Hạnh phúc từ những lớp học yêu thương tại Quảng Trị
Khác với những ngày bình thường, từ sáng sớm, em Hồ Thị Bảo Trân, lớp 2, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, đã dậy thật sớm chuẩn bị sách vở để đến với “Lớp học phụ đạo hè và hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh tiểu học”.
Nhằm xây dựng hành trang kiến thức vững chắc cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có học lực yếu… các cấp bộ Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai tổ chức nhiều lớp học bổ ích, ý nghĩa, góp phần hạn chế các nguy cơ về tai nạn thương tích, giúp các em có những trải nghiệm thú vị, tạo nên một mùa hè vui tươi, lý thú.
Các tình nguyện viên của Đoàn thanh niên sẽ dạy các em học sinh tập đọc, tập viết, làm toán cũng như các kỹ năng sống.
* Những giờ học đong đầy niềm vui
Khác với những ngày bình thường, từ sáng sớm, em Hồ Thị Bảo Trân, lớp 2, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, đã dậy thật sớm chuẩn bị sách vở để đến với “Lớp học phụ đạo hè và hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh tiểu học”. Nhà nghèo, không có tiền để đi học thêm nên mùa hè đối với Bảo Trân chính là những ngày lên núi hái sim, lên rẫy phụ bố mẹ hoặc bắt cá dưới sông.
Thế nhưng, hè năm nay mọi chuyện đã thay đổi từ khi lớp học phụ đạo hè và hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh tiểu học do các anh, chị đến từ Đoàn thanh niên thị trấn Krông Klang tổ chức ngay tại Nhà cộng đồng Khóm A Rồng. Tâm sự với chúng tôi, Bảo Trân chia sẻ: Cháu rất thích đến lớp học phụ đạo của các anh, chị đoàn viên, thanh niên. Ở đây cháu được các anh, chị dạy tập đọc, làm toán, viết chữ, cũng như được tham gia các trò chơi giữa giờ và uống sữa miễn phí. Cháu thấy rất vui và thích đi học.
Tâm sự của Bảo Trân cũng chính là tâm tư của 20 học sinh đang tham gia “Lớp học phụ đạo hè và hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh tiểu học” do Đoàn Thanh niên thị trấn Krông Klang phối hợp với Chương trình vùng Đakrông (Chương trình Phát triển vùng Tầm nhìn Thế giới World Vision) và Hội Phụ nữ thị trấn Krông Klang tổ chức từ ngày 23/6 đến nay, cho học sinh tiểu học trong các khóm A Rồng và Khe Xong của thị trấn Krông Klang, huyện miền núi Đakrông.
Những học sinh tham gia lớp học miễn phí chủ yếu có học lực trung bình, yếu. Lớp học được tổ chức 4 buổi/tuần từ thứ 2 đến thứ 5, thời gian vào lúc 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút. Các môn học được dạy tại lớp bao gồm Tiếng Việt và Toán. Bên cạnh đó, mỗi tuần lớp sẽ có riêng một buổi học với chủ đề “Lớp học thân thiện” để dạy kỹ năng sống cũng như chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với các em. Để thực hiện tốt lớp học này, trung bình mỗi buổi học sẽ có 3-4 tình nguyện viên là sinh viên, giáo viên sống trên địa bàn đăng ký tham gia giảng dạy.
Video đang HOT
Chị Hồ Thị Liên (28 tuổi), Khóm A Rồng, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, chia sẻ: Dịp hè hằng năm, mỗi lần đi làm rẫy vợ chồng chúng tôi rất lo lắng khi để cháu ở nhà một mình. Tôi rất sợ cháu sẽ xảy ra điều không may khi theo bạn bè ra suối, lên núi chơi, nhưng vì điều kiện kinh tế nên không thể ở nhà trông nom cháu được. Mọi chuyện đã thay đổi từ khi cháu tham gia lớp học phụ đạo hè của Đoàn thanh niên tổ chức. Bây giờ, tôi thấy cháu đã tự tin, mạnh dạn, vui vẻ và rất thích đi học. Cháu rất háo hức mong chờ đến ngày có lịch học để được lên gặp thầy, cô, bạn bè ở lớp, cũng như tự giác học bài hơn khi ở nhà…
* Mùa hè ý nghĩa và bổ ích cho học sinh vùng khó
Mùa hè của học sinh miền núi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn thương tích như tai nạn bom mìn, tai nạn đuối nước… Bên cạnh đó, do đặc thù ngôn ngữ, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số PaKô, Vân Kiều còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát âm tiếng Việt, học viết và các phép tính phổ thông. Chính vì vậy, việc tổ chức các lớp học như trên sẽ góp phần trang bị thêm nền tảng kiến thức giúp các em tự tin trước khi bước vào năm học mới.
Chị Hồ Thị Lương, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Krông Klang tâm sự: Để triển khai hiệu quả, trước khi tổ chức lớp học, đại diện Đoàn Thanh niên đã cùng với Hội Phụ nữ đến từng nhà vận động phụ huynh và học sinh tham gia. Ban đầu, các em còn rụt rè bỡ ngỡ, để tạo được sự gắn kết, chúng tôi đã cùng tâm sự, sẻ chia những khó khăn trong học tập, cuộc sống, cũng như những ước mơ, hoài bão của các em. Ngoài ra, trong giờ giải lao, chúng tôi cũng tổ chức thêm các hoạt động giải trí, trò chơi để tăng sự tương tác giữa các em với nhau và giữa học sinh với cô giáo. Qua quá trình nỗ lực, đến nay các em đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn, kiến thức cũng vững vàng hơn…
Trong mùa hè năm 2021, để góp phần hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, những học sinh học lực yếu… rất nhiều lớp học như trên đã được Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đồng loạt triển khai. Tiêu biểu như mô hình “Lớp học yêu thương” cho thiếu nhi chuẩn bị vào lớp 1 của Đoàn cơ sở Phường 4, thành phố Đông Hà; mô hình “Lớp học cho em” dành cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số của Đoàn cơ sở xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh; các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho thiếu nhi từ 6-12 tuổi của Ban Thường vụ Huyện Đoàn, Hội đồng Đội huyện Triệu Phong tổ chức… Các lớp học đã mang lại những kết quả khả quan, được học sinh và phụ huynh trên địa bàn đồng tình hưởng ứng.
Đoàn viên thanh niên tổ chức các hoạt động văn nghệ, giải trí giữa giờ giải lao tại một lớp học.
Anh Mai Văn Nam, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị cho biết: Các mô hình lớp học thêm miễn phí được Đoàn Thanh niên tổ chức trong dịp hè không chỉ giúp các em nâng cao kiến thức, mà còn trang bị thêm những kỹ năng sống cần thiết. Từ những lớp học như thế, các đoàn viên, thanh niên kịp thời sẻ chia, động viên các em nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt, hướng tới những ước mơ và một tương lai tươi đẹp. Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả, đồng thời tiến hành đánh giá lại để tìm ra phương hướng triển khai phù hợp thực tế với từng đối tượng, từng địa bàn…
TP Cẩm Phả: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện về giáo dục, TP Cẩm Phả đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tạo bước đột phá, đạt nhiều thành tích trong kỳ thi.
Trường TH-THCS Cộng Hòa, xã Cộng Hòa là một trong những trường nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi của TP Cẩm Phả với 50% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhà trường đã có những bước phát triển đáng mừng về giáo dục mũi nhọn. Riêng năm học 2019-2020, nhà trường có 15/16 học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố đạt giải.
Trong đó, có 3 giải nhì, 9 giải ba, 3 giải khuyến khích. Hiện, 12/16 học sinh của trường tiếp tục được tham gia đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Mai, một trong những giáo viên dạy môn lịch sử, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường, cho biết: Học sinh của nhà trường phần lớn ở cách xa trường. Do đó, giáo viên nhà trường phải thường xuyên vận động các em tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học, chúng tôi phải lựa chọn, khảo sát, đánh giá các em học sinh có tố chất, nhất là yêu thích môn học để ôn luyện. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy để khơi dậy sức sáng tạo của các em, tăng khả năng tiếp thu môn học.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An nhận giải tại Cuộc thi tìm hiểu Luật Lâm nghiệp và các quy định về PCCC rừng.
Không ngừng nâng cao chất lượng, Trường THCS Chu Văn An, phường Cẩm Bình hiện đang là cái nôi đào tạo giáo dục mũi nhọn của TP Cẩm Phả.
Cô giáo Lê Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngay từ đầu năm học, qua các tiết học, nhà trường đã chú trọng phát hiện các em học sinh có tố chất, từ đó, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể. Bên cạnh đó, nhà trường đã phân công giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển, phân mảng theo chuyên đề để phát huy thế mạnh của mỗi thầy cô, đồng thời yêu cầu các giáo viên trong nhóm luôn tích cực dự giờ, học tập, trao đổi, góp ý.
Song song với đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các kỳ khảo sát cho học sinh. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh bồi dưỡng kinh nghiệm trong ôn luyện học sinh giỏi cho giáo viên.
Nhờ đó, năm học 2019-2020, Trường THCS Chu Văn An có 406 học sinh giỏi (đạt 63,84%); 227 học sinh khá; không có học sinh yếu kém. Đặc biệt, trường có 1 học sinh đoạt giải khuyến khích cuộc thi Viết thư quốc tế UPU.
Ngoài ra, trường còn đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, cấp tỉnh và giải CLB Khiêu vũ thể thao toàn quốc...
Một tiết học có dự giờ của học sinh Trường THCS Suối Khoáng.
Để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, thời gian qua, TP Cẩm Phả đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.
Riêng năm 2020, thành phố thực hiện 11 dự án đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa các hạng mục trường học như: Dự án xây nhà đa năng, khu ký túc xá Trường THCS Chu Văn An, giai đoạn 2; cải tạo nhà vệ sinh Trường THCS Cửa Ông; dự án xây mới Trường Mầm non Cẩm Đông...
Thành phố đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các trường với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Đến nay, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia ở 4 cấp học từ mầm non đến THPT là 56 trường, đạt tỷ lệ 98,2%.
Bên cạnh đó, Cẩm Phả đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên thông qua tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua trong nhà trường và toàn ngành để khuyến khích các giáo viên có những bài giảng hay, giờ học tốt.
Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, rung chuông vàng tiếng Anh, sáng tạo khoa học thanh thiếu niên, nhi đồng... từ đó, phát hiện ra những học sinh có tố chất, đam mê, yêu thích môn học để ôn luyện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Chuyên nghiệp hóa vai trò người viết sách Biên soạn SGK nói chung, tài liệu dạy học môn Tiếng Việt nói riêng phải đảm bảo 3 yếu tố hiện đại, chuyên nghiệp và Việt Nam. Trong đó, giáo dục tiểu học đóng vai trò nền tảng, cơ bản. Trẻ em hôm nay khác với trẻ em của 20 năm trước khi cải cách chương trình và SGK (chương trình giáo dục...