự cởi mở đó, em đã được các anh chị khóa trên chỉ bảo rất nhiều về cách phân bổ thời gian hợp lý để học tập hiệu quả và may mắn đạt được học bổng ở 2 kỳ học đầu tiên”, Tân kể.
Tân tích cực tham gia các phong trào tình nguyện do Đoàn – Hội tại trường phát động (Ảnh: NVCC).
Chàng trai dân tộc Thái lấy lại được sự tự tin, năng nổ tham gia rất nhiều câu lạc bộ chuyên môn tại trường như: CLB Văn nghệ TMC, CLB sinh viên 5 tốt, CLB Tình nguyện tiếp sức người bệnh và Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Học sinh Sinh viên Đại học Y Dược Thái Nguyên.
“Tham gia nhiều các hoạt động bề nổi giúp em trở nên tự tin hơn và học được rất nhiều điều bổ ích”, Tân chia sẻ.
Bên cạnh các hoạt động Đoàn – Hội tại trường, Lò Văn Tân còn tích cực tham gia phong trào hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Tháng 3/2021, Tân tham gia công tác hỗ trợ chốt kiểm dịch tại TP Thái Nguyên theo sự huy động của Đoàn trường.
Với tinh thần nhiệt huyết của sinh viên ngành Y trước việc tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, Lò Văn Tân xung phong đăng ký hưởng ứng lời kêu gọi chi viện từ thành phố mang tên Bác. Được đóng góp một phần công sức nhỏ giúp đẩy lùi đại dịch trong tình hình căng thẳng luôn là niềm tự hào của Lò Văn Tân mỗi khi nhắc lại.
Tân khi tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC).
“Ban đầu bố mẹ em không đồng ý cho em đi vì lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của em. Nhưng sau khi nghe em giải thích và thấu hiểu được ý nghĩa của việc em làm, bố mẹ lại là người động viên và là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất mỗi khi em mệt mỏi sau những ngày dài đi hỗ trợ lấy mẫu”, Tân cho biết.
“Những ngày nắng nóng phải mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít cả ngày, rồi di chuyển nhiều địa điểm lấy mẫu với thể trạng mệt mỏi và say xe, trong đầu em cũng xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tuy vậy, khi đến các điểm lấy mẫu, được gặp người già, trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay được người dân địa phương tặng hoa quả, chứng kiến nhiều y bác sĩ kiệt sức ngất lịm đi, những suy nghĩ vẩn vơ lại tan biến hết. Về đến nhà chỉ cần gọi điện cho bố mẹ và nhận được những câu an ủi động viên, em như sạc thêm nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục nhiệm vụ”, Tân xúc động kể.
Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, cùng chiếc áo blouse trắng để cống hiến sức trẻ giúp đỡ mọi người trong thời điểm dịch bệnh, ngọn lửa đam mê trở thành Bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái – Lò Văn Tân ngày càng rực cháy.
Hiện tại, Tân tiếp tục tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại Trạm Y tế lưu động – Phường Chùa Hang – TP Thái Nguyên. Những hoạt động hỗ trợ tình nguyện cùng các phong trào Đoàn – Hội dần xóa đi hình ảnh chàng trai dân tộc Thái rụt rè, bỡ ngỡ ngày nào. Thay vào đó là một Lò Văn Tân trưởng thành, trách nhiệm, tình cảm và cởi mở hơn từng ngày.
Giấu bố mẹ đăng ký vào đại học, cô gái H'Mông 'chạm tay' vào ước mơ làm bác sĩ
Vượt qua mọi định kiến nơi bản nghèo, nữ sinh H'Mông kiên trì theo đuổi ước mơ học đại học để trở thành bác sĩ cứu người.
Muốn làm bác sĩ vì bà nội hay bị ốm
Sinh ra và lớn lên tại một bản nghèo vùng cao, ngay từ nhỏ, Giàng Thị Mỷ, cô gái người H'Mông đã luôn ấp ủ giấc mơ về một tương lai tươi sáng, để thoát khỏi cuộc sống quanh năm vất vả bên ruộng lúa, nương ngô...
Cũng nhờ có sự kiên định, mà cô gái nhỏ nhắn Giàng Thị Mỷ trở thành sinh viên đại học đầu tiên ở thôn Tìa Chớ (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) khi vừa chính thức trở thành sinh viên trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên.
Nữ sinh Giàng Thị Mỷ với vóc dáng mảnh khảnh nhưng luôn theo đuổi ước mơ lớn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Cả thôn Tìa Chớ, ngoài em ra, chẳng có bạn nào chịu kiên trì để học hết lớp 12, chứ đừng nói là đi học đại học. Nhưng em thấy cuộc sống của bà con mình quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì cực khổ quá, chỉ có đi học lên cao, mới có cơ hội thoát nghèo, mới có tương lai tươi sáng hơn. Vậy nên, mặc dù bạn bè đồng trang lứa dần dần lập gia đình hết, em vẫn luôn tin vào sự lựa chọn của bản thân", Mỷ tâm sự.
Nhắc đến ước mơ của mình, nữ sinh không ngần ngại giãi bày: "Hồi nhỏ, trong con mắt của những đứa trẻ vùng cao như chúng em, chẳng biết đến nghề nghiệp gì ngoài giáo viên và bác sĩ. Thú thực, khi ấy, chúng em vốn vẫn chưa biết đến những ngành nghề "hot" liên quan đến lĩnh vực kinh tế như bây giờ. Nhà em lại gần trạm y tế xã, nên ngày ngày chứng kiến công việc ý nghĩa của những "thiên thần áo trắng", em dần có một niềm yêu thích được nhen lên từ trong suy nghĩ.
Từ năm học lớp 4, mỗi lần học môn Mỹ thuật, có chủ đề "vẽ về ước mơ và nghề nghiệp yêu thích", là lần nào em cũng vẽ tranh về bác sĩ, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.
Thêm một lý do nữa, đó là bà nội em thường xuyên đau yếu, cứ dăm bữa nửa tháng bà lại cần lấy thuốc, rồi lâu lâu lại phải điều trị tại trạm xá hay bệnh viện. Vậy nên, em càng có thêm động lực để theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi, có thể góp một phần sức mình để cứu chữa cho người bệnh".
Nhà trong bản sâu, nên ngay từ những năm học lớp 4, lớp 5, Mỷ đã phải xa bố mẹ, gia đình để xuống điểm trường trung tâm học. Tiếp sau đó, là những chuỗi ngày đằng đẵng học nội trú tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Mỷ chăm chỉ lên thư viện đọc sách mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mỷ chia sẻ: "Hồi đầu, khi mới phải xa bố mẹ, xa chị gái để đi học tại điểm trường trung tâm, em cũng nhớ nhiều lắm. Em khóc suốt gần cả tháng trời, cứ khi nào nhớ nhà là lại khóc. Rất may, được thầy cô động viên, bạn bè cũng chia sẻ, nên em đã nhanh chóng quen với môi trường. Và theo thời gian, em lớn dần lên, em cũng hiểu hơn, rằng mình phải chịu khó học tập, thì mới có thể bước đến được cánh cổng trường đại học mà mình mơ ước. Thế là, những cảm xúc xa lạ ban đầu đã dần tan biến, thay vào đó, em cảm nhận được sự ấm áp của thầy cô, bạn bè ở trường học cũng giống như những người thân trong gia đình vậy".
Cứ như vậy, cô học trò nghèo H'Mông miệt mài học tập, không chỉ chăm chú trong giờ thầy cô lên lớp, mà còn tranh thủ tận dụng tốt những giờ tự học và học nhóm cùng bạn bè để tích lũy kiến thức cho mình.
Xác định được ước mơ từ sớm, nên ngay khi vừa trở thành học sinh lớp 10, Giàng Thị Mỷ đã dành nhiều thời gian hơn cho ba môn xét tuyển khối B, là Toán, Vật lý và Hóa học. Suốt ba năm học trung học phổ thông, Mỷ yêu thích và dốc nhiều tâm tư nhất cho môn Hóa, cô học trò nhỏ đã giành giải Nhì học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh.
"Có thể đó chưa phải một thành tích gì đáng kể, nhưng với riêng bản thân em, đó cũng là động lực khiến em tự tin hơn, khi đứng trước một kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay", nữ sinh bộc bạch.
Mỷ phụ bố mẹ chăm em nhỏ mỗi dịp về thăm nhà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Bố mẹ bảo, tự lo được thì hãy đi học!"
Với những nỗ lực học tập và nhiều đêm thức ôn thi đến tận khuya, cô học trò Giàng Thị Mỷ (lớp 12A1, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang) đã đạt tổng 26,2 điểm và giành suất vào Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên).
Tuy nhiên, một trở ngại nữa lại xuất hiện với "bông hoa của núi rừng Đông Bắc", ngay cả khi đã có giấy báo trúng tuyển đại học về tận thôn bản.
Cô học trò người H'Mông trong một giờ học nghề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Thực ra, chuyện em thi đại học là một bí mật. Em đã giấu bố mẹ, lén nộp hồ sơ để đăng ký dự thi. Trong suốt khoảng thời gian trước đó, mỗi lần em ngỏ ý với bố mẹ về ước mơ học đại học của mình, bố mẹ thường gạt đi, với lý do, gia đình mình không có điều kiện để theo.
Và em cũng tự nhận thấy những khó khăn ấy vốn đã đeo đuổi không riêng gia đình em, mà vẫn đang hiển hiện bao trùm cả thôn suốt nhiều năm qua...
Trong bản, không ít người cho rằng, con gái không cần phải đi học quá nhiều, chỉ cần biết chữ rồi ở nhà lấy chồng cho yên phận, là xong.
Tuy nhiên, em vẫn ấp ủ một niềm hy vọng nào đó, vẫn quyết tâm đi thi. Đến khi có giấy báo trúng tuyển, lại một lần nữa em đề cập đến chuyện xin bố mẹ đi học. Em thậm chí đã phải nhờ cả giáo viên chủ nhiệm đến nhà thuyết phục. Nhưng chỉ cần nghe nói đến chuyện học đại học, đã là bao khoản chi phí hiện lên trước mắt, huống hồ, ngành mà em chọn lại phải theo học đến tận 6 năm...
Lần này, bố mẹ em bảo thẳng: "Nếu tự lo được, thì hãy đi học! Bố mẹ không giúp được gì đâu".
Nghe câu ấy, em cảm thấy rất mừng, vì em biết, trong lòng, bố mẹ cũng muốn em có thể theo đuổi ước mơ, muốn em sau này có công ăn việc làm ổn định. Nhưng nhà em nghèo khó quá, chị gái lớn vừa đi lấy chồng, nếu em đi học xa, sẽ không còn ai phụ giúp việc đồng áng, mà dưới em lại còn hai em nhỏ, đứa mới lên 3, đứa chưa đầy 1 tuổi, bố mẹ lại càng vất vả... nên mới mong em ở nhà...", Mỷ ngập ngừng chia sẻ.
Buổi chụp kỷ yếu đáng nhớ của nữ sinh Hà Giang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ngừng lại một chút, nữ sinh 18 tuổi tiếp tục tâm sự: "Thương gia đình bao nhiêu, em lại càng mong muốn được đi học bấy nhiêu. Đó là cách để em thực hiện ước mơ, cũng là cách để em có thể giúp gia đình mình sau này. Thế là em quyết định liên hệ và viết đơn xin được giúp đỡ từ một bệnh viện tại Hà Giang, vốn có chính sách nhận "đỡ đầu" cho những sinh viên nghèo muốn theo học ngành y.
Cuối cùng, phía bệnh viện đã đồng ý hỗ trợ em học phí trong suốt 6 năm học, và nếu em tốt nghiệp loại ưu, em cũng sẽ được nhận vào làm. Vậy là em sẽ không phải lo đi xin việc bên ngoài, mà lại được góp sức, cống hiến cho chính quê hương của mình. Vậy nên, việc mà em cần tập trung bây giờ chính là học tập cho thật tốt".
Từ lúc biết tin Giàng Thị Mỷ đỗ đại học, họ hàng, làng xóm ai cũng mừng vui ra mặt, vì trước đó, cả xóm chưa có ai tốt nghiệp được trung học phổ thông.
"Bà nội và các cô, các thím của em ai cũng động viên tinh thần, những lời khích lệ của mọi người cũng ít nhiều tác động đến việc em được đi học đại học, mặc dù bố là một người trầm tính và khó lay động...", cô nữ sinh khẽ nở một nụ cười.
Giàng Thị Mỷ trong ngày chia tay gia đình để về trường nhập học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hiện tại, cô tân sinh viên Giàng Thị Mỷ đã về nhập học tại trường đại học. Vượt gần 400km từ quê nhà xuống thành phố Thái Nguyên, cô nữ sinh không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Nhưng may mắn, vì Mỷ còn có hai người bạn học cùng theo đuổi giấc mơ đại học, cũng xuống nhập học đợt này, nên có thể san sẻ phần nào.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Mỷ cho biết: "Vì phía bệnh viện chỉ hỗ trợ học phí, còn các chi phí sinh hoạt khác, em phải tự lo, nên em sẽ đi làm thêm để có thể trang trải trong những năm học này. Do mới từ quê xuống nên em vẫn chưa quen với môi trường ở đây, em sẽ tìm việc trong khoảng một vài tuần tới, khi đã bắt đầu quen chỗ".
"Em đã được rất nhiều người kỳ vọng, chi sẻ và ủng hộ, nên chắc chắn, em sẽ nỗ lực hết sức mình để không phụ sự quan tâm của mọi người. Em hy vọng, mình sẽ hoàn thành tốt ngành học Bác sĩ đa khoa của mình, để có thể thực hiện ước mơ từ thơ bé", gương mặt khả ái bỗng ánh lên một niềm tin rạng rỡ.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển nguyện vọng bổ sung ngành y khoa Ngành y khoa là một trong 48 ngành học mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung trong đợt này. Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Đ.L Chiều ngày 24.9, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho 48 ngành đào...