Hàng trăm giáo viên nguy cơ mất việc do giấy chứng nhận sư phạm: UBND tỉnh Bình Định yêu cầu làm rõ
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu làm rõ và xử lý tập thể, cá nhân liên quan nếu có trong vụ hàng trăm giáo viên bị loại thi tuyển viên chức tại huyện Phù Cát.
Ngày 1/8, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chỉ đạo việc hàng trăm giáo viên bị loại thi tuyển viên chức vì giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm do trường Cao đẳng Bình Định cấp.
Theo văn bản, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phù Cát phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan nếu có.
Tỉnh yêu cầu huyện báo cáo kết quả trước ngày 10/8/2019.
Giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm do Trường Cao đẳng Bình Định cấp của chị Lê Thị Diệu Ái.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 25/5, đại diện Phòng Nội vụ huyện Phù Cát cho biết, các giáo viên nộp hồ sơ có giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm đa số là Cao đẳng Bình Định cấp là không phù hợp, vì đây là chứng nhận không phải chứng chỉ.
Quyết định không được dự thi viên chức khiến nhiều giáo viên ở huyện bức xúc. Như trường hợp chị Lê Thị Diệu Ái (SN 1994, ở Cát Khánh, Phù Cát) phản ánh, nhiều người bạn của tôi ở các huyện khác nộp giấy chứng nhận trên đều được thi tuyển, thậm chí có người còn dùng để thi trước đó, đến nay họ vẫn đi dạy bình thường. “Năm nay, hơn 130 người huyện Phù Cát nộp để thi tuyển thì bị trả hồ sơ. Thật vô lý”, chị Diệu Ái nói.
Tương tự, anh Nguyễn Hồng Dương (SN 1987, huyện Phù Cát) tốt nghiệp Cao đẳng Bình Định năm 2009, và lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh được nhận vào giảng dạy hợp đồng tại Trường THCS Cát Minh và công tác hơn 5 năm. Năm 2018, Phòng Nội vụ huyện thông báo thi tuyển viên chức ngành GD&ĐT nên anh làm hồ sơ thi tuyển.
“Trong hồ sơ, tôi có đủ điều kiện nộp hồ sơ thi tuyển và có tên trong danh sách dự thi được niêm yết. Nhưng sau đó tôi bị hủy kết quả vì không chấp nhận giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do hiệu trưởng Cao Đẳng Bình Định cấp ngày 20/7/2009″, anh Dương bức xúc nói.
Trả lời báo chí, ông Lâm Hải Giang – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết, sự việc thực hiện theo quy định của liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn của chứng danh nghề nghiệp khi tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT.
Theo ông Lê Thanh Trúc – hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bình Định, sinh viên học ngành tiếng Anh, Tin học ứng dụng, công nghệ thông tin tại trường này có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, khi ra trường được tuyển dụng vào viên chức ngành GD&ĐT để đi dạy, thậm chí có người làm đến hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường.
Theo VTC
Giấy chứng nhận sư phạm không phải là chứng chỉ?
Gần 140 giáo viên bức xúc khi bị loại khỏi kỳ thi tuyển công chức ngành GD-ĐT do H.Phù Cát (Bình Định) tổ chức vì giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm không được chấp nhận.
Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của Trường CĐ Bình Định - Ảnh: Hoàng Trọng
Ngày 6.1.2019, anh Nguyễn Hồng Dương (32 tuổi, ở TT.Ngô Mây, H.Phù Cát) tham dự thi tuyển viên chức ngành giáo viên bộ môn tin học cấp THCS. Ngày 11.1, Hội đồng xét tuyển viên chức H.Phù Cát thông báo điểm thi đối với trường hợp anh Dương đạt 76,5 điểm và trúng tuyển.
Ngày 12.3, Phòng Nội vụ H.Phù Cát mời anh Dương lên làm việc và thông báo hủy kết quả thi tuyển vì không chấp nhận giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định cấp.
Ngoài anh Dương còn có thêm cả trăm trường hợp cũng bị loại chủ yếu do giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm không được chấp nhận (cũng có một số trường hợp khác do chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc văn bằng không phù hợp).
Các giáo viên này rất bức xúc vì cho rằng trong năm 2018, một số trường hợp có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Trường CĐ Bình Định cấp vẫn được chấp nhận thi tuyển viên chức ở một số huyện trong tỉnh Bình Định và đã trúng tuyển.
Đại diện Phòng Nội vụ H.Phù Cát khẳng định việc loại bỏ các ứng viên chỉ có chứng nhận nghiệp vụ sư phạm là dựa theo các thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Cụ thể, đầu vào viên chức ngành GD-ĐT đối với giáo viên cấp tiểu học được thực hiện theo Thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, đối với giáo viên THCS theo Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (cùng ban hành ngày 16.9.2015) đều yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Ông Lâm Hải Giang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, cho biết tại H.Phù Cát, trong quá trình tổ chức thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT đã xảy ra khiếu kiện. Vì vậy, H.Phù Cát đã loại những ứng viên chỉ có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định, khẳng định nhiều sinh viên học ngành tiếng Anh, tin học ứng dụng, công nghệ thông tin tại trường này có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, khi ra trường được tuyển dụng vào viên chức ngành GD-ĐT để đi dạy, thậm chí có người đã làm đến hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường.
Khi H.Phù Cát đã có văn bản xin ý kiến Bộ GD-ĐT thì nhận được văn bản trả lời là theo quy định phải có chứng chỉ, còn giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm không phải là chứng chỉ.
Theo Thanh niên
Thanh xuân đã qua mất rồi, đường sống nào cho giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn? Tuổi trẻ dần qua đi, nhiều thầy cô tóc đã ngả màu mà công việc vẫn bấp bênh, bế tắc. Thân phận những giáo viên hợp đồng ở các trường công lập từ lâu đã trở thành một câu chuyện buồn ở trong ngành giáo dục nước nhà. Khi mới ra trường, bao nhiêu những hoài bão, khát vọng, các giáo viên trẻ...