Hàng trăm học sinh ở Cà Mau được học kỹ năng phòng, chống đuối nước
Tại buổi lễ tuyên truyền, các em học sinh được học các kỹ năng về phòng, chống đuối nước, cách thoát hiểm khi bị đuối nước,…
Các em học sinh được bác sĩ Lê Văn Minh, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước. Ảnh: Gia Minh
Ngày 28/5, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Buổi tuyên truyền thu hút hơn 500 em học sinh của trường THCS Phan Ngọc Hiển (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau) tham dự.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (thuộc Bộ GTVT) cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó, có 90% là thương tích không chủ ý. 98% tử vong do đuối nước trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ em bị tàn tật suốt đời.
Riêng tại Việt Nam, thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 43%. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước và TNGT là hai nguyên nhân hàng đầu với khoảng 3.000 trẻ em và vị thành niên tử vong mỗi năm, tương đương khoảng hơn 9 trẻ em mỗi ngày. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu khu vực về tỷ lệ tử vong do đuối nước gây ra và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.
Tai nạn đuối nước, TNGT không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, để lại nỗi đau đớn đeo đẳng, kéo dài cho các gia đình, nhà trường cộng đồng và xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) phát biểu tại buổi lễ tuyên truyền. Ảnh: Gia Minh
Theo ông Thạch, tai nạn thương tích gây tử vong cao ở trẻ em là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan như: do thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn, sự vô ý của các bậc phụ huynh, môi trường sống trong cộng đồng, gia đình chưa an toàn, việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy chưa tốt, việc giám sát thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích của một số cơ quan, chính quyền chưa sát sao, đầu tư nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Đặc biệt, phần lớn trẻ em nước ta chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội; chưa có kinh nghiệm trong phòng, chống tai nạn đuối nước, TNGT cũng như các loại tai nạn thương tích khác.
Video đang HOT
Cũng theo ông Thạch, buổi lễ tuyên truyền nhằm giúp cho các em học sinh và các thầy cô có thêm những kiến thức và kỹ năng bổ ích trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích. “Tôi mong muốn chương trình sẽ được triển khai rộng rãi hơn nữa, tiếp cận được nhiều trẻ em, học sinh hơn nữa, thậm chí cả các bậc phụ huynh, người dân trên khắp cả nước được biết, được hiểu và ghi nhớ các kỹ năng cơ bản này”, ông Thạch nói.
Cũng tại buổi lễ tuyên truyền, các em học sinh được bác sĩ Lê Văn Minh, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam hướng dẫn các kỹ năng về phòng, chống đuối nước; kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước; cách sử dụng dụng cụ nổi; cách mặc áo phao đúng cách…
Dịp này, Bộ GTVT cũng trao tặng gần 900 dụng cụ nổi cứu sinh và 640 mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho các em học sinh trường THCS Phan Ngọc Hiển.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại buổi lễ tuyên truyền ATGT, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em tại trường THCS Phan Ngọc Hiển (Cà Mau).
Một tiết mục văn nghệ chào mừng do các em học sinh của trường THCS Phan Ngọc Hiển biểu diễn. Ảnh: Gia Minh
Đại diện Bộ GTVT và các Sở, ngành của tỉnh Cà Mau tham dự lễ tuyên truyền. Ảnh: Gia Minh
Đặc biệt, buổi lễ tuyên truyền thu hút hơn 500 em học sinh của trường THCS Phan Ngọc Hiển tham dự. Ảnh: Gia Minh
Các em học sinh rất thích thú khi được các bác sĩ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ảnh: Gia Minh
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) trao mũ bảo hiểm chất lượng cho các em học sinh. Ảnh: Gia Minh
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau trao mũ bảo hiểm chất lượng cho các em học sinh. Ảnh: Gia Minh
Dịp này Bộ GTVT cũng trao tặng 890 dụng cụ nổi cùng với 640 mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho đại diện Ban ATGT tỉnh Cà Mau và Ban ATGT huyện Năm Căn. Ảnh: Gia Minh
Theo antoangiaothong
Dạy trẻ phòng chống đuối nước: Đừng chỉ làm ở huyện này xã kia
Cần có các sinh hoạt chuyên đề, tổ chức nào đứng ra cũng được nhưng phải dạy các cháu bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước...
Hiện trường xảy ra vụ đuối nước tại Tuyên Hóa, Quảng Bình khiến 3 em thiệt mạng
Rất nhiều bạn đọc gửi bình luận và email về hộp thư của Báo Giao thông khi đọc bài "8 nữ sinh tắm sông, 3 em đuối nước thương tâm" tại Tuyên Hóa, Quảng Bình.
"Vài hôm trước thì 4 học sinh chết đuối ở Khánh Hòa, xa hơn nữa là 8 học sinh chết đuối ở sông Đà... liên tục những tin tức như thế khiến tim tôi như thắt lại. Sao chúng ra đi đơn giản và vô nghĩa đến thế, bao công nuôi dậy của cha mẹ, thày cô", bạn đọc Hoài An (Hà Nội) viết.
Bạn đọc Minh Hoàng ở Nghệ An chia sẻ và đề xuất: "Lại một nhóm 8 em rủ nhau đi tắm sông sau giờ học, 3 em đuối nước không về. Ngành Giáo dục cần có một thông báo tới các trường trên toàn quốc, cảnh báo nạn đuối nước và đề nghị các gia đình quản lý chặt con em sau giờ học".
Bạn đọc Quang Minh (Hòa Bình) viết: "Đa phần các vụ đuối nước xảy ra ở các tỉnh nghèo, các em ít trò chơi. Cứ hết giờ học rủ nhau đi bơi, đi tắm. Nếu các em được trang bị kiến thức và có kỹ năng bơi tốt thì vẫn còn đó nguy cơ sạt lở cát khiến các em biết bơi cũng có thể đuối nước. Vì vậy, cần thiết có sự giáo dục tuyên truyền từ nhà trường để các em tránh được các rủi ro. Bố mẹ cũng cần sát sao hướng dẫn, giám sát con mình".
"Trước đây tôi thấy báo chí đưa tin có một số thày giáo dậy bơi miễn phí, bọn trẻ đến học rộn rã ven sông. Trân trọng lắm nhưng người tốt thì hiếm mà nhu cầu của trẻ thì nhiều. Lâu rồi tôi không còn thấy những buổi sinh hoạt của các tổ chức như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại địa phương. Có chăng chỉ là những buổi tuyên truyền điểm ở huyện này, xã kia mà không có một mô hình triển khai rộng khắp cả nước. Cần có các sinh hoạt chuyên đề, tổ chức nào đứng ra cũng được nhưng phải dạy các cháu bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, nếu không muốn liên tiếp nhận những tin tức đau lòng như thế này nữa", độc giả Tuyết Mai viết.
Theo baogiaothong
Thừa Thiên Huế phát động học sinh tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước Lễ phát động học sinh tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trẻ em tại Thừa Thiên Huế được tổ chức nhằm hạn chế mức thấp nhất các trường hợp chết đuối cho các em học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngày 20/5, tại bể bơi Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra...