Hành trình 11 năm chèo ghe “bám lớp” của cô giáo người Mường
Bỏ lại thanh xuân nơi đất liền phồn thịnh, cô giáo Đinh Thị Vân Anh (giáo viên Trường Tiểu học Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) quyết tâm chèo ghe “bám lớp” nơi xã đảo xa xôi, làm tất cả vì tình yêu nghề, yêu trẻ.
Người “chèo đò” nơi đầu sóng
Nằm ở phía Đông và tách biệt hoàn toàn với vùng đất liền của TP.Hồ Chí Minh, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được xem là nơi khó khăn nhất của thành phố. Bởi, người dân nơi đây chủ yếu bám biển đánh bắt nhỏ lẻ và làm muối sinh sống qua ngày. Họ gặp khó khăn về kinh tế và luôn nghĩ đơn giản rằng: “Cho con đi học, về sau cũng chỉ đi cào, đi lưới”.
Đó cũng chính là trở ngại lớn nhất của các thầy cô nơi đầu sóng – những người phải có lòng yêu nghề hơn cả mới có thể trụ lại với nghề, với các em nhỏ – như cô Đinh Thị Vân Anh – giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh).
Cô giáo Đinh Thị Vân Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận giấy khen thưởng của huyện. (Ảnh: NVCC)
Vốn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học Hà Tĩnh, cô Vân Anh được bố mẹ chăm lo đùm bọc với mong muốn sau này con gái có cuộc sống yên bình. Nhưng với sức trẻ, với tinh thần yêu trẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2009, cô đã xung phong ra xã đảo Thạnh An công tác, dù biết có khó khăn thử thách phía trước.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Cô được phân công giảng dạy bộ môn âm nhạc tại hai điểm trường (cơ sở chính tại Thạnh An, có 362 học sinh và cơ sở Thiềng Liềng, có 48 học sinh). Cách đây chục năm, ấp Thiềng Liềng hoàn toàn không có điện, nước sinh hoạt hạn chế.
Nhớ lại ngày đầu tiên đến xã Thạnh An, cô bồi hồi: “Ngày ấy, lần đầu nhìn thấy đò ghe tôi rất sợ, bởi trước đó tôi có “bệnh” sợ nước. Tuần đầu tiên đi dạy, tôi bị sốt 42 độ do không hợp thời tiết kèm say sóng và áp lực công việc lớn. Đến bây giờ, khi đã quen với cuộc sống nơi đây, tôi thực sự coi Thạnh An là ngôi nhà thứ hai của mình”.
Vì học sinh xã đảo thân yêu, cô giáo Vân Anh luôn nỗ lực “bám lớp”. (Ảnh: NVCC)
Đó là những khó khăn ban đầu buộc cô sinh viên Vân Anh ngày ấy phải trải qua khi mới ra trường. Đó cũng là những kỷ niệm mà mọi lớp lang cát bụi thời gian vẫn không thể xóa nhòa.
“Lần đầu tiên nhận công tác, tôi mới biết ở đây không có điện và không có sóng điện thoại. Vì vậy, tôi phải nhờ người dân leo lên cây, treo điện thoại lên để tìm sóng” – cô Vân Anh nhớ lại.
Video đang HOT
Chưa dừng lại ở đó, cô gái trẻ năm ấy từ một người sợ nước giờ đây đã trở thành một giáo viên xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, nỗ lực đến trường dạy hát, dạy vẽ, dạy người cho học sinh miền đảo xa.
“Vì đây là xã huyện đảo, cách đất liền khá xa nên phương tiện di chuyển duy nhất là ghe, đò. Nhưng cả ngày chỉ có vài chuyến cố định. Vì vậy, khi làm việc xong rồi, muốn về đất liền, vẫn phải chờ ghe đò mới có thể di chuyển.
Những ngày thời tiết đẹp, việc di chuyển bằng đò ghe không gặp nhiều khó khăn. Song, vào những ngày mưa gió, đặc biệt là mùa gió chướng, các thầy cô vẫn hay trêu đùa mình đang được đi chơi cầu tuột, đang lướt ván trên sóng biển” – cô Vân Anh vui vẻ kể lại.
Cô Vân Anh đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội từ 1.4.2020. (Ảnh: NVCC)
“Mình đã chọn nghề, nên sẽ yêu nghề, bám lấy nghề”
Đã 11 năm trôi qua, kể từ khi cô đặt chân đến xã đảo Thạnh Anh xa xôi, trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, cô vẫn chưa một lần có suy nghĩ chuyển trường hay chuyển nơi công tác về đất liền. Cô cho rằng điều níu chân mình ở lại Thạnh An là lòng yêu nghề, yêu trẻ và tinh thần kiên định.
“Ở đâu cũng có khó khăn, không có khó khăn này sẽ có khó khăn khác. Vì vậy tôi luôn nghĩ, mình đã chọn nghề, mình sẽ yêu nghề, mình sẽ bám lấy nghề. Và đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục bước, tiếp tục chiến đấu và không bao giờ có ý định ngừng vươn lên. Đặc biệt, tôi vẫn luôn ghi nhớ câu dặn dò của mẹ thuở thiếu thời “Chịu khó hơn chịu khổ”" – cô giáo trẻ chia sẻ.
Cô Vân Anh cùng học sinh của mình trong giờ hoạt động văn nghệ ngoại khóa. (Ảnh: NVCC)
Khi được hỏi về nguyện vọng lớn nhất hiện tại, cô không ngần ngại trả lời ngay: “Mong mỏi lớn nhất của tôi là học sinh có tinh thần học cao hơn, cố gắng học tập thật tốt, học cho mình và học cho xã hội; đặc biệt phụ huynh sẽ quan tâm sát sao đến việc học tập của con em”.
Băng rừng đước nhận bài tập về làm
Những học sinh nhà ở sâu trong rừng đước như Ngô Kim Thanh thì không thể học trực tuyến mà thầy cô phải in bài tập và mỗi tuần các em lại băng rừng ra ấp nhận bài về làm, làm xong lại băng rừng đi nộp.
Thanh băng rừng đi nộp bài tập đã làm
Quãng đường rừng mà người dân ở đây cứ một mực khẳng định là chúng tôi không thể nào đi được vì xa, nhưng lại là đoạn đường hằng ngày cô học trò lớp 3 Trường tiểu học Thạnh An - điểm Trường Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ) đến trường và cũng là đoạn đường mà từ lúc nghỉ học vì dịch Covid-19, nhà Thanh không có mạng và điều kiện để học trực tuyến nên mỗi tuần Thanh phải lội bộ băng rừng ra ấp để nhận bài tập được in sẵn về làm.
"Tự học từ nhỏ nên con quen rồi"
Theo chân cô bé 9 tuổi Kim Thanh mang bài ra ấp nộp mà lâu lâu lại gọi ới lên từ đằng sau: "Em ơi chờ anh chị đi với". Sau những lúc đó tôi đều hỏi cô bé: "Đôi chân nhỏ xíu thế này mà sao em đi nhanh quá vậy?", thì cô bé hồn nhiên đáp: "Ngày nào con cũng đi nên quen rồi".
Nhưng hãi hùng hơn là khi đến cây cầu do ba mẹ em tự chế từ thân cây đước để Thanh tiện đến trường vào mùa mưa. Trước đây, người dân đắp một đoạn đường mòn trong rừng đước để băng ngang qua mà ra ấp, nhưng cứ mỗi mùa mưa, nước chảy xiết và làm mất dạng đâu mất con đường. Lo con đi mùa mưa nguy hiểm, cha mẹ Thanh mới làm cây cầu "tự chế" để an tâm hơn. Nhưng nhìn cây cầu sao hãi quá, dù chúng tôi đang đi vào mùa nắng nhưng vẫn có cảm giác rất bất an khi nghĩ đến trời mưa trơn trượt.
Thế mà đôi chân cô bé vẫn cứ bước thoăn thoắt trên cây cầu tự chế và vẫn câu nói hồn nhiên: "Ngày con đi mấy bận nên quen rồi".
Mấy bận mà Thanh nói là cứ 4 giờ sáng em đi học, trưa lại về nhà ăn cơm rồi tiếp tục đội nắng, băng rừng đến trường cho giờ học buổi chiều. Và ngày nào cũng vậy, khi gà đã lên chuồng đi ngủ thì em mới về đến nhà.
Bình thường ngày 4 lần băng rừng đến trường như vậy nên từ ngày nghỉ học ở nhà, cứ mỗi lần cô báo có bài tập từ xã đảo chuyển vào là em lại vội vàng băng rừng lên trường để nhận. Ở nhà riết, đôi chân em lại muốn đi và em có ngại gì việc băng rừng đi nhận bài tập.
Không được học trực tuyến, Thanh tự mày mò học trong sách và tự giải bài tập - ẢNH: HỮU VƯƠNG
Nhưng nhận về em cũng tự nghiên cứu bài học trong sách để có kiến thức giải bài tập. "Mình có biết gì đâu, mạng thì không rành mà chữ cũng không biết nên từ nhỏ đến giờ bé toàn tự học chứ mình cũng không biết gì mà chỉ cho con", chị Trang Kim Oanh (mẹ của Thanh) phân trần.
"Những bài mới thì làm sao con biết mà giải?", chúng tôi thắc mắc vì không hình dung được nếu không thể xem các bài giảng của thầy cô đăng lên mạng, cũng không được ba mẹ chỉ bày thì cô bé 9 tuổi này phải xoay xở thế nào.
Thế nhưng cô bé lại hồn nhiên nói: "Con tự học từ nhỏ nên quen rồi. Có điều bình thường đi học thì con được nghe thầy cô giảng, còn giờ ở nhà nên con chỉ biết mở sách ra xem rồi tự làm. Bài nào không hiểu thì con đành chịu, nhưng cũng ít bài không hiểu lắm ạ".
Đi lấy bài tập theo con nước...
Nếu nhà không phải ở trong rừng như Thanh, thì thời gian nghỉ học lâu ngày, những em nhỏ nơi đây đều theo cha mẹ vào ruộng muối cũng ở tít tận trong rừng đước để phụ gia đình làm những diêm dân nhí.
Nguyễn Hoài Nam (11 tuổi, học sinh lớp 5) cũng đã phải theo ba mẹ từ sau tết đến giờ nên việc học của Nam cũng khó khăn muôn phần. Vì không có thời gian để băng rừng cuốc bộ đi nhận bài tập nên cứ chờ con nước lên, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (mẹ của Nam) mới lái vỏ lãi đưa Nam đến trường nhận bài tập.
Học sinh không có mạng internet xem bài giảng nên phải lên trường nhận bài tập về làm
"Mình sống ở đây phải lệ thuộc vào con nước, có hôm thầy gọi vào báo có bài tập về nhưng phải chờ con nước lên mới đưa con sang nhận bài được. Có hôm con nước lên thì trời cũng nắng, mà nắng thì phải ra ruộng làm muối, cũng tranh thủ lắm để con còn có cái mà học bài chứ không là thua bạn thua bè", chị Thủy nói.
Học trực tuyến đã khổ, dạy trực tuyến cũng là quá trình gian nan đối với đội ngũ thầy cô giáo ở đây.
Cô Lê Quốc Thịnh, dạy khối lớp 2 của điểm trường, bày tỏ: "Ôi từ trước giờ có rành gì về mấy cái này đâu, mà công nghệ cũng mù nên phải mất một tuần đầu mới quen được. Thầy cô trẻ thì học còn nhanh, chứ những thầy cô có tuổi như tôi thì khổ trăm bề. Ngày đầu tiên làm một ngày không xong được nội dung một tiết dạy, làm cái này thì quên cái kia và phải mò học lại. Mà đầu tư cái laptop nhưng để lâu quá rồi không xài đến, giờ lôi ra thì hư mất phần loa nên phải đi mượn máy về mới thu âm được".
Chị Nguyễn Thị Hồ Điệp, dạy khối lớp 1, thì khẳng định việc học trực tuyến khó cho cả giáo viên và học sinh: "Đó giờ chưa bao giờ thu âm bài giảng và giảng để quay lại như thế này, bài đầu tiên làm là phải quay đến mười mấy hay 20 lần mới được do lúc đó cũng chưa biết cách cắt ghép. Về sau tự mày mò rồi các thầy cô chỉ dẫn cho nhau. Khổ nhất là những thầy cô có tuổi, mấy ngày đầu là xất bất xang bang luôn".
Nói rồi chị Điệp hài hước kể và mở cho chúng tôi xem những bài giảng mà lâu lâu lại nghe tiếng gà gáy và chó sủa: "Khổ lắm, ở nhà quay nên toàn những tiếng động không đâu vào đâu. Nhiều thầy cô cứ 1, 2 giờ là thức giấc dậy để ngồi thu âm đến sáng, vì giờ đó mới yên tĩnh được".
Quản lý tại điểm Trường Thiềng Liềng, thầy Lê Văn Phụng cho biết nhiều khi thầy cô đã rất vất vả để quay được bài giảng đưa lên, nhưng rồi các em cũng không xem được.
"Nhiều khi có em gọi điện cho mình và bảo là "ban ngày mở mạng không lên, nó cứ quay vòng vòng mãi nên tải bài xuống không được, chờ đến 10 hay 11 giờ đêm mới vào được mạng mà vừa mở lên thì con buồn ngủ quá nên đi ngủ luôn". Nên giải pháp tốt nhất là in bài tập cho các em làm, rồi em nào nếu không xem được bài giảng thì mở sách ra xem chứ thật sự tụi mình cũng hết cách. Khi nào đi học lại chắc phải dạy hết lại từ đầu cho các em", thầy Phụng kể.
Thế nhưng để có được bài tập gửi cho các em thì trường phải gửi ra ngoài huyện, in xong lại gửi đò về xã, từ xã lại chuyển đò qua ấp về cho trường.
Chặng đường để bài tập gửi đi in và về đến tay học sinh cũng bấp bênh và nhiều trắc trở như chặng đường mà cả đội ngũ thầy cô giáo và học sinh ở đây phải băng rừng vượt qua để đảm bảo được việc học trong thời gian nghỉ dài vì dịch bệnh.
Nữ Vương - Phạm Hữu
Người gieo mầm tri thức ở "vành đai xanh" TP. Cần Thơ Với tâm niệm phải thương yêu học sinh như chính con ruột con của mình, bao năm qua cô giáo Trần Thị Thùy đã nhận được sự kính trọng của học sinh, các phụ huynh và đồng nghiệp. Huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ được ví như "Vành đai xanh" hình cánh cung mềm mại ôm lấy thành phố Cần Thơ -...