Hàng nghìn trẻ em Scotland chung tay thể hiện lòng tốt với cộng đồng
30 trường tiểu học tại Scotland cùng tham gia một chương trình nhằm xây dựng cộng đồng đầy tình thương và sự tử tế. Qua đó, các em học sinh được học đức tính vô cùng đáng quý: tình yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh.
Bà Alison Bunce thành lập tổ chức Compassionate Inverclyde tại Scotland vào năm 2018 với mục tiêu dạy cho trẻ em về lòng tốt và khiến đức tính cao đẹp này được lan tỏa ở nhiều em nhỏ.
Mới đây, bà Alison đã khởi động một chương trình có tên “High 5″ với sự tham gia của 30 trường tiểu học địa phương để cùng nhau xây dựng một cộng đồng đầy tình thương và lòng trắc ẩn.
Hàng nghìn em nhỏ tại 30 trường tiểu học Scotland đã tham gia dự án để thể hiện lòng tốt với cộng đồng.
Hàng nghìn em học sinh đã tham gia vào chương trình này với “giáo án” được thiết kế bởi chính bà Alison.
“Trẻ em giống như những miếng bọt biển vậy, chúng có khả năng học hỏi và tiếp thu vô cùng lớn. Nếu bạn chỉ cho chúng cách làm, chúng sẽ làm theo rất nhanh chóng.
Chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng và trao quyền cho những người trẻ để các em thể hiện lòng tốt”, bà Alison nói.
Học sinh trường tiểu học St Michael’s tại Port Glasgow thể hiện lòng tốt bằng cách tự làm những tấm chăn mền và những tấm thiệp cho các gia đình mang về nhà khi họ ra viện trong dự án mang tên Back Home Boxes. Các em còn đề cử những bạn có nhiều việc làm tốt để được nhận khen thưởng.
Nói thêm về dự án Back Home Boxes, những người sống đơn thân khi ra viện sẽ được trao tặng một giỏ đồ chứa những vật dụng gia đình cần thiết. Những vật dụng này được cộng đồng quyên góp, trong đó bao gồm các em học sinh và các bậc phụ huynh.
Những chiếc giỏ đựng vật dụng gia đình được trao cho các gia đình rời bệnh viện về nhà.
Video đang HOT
Tới nay, hơn 1.400 giỏ quà như vậy đã được trao tặng kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2018. 41 tình nguyện viên tham gia đóng gói và trao những giỏ quà cho các bệnh nhân ra viện Inverclyde Hospital hai lần mỗi ngày.
Một người cao tuổi nhận được món quà trên đã viết thư cảm ơn với nội dung: “Trong suốt 92 năm cuộc đời, tôi chưa bao giờ nhận được lòng tốt như vậy. Chiếc hộp đã thực sự chạm tới trái tim tôi”.
Hiện bà Alison đang làm việc cùng các em học sinh trong độ tuổi thiếu niên tại Greenock. Các cô bé tự gọi mình với tên gọi Những cô gái của Lòng tốt.
Các em giúp đỡ người già tại các viện dưỡng lão, những người vô gia cư và các em bé sinh non. Hiện các em đang gây quỹ để trao tặng những vật dụng cần thiết như tã trẻ em cho những bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ.
“Tôi hiện cũng đang làm việc với các học sinh độ tuổi 16 tại trường trung học St Columba’s tại Gourock. Chúng tôi hướng dẫn các em cách truyền đạt chương trình High 5 tới các em nhỏ tuổi hơn. Một vài em muốn trở thành giáo viên trong tương lai.
Việc tham gia chương trình giúp các em có thêm lòng tự tin, cách lập kế hoạch và kỹ năng giao tiếp”, bà Alison nói.
“Đức tính hào phóng của các em nhỏ, và xa hơn, của cả cộng đồng là vô cùng to lớn”, bà Alison khẳng định. Hy vọng với những điều được học khi còn nhỏ, các em sẽ trở thành những công dân đầy lòng quan tâm và đồng cảm với mọi người trong tương lai.
Minh Hương
Theo Mirror
Dạy trẻ biết nói lời xin lỗi
Nếu bị ép nói xin lỗi khi chưa sẵn sàng, trẻ có thể ấm ức hơn và không thực sự biết cách đối diện với cảm xúc của bản thân.
Bài viết của tác giả Alice Hanscam trên Motherly chỉ ra sai lầm của nhiều phụ huynh trong cách dạy con.
"Nói xin lỗi đi!".
"Con có vẻ không thật lòng muốn xin lỗi mẹ".
"Bạn ấy sẽ không chơi với con nữa nếu con không xin lỗi ngay bây giờ".
Những câu trên nghe rất quen thuộc. Đây là một chủ đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Chúng ta muốn trẻ cư xử đúng mực, đồng cảm và thể hiện lòng trắc ẩn đối với người khác, biết cách xin lỗi thật tâm. Thế nhưng khi bắt chúng phải nói lời xin lỗi, bạn có nghĩ mình đang đi đúng hướng?
Ảnh: Motherly
Tôi nghĩ ép trẻ xin lỗi đồng nghĩa với việc phụ huynh đang truyền đạt những điều sau:
- Mẹ cần con xin lỗi để mẹ cảm thấy khá hơn về những chuyện vừa xảy ra.
- Đây là cách chúng ta giải quyết rắc rối.
- Mẹ muốn con làm theo những gì mẹ nói.
- Con cần được mẹ chỉ cho cách cảm nhận và cư xử trước mọi chuyện.
- Mẹ là người có quyền (kẻ lớn hơn và mạnh hơn là kẻ thắng).
Có lẽ đó không phải thông điệp mà bạn thực sự muốn nói với trẻ. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần khuyến khích trẻ học cách đánh giá tình huống, cảm nhận từ bên trong và nói ra lời xin lỗi mà không phải do ai ép buộc. Hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ. Bạn cảm thấy thế nào sau khi xích mích với một người bạn, bản thân vô cùng ấm ức nhưng bị buộc nói lời xin lỗi? Có thể bạn sẽ thấy tổn thương, cô độc và bị hiểu nhầm, từ đó khoảng cách với người bạn kia càng lớn thêm.
"Con xin lỗi", "Tớ xin lỗi" - Thực chất đó là những câu xuất phát từ nhu cầu của bố mẹ, không phải từ chính đứa trẻ. Bắt trẻ nói xin lỗi không giúp trẻ hiểu cảm xúc bản thân, lý giải cảm xúc và cách đối diện với nó. Để đạt được hiệu quả trong cách nuôi dạy con, bạn có thể làm theo những lời khuyên dưới đây.
1. Làm gương cho trẻ
Bạn hãy thành thật mỗi khi nói lời xin lỗi. Giọng nói và thái độ của bạn là những gì trẻ sẽ quan sát và bắt chước.
2. Xác định cảm xúc của người trong cuộc
Bạn hãy tưởng tượng, sau cuộc cãi vã đầy nước mắt giữa bạn và đứa con đang ở tuổi thanh thiếu niên, chồng bạn nói: "Anh biết chuyện này rất khó khăn. Anh sẽ ôm em một phút để em bình tĩnh lại nhé". Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Chắc hẳn nhẹ lòng hơn vì được thấu hiểu, quan tâm, từ đó dễ dàng nói lời ra xin lỗi với con vì đã quá nóng giận. Lời xin lỗi khi đó sẽ xuất phát từ tận đáy lòng.
3. Đưa ra những lựa chọn hoặc gợi ý
"Con có thể làm gì để giúp bạn đỡ buồn nhỉ?".
"Khi nào con cảm thấy sẵn sàng để làm hòa, bạn ấy sẽ vui lắm đấy".
"Con có muốn nói gì hay làm gì để bạn ấy biết là con thấy có lỗi không?".
Lời nói nhẹ nhàng, nụ cười, việc chia sẻ một món đồ chơi hay ngồi bên cạnh bạn cũng là cách trẻ xin lỗi, không nhất thiết phải nói một câu rõ ràng khi chưa thực sự thoải mái.
Bạn cũng nên khen ngợi để khuyến khích trẻ: "Ồ, con thật tốt bụng khi tặng con gấu bông yêu thích cho bạn ấy. Bạn ấy chắc chắn sẽ cảm thấy khá lên đấy. Cách xin lỗi của con thật dễ thương".
Như vậy, bạn đang giúp con tìm hiểu cách tạo dựng mối quan hệ lành mạnh. Dần dần, con sẽ tự giác nói lời xin lỗi do bản thân thực sự muốn thế. Một đứa trẻ cần nhiều thời gian để học hỏi và phát triển kỹ năng, do đó điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần nhớ khi nuôi dạy con là sự kiên nhẫn.
Thùy Linh
Theo VNE
Tình huống phỏng vấn bi hài với Microsoft của nữ sinh Scotland Laura ăn mặc thật đẹp, hồi hộp ngồi đợi trước máy tính vào 11h ngày 18/1, sớm đúng một tháng so với lịch hẹn thực tế. Các buổi phỏng vấn xin việc thường gây ra căng thẳng cho hầu hết người tham dự, đặc biệt khi đó là công ty bạn luôn mơ ước được trở thành nhân viên. Laura Maclean, sinh viên...