Hàng nghìn con ong bám trên người, “vua ong” tuyên bố chưa từng bị đốt
Ndayisaba, một người nuôi ong ở Rwanda thường xuyên cho hàng nghìn con ong bám trên người và khẳng định chưa từng bị ong đốt.
Ndayisaba, một người nuôi ong ở Cộng hòa Trung Phi Rwanda đã chăm sóc bầy ong từ khi còn nhỏ. Ndayisaba cho biết, trong suốt 30 năm anh nuôi ong và để lũ ong bám khắp cơ thể, anh chưa một lần bị ong đốt.
Người đàn ông tự nhận mình là “ vua của các loài ong” nổi tiếng trên mạng xã hội với những bức ảnh có hàng nghìn con ong đậu kín trên cơ thể của anh. Ndayisaba giải thích: “Để điều khiển đàn ong, trước tiên tôi phải tìm kiếm ong chúa. Sau đó, tôi đặt ong chúa lên người để thu hút những con ong khác”.
Người nuôi ong có kinh nghiệm cho biết, anh để con ong chúa nằm yên một chỗ trên cơ thể bằng cách buộc con ong vào một đoạn dây quanh thắt lưng. Những con ong khác sẽ tự nhiên đi theo và quyết liệt bảo vệ ong chúa của chúng, cả đàn ong bay về phía Ndayisaba và tạo thành một lá chắn xung quanh ong chúa để giữ cho ong chúa an toàn.
Hàng nghìn con ong bám trên người Ndayisaba.
Ndayisaba nổi tiếng tại Rwanda với nghề nuôi ong và thu nhập của anh chủ yếu tới từ việc bán mật ong. Ndayisaba cho biết, anh có cuộc sống khá ổn nhờ đàn ong và nếu không có đàn ong này thì cuộc sống của anh ấy sẽ không trọn vẹn.
Với tư cách là “vua của loài ong”, Ndayisaba có thể “điều khiển” bầy ong trong mọi việc. Những con ong thu thập mật hoa tập trung xung quanh ong chúa, tổ ong, chăm sóc tổ ong và giữ cho tổ của mình sạch sẽ, sau đó chúng sản xuất mật ong.
Hầu hết những người nuôi ong không kiểm soát đàn ong như những gì Ndayisaba đã và đang làm, điều này khiến anh trở thành một người đặc biệt và nổi tiếng.
COVID-19 tới 6h sáng 25/8: Mỹ ca tử vong cao thứ 2 thế giới; Ấn Độ lây nhiễm tăng trở lại
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 589.000 ca bệnh COVID-19 và 9.771 ca tử vong. Ca nhiễm mới lại vượt mốc 100.000 tại Mỹ và ca tử vong ở nước này tăng lên mức cao thứ hai thế giới.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kigali, Rwanda ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 213.880.238 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.463.268 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 590.772 và 9.780 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 191.415.494 người, 17.928.935 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 109.936 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 100.969 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (51.016 ca) và Iran (40/623 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.038 người chết, tiếp theo là Mỹ (930 ca) và Brazil (794 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 38.915.565 người, trong đó có 647.926 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.511.370 ca nhiễm, bao gồm 435.788 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.614.866 ca bệnh và 575.742 ca tử vong.
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 đi chôn cất tại một nghĩa trang ở Cape Town, Nam Phi ngày 9/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bất chấp làn sóng mới, Mỹ lạc quan kiểm soát dịch bệnh vào mùa Xuân 2022
Mỹ có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 vào đầu năm tới, căn cứ vào việc có thêm nhiều vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép đầy đủ trong những tuần tới. Đây là dự báo lạc quan được Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đưa ra ngày 24/8, một ngày sau khi vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp sản xuất với hãng BioNTech (Đức) được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ.
Trong các chương trình phỏng vấn trên truyền hình, Tiến sĩ Fauci cho biết việc FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech đã mở đường cho có thêm nhiều người được tiêm vaccine này. Dự kiến, FDA có thể cấp phép đầy đủ đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna và hãng Johnson&Johnson trong những tuần tới, cũng như có thể cho phép tiêm vaccine cho trẻ nhỏ vào mùa Thu này.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jonesboro, bang Arkansas (Mỹ) ngày 4/8/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Với hơn một nửa tổng dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, các chuyên gia và quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng rằng việc FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ đóng vai trò là chất xúc tác, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở quốc gia này, góp phần làm giảm tâm lý lo ngại của người dân khi đi tiêm chủng.
Tâm lý lo ngại của người dân đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay chính là một trở ngại lớn đối với chính quyền Mỹ trong việc đạt được mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người dân, điều kiện để đối phó với biến thể mới của virus SARS-COV-2.
Trong khi đó, làn sóng gia tăng lây nhiễm do biến thể Delta đang đẩy nước Mỹ vào một giai đoạn khó khăn hơn. Theo tờ USA Today, các ca nhiễm mới đang tăng ở 42 tiểu bang, ca tử vong tăng ở 43 bang, mức tệ nhất từ tháng 12/2020.
Trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 930 ca, cao thứ hai thế giới chỉ sau Indonesia.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Anh ghi nhận ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ 12/3
Số liệu chính thức cho thấy trong ngày 24/8 Anh ghi nhận 174 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, con số cao nhất kể từ ngày 12/3, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày là 30.838.
Trong tuần qua, Anh đã ghi nhận tổng cộng 705 trường hợp tử vong vì COVID-19, tăng 8,8%. Con số này tại Anh được tính với những người tử vong sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 trong vòng 28 ngày.
Số ca tử vong tăng mạnh được ghi nhận trong ngày 24/8 một phần do khâu báo cáo số liệu dồn lại trong dịp cuối tuần. Số ca tử vong hàng ngày của Anh đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 1.000 ca/ngày giai đoạn đỉnh dịch.
Hiện 77% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch từ giữa tháng 7, cho phép người dân đi lại, giao lưu và trở lại công sở làm việc.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Hoàng gia Papworth ở Cambridgeshire, Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ấn Độ: Lây nhiễm đang tăng trở lại
Cũng trong ngày 24/8, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 32.474.773, với 25.467 ca mắc mới được ghi nhận trên toàn quốc trong 24 giờ qua. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 435.110 người sau khi có thêm 354 bệnh nhân không qua khỏi.
Hiện vẫn còn 319.551 ca mắc COVID-19 đang được điều trị trên cả nước, giảm 14.373 ca trong 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 39.486 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện, nâng số người được chữa khỏi lên 31.720.112 người.
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với virus gốc
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 24/8 cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù vậy, theo KDCA, tải lượng virus giảm dần theo thời gian, theo đó sau 4 ngày kể từ ngày nhiễm sẽ giảm xuống mức cao gấp 30 lần virus gốc và sau 9 ngày xuống mức cao gấp hơn 10 lần. Đặc biệt, sau 10 ngày, tải lượng virus ở người nhiễm biến thể Delta và người nhiễm các biến thể khác là tương đương. Để đưa ra kết luận trên, KDCA đã tiến hành so sánh tải lượng virus của 1.848 bệnh nhân nhiễm biến thể Delta và 22.106 bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.
Phát biểu họp báo, ông Lee Sang-won, người đứng đầu Bộ phận Điều tra và Phân tích Dịch tễ học của Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết tải lượng virus cao hơn đồng nghĩa virus có thể lây lan nhanh hơn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không có nghĩa biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 300 lần so với các biến thể khác. Theo ông, tốc độ lây lan của biến thể Delta chỉ cao hơn 1,6 lần so với biến thể Alpha và gấp 2 lần so với phiên bản gốc virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em nhỏ tại Jerusalem ngày 29/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàn Quốc: Số ca mắc mới tăng trở lại trên 1.500 ca/ngày
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 của Hàn Quốc đã tăng trở lại trên mức 1.500 ca/ngày, với 1.509 ca ghi nhận ngày 24/8, đưa tổng số lên 239.287 ca kể từ đầu dịch.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đến nay ghi nhận tổng cộng 2.599 ca mắc COVID-19 mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ. Con số này tương đương cứ 100.000 người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều thì có 35,1 người nhiễm bệnh sau tiêm.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh hầu hết ca mới gần đây là những người từ 20-30 tuổi và phần lớn chưa tiêm vaccine. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số vào tháng 9 để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 21/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Australia chuẩn bị tiêm liều vaccine tăng cường
Australia đang chuẩn bị cho việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường trong năm 2022. Trước đó, hôm 13/8, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định nguồn dự trữ vaccine của Australia rất dồi dào và chính phủ đã tính đến khả năng cần đến liều vaccine tăng cường một năm sau khi được tiêm phòng đủ hai mũi. Bộ trưởng Hunt cho biết sẽ cần đến các mũi tiêm này trong vòng 12 tháng tính từ khi người dân được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 24/8, Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia đã ghi nhận 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một mức cao kỷ lục mới tại thủ đô Canberra bất chấp việc khu vực này đã được phong tỏa 12 ngày qua. Số ca nhiễm trên nâng tổng số ca liên quan đến ổ dịch này lên 167 ca, trong đó có 4 người đang phải điều trị trong bệnh viện.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Thống đốc vùng ACT Andrew Barr cho biết hiện còn quá sớm để khẳng định liệu lệnh phong tỏa có thể được gia hạn đến sau 2/9 hay không, nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng đang rất đáng lo ngại.
New Zealand cân nhắc gia hạn biện pháp phòng dịch
Tại New Zealand, chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sau khi ghi nhận 41 ca nhiễm mới trong cộng đồng, gồm 38 ca tại Auckland và 3 ca tại Wellington, nâng tổng số ca nhiễm trong cộng đồng trên cả nước lên 148 ca.
Lệnh phong tỏa hiện nay được ban bố từ ngày 17/8, sau khi ghi nhận ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng tại Auckland, và sẽ hết hiệu lực vào giữa đêm 27/8. Theo quy định phong tỏa cấp độ 4, các trường học và công ty đều phải đóng cửa, trừ những cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc và trạm dịch vụ.
Kiểm tra các thông tin cá nhân và mã sức khỏe của hành khách tại một nhà ga ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc: 1 ca nhiễm cộng đồng mới
Ngày 24/8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 35 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 23/8, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 34 ca nhập cảnh.
Theo số liệu của NHC, trong số các ca mắc nhập cảnh có 9 ca ở Thượng Hải, 8 ca ở Quảng Đông, 7 ca ở Chiết Giang, 4 ca ở Vân Nam, Phúc Kiến và Tứ Xuyên mỗi nơi có 2 ca, và Thiên Tân và Thiểm Tây mỗi nơi có 1 ca mắc mới. Không có thêm trường hợp tử vong vì COVID-19 nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 23/8.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan "học cách sống chung với COVID-19"
Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) đã thông qua việc thay đổi chiến lược của Thái Lan sang "học cách sống chung với COVID-19". Dự kiến, NCDC sẽ đề nghị Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) cân nhắc mở cửa trở lại một số lĩnh vực của đất nước, phù hợp với cam kết hồi tháng 6 của Thủ tướng Chan-o-cha mở cửa đất nước trong 120 ngày.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong, trọng tâm trong tương lai sẽ là kiềm chế các ca nhiễm ở mức độ không vượt quá khả năng của hệ thống y tế công cộng, với các biện pháp chính là tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương và truy vết nhanh hơn với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh. Cục trưởng Opas nêu rõ các biện pháp phong tỏa hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 31/8 và chính phủ sẽ cân nhắc về việc liệu có mở cửa sau đó hay không.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết hãng AstraZeneca sẽ cung cấp 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Thái Lan trước cuối năm nay, nâng tổng số vaccine các loại mà nước này đã đặt mua lên 120 triệu liều. Số vaccine này đủ để tiêm phòng cho khoảng 60 triệu người.
Thái Lan là trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 của AstraZeneca cho khu vực. Ảnh: Reuters
Với cam kết trên, Thái Lan đã vượt qua mục tiêu ban đầu là mua vaccine để tiêm cho 50 triệu dân vào cuối năm 2021. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nhận định cam kết của AstraZeneca là một tin tuyệt vời, giúp nước này tiến gần mục tiêu đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tình hình lây lan dịch COVID-19 đang có dấu hiệu chậm lại, qua đó củng cố hy vọng rằng kế hoạch của Chính phủ Thái Lan mở cửa lại đất nước trước cuối năm nay có thể vẫn thực hiện được. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 17.165 ca mới và 226 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan đã có tổng cộng 1.083.951 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.788 ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ca bệnh vượt 4 triệu, Indonesia bắt đầu nới lỏng hạn chế
Kể từ ngày 24/8, Indonesia đã thực hiện nới lỏng các hạn chế phòng dịch tại một loạt khu vực trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Jakarta.
Quyết định này được công bố hôm 23/8 trong bối cảnh cư dân Jakarta là khu vực đầu tiên tại Indonesia được tiếp nhận vaccine Pfizer/BioNTech.
Tổng thống Joko Widodo cho biết việc nới lỏng được thực hiện khi số ca nhiễm mới đã giảm 78% kể từ ngày 15/7, khi làn sóng dịch đang ở đỉnh điểm. Tỉ lệ sử dụng giường bệnh hiện đã giảm xuống còn 33%.
Ông Widodo cho biết: "Bằng cách quan sát sự cải thiện ở một số chỉ số, chính phủ sẽ dần dần điều chỉnh một số hạn chế đối với các hoạt động công cộng. Việc nới lỏng các hạn chế sẽ đi kèm với việc thực hiện các giao thức nghiêm ngặt về sức khỏe và sử dụng ứng dụng PeduliLindungi như một yêu cầu bắt buộc".
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Blang Bintang, Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ra mắt vào năm ngoái, ứng dụng dành cho thiết bị di động, hiển thị bằng chứng về việc tiêm chủng và tình hình COVID-19 ở các khu vực xung quanh vị trí một người, hiện được yêu cầu truy cập sử dụng để tới các địa điểm công cộng như cửa hàng tạp hóa và trung tâm thương mại.
Tổng thống Widodo lưu ý chính phủ đặt mục tiêu tiêm trên 100 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân vào cuối tháng 8. Tới nay, 32,05 triệu người Indonesia, chiếm 15,2% dân số mục tiêu, đã được tiêm chủng đầy đủ.
Brunei ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong hơn 1 năm
Theo tờ Straits Times, ngày 24/8, Brunei đã ghi nhận 2 ca tử vong, đây là những trường hợp tử vong đầu tiên tại nước này trong hơn 1 năm qua. Nạn nhân là một cụ bà 85 tuổi và một người đàn ông 69 tuổi, đều là công dân Brunei, qua đời do nhiễm trùng phổi sau khi được đưa vào trung tâm cách ly trong tháng này.
Như vậy tổng ca tử vong do COVID-19 tại Brunei đến nay là 5 trường hợp. Lần cuối nước này ghi nhận ca tử vong là vào tháng 6 năm ngoái.
Campuchia sắp hoàn tất tiêm phòng cho 10 triệu người
Báo Khmer Times ngày 24/8 đưa tin trong 2 ngày tới, nước này sẽ hoàn thành mục tiêu đầu tiên là tiêm phòng COVID-19 cho 10 triệu người.
Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm phòng từ ngày 10/2 đến ngày 23/8, Campuchia đã tiêm vaccine cho 9.851.896 người dân trong nước và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại nước này (bao gồm cả thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17), trong đó 7.967.118 người đã tiêm đủ liều.
Về tình hình dịch, Bộ Y tế Campuchia ngày 24/8 xác nhận trong 24 giờ qua có 466 ca mới, gồm 94 ca nhập cảnh và 372 ca lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay tại Campuchia đã vượt mốc 90.000 ca, song số ca nhiễm mới vẫn ở mức dưới 500 ca/ngày. Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.821 ca.
Lào: Ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh
Bộ Y tế Lào ngày 24/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 336 ca mới, trong đó 189 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 147 ca cộng đồng.
Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Lào tiếp tục tăng cao với nhiều chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện, đặc biệt là ổ dịch tại trại giam ở tỉnh Savannakhet. Trong 24 giờ qua, Savannakhet là tỉnh ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước với 128 ca, trong đó hầu hết là các phạm nhân trong trại giam.
Tính từ đầu dịch, Lào ghi nhận tổng cộng 12.957 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca tử vong. Đã có 2,1 triệu người được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 và trên 1,6 triệu người được tiêm phòng đầy đủ.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Mỹ bắt đầu chuyển 500 triệu liều vắc xin Covid-19 cho thế giới Chính phủ Mỹ bắt đầu vận chuyển lô vắc xin đầu tiên trong số 500 triệu liều vắc xin Covid-19 mà Washington cam kết chia sẻ với các nước trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Vắc xin của Mỹ viện trợ đến Colombia (Ảnh minh họa: WAMC). Trợ lý thư ký báo chí Nhà Trắng Kevin Munoz ngày 17/8 cho...