Hành trình 4 năm chữa trầm cảm bằng thiền định của cô gái trẻ
Năm 2015, bố mẹ ly hôn, em trai đi tù, nhiều lần Linh tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến mẹ cô gái dừng lại.
Từ một cô gái năng động, hoạt bát, trầm cảm khiến Phạm Mai Linh 25 tuổi ở Gia Lai trở thành một con người khác. Cô lầm lỳ, buồn chán và sợ hãi tất cả những gì xảy ra xung quanh sau cú sốc gia đình.
Bốn năm trước, bố mẹ Linh ly hôn. Vài tuần sau, em trai đi tù. “Tôi khóc liên tục và tự giam mình trong phòng. Ý nghĩ muốn tự tử để giải thoát luôn ám ảnh tôi mỗi ngày. Nhưng hình ảnh người mẹ hiện lên khiến tôi dừng lại suy nghĩ đó”.
Mai Linh ở trung tâm thiền tại Thái Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tháng 11/2015, một người bạn mời Linh tham gia lớp thiền. Cô học cách giảm những suy nghĩ tiêu cực ám ảnh mình trước đó. Từ đây, cô chuyển sang ăn chay và tập yoga mỗi ngày.
Trong thời gian này, Linh làm trợ lý cho một huấn luyện viên sức khỏe. Sống trong môi trường tốt hơn nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn ảnh hưởng đến tâm trạng Linh.
“Dường như nhận thấy tôi không ổn, huấn luyện viên khuyên tôi hãy tạm dừng công việc. Trước tiên, tôi cần chữa lành căn bệnh trầm cảm của mình”.
Nghe theo lời khuyên, Linh tham gia khóa tu Vipassana (thiền tịnh khẩu) trong một ngôi chùa tại Đồng Nai kéo dài 10 ngày. Những người tham gia không được phép nói chuyện hay giao tiếp, thậm chí nhìn nhau bằng mắt. Mọi thứ trở nên im lặng, kể cả bước chân. Họ chủ yếu tập thiền và lắng nghe giáo lý của các nhà sư.
Video đang HOT
Sau khóa tu, Linh trở về Gia Lai thăm mẹ. Cô ngạc nhiên khi nhận ra vẻ đẹp của bà, điều mà Linh chưa bao giờ thấy trước đây. Vẻ đẹp của đôi mắt, khuôn mặt, cơ thể và tâm hồn. “Đó là lần đầu tiên tôi nói yêu mẹ”.
Năm 2017, Linh đến trung tâm thiền Làng Mai ở Thái Lan, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xây dựng. Trong tu viện có 200 tu sĩ nam nữ huấn luyện các học viên cuộc sống chánh niệm. Người tham gia học cách cảm nhận, ý thức với hơi thở, bước đi và bất cứ điều gì xung quanh cuộc sống.
Linh chia sẻ, trong suốt một tháng tu, cô hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của mình. Cô gái trẻ nhận ra mình không thể giúp mẹ, cha và em trai hay thay đổi bất cứ điều gì nếu bản thân không hạnh phúc.
“Điều đầu tiên tôi cần làm là chấp nhận những gì đã xảy ra với gia đình. Sau đó, chữa lành căn bệnh của bản thân và trở thành một người hạnh phúc”, Linh nói.
Một tuần sau khi về Việt Nam, Linh tiếp tục lên đường đến Nasik ở Ấn Độ. Mỗi ngày, cô thức dậy sớm, tập thiền, yoga, ăn chay, tụng kinh, dọn dẹp và nấu ăn
Linh cho biết trái tim cô rộng mở hơn để giải phóng tất cả nỗi buồn, cải thiện sự thấu hiểu về bản thân và sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra.
Trở về Việt Nam tham gia khóa thiền kết hợp nhảy múa, Linh (áo hồng) đã chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh trầm cảm của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2018, khi bắt đầu tham gia khoá thiền kết hợp với nghệ thuật nhảy múa, cô gái trẻ đã chính thức chữa lành hoàn toàn căn bệnh của mình.
Phương pháp có tên Transforming Art (Nghệ thuật chuyển hóa cảm xúc) bao gồm các bài tập nghệ thuật và chánh niệm khác nhau. Người tham gia trị liệu học cách ngồi thiền và chuẩn bị tâm lý cân bằng. Họ thoải mái nhảy múa, ca hát, sáng tác, nấu ăn…
Từ sinh viên năm cuối đại học ngành makerting, Linh từ bỏ để theo đuổi nghề giáo viên yoga. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trực tiếp hướng dẫn học viên, thiền sư Ojas cho biết những ai mắc chứng trầm cảm, thường gặp áp lực trong cuộc sống, muốn được giải tỏa tâm lý, thích hợp để tập luyện phương pháp này. Mục tiêu là khuyến khích mọi người trở nên hoàn thiện, các mối quan hệ tốt đẹp hơn và biết cách chấp nhận nỗi buồn như một điều thiết yếu của cuộc sống.
“Nhờ yoga và thiền, tôi đã chữa lành căn bệnh trầm cảm của mình. Tôi không còn là Linh của 4 năm trước. Mai Linh bây giờ đã biết yêu thương bản thân, bớt sợ hãi và dễ dàng tìm thấy hạnh phúc từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống”.
Cẩm Anh
Theo VNE
Cách điều trị trầm cảm do mạng xã hội
Mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ gây trầm cảm bởi nó khiến người dùng thường xuyên trải nghiệm cảm xúc tiêu cực.
Mạng xã hội kết nối con người nhưng cũng dẫn đến vô số nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là trầm cảm. Chia sẻ với Chosun, giáo sư Myung Woo-jae từ Bệnh viện Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho biết: "Sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý người dùng, đặc biệt với những ai không giỏi quản lý cảm xúc. Nếu người dùng mãi mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm là điều khó tránh khỏi".
Nguyên nhân của hiện tượng trên bao gồm áp lực, kỳ vọng ảo về việc tương tác trên mạng xã hội, quá nuông chiều bản thân cũng như luôn so sánh và thấy mình kém hơn người khác. Giáo sư Kim Sun-mi tại Bệnh viện Đại học Chungang lý giải, vì luôn muốn được chú ý nên có những người liên tục cập nhật tài khoản của mình hay để lại bình luận trên bài đăng của người khác. Nếu lượt tương tác không được như mong đợi mà thay vào đó là những bình luận thiếu thiện chí, rất có thể người dùng sẽ thấy buồn chán hoặc thất vọng.
Ảnh: Chosun.
Thực tế, người dùng mạng xã hội, nhất là những ai trầm tính thường ghen tị với cuộc sống "có vẻ hoàn hảo hơn" của người khác. Hơn nữa, việc cập nhật trạng thái quá nhiều hoặc luôn muốn đăng tải lên mạng xã hội cũng có thể khiến người dùng cảm thấy trống trải.
Theo giáo sư Kim, dừng tất cả các hoạt động trên mạng xã hội một cách đột ngột không phải là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả bởi người dùng sẽ quay sang nghiện tivi hoặc game online. Thay vào đó, các chuyên gia gợi ý mỗi cá nhân nên giảm dần dần thời gian online.
"Lướt mạng xã hội vào ban đêm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Mọi người chỉ nên sử dụng mạng xã hội vào ban ngày, tránh để ảnh hưởng đến giấc ngủ," giáo sư Myung đưa ra lời khuyên.
Trên hết, cách tốt nhất để điều trị căn bệnh trầm cảm do mạng xã hội là tìm cho mình một sở thích mới. Một khi bận rộn, bạn sẽ không còn thời gian online. Ngoài ra, nếu lên mạng xã hội, hãy tránh tham gia tranh luận bởi những cuộc cãi vã này không bao giờ kết thúc. Thậm chí, bạn nên phớt lờ tất cả các bình luận. Mục đích của mạng xã hội là ghi lại cuộc sống, kết nối bạn bè nên việc bận tâm đến suy nghĩ của người xa lạ thật vô nghĩa.
Trường hợp chứng mất ngủ và những suy nghĩ tiêu cực vẫn tiếp tục bám lấy bạn, hãy gặp bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Lê Hằng
Theo VNE
9 cách hữu hiệu để đánh bay căng thẳng Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến các chức năng khác nhau của cơ thể và làm tăng nguy cơ về các vấn đề như mất ngủ, rối loạn ăn uống, trầm cảm, cảm lạnh và tim mạch. ShutterStock Để giúp duy trì sức khỏe tổng thể, dưới đây là một số cách giúp bạn dễ dàng giải tỏa căng thẳng mà vui...