Hàng nghìn giáo viên xin nghỉ việc, tháo gỡ từ đâu?
Con số hơn 16.000 giáo viên xin nghỉ việc cần được nghiên cứu và suy nghĩ nghiêm túc.
Giáo viên đang bị nhiều sức ép trong công việc. Ảnh minh họa/TG.
Với tư cách như một nhà nghiên cứu và từ quan sát, trải nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) có những nhìn nhận về tình trạng giáo viên nghỉ việc trong thời gian qua.
Có thể gây mất cân đối về nhân lực
- Theo TS, khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc trong 2 năm (2021, 2022) nói lên điều gì?
- Đây là một xu hướng cần được nghiên cứu và suy nghĩ nghiêm túc vì nó phản ánh nhiều vấn đề về công việc của nhà giáo và ngành Giáo dục. Cụ thể: Công việc sư phạm đang trở nên kém hấp dẫn người lao động. Giá trị nghề nghiệp của nhà giáo bị sụt giảm. Vị thế của người thầy không được coi trọng trong xã hội như xưa.
Lòng yêu nghề, yêu trẻ và lý tưởng nghề nghiệp ở một bộ phận không nhỏ nhà giáo bị phai nhạt. Nghề sư phạm ngày càng trở thành một công việc mưu sinh hơn là một lý tưởng để cống hiến. Giáo viên đang bị nhiều sức ép trong công việc.
Trong thực tế, việc có nhiều lựa chọn về công việc đã thúc đẩy một bộ phận nhà giáo quyết đoán hơn trong việc thay đổi sự nghiệp của bản thân. Xu hướng dịch chuyển lao động, chảy máu chất xám từ lĩnh vực sư phạm sang các ngành nghề khác.
TS Hoàng Trung Học.
- Việc giáo viên xin nghỉ việc có quan ngại?
Xu hướng tự vệ nghề nghiệp theo kiểu chịu đựng, làm cho xong, thiếu trách nhiệm trong công việc, luôn nghĩ cách bảo đảm an toàn cho mình dẫn đến thiếu sáng tạo. Một số nhà giáo khác làm việc trong tâm trạng khó chịu, mệt mỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của lao động sư phạm và có thể gây ra một số “tai nạn nghề nghiệp” – TS Hoàng Trung Học.
- Như trên đã nói, con số khoảng 16.000 giáo chức xin nghỉ việc là dấu hiệu đáng lo ngại. Điều này có thể thúc đẩy một loạt các vấn đề trong ngành Giáo dục.
Thứ nhất, có thể gây mất cân đối về nhân lực trong một lĩnh vực có số lượng viên chức đông nhất (hơn 1,4 triệu người). Hiện tại, ngành Giáo dục đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên, đấy là chưa kể đến hiện tượng thừa, thiếu mang tính cục bộ tồn tại trong ngành suốt thời gian qua.
Khi đội ngũ nhà giáo vừa thiếu, lại bị hao hụt thêm hàng năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên các nhà giáo đang làm việc.
Thứ hai, xu hướng xin nghỉ việc, chuyển việc ở đội ngũ nhà giáo có thể sẽ không dừng lại và trở nên trầm trọng hơn. Xu hướng này có thể gây ra một phản ứng dây chuyền, có ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhà giáo đang cống hiến, đặc biệt là những nhà giáo có kinh nghiệm và chuyên môn tốt.
Video đang HOT
Thứ ba, khi vị thế nghề nghiệp của các nhà giáo chưa được coi trọng đúng mức, khi lý tưởng nghề nghiệp bị phai nhạt và khi những sức ép nghề nghiệp trong nghề sư phạm quá ngưỡng chịu đựng có thể dẫn đến xu hướng thích ứng tiêu cực.
Mức lương hiện tại của nhà giáo chưa bảo đảm cho mức sống tối thiểu. Ảnh minh họa/internet.
“Bắt mạch” nguyên nhân
- Theo TS, nguyên nhân của xu hướng xin nghỉ việc ở giáo viên là gì?
Nhiều giáo viên thừa nhận, họ chưa có các công cụ nghề nghiệp cần thiết để thực hiện điều này. Việc phải dạy học sinh như thế nào theo triết lý mới? Phải kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào cho tốt nhất? Phải sử dụng những công cụ giáo dục nào để thực sự giáo dục bằng tình yêu thương; đặc biệt với những học sinh chống đối, chưa ngoan… – TS Hoàng Trung Học.
- Xu hướng này bắt nguồn từ một hệ nguyên nhân phức tạp. Trước hết, tác động mạnh đến đội ngũ nhà giáo là thu nhập. Mức lương hiện tại của nhà giáo chưa bảo đảm cho mức sống tối thiểu, đặc biệt là ở những giáo viên mới vào nghề ở bậc học mầm non, tiểu học.
Xã hội đã thay đổi, mức sống đã nâng lên, con người cũng có nhu cầu vật chất cao hơn. Họ sẽ có xu hướng tiêu dùng cao hơn và không bằng lòng với mức thu nhập dưới mức tối thiểu. Đấy là điều bình thường.
Đặc biệt, khi đối sánh với những lĩnh vực lao động khác với mức lương cao hơn, cơ hội kiếm việc lại dễ dàng hơn, sức ép ít hơn sẽ tác động trực tiếp đến sự gắn bó với nghề của nhà giáo. Nói cách khác, thầy/cô cũng là con người, cần phải bảo đảm những nhu cầu tối thiểu trong đời sống thì họ mới thực sự an tâm, cống hiến với nghề được.
Kế tiếp, theo nghiên cứu và quan sát của chúng tôi, áp lực nghề nghiệp hiện tại của các nhà giáo rất nặng nề. Đặc biệt là ở giáo viên mầm non và tiểu học. Áp lực đầu tiên đến từ chính đặc trưng công việc.
Giáo viên mầm non, tiểu học có khi phải làm việc đến 12 tiếng/ngày. Giáo viên THCS và THPT lại gặp những áp lực đến từ chính học sinh và chuyên môn. Học sinh bây giờ thái độ và tinh thần hợp tác, tiếp nhận các tác động giáo dục cũng khác ngày xưa nhiều lắm!
Không chỉ vậy, giáo viên đang phải chịu quá nhiều , sổ sách, họp hành, tập huấn. Sức ép thành tích và các hoạt động mang tính hình thức khác. Nhiều cuộc thi hiện tại mang nặng tính “trình diễn” cũng góp phần gia tăng áp lực cho thầy/cô.
Chúng tôi vẫn nói, nếu như thầy cô dạy tiết nào cũng như những tiết trong hội giảng thì chất lượng giáo dục đã khác xa rồi! Thực tế thì mỗi giáo viên dạy được bao nhiêu tiết “tròn trịa” như trong hội giảng? Những cuộc thi như thế không thực sự giúp củng cố hoạt động giáo dục thường xuyên nhưng lại khiến giáo viên cảm thấy mệt mỏi và áp lực.
Đối với nhóm giáo viên trẻ, mới vào nghề, họ có thể không gặp vấn đề về khả năng thích ứng với công nghệ thông tin, thời đại công nghiệp 4.0 như một số thầy cô lớn tuổi nhưng lại gặp áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền”. Đặc biệt với những người trẻ tuổi, khi các nhu cầu vật chất có xu hướng gia tăng, họ thấy phải làm một loạt công việc áp lực với mức lương không bảo đảm thì họ có thể sẽ lựa chọn bỏ nghề.
Giáo viên chưa được hỗ trợ những công cụ hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục cũng là nguyên nhân gây ra áp lực. Hiện nay, chương trình, triết lý giáo dục mới hướng đến giáo dục học sinh bằng tình yêu thương, lấy học sinh làm trung tâm, cấm bạo lực… hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.
Ngày nay, áp lực cho giáo viên còn đến từ chính phụ huynh và xã hội. Nhận thức của phụ huynh về vai trò, vị thế của người thầy rất khác xưa. Đôi khi phụ huynh, dư luận không dành cho giáo viên sự trân trọng ở mức cần thiết.
Khi sàng lọc bằng trắc nghiệm, chúng tôi thấy, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35 – 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm.
Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giáo viên mầm non, sau đó lần lượt đến giáo viên bậc tiểu học, THCS và cuối cùng là THPT. Như vậy, dưới góc độ khoa học có thể thấy được áp lực bên ngoài đã chuyển hóa thành những dấu hiệu căng thẳng tâm lý bên trong ở giáo viên.
Lao động của nhà giáo có tính đặc thù. Ảnh minh họa/internet.
Tháo gỡ từ đâu?
- Chúng ta nên bắt đầu tháo gỡ từ đâu – thưa TS?
- Để giải quyết áp lực cho giáo viên và “giữ chân” những giáo viên giỏi cần những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Tôi vẫn cho rằng, gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên là vấn đề thu nhập. Họ phải bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề.
Nếu không, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm. Một số giáo viên bán hàng online, làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập chẳng có gì xấu, trong quá khứ cũng đã xảy ra, nhưng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
Chúng ta đừng nghĩ mức lương trung bình 5 – 7 triệu đồng/tháng với giáo viên là cao bởi công nhân lao động phổ thông hiện nay cũng đã có thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng/tháng rồi. So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào.
Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cấp trường, phòng, sở, bộ phải ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên và hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn nữa những cuộc thi không cần thiết, những sổ sách hành chính, những nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật cần thiết đang chi phối giáo viên. Hãy rũ bỏ tất cả những thủ tục hành chính làm giáo viên thêm mệt mỏi, để các thầy cô được thực sự “tự do” và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một cách rất cụ thể các hướng dẫn, công cụ để giúp giáo viên thực sự nắm rõ và thực hiện tốt chương trình mới. Toàn bộ xã hội, truyền thông cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho thầy cô sự tôn trọng nghề nghiệp ở mức độ cần thiết. Ghi nhận, dành cho thầy cô sự trân quý, cũng là cách để họ có động lực cống hiến.
- Xin cảm ơn TS!
“Bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường cũng phải làm công tác tư tưởng để sốc lại tinh thần, thay đổi tư duy làm giáo dục cho giáo viên trong giai đoạn mới, ứng phó với những thách thức và khó khăn mới. Có nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay”.
Giáo viên mầm non nghỉ việc vì lương không đủ sống
Gắn bó với môi trường giáo dục được vài năm, trải qua sóng gió của dịch Covid-19, cô giáo mầm non không còn trụ được với nghề, nên phải tìm kiếm một công việc mới.
Đi làm mấy năm, không phụ giúp được gì cho gia đình
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Huyền (26 tuổi), từng là giáo viên mầm non tại một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.
Huyền nhớ lại: "Sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia thi tuyển vào một trường mầm non công lập nhưng không đỗ, nên đã nộp hồ sơ vào một trường tư thục. Lúc ấy, trong bụng vẫn còn thầm nghĩ, âu cũng là một cái duyên, và hài lòng vì cho rằng, lương của giáo viên trường tư thục sẽ "nhỉnh" hơn, sẽ dễ sống hơn.
Thế nhưng, thực tế, lương cũng chẳng khá hơn nhiều, mỗi tháng tôi chỉ nhận về trên dưới 5 triệu đồng. Tháng nào chẳng may bị ốm thì tiền lương còn thấp nữa.
Số tiền đó có thể là tạm đủ với mức sống ở quê, còn giữa đất Thủ đô biết bao chi phí đắt đỏ, từ tiền nhà trọ, tiền ăn uống, tiền xăng xe đi lại, tiền điện thoại... tất cả trông vào thì đồng lương ấy trở nên eo hẹp vô cùng".
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Huyền khi còn đứng lớp, tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: NVCC).
Mặc dù thuê được căn phòng trọ giá rẻ, lại gặp chủ nhà tốt bụng, suốt gần chục năm qua (gồm cả thời gian học cao đẳng lẫn khi đi làm) không tăng tiền nhà, song, tháng nào làm được đến đâu, cô giáo trẻ cũng tiêu hết đến đó. Thậm chí, có những tháng, chưa đến ngày lĩnh lương, tiền tháng trước đã cạn, mà lại được mời dự một vài đám cưới, Huyền lại phải tính đến phương án tạm ứng lương để trang trải. Rồi thậm chí, có nhiều khi "bí" quá, Huyền phải vay thêm từ bạn bè, đồng nghiệp.
Cứ như vậy, có khi, đến ngày lĩnh lương, cô chỉ nhận được khoảng 2/3 số lương và thậm chí, tiền chưa cầm ấm tay, đã phải mang trả nợ.
Ra trường và đi làm đã mấy năm, nhưng cô gái quê Nam Định dường như chưa thể gửi tiền về phụ giúp bố mẹ. Một số tài sản giá trị nhất của cô, như xe máy, điện thoại, máy tính xách tay,... tất cả đều là sự hỗ trợ từ gia đình.
Vì đồng lương không dư dả, Huyền cũng ít khi về thăm quê. Mặc dù chỉ cách Hà Nội hơn trăm cây số, tiền vé xe cũng chỉ hơn 100.000 đồng/lượt, nhưng phải mấy tháng, cô mới về quê một lần.
"Dịp Tết đến, giáo viên thường được thưởng khoảng 4 triệu đồng, còn tôi là giáo viên trẻ, chỉ được hưởng 75%, nên cũng chẳng được bao nhiêu. Xoay xở trong khoản lương thưởng nho nhỏ ấy, tôi cũng không biết phải sắm sửa gì nên chỉ trích ra một chút để biếu bố mẹ, còn lại để dành mừng tuổi cho các cháu và lo cuộc sống sau khi trở lại Hà Nội", cô giáo trẻ trải lòng.
Huyền tâm sự: "Đã có lúc, mẹ tôi thủ thỉ, ở Hà Nội khó khăn quá, thì về quê, xin vào một trường học gần nhà... Nhưng tôi trộm nghĩ, để thi được vào một trường ở quê cũng không phải dễ dàng gì, mà lương cũng chỉ quanh quẩn 2-3 triệu đồng, thì cũng chẳng có tích lũy được cho tương lai, nhất là sau này khi có gia đình riêng, lại càng khó cân đối được tài chính. Thế là, tôi lại quyết định ở lại...".
Không trụ được qua làn sóng dịch Covid-19
Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các cô giáo mầm non, như Huyền.
Huyền kể: "Trước khi có dịch Covid-19, cuộc sống cũng đã khó khăn, nhưng vì công việc được gắn bó với trẻ mầm non là một công việc rất ý nghĩa, tôi cảm thấy mình rất vui vẻ mỗi khi được dạy các con, nên tôi vẫn luôn tự nhủ, mình sẽ vượt qua được. Mỗi ngày đến trường, gặp các con khiến tôi như được tiếp thêm một nguồn năng lượng đầy tích cực.
Thế nhưng, khi dịch bùng phát, diễn biến phức tạp, trẻ em phải tạm dừng đến trường, giáo viên chúng tôi rơi vào trạng thái thất nghiệp. Nghỉ ở nhà vừa buồn vì không được đến trường vừa khó khăn về kinh tế.
Huyền phải lựa chọn một nghề khác sau Covid-19. (Ảnh: NVCC).
Những ngày đầu, phía trường học còn ít nhiều có khoản hỗ trợ đối với giáo viên, nhân viên. Sau đó, do dịch kéo dài, nhà trường cũng không đủ sức "gồng gánh" nữa, khoản hỗ trợ không còn, chúng tôi thậm chí không biết bấu víu vào đâu. Trong khi, trước đó, lương không dư dả nên tôi cũng không có tích lũy. Vậy nên, khi phải nghỉ dịch thì cũng là lúc tôi kiệt quệ...".
"Lúc này, tôi được người quen giới thiệu cho công việc khác, tôi thấy thu nhập khá hơn, mà lại có thể chủ động thời gian, vì chủ yếu làm online, nên đã quyết định xin nghỉ việc ở trường để tìm kiếm cơ hội mới.
Trước đây, khi còn là giáo viên, tôi dường như không có thời gian rảnh. Sáng 7 giờ kém đã có mặt ở trường, chiều có nhiều hôm phụ huynh đón con muộn là ở lại đến tận 7 giờ, 8 giờ tối. Trong khi đó, ngày nghỉ cũng được tận dụng để làm công tác chuẩn bị cho nhiều cuộc thi ở trường, ở quận, ở thành phố... Chưa kể, mỗi tháng, mỗi tuần đều có những sự kiện do nhà trường tổ chức, giáo viên lại lo từ khâu trang trí đến chuẩn bị... Có nhiều lúc, không phải soạn giáo án, mà các cô cũng gần như ăn, ngủ lại trường. Vất vả là thế, mà đồng lương đổi lại cũng không dư dả gì...
Vậy nên, tôi đành phải dừng bước, tìm đến một nghề khác để lo được cuộc sống cho bản thân, phụ giúp được gia đình", Huyền bộc bạch.
Bất ngờ không công bố điểm thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ GD-ĐT nói gì? Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, nhiều giáo viên bất ngờ bởi năm nay không còn thấy phần thông tin điểm từng thí sinh. Chia sẻ với VietNamNet, một thầy giáo ở Hà Nội cho hay băn khoăn không hiểu vì lý do...