“Hành” GV bằng chiêu chuyển trường
Ngành giáo dục huyện Đông Hòa (Phú Yên) lạm dụng tự đặt ra quy chế nội bộ kỳ quặc là tính điểm bằng tuổi tác, điểm thi đua… để thuyên chuyển hàng loạt GV làm nảy sinh nhiều bất cập, xáo trộn việc dạy học.
Điều động, thuyên chuyển giáo viên (GV) để giải quyết nạn thừa – thiếu GV ở các trường, nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nhưng ngành giáo dục huyện Đông Hòa làm như vậy là lạm dụng.
Tính điểm để thuyên chuyển
Năm học 2012- 2013, tại huyện Đông Hòa – Phú Yên có đến 84 GV THCS và tiểu học phải thuyên chuyển. Hiện tượng này xảy ra vào đầu năm học vừa gây xáo trộn trong việc quản lý, đồng thời luôn tạo tâm lý lo lắng trong GV. Điều đáng nói là, trước đây ngành giáo dục thực hiện quy trình này đều có cân nhắc, bàn bạc để đi đến đồng thuận. Nhưng từ năm học này lại áp dụng quy chế tính điểm rồi “buộc” GV “thấp điểm” phải thuyên chuyển.
Theo thầy giáo Trương Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hòa Vinh – cụ thể quy định cách tính điểm là, GV được bao nhiêu tuổi đời thì được tính bấy nhiêu điểm (nữ được cộng thêm 5 điểm), rồi cộng thêm GV dạy giỏi cấp huyện được 5 điểm, cấp tỉnh 7 điểm, lao động tiên tiến 2 điểm… Với quy định kỳ quặc này thì GV trẻ tuổi chắc chắn có số điểm thấp và sẽ liên tục “bị” điều động, thuyên chuyển!
Thầy giáo Trương Văn Lợi: “Nhà trường không thừa – thiếu GV thì việc thuyên chuyển GV gây xáo trộn dạy học”.
Cô Lê Lễ Thanh Thủy – GV Trường Tiểu học số 1 Hòa Vinh – tâm sự: “Năm 2008, tôi có con nhỏ mới 3 tuổi nhưng phải thực hiện điều động dạy học 1 năm ở Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam cách xa nhà đến hơn 10km.
Video đang HOT
Năm nay, phòng giáo dục (PGD) căn cứ số điểm thấp theo quy định để tiếp tục ký quyết định cho tôi thuyên chuyển đến dạy Trường TH số 2 Hòa Xuân Tây. Trong khi trường có rất nhiều GV chưa một lần thuyên chuyển, trong đó có một GV đạt số điểm theo quy định thấp hơn tôi, nhưng không hiểu sao được ưu ái “giữ” lại ở trường!” Trường hợp của cô Thanh Thủy cũng xảy ra đối với nhiều GV ở hầu hết các trường khác.
Đá quả bóng trách nhiệm
Lấy trường hợp cô Thủy làm ví dụ. Thầy giáo Trương Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hòa Vinh – thừa nhận: “Nhà trường không thừa hoặc thiếu GV, nên việc thuyên chuyển GV gây xáo trộn quản lý, dạy học. Riêng trường hợp điều động cô Thủy là do PGD huyện ký quyết định!”.
Trong khi đó, Trưởng PGD huyện Đông Hòa – ông Trịnh Văn Chánh – cho biết, UBND huyện trực tiếp ký thẩm định điều động, thuyên chuyển GV, chứ PGD không có quyền(?).
Ông Võ Ngọc Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa – cho hay: “Trước đây, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp ký quyết định điều động, thuyên chuyển từng GV, còn năm học này UBND huyện chỉ thẩm định danh sách, giao quyền cho PGD ký quyết định và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót”.
Khi hỏi về quy chế tính điểm thấp để điều động GV làm nảy sinh nhiều bất cập, ông Võ Ngọc Hòa khẳng định: “Nhiều năm trước, do tuyển dụng, phân công GV chưa hợp lý đã nảy sinh tình trạng thừa – thiếu nhiều GV. Vì vậy, việc điều động, thuyên chuyển GV là để khắc phục tình trạng dôi dư, sắp xếp nâng cao chất lượng của đội ngũ CBGV. Việc PGD đề ra quy chế nội bộ tính điểm để thuyên chuyển GV và chưa báo cáo cho UBND huyện thẩm định là hoàn toàn sai mục đích.
UBND huyện sẽ kiểm tra để xử lý đồng thời chỉ đạo PGD và Phòng Nội vụ rà soát, tổng hợp các trường hợp khó khăn, vướng mắc về điều động GV để tham mưu đề xuất huyện giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của GV.
Theo lao động
Thuốc đặc trị "bệnh" lạm thu?
Ngày 15/8, hơn 1,5 triệu học sinh trên địa bàn TP tựu trường năm học 2012-2013, năm học đầu tiên thực hiện thống nhất mức học phí. Cùng với việc thống nhất một mức học phí, Hà Nội đang xây dựng danh mục các khoản thu để áp dụng chung và công khai. Đây được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm đặc trị "bệnh" lạm thu ở các nhà trường thời gian qua.
Điều chỉnh học phí đi đôi với chính sách ưu đãi
Theo quy định, học sinh (HS) mầm non, THCS, THPT, bổ túc THCS, bổ túc THPT sẽ đóng học phí theo hai mức: 20 nghìn đồng/tháng/HS (đối với khu vực nông thôn) và 40 nghìn đồng/ tháng/HS (thành thị). Mức học phí này được điều chỉnh theo hướng giảm nhằm tiến tới việc miễn học phí, thể hiện tính ưu việt của Hà Nội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là với giáo dục.
Dù vậy, trước thông báo mới, chị Kiều Thị Nga ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) tỏ rõ sự lo lắng khi đề cập đến những khoản phí chuẩn bị phải nộp cho con trước ngày tựu trường. Chị cho biết, hầu hết người dân ở xã đều là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nơi phải đóng mức học phí cao hơn.
Minh bạch các khoản thu, giảm tình trạng thu sai, giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của phụ huynh học sinh. Ảnh: Phương Thảo
Giải tỏa mối lo này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: Mức học phí mới của Hà Nội được xây dựng bằng với mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Để hỗ trợ HS khó khăn, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Có 9 đối tượng HS được miễn hoàn toàn học phí. Một số diện HS chính sách hoặc theo học các ngành nghề đặc biệt sẽ được giảm từ 50% đến 70% mức học phí. HS tốt nghiệp THCS được giảm 50% học phí nếu theo học nghề. Ngoài ra còn có 3 diện HS được hỗ trợ chi phí học tập với mức 70.000 đồng/HS/tháng, gồm: HS ở 15 xã khó khăn, HS mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa và HS có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo. Tổng mức kinh phí hỗ trợ cho HS trong năm học này ước tính khoảng 65 tỷ đồng.
Các chế độ này được hỗ trợ trực tiếp tới HS, vì vậy các em thuộc diện ưu tiên dù theo học ở trường công lập hay ngoài công lập đều được hưởng quyền lợi.
"Nóng" với các khoản thu thỏa thuận
Sau 4 năm mở rộng địa giới, bài toán không thống nhất về mức thu giữa các khu vực của TP đã có lời giải, song lại đặt ra nhiều nỗi lo. Ý kiến từ phía các nhà trường cho rằng, bên cạnh việc áp dụng thống nhất mức học phí, cần quy định danh mục và mức trần cho các khoản thu khác trong nhà trường. Việc ban hành danh mục này không chỉ làm minh bạch các khoản thu, giảm đi tình trạng cố tình thu nhiều, thu sai ở một số nơi như đã từng xảy ra, mà còn giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của một bộ phận phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm) băn khoăn: Khi chưa điều chỉnh mức học phí, nhiều trường đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh để có thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ. Học phí giảm có làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học không?
Nhận thức rõ vấn đề này, liên Sở GD-ĐT và Tài chính đang xây dựng dự thảo danh mục của khoản thu hộ, thu thỏa thuận hộ và thu tự nguyện để trình UBND TP phê duyệt. Quá trình lấy ý kiến góp ý của các cá nhân, đơn vị có liên quan cho thấy, hầu hết các ý kiến đều tập trung đóng góp vào việc hoàn thiện danh mục của khoản thu thỏa thuận - khoản thu được cho là thường bị biến tướng, dễ gây bức xúc trong dư luận. Đây là những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS (tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú...). Sự cần thiết đã rõ, song để định ra một danh mục cụ thể, thống nhất mức thu là việc không đơn giản.
Đơn cử như việc quy định nội dung tiền nước uống của HS. Có không ít ý kiến cho rằng khoản này không nên thu của phụ huynh mà trích từ ngân sách, bởi từ năm 2011, TP đã tăng định mức ngân sách chi trên đầu HS lên gấp đôi (cấp mầm non là 3,7 triệu đồng/trẻ/năm, trước đây là 2 triệu đồng)... Hay có nên đưa vào danh mục khoản thu tiền điện khi lớp học có sử dụng điều hòa hay không, nếu có thì định mức trần thế nào cũng là vấn đề đang được bàn bạc. Ý kiến từ phía các trường cho biết: Với việc học cả ngày ở trường của đa phần HS hiện nay thì nhu cầu của phụ huynh cho con sử dụng điều hòa rất nhiều. Việc quy định mức trần ra sao cần tính toán cụ thể để có thể áp dụng trong một thời gian dài, vì thay đổi một quy định đã ban hành không phải dễ. Có thể không nhất thiết phải đưa ra con số cụ thể, mà chỉ quy định mức trần theo tỷ lệ nhất định để có thể linh động điều chỉnh trong điều kiện giá cả có nhiều biến động.
Thực tế cho thấy việc mập mờ trong quy định, lỏng lẻo trong giám sát, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền là những nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu ở các nhà trường tái phát. Vì thế, việc thống nhất, công khai danh mục các khoản thu trong trường học là cần thiết, tạo thuận lợi cho cơ sở và là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý giám sát việc thực hiện. Danh mục này dự kiến sẽ được công bố trước ngày khai giảng năm học mới và được kỳ vọng là phương thuốc đặc trị "bệnh" lạm thu trong các trường học trên địa bàn TP.
Theo Hà Nội mới
"Bơi" trong giờ thực hành Tại TPHCM, 17 trong tổng số 85 trường THPT ngoài công lập vẫn chưa có phòng thí nghiệm. Giáo viên nhiều trường công lập lúng túng khi sử dụng thiết bị lệch chuẩn. Lãnh đạo nhiều trường THCS, THPT tại TPHCM cho biết một thực trạng đang gây khó khăn cho việc dạy và học hiện nay chính là thiết bị thực hành...