Hàng nghìn đơn sách giáo khoa chưa được giao cho học sinh Đà Nẵng
Theo một số nhà sách tại thành phố Đà Nẵng, hàng nghìn đơn hàng, gồm sách giáo khoa, dụng cụ học tập, bị dồn ứ do không thể vận chuyển đến học sinh.
Trao đổi với Zing chiều 6/9, ông Lê Ngọc Thạnh, Trưởng chi nhánh Fahasa TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang có khoảng 1.000 đơn sách giáo khoa, dụng cụ học tập chưa được vận chuyển đến khách hàng.
“Hiện tại, 3 nhà sách ở quận Thanh Khê, Hải Châu bán trên trang web khoảng 1.000 đơn hàng nhưng không giao được vì UBND TP Đà Nẵng chưa cho các nhà sách hoạt động”, ông Thạnh nói.
Fahasa đã kiến nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng và được trả lời phải chờ đợi quyết định cho phép hoạt động của UBND thành phố.
Hàng nghìn đơn sách tại TP Đà Nẵng bị tồn đọng vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa: H.Q.
“Đa số phụ huynh nôn nóng có sách mới cho con em được sớm tiếp cận, đặc biệt ở bậc đầu cấp như lớp 6. Tuy nhiên, vì chưa giao hàng được, chúng tôi đành dựa vào văn bản của Sở GD&ĐT để giải thích”, ông Thạnh nói và cho biết thêm có khách hàng không chờ đợi được, đã gọi điện thoại hủy đơn hàng.
Đơn vị này mong muốn được TP Đà Nẵng cho phép 30% nhân sự được hoạt động tại chỗ để sẵn sàng giao cho khách khi việc hoạt động thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Công ty sách, thiết bị trường học Đà Nẵng, cho biết từ sáng 6/9, ông nhận được hàng trăm cuộc gọi điện thoại, tin nhắn từ khách hàng hối thúc việc giao sách.
“Khoảng tháng nay, chúng tôi nhận được gần 2.000 đơn sách của khách hàng ở 6 quận, huyện nhưng đều phải ngưng lại. Chỉ trong tuần này, chúng tôi bị hủy gần 500 đơn hàng do không vận chuyển, giao hàng được”, ông Cần nói.
Sáng 6/9, lãnh đạo Công ty sách, thiết bị trường học Đà Nẵng đã làm văn bản gửi Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, kiến nghị can thiệp để có thể cho 30% nhân sự đi làm, soạn đơn hàng cho kịp.
Ông Cần thông tin hiện nay, đơn vị có 6 nhà sách ở các quận, huyện, nhân lực được tiêm vaccine nên mong muốn sớm được hoạt động tại chỗ để soạn đơn hàng.
Khảo sát của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho thấy 40% học sinh tại địa phương thiếu sách giáo khoa cho năm học 2021-2022. Ảnh: N.P.
Theo khảo sát của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, khoảng 40% học sinh trên toàn thành phố chưa mua được sách giáo khoa mới, 50% học sinh chưa mua được đồ dùng học tập.
Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng nhận định dạy – học trực tuyến là hình thức hỗ trợ chứ không phải chủ đạo nên trong khoảng 2 tuần đầu, học sinh chủ yếu được giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ.
Sau 2 tuần dạy trực tuyến, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về dạy – học trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đơn vị này đã báo cáo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc sau khai giảng năm học, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cần xem xét cho phép các công ty, nhà sách được hoạt động, cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập… cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp để đảm bảo cho học sinh thuận tiện việc học bài mới.
Giáo viên nói về việc thay sách giáo khoa lớp 2: 'Nếu không thay và dừng lại là sẽ bị lạc hậu'
Nhiều giáo viên ở Đà Nẵng bày tỏ ủng hộ và khen nội dung sách giáo khoa lớp 2 phù hợp với trình độ của học sinh.
Thực hiện: Team Đà Nẵng
Ngay sau khi bộ sách giáo khoa lớp 2 được phát hành tại Đà Nẵng, ngành giáo dục thành phố này đã phối hợp cùng nhà xuất bản và các trường tiểu học, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 cho giáo viên. Thực hiện tập huấn online trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường song các giáo viên đã chủ động cập nhật và trao đổi giúp sớm phát hiện các lỗi trong bộ sách giáo khoa mới.
Các giáo viên ở Đà Nẵng tham gia tập huấn sử dụng SGK lớp 2
Trải qua 5 ngày tập huấn liên tiếp, cô Nguyễn Thị Hiền (Giáo viên tổ 2, Trường TH Núi Thành, TP. Đà Nẵng) cho biết nhờ những buổi làm việc thực tế đã giúp các thầy cô phát hiện lỗi để góp ý.
'Có những vấn đề mình thắc mắc, mình muốn hỏi thầy mà nhắn tin thì nhiều lúc các thầy cô không đọc hết. Cho nên việc thầy cô giải đáp cho mình vẫn còn hạn chế. Những buổi tập huấn nhìn chung trọn vẹn nhưng đôi lúc đường truyền mạng hơi yếu nên nhiều lúc cũng gián đoạn' - cô Hiền nói.
'Như ngày hôm qua có cái chương trình tập viết trong cái chương trình lớp 2 thì các thầy cô cũng có ý kiến rằng là vở tập viết không thuận tiện và không phát huy được tính năng lực của học sinh. Các thầy cô cũng có ý kiến lên nhưng cũng chưa được giải đáp kịp thời' - cô Hiền cho sẻ thêm.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt (Hiệu trưởng trường TH Núi Thành) cho hay: ' Quá trình tập huấn online chắc chắn không hiệu quả bằng tập huấn trực tiếp. Tập huấn trực tiếp, các cô sẽ được thảo luận nhóm, được trao đổi dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, giảng viên, các báo cáo viên. Các vướng mắc sẽ được giải đáp tại chỗ. Còn tập huấn online dù các cô tập trung so đôi khi do tín hiệu và âm thanh đã ảnh hưởng đến nội dung truyền đạt'.
Trải qua nhiều lần thay sách, với cô Lan lần này bộ sách mới thiết thực và phù hợp
Nhiều năm liền gắn bó với nghề giáo, trải qua nhiều lần chỉnh sửa, thay sách, với cô Bích Lan (Trường TH Núi Thành, Đà Nẵng) bản thân cảm thấy phấn khởi khi được dùng sách mới.
'Tôi trải qua 3 lần thay sách. So với những lần tôi đã đi qua, riêng lần này tôi thấy rất thiết thực, đi kịp thời đại hiện nay, đáp ứng được sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay. Nếu không thay sách và dừng lại, chúng ta sẽ bị lạc hậu' - cô giáo này đánh giá.
'Sự đổi mới thì sẽ gặp khó khăn, nhưng không thay đổi thì không thể dừng lại được. Mà chính thay đổi thì mình mới mới ra được và chính cái thay đổi, bản thân tôi thấy mình năng động hơn. Tôi cảm thấy cứ một lần như thế này mà mình có thêm năng lượng để tiếp tục công việc của mình' - cô giáo này vui vẻ nói.
Còn với cô Thanh Nhàn (GV ở Đà Nẵng) mặc dù diễn ra trong những ngày nắng nóng song đi tập huấn gặp đồng nghiệp cảm thấy rất vui vẻ, nhờ đó cũng giải tỏa được nhiều áp lực của bản thân mỗi khi có thay đổi sách.
'Tôi học được phương thức, cách thức giảng dạy mới. Qua những buổi tập huấn này thì giáo viên phát huy được sự năng động, sáng tạo trong công việc của mình' - cô Nhàn nói.
Hình ảnh ghi nhận trong một buổi tập huấn sử dụng sách lớp 2 ở Đà Nẵng
Diễn ra ngay sau khi sách mới được phát hành, các buổi tập huấn online góp phần giải tỏa tâm lý lo lắng của các giáo viên.
Mặc dù việc tiếp nhận thông tin và hướng dẫn sử dụng sách không thuận lợi bằng tập huấn trực tiếp nhưng với tâm thế chủ động thích nghi trong mùa dịch, giáo viên tiểu học ở Đà Nẵng lạc quan cho rằng đây cũng chính là cơ hội để bản thân thay đổi với xu hướng phát triển chung.
Ngoài các buổi tập huấn online, các trường sẽ chủ động tổ chức các buổi ôn tập, đánh giá để các giáo viên nắm rõ nội dung sách, sẵn sàng cho năm học mới.
Ngành giáo dục Đà Nẵng cho biết với các đơn vị, trường học đã sử dụng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 trùng với SGK lớp 1 đã được UBND TP phê duyệt sử dụng từ năm học 2021- 2022 thì giáo viên không cần tham gia tập huấn sử dụng SGK đợt này.
Photo/ Quay phim: Trọng Hiếu
Đà Nẵng ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa Tiểu học UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sở GD&ĐT Đà Nẵng có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố tổ chức việc lựa chọn SGK. Giờ học của HS lớp Một Trường Tiểu học Lê Lai (Quận Hải Châu,...