Hành trang vào đời cho mỗi con người
Trường học phải dạy con người ta thành người, câu chuyện tưởng như rất cũ nhưng lại gây chú ý khi mới đây tại phiên họp Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhiều ý kiến cho rằng còn bất cập trong lĩnh vực này.
Điều này cũng có thể được cho rằng xuất phát từ chỗ dễ thấy nhất là thời gian qua có nhiều vụ việc tiêu cực trong học sinh; rộng ra là việc “ xuống cấp đạo đức” của một bộ phận công dân trong xã hội. Với lỗi này, dồn hết trách nhiệm cho nhà trường, cho hệ thống giáo dục là không công bằng, nhưng trường học cũng không thể thờ ơ với việc dạy người.
“Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về việc giáo dục đạo đức trong nhà trường. Tuy rằng ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dạy người nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng, mà “chỉ như cơn mưa rào, ào lên một lúc”. Việc dạy đạo đức đang được lồng ghép trong các môn học, theo kiểu “cài theo”, “cõng cùng”. Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng do nhà trường phải chiu áp lực nặng nề về thi cử (điểm số, tỉ lệ thi đỗ của học sinh) nên cả người quản lý trường học cũng như giáo viên thiếu động lực, thiếu trách nhiệm trong giáo dục đạo đức học sinh.
Ở một khía cạnh khác, nói như GS Nguyễn Lân Dũng và GS Phạm Tất Dong, trong nhà trường “thầy phải ra thầy” thì mới có “trò ra trò”. Như vậy, vai trò nêu gương của thầy cô giáo là vô cùng quan trọng, tác động sâu sắc và lâu dài tới lối sống, đạo đức của học sinh.
Trong dòng chảy của lịch sử, dù lúc rõ lúc mờ, nhưng chưa bao giờ phương châm “Tiên học lễ – Hậu học văn” bị đứt đoạn. Nói như cách nói của người hôm nay thì đó chính là “triết lý giáo dục” nền tảng của một nền giáo dục truyền thống: Dạy người trước khi truyền dạy kiến thức. Nhà trường cho ra “lò” những khóa học sinh điểm số học tập cao đã khó, nhưng còn khó hơn rất nhiều khi tạo ra được môi trường học đường lành mạnh, trong trẻo để từ đó có được những thế hệ công dân tốt. Tiếc thay, như đã nói, việc giáo dục đạo đức, hay là “dạy người” trong trường học đã không được chú trọng đúng mức, nhất là trong bối cảnh nhịp độ cuộc sống rất nhanh, rất mạnh; nhà trường dù có “kín cổng cao tường” thì cũng không phải là “ốc đảo” để “né” chuyện đời…
Đạo đức là phạm trù cao cả nhưng lại được vun sới, trui rèn từ những việc rất cụ thể, đôi khi là rất nhỏ bé. Nhưng bỏ qua cái nhỏ thì sẽ không có cái lớn. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp, yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm… cho học sinh. Các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải duy trì, phát huy. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành Giáo dục nếu đi ngược lại tinh thần này thì kiên quyết bỏ. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đề nghị huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động… trên tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.
Nhân đây xin được “bàn góp” đôi chút về mục đích học tập được UNESCO đề xuất cho một nền giáo dục hiện đại. Đó là “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”. Đây được coi là 4 trụ cột trong giáo dục của thế kỷ XXI. Thông điệp này xuất hiện từ năm 1997, trên cơ sở bản báo cáo nổi tiếng của Jacques Delors- Chủ tịch Ủy ban UNESCO về Giáo dục cho thế kỷ XXI (đệ trình UNESCO vào năm 1996). Bản báo cáo là ý kiến thống nhất của một hội đồng gồm 15 thành viên đến từ 15 nước trên thế giới. Ý tưởng quan trọng của “Bản báo cáo Delors” chính là khẳng định vai trò cơ bản của giáo dục trong sự phát triển xã hội và mỗi cá nhân nhằm thích ứng với những thách thức của thế kỷ XXI.
Video đang HOT
Nhìn vào thông điệp này của UNESCO có thể thấy cảnh báo rất lớn mà mỗi con người thời hiện đại phải đương đầu, cụ thể là trong thế kỷ XXI. Nếu không được chuẩn bị hành trang tốt ngay từ trong nhà trường thì vào đời sẽ khó khăn. Nói tóm lại, vai trò của hệ thống giáo dục, của nhà trường, của mỗi người làm nghề dạy học là rất quan trọng trong việc định hình và vun đắp cho sự thành công (hay thất bại?) của mỗi con người. Đó là khả năng định hướng đúng và hành động cụ thể, miệt mài của mỗi một nhà giáo đối với người học, khi xác định học sinh là trung tâm của nhà trường, của giáo dục.
Mà muốn như thế thì trong nhà trường không thể vì coi trọng việc truyền thụ kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức. Chân lý tưởng chừng giản đơn ấy nhưng không phải dễ thực hiện, vì muốn đạt được điều đó thì đòi hỏi phải có sự xoay chuyển nhận thức một cách mạnh mẽ, cả từ nhà trường đến mỗi gia đình và toàn xã hội. Tiếc thay, chân lý được đúc rút từ biết bao thành bại bao giờ cũng giản đơn nhưng không phải đã dễ ngộ ra.
Miên Thảo
Theo daidoanket
Chọn nghề vào đời: Sự lựa chọn cân não
Người ta vẫn nói: "Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời". Điều này hoàn toàn chính xác. Đường vào đời không phải là độc đạo. "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome".
Để sống được và cao hơn nữa là để sống một cuộc đời hạnh phúc, thành công, chúng ta có rất nhiều cách thức và sự lựa chọn khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, nhận thức và quyết tâm của mỗi người.
Điều cốt yếu nhất là chúng ta sẽ chọn học ngành gì, làm nghề gì để nghề đó có thể vừa nuôi sống được bản thân, mang lại cho chúng ta niềm vui, những cơ hội thăng tiến tốt lại vừa giúp ích cho cộng đồng và xã hội? Câu hỏi này không dễ trả lời.
Đứng trước thời điểm mang tính quyết định, các bạn trẻ cần tỉnh táo để có những lựa chọn phù hợp. Ảnh: Quang Vinh.
Có người may mắn chọn được nghề phù hợp ngay từ đầu nhưng cũng có những người phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc, sức khỏe mới có được đáp án chính xác cho mình. Vậy, để chọn được một ngành nghề phù hợp, chúng ta cần phải làm gì?
Có ba tiêu chí quan trọng cần lưu ý khi lựa chọn nghề nghiệp:
1. Chọn nghề mình có thể làm tốt nhất.
2. Chọn nghề mình yêu thích nhất.
3. Chọn nghề xã hội đang cần nhất.
Trước ngưỡng cửa vào đời, mỗi người phải tự tìm hiểu, so sánh, cân nhắc và tự đưa ra quyết định cuối cùng cho riêng mình. Ở trình độ lớp 9 hoặc lớp 12, các em học sinh cũng đã đuợc trang bị một phông nền kiến thức và khả năng tư duy nhất định rồi.
Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đã từng trải qua biết bao nhiêu ước mơ về nghề nghiệp tương lai. Bé trai thì hay mơ thành chú công an, bộ đội, cầu thủ, bác sĩ, luật sư... Bé gái thích trở thành cô giáo, người mẫu, ca sĩ, diễn viên... Ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai của trẻ con nhiều khi nó ngây thơ và hồn nhiên tới mức: ngày hôm nay vì ta thích ăn bim bim, kẹo mút... mà ta mơ lớn lên trở thành người bán hàng tạp hóa để được ăn quà vặt cho thỏa thích, ngày mai vì thích đọc truyện tranh quá ta lại đổi sang mơ trở thành chủ một hiệu sách thật to! Cái sở thích, đam mê nhiều khi nó rất dễ bị thay đổi. Vậy làm thế nào để biết mình thực sự đam mê công việc gì? Lại một câu hỏi khó được đặt ra.
Khi chúng ta làm một công việc mà chúng ta cảm thấy mình bị cuốn hút, càng làm càng say mê, tìm tòi khám phá, không thấy khó, không thấy khổ; càng khó, càng khổ càng hấp dẫn, thôi thúc bản thân muốn vượt qua mọi khó khăn để chinh phục những đỉnh cao của nghề; làm việc mà như đang tận hưởng, thưởng thức công việc, làm như không làm, luôn luôn có cảm hứng sáng tạo để phát triển... thì đó đích thực là một công việc dành cho bạn. Nhưng vấn đề là chúng ta phải quyết định chọn một nghề khi chúng ta chưa hề được làm thử mà hoàn toàn chỉ tìm hiểu nó trên lý thuyết, qua hình ảnh và quan sát từ người khác mà thôi thì sự nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra.
Thật chẳng có gì sung sướng bằng việc chúng ta được tự do chọn nghề, chọn công việc theo đúng sở thích, năng lực của mình. Đấy gọi là "người chọn nghề chủ động", chúng ta được quyền tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Nhưng cũng có rất nhiều người phải "chọn nghề thụ động", tức là chọn nghề theo hoàn cảnh, theo ý muốn và sự sắp đặt của người khác mà cụ thể là bố mẹ. Chỉ vì bố mẹ hoặc người thân công tác lâu năm trong nghề, có sẵn "suất thế chân" hoặc có mối quan hệ ngoại giao tốt để xin việc sau khi con ra trường nên chọn học ngành đó. Có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là mơ ước của tất cả mọi học sinh - sinh viên. Có em học sinh nhà nghèo quá, không đủ tiền ăn học mấy năm trời nên quyết tâm thi vào các trường được bao cấp trong suốt quá trình ăn học lẫn đảm bảo đầu ra, được bố trí việc làm sau khi ra trường như công an, an ninh, quân đội... mặc dù em thích làm nghề khác.
Nhưng dễ dàng xin được việc không có nghĩa là công việc ấy dễ làm, không phát sinh khó khăn. Bất cứ một ngành nghề, một công việc gì cũng có lúc nọ lúc kia, lúc thăng lúc trầm, có niềm vui và khó khăn riêng của nghề ấy. Nếu không thực sự yêu nghề, đam mê công việc, chúng ta sẽ không đủ kiên nhẫn để vượt qua thử thách, cảm thấy nhàm chán, dễ nản lòng, thối chí và bỏ cuộc. Phải làm một công việc mình không thích cũng giống như việc chúng ta phải chung sống với một người mà chúng ta không có tình yêu thương. Điều đó thật nhàm chán và tẻ ngắt, thậm chí như một sự tra tấn, cực hình.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan, chúng ta cũng cần xét các yếu tố khách quan khi chọn nghề. Chúng ta làm việc tức là chúng ta bán sức lao động. Vậy thì chúng ta phải tuân theo quy luật "cung - cầu". Chúng ta không chỉ bán thứ chúng ta có mà cần phải bán thứ thị trường cần thì mới đắt hàng được. Nhu cầu nhân lực của xã hội không cố định, không bất biến mà có tính thời điểm, thậm chí thay đổi với tốc độ chóng mặt. Ngành này, nghề này năm nay đang hot, thí sinh đâm đơn vào ầm ầm, điểm tuyển sinh cao chót vót, người làm nghề hái ra tiền nhưng có khi chỉ một vài năm sau nó đã trở nên lỗi thời, mất vị thế. Bởi vậy, để chọn được một nghề có tuổi thọ lâu dài cũng không hề đơn giản chút nào, nếu không nói là vô cùng cân não, có khi còn hên xui.
Thị trường lao động Việt Nam luôn luôn xảy ra tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ". Ai cũng mong mình đỗ đại học để được làm công việc trí óc, nhàn hạ hơn, thu nhập cao hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn công việc lao động chân tay thuần túy nên lĩnh vực sản xuất, thi công... luôn khan hiếm thợ có tay nghề, đặc biệt là thợ bậc cao. Nhiều cử nhân vừa ra trường đã ngay lập tức thất nghiệp. Người có điều kiện kinh tế thì tiếp tục theo học lên các bậc cao hơn để chờ cơ hội xin việc. Người bị thúc ép về kinh tế thì buộc phải vứt bằng cử nhân vào xó tủ để làm tạm công việc gì đấy kiếm sống qua ngày, cho dù trái ngành trái nghề hoặc lao động phổ thông. Thậm chí có nhiều người còn phải đăng ký học thêm nghề mới, lãng phí 4 - 5 năm trời ăn học đại học.
Để khắc phục tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ", hạn chế lãng phí chi phí đào tạo, để "cung" sát với "cầu" hơn thì Chính phủ đã phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025", trong đó đáng chú ý là: "Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS "rẽ ngang" sang học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học nghề ở trình độ cao đẳng". Đấy là chính sách vĩ mô từ trung ương. Còn bản thân mỗi học sinh cũng cần tự đánh giá năng lực của mình và tham khảo nhu cầu của thị trường lao động mà quyết định học tiếp lên cao hay rẽ ngang đi học nghề cho phù hợp.
Không có nghề nào không cao quý, không có nghề nào tự thân nó phân biệt đẳng cấp sang - hèn, sự phân biệt chẳng qua là do con người tự đặt ra và gán cho nó thôi. Mỗi một nghề chân chính đều có giá trị và sự cần thiết riêng. Tự mình làm việc để nuôi sống mình, mang lại lợi ích cho gia đình, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc thì đều được tôn trọng. Thầy cô, cha mẹ và các tổ chức giáo dục, các trung tâm môi giới - tuyển dụng lao động cần quan tâm, tư vấn, hướng nghiệp cho các em để các em có được sự lựa chọn đúng đắn nhất, sáng suốt nhất, sát với thực tế nhất. Để mỗi em sau khi học nghề, ra đời có thể nhanh chóng tìm được việc làm và làm việc bằng tất cả sự háo hức, say mê, nghiên cứu, cống hiến, chinh phục được nhiều đỉnh cao trong sự nghiệp. Hay chí ít ra, cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được làm nghề mình đã chọn, đã học. Để mỗi giây phút, mỗi giờ, mỗi ngày, được sống và làm việc là niềm vui chứ không phải là áp lực hay gánh nặng trách nhiệm.
Bất cứ sự lựa chọn sai lầm nào cũng phải trả giá. Có những sai lầm phải trả giá bằng cả một cuộc đời, không thể làm lại được. Sai lầm khi chọn nghề sẽ phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian, công sức và cơ hội thành đạt. Tôi mong các bạn trẻ khi đứng trước những thời điểm mang tính quyết định, hãy bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan để phân tích, lựa chọn và có được quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân mình. Khi thấy không phù hợp thì dám bước ra khỏi "vùng an toàn" để thay đổi và làm lại.
Phố Hoa
Theo daidoanket
Mang robot vào trường học Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của robot trong lớp học, từ đó họ bắt đầu tạo ra các chương trình cũng như nguyên tắc liên quan đến robot để kết hợp nó vào hệ thống giáo dục. Bằng cách dạy cho học sinh những điều cơ bản về robot, các nhà giáo dục có thể mở ra một thế...