Hạnh phúc qua từng tiết học
Ở các trường phổ thông hiện nay, việc dạy Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực học sinh khá phổ biến. Tuy nhiên, để vận dụng và phát huy tính hiệu quả cần các biện pháp nhằm phát triển năng lực giúp học sinh ham thích học tập. Đặc biệt với môn Văn học, từ yêu thích sẽ khiến các em thêm yêu thầy, mến bạn và đây là đích hướng tới trường học hạnh phúc.
Mỗi giờ học là những giây phút trải nghiệm thú vị đối với học sinh
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo
Ở Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Trà Vinh, ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy trên lớp, nhóm Ngữ văn còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh lôi cuốn học sinh tham gia như: Tổ chức lớp rèn chữ đẹp hằng năm cho học sinh; Câu lạc bộ văn học với nhiều chủ đề nội dung phong phú; Sinh hoạt ngoại khóa về Đờn ca tài tử. Tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề về truyện cổ năm châu, so sánh khác biệt văn hóa ở truyện Tấm Cám với các phiên bản truyện Lọ lem các nước Anh, Pháp, Đức. Với sự hỗ trợ từ Trường Đại học Trà Vinh, học sinh còn được cùng sinh hoạt với nhóm tình nguyện viên các nước Canada, Philippines.
Câu lạc bộ Văn học của trường với nhiều chủ đề và nội dung phong phú là sân chơi đầy hào hứng, giúp học sinh có cơ hội phát huy những tố chất tiềm ẩn, năng lực còn khiếm khuyết của mình mà năng động, tự tin hơn. Tác phẩm văn học từ đó cũng trở nên sống động và gần gũi hơn, vì thế mà đem đến cho các em một niềm yêu thích tự nhiên với tác phẩm, cũng như việc cảm nhận giá trị tác phẩm sâu sắc hơn. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa về Đờn ca tài tử là một cách giúp học sinh tiếp cận với tác phẩm văn chương ở góc độ âm nhạc dân tộc. Các em sẽ có được nhận thức về tác phẩm trong mối quan hệ với văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa địa phương nói riêng.
Thầy giáo Nguyễn Huy Thông – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi luôn động viên các thầy cô giáo và học sinh tăng cường trải nghiệm sáng tạo. Các em có ham thích môn học, thấy hấp dẫn ở mỗi giờ học, là chúng ta đang hướng đến trường học hạnh phúc. Như ở môn Ngữ văn, có thể thấy mỗi hoạt động có sự tác động riêng biệt đến năng lực trí tuệ học sinh. Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học giúp các em phát triển năng lực tư duy sáng tạo. Chẳng hạn, dự án Mô hình trải nghiệm sáng tạo với môn Văn học địa phương do em Nguyễn Thị Diễm My, Trầm Ngọc Trân thực hiện đã đặt ra vấn đề thiết thực trong việc học Văn gắn với vùng đất địa phương.
Ảnh: MH
Xây dựng trường học hạnh phúc
Video đang HOT
Ông bà ta có câu “Nét chữ, nết người”, việc luyện chữ đẹp sẽ góp phần đưa lại những kỹ năng liên quan tới việc tạo ra cái đẹp, đòi hỏi sự khéo léo của những ngón tay… bên cạnh việc rèn luyện nét chữ không chỉ giúp học sinh tạo ra chữ viết đẹp mà còn góp phần giúp các em rèn luyện tính kiên trì, chăm chỉ và nhẫn nại hơn trong tương lai. Trường Thực hành Sư phạm, Trường Đại học Trà Vinh đã tổ chức rất hiệu quả hoạt động này. Lớp rèn chữ đã thu hút khá đông các em học sinh tham gia với sự say mê đầy hứng thú. Các em luyện văn hay trên những trang viết đẹp của mình. Trong những cuộc thi Văn hay chữ tốt do Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh tổ chức, các em đều đạt được giải cao.
Đổi mới, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu của phát triển, đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới dạy học ở tất cả các bộ môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã được triển khai trong thời gian qua. Ban Giám hiệu Trường Thực hành Sư phạm đã chỉ đạo các tổ chuyên môn đa dạng hóa các hình thức học tập. Điều này đã đem đến cho học sinh những giây phút trải nghiệm thú vị, tạo cho các em một không gian tích cực để phát huy sự đam mê, phát huy năng lực sáng tạo tiềm ẩn của mình.
Có thể thấy, việc học tập Văn học địa phương thông qua trải nghiệm sáng tạo đã nâng cao hiệu quả học tập, đồng thời góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước thông qua những điều gần gũi và thực tế. Song song đó, đọc hiểu tác phẩm văn chương trong sự đối chiếu so sánh với tác phẩm văn học các nước mang nét tương đồng qua hình thức sinh hoạt trao đổi, đối thoại với các tình nguyện viên nước ngoài cũng là một hình thức bước đầu Trường Thực hành Sư phạm thể nghiệm thực hiện trong xu hướng học tập mang tính toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt hơn nữa, việc tổ chức các lớp rèn chữ đã tạo hiệu ứng sâu rộng trong học sinh. Nhiều phụ huynh đã hết sức vui vẻ với hoạt động này vì thấy con mình không chỉ viết đẹp hơn mà còn đẹp cả trong lời ăn, tiếng nói.
Thầy giáo Võ Hoàng Khải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, tâm sự: “Việc tổ chức các hoạt động đổi mới, sáng tạo được chúng tôi đặc biệt quan tâm trong các hoạt động đào tạo sư phạm và giáo dục trong trường phổ thông. Quan điểm của trường là tạo một không gian sinh hoạt tích cực, giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, sự năng động trong giải quyết các tình huống, khả năng vận dụng linh hoạt những kiến thức sách vở trên lớp vào thực tiễn, vào việc đưa ra những giải pháp hiệu quả và độc đáo cho những vấn đề đặt ra. Học sinh được khuyến khích phát triển tư duy, thầy cô giáo mạnh mẽ đổi mới sáng tạo. Tất cả đều hướng đến đạt hiệu quả cao trong dạy và học. Đây cũng là đích đến trường học hạnh phúc của chúng tôi”.
Hà An
Theo GDTĐ
Chấm môn Văn ở TPHCM: Thiếu các bài viết ấn tượng
Chiều 4/7, TPHCM đã hoàn tất việc chấm thi môn Văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đọng lại ở giáo viên chấm thi là sự tiếc nuối khi mong đọc được những "điểm sáng lóe lên" trong suy nghĩ, diễn đạt của thí sinh nhưng khó gặp.
Sau khi hoàn toàn công tác chấm thi môn Văn, cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TPHCM, Trưởng môn chấm thi môn Văn TPHCM chia sẻ bài làm của thí sinh TPHCM phản ánh đúng "băn khoăn" của giáo viên dạy Văn khi đọc đề.
Sau khi học sinh thi, nhiều thầy cô có kinh nghiệm đã nhận định chính xác về cách làm bài của thí sinh đối với phần đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội (NLXH).
Học sinh TPHCM trao đổi với giáo viên sau buổi thi Văn kỳ thi THPT quốc gia 2019
Cô Thủy đánh giá, thí sinh trả lời chung chung câu 2 và câu 4 phần Đọc hiểu. Câu NLXH đa số thí sinh viết đoạn văn với câu từ không gợi cảm xúc, không thể hiện suy nghĩ sâu sắc, không sáng tạo mới mẻ. Người chấm cũng mong đọc được những "điểm sáng lóe lên" trong suy nghĩ, diễn đạt của thí sinh nhưng thấy hiếm hoi.
Từ khi đọc đề thi, nhiều giáo viên đã nói về câu lệnh trong phần Làm văn NLXH: "Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống" hay nên là "sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống".
Trong thực tế bài làm của thí sinh, cô Thủy cho biết, đa số thí sinh nói chung chung về "ý chí". Cô có cảm giác, nếu câu lệnh nào thí sinh cũng viết như vậy.
Vậy nên, từ lúc họp triển khai đáp án đến thống nhất biểu điểm hướng dẫn và trong khi chấm, cán bộ chấm thi thực hiện chấm theo đáp án và hướng dẫn về vấn đề cần nghị luận là "sức mạnh ý chí của con người"
Về phổ điểm của thí sinh, bài thi đạt điểm trung bình và khá có tỉ lệ hơn 85%; tỉ lệ điểm dưới trung bình 10,5% và tỉ lệ điểm giỏi khoảng 2%, cô Trương Thị Bích Thủy đánh giá, con số này thể hiện mức độ phân hóa của đề thi.
Điểm thi đạt độ an toàn cao cho thí sinh khi tính điểm Tốt nghiệp THPT. Đối với tuyển sinh Đại học, các khối - ngành lấy điểm môn Văn đòi hỏi mức độ phân hóa cao hơn, có lẽ chưa đáp ứng được.
"Không để lại ấn tượng, đề và bài cứ trôi tuột đi thôi" là cảm xúc của một giáo viên Văn, từng công tác tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM sau khi tham gia chấm Văn.
Theo thầy, đề khó để làm cho hay, thiếu các bài viết ấn tượng nên người chấm cũng không có được cảm giác thật sự háo hức.
Phổ điểm môn Văn của TPHCM ở mức "an toàn", nhiều giáo viên buồn lòng. (Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại TPHCM)
Một giáo viên chấm Văn khác của TPHCM tâm tư "buồn lòng" sau khi chấm thi. Bản thân cô không muốn nói sâu về bài làm của học sinh nhưng nhìn vào phổ điểm có thể thấy bài làm cứ nhàn nhạt chung chung với những câu chữ sáo mòn, na ná.
Với câu NLXH, bài làm học sinh tập trung vào "ý chí", còn bài làm văn về sông Hương phần lớn cũng là những bài giải, bài phân tích của giáo viên nằm trong bài làm của thí sinh.
Đuối theo quy trình chấm thi
Kết thúc những ngày tham gia chấm Văn, môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi, nhiều giáo viên cho hay... niềm vui trước mắt của họ là thoát ra được những thứ giấy tờ khủng khiếp trong quy trình chấm thi.
Một giáo viên chia sẻ, quy trình chấm thi đủ làm giáo viên khủng hoảng, phải ký giấy tờ, biên bản khắp nơi, tốn hơn cả thời gian chấm bài.
Đến nỗi, khi kết thúc, thầy không muốn nhắc đến điểm thi, chấm thi nữa mà... chỉ muốn đi uống cà phê tận hưởng một buổi tối nhẹ nhàng không giấy tờ, biên bản.
Cô Trương Thị Bích Thủy cho biết, công tác chấm thi được tổ chức nghiêm túc. Năm nay, các thao tác hồ sơ giấy tờ yêu cầu thực hiện nhiều hơn đối với một bài chấm, Ban lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cập nhật và chỉ đạo hướng dẫn, xử lí kịp thời.
Bản thân giáo viên ý thức cao về nhiệm vụ của mình nên dù khá căng thẳng và áp lực, giáo viên cũng tuân thủ thực hiện tốt công tác chấm thi, đảm bảo độ chính xác cao trong chấm vòng 1, vòng 2.
Toàn TPHCM có 61.325 bài Văn đạt điểm trung bình trở lên, tỉ lệ 89,4%; có 1.366 bài từ 8 trở lên, tỉ lệ 1,9%. Mức điểm cao nhất môn Văn của thí sinh TPHCM là điểm 9, tất cả có 6 bài Văn đạt điểm 9.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bồi dưỡng hè: Hướng tới thiết thực, hiệu quả Ngoài nội dung bồi dưỡng chính trị, pháp luật được triển khai chung cho tất cả GV các bậc học, 4 năm trở lại đây, ngành GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ các lĩnh vực công tác theo chuyên đề, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục...