Hàng ngàn học sinh TP.HCM có nguy cơ không được học lớp 1
Vì không có hộ khẩu, KT3 không đủ từ 1 năm trở lên nên hàng ngàn học sinh chuẩn bị vào lớp 1 ở Q.12, TP.HCM không được phân vào các trường, nguy cơ không có chỗ học trong khi ngày khai giảng đã cận kề.
Nhiều tháng nay chị Nguyễn Thị Hương chạy khắp nơi làm KT3 nhưng con chị vẫn chưa được nhận vào trường nào – ẢNH: NGUYỄN LOAN
“Mẹ ơi, con có được đi học giống các bạn không ?”
Nói trong nước mắt, chị Nguyễn Thị Hương (33 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết vợ chồng chị vào làm công nhân và đăng ký tạm trú ở P.Đông Hưng Thuận (Q.12) từ năm 2018 đến nay. Vì ở nhà thuê, không được chủ tạo điều kiện để làm sổ tạm trú (KT3) nên từ đó đến nay gia đình chị chỉ đăng ký tạm trú tạm vắng.
Có con gái sinh năm 2014, năm nay đến tuổi vào học lớp 1 nên từ tháng 4 chị đã hỏi thăm tổ dân phố thì được biết chỉ cần có tạm trú tạm vắng là đã được tuyển sinh vào các trường công lập nên chị làm hồ sơ xin nhập học cho con lên UBND phường. Tuy nhiên, đến ngày 20.6, chị Hương và hàng trăm phụ huynh khác của phường này tá hỏa khi con mình không có tên trong danh sách học sinh (HS) được phân bổ về các trường mà nằm trong danh sách “không trúng tuyển”.
Đến lúc này chị Hương mới nắm được thông tin để con được vào lớp 1 trường công lập, ít nhất chị phải có KT3 tại quận này. Vì lo chỗ học cho con nên chị đã chạy khắp nơi lo thủ tục làm sổ tạm trú.
Phải tạo điều kiện cho tất cả các em trong độ tuổi được đi học
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói: “Chúng ta phải thực hiện tuyển sinh theo quy định hiện hành thôi, mà theo nguyên tắc thì phải tạo điều kiện cho tất cả các em trong độ tuổi được đi học, không có phân biệt. Nhưng việc tuyển sinh sẽ theo trình tự ưu tiên là những em đúng địa bàn. Do vậy, những em nào có hộ khẩu theo đúng tuyến thì phải được ưu tiên trước, sau đó mới tính đến chuyện trái tuyến. Chúng tôi sẽ chuyển thông tin cho Sở GD-ĐT để họ kiểm tra và giải quyết nhưng trên tinh thần là phải giải quyết làm sao để tất cả các em có chỗ học”.
Sau khi có được sổ KT3, chị Hương tiếp tục nộp hồ sơ lên phường nhưng nhận được cái lắc đầu vì thời hạn sổ KT3 của chị chưa đủ 12 tháng. Con chị không đủ điều kiện để được nhận vào các trường tiểu học trên địa bàn phường.
Video đang HOT
“Vì lo chỗ học cho con mà mấy tháng nay tôi hết lên phường, phòng giáo dục, UBND quận nhưng chẳng nơi nào giải quyết cả. Vợ chồng tôi đều là công nhân, lấy tiền đâu ra để cho con học trường tư. Chẳng lẽ bây giờ phải cho con nghỉ học một năm, chờ tới năm sau mới đủ điều kiện được nhận?”, chị Hương vừa nói vừa gạt nước mắt.
Cũng có con không được nhận vào trường công lập, chị Nguyễn Ngọc Châu (24 tuổi, Bạc Liêu), cho biết đến nay, khi các trường đã hoàn thành việc tuyển sinh, con chị vẫn không có tên ở bất kỳ trường nào.
Như nhiều phụ huynh khác, chị Châu đã chuẩn bị hồ sơ xin vào lớp 1 cho con từ tháng 4 để gửi lên UBND P.Tân Thới Nhất nhưng từ đó đến nay không nhận được bất kỳ thông tin nào khác về việc học của con.
Chị Châu cho biết đã đăng ký làm KT3 từ tháng 10.2019, hiện vẫn còn thiếu 2 tháng mới đạt yêu cầu được tuyển sinh của quận 12.
Hàng nghìn phụ huynh khác ở quận 12 đang “ngồi trên đống lửa”, sốt ruột vì đến giờ vẫn chưa tìm được chỗ học cho con chỉ vì không đủ điều kiện nhập học, trong khi chỉ còn 2 tuần nữa đã bắt đầu năm học mới.
Nếu nhận hết, không thể dạy chương trình mới
Là đơn vị tham mưu vấn đề tuyển sinh đầu cấp cho UBND Q.12, Phòng GD-ĐT quận này cũng “đau đầu” không kém những phụ huynh có con chưa được vào lớp 1. Làm sao đảm bảo hết chỗ học cho các em, vừa đảm bảo triển khai dạy học 2 buổi/ngày cho HS theo chương trình giáo dục mới là vấn đề nan giải.
Trong lúc trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, nhiều lần ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, liên tục lấy tay bóp trán, thở dài. Ông cho biết là người đứng giữa, ông không biết giải quyết sao cho thỏa đáng. Hiện theo danh sách thống kê, cả quận có tới 1.700 HS thuộc diện có KT3 chưa đủ điều kiện tuyển sinh, chưa kể số HS thuộc diện tạm trú, những em có hồ sơ bị các phường trả về.
Theo ông Hùng, ban đầu quận tính trung bình 48 HS/lớp để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1. Nhưng để đảm bảo tiêu chuẩn lớp học này thì quận chỉ nhận được những em đã có hộ khẩu trên địa bàn, và những em có KT3 từ 31.7.2019 trở về trước. Hiện quận đã tuyển được 7.404 HS cho 22 trường tiểu học công lập.
Hiện UBND quận đang chỉ đạo nâng sĩ số HS lên 50 em/lớp, do đó Phòng GD-ĐT Q.12 sẽ nhận bổ sung 716 em. Số tuyển sinh này sẽ ưu tiên nhận những HS có sổ KT3 sát mốc thời gian sau 31.7.2019, con gia đình chính sách, những HS có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, mồ côi hoặc những em đã có anh/chị học các lớp trên tại địa bàn quận… Kết quả tuyển sinh đợt này chậm nhất sẽ có vào ngày 30.8.
Trả lời câu hỏi về việc chỉ giải quyết thêm được khoảng 700 em, số còn lại sẽ thế nào, ông Hùng cho biết: “Rất mong phụ huynh thông cảm và chia sẻ, vì chúng tôi đã cố hết sức rồi. Ở địa bàn quận có 6 trường tiểu học ngoài công lập với khoảng 1.500 chỉ tiêu, phụ huynh có thể chia sẻ và cho con học ở trường tư hoặc gửi về quê học”.
“Những năm trước, nếu không triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, không bắt buộc HS lớp 1 phải học 2 buổi/ngày thì chúng tôi sẽ giảm số lớp bán trú xuống để lấy chỗ nhận hết các em. Nhưng năm nay, phải đảm bảo triển khai chương trình mới, trong khi sĩ số HS mỗi lớp chúng tôi đã đẩy lên mức tối đa 50 em/lớp, giờ không cách nào nhận thêm được nữa”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, trong những năm gần đây số lượng HS đầu cấp ở Q.12 tăng mạnh khi hàng loạt chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng, trong khi đó quỹ đất xây trường không đáp ứng đủ.
Bỏ sổ hộ khẩu, sẽ thay đổi cách tuyển sinh đầu cấp?
Dự án luật Cư trú sửa đổi trình Quốc hội vừa qua có một chính sách quan trọng là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư. Nếu điều này thực hiện thì tuyển sinh đầu cấp như hiện nay có thay đổi?
Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con. Hiện nay việc tuyển sinh đầu cấp vẫn dựa trên địa bàn sinh sống theo hộ khẩu - ĐÀO NGỌC THẠCH
Bất cập tuyển sinh theo hộ khẩu
UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp từ năm học 2020 - 2021. Kế hoạch tuyển sinh sẽ bắt đầu từ đầu tháng 7. Trong đó các lớp đầu cấp mầm non, tiểu học, THCS tuyển sinh theo địa bàn cư trú dựa trên hộ khẩu và KT3.
Việc tuyển sinh theo hộ khẩu kéo dài nhiều năm qua trên nguyên tắc tất cả trẻ em đến độ tuổi đều được đi học tại các trường theo hộ khẩu cư trú. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển sinh này đã bộc lộ một số bất cập.
Anh Nguyễn Thanh Quang, trưởng phòng kế toán một công ty về xăng dầu, hiện cư trú và có hộ khẩu tại chung cư Lý Thường Kiệt (P.7, Q.11, TP.HCM), đang gặp khó khăn trong việc xin cho con vào lớp 1 năm học tới. Lý do là anh Quang chuẩn bị bán căn hộ đang ở để chuyển về P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Anh dự kiến xin cho con học lớp 1 trường tiểu học công lập gần nhà mới nhưng đến nay anh chưa đủ thời gian chuyển hộ khẩu từ Q.11 sang Q.Thủ Đức. Nếu cho con đi học theo hộ khẩu cũ thì không thực tế mà học theo chỗ ở mới lại không đáp ứng được về điều kiện hộ khẩu.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các trường công lập tuyển sinh theo tuyến dựa trên hộ khẩu chủ yếu áp dụng cho lớp 1. Việc này xuất phát từ mong muốn của ngành giáo dục là học sinh (HS) đi học tại các trường gần nơi cư trú theo hộ khẩu và để đảm bảo phân bố các em đến tuổi đều được đi học. Tuy nhiên, khi áp dụng, thực tế cũng phát sinh một số vấn đề. Bất cập nhất là do cách phân bố về địa giới hành chính, tại TP.HCM thường có tình trạng HS không thể học trường gần nhà vì không đúng tuyến theo quy định của UBND quận, huyện.
Chính sách cần công bằng cho mọi người dân
Chia sẻ về những bất cập kể trên, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, từng là Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết khi còn làm tại Sở, ông cũng thường xuyên gặp các trường hợp phụ huynh đến đề nghị can thiệp vì vướng mắc chuyện học của con liên quan đến hộ khẩu. Thông thường nhất là HS có hộ khẩu tại một quận nhưng trường gần nhà lại thuộc quận khác. Trường hợp này xảy ra nhiều nhất ở 2 quận có dân cư đông, địa giới hành chính phức tạp là Tân Phú và Bình Tân. Nhiều HS ở Q.Tân Phú không thể học trường gần nhà vì trường này thuộc Q.Bình Tân.
"Hiện nay hình thức tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 của TP.HCM cơ bản vẫn dựa trên hộ khẩu. Có những em hộ khẩu một quận nhưng lại đang ở quận khác. Khi các trường tuyển sinh, hồ sơ các em này sẽ xét sau HS có hộ khẩu đúng tuyến. Điều này dẫn đến hiện tượng "chạy hộ khẩu", nghĩa là một số HS muốn vào học một trường thì xin nhập hộ khẩu vào một gia đình nào đó đúng tuyến. Ngược lại, có những HS thật sự sinh sống ngay nơi trường đóng nhưng không có hộ khẩu thì không được xem xét hoặc xét sau nếu còn chỉ tiêu", ông Hoàng cho biết.
Tuyển sinh đầu cấp theo hộ khẩu như hiện nay khiến lãnh đạo các quận, huyện phải đổi tuyến liên tục để tránh "chạy" hộ khẩu. Chẳng hạn có trường mỗi năm thay đổi tuyển sinh theo phường khác nhau để ngăn việc phụ huynh nhập hộ khẩu vào một gia đình nào đó nhằm cho con theo học trường "điểm".
Ông Đỗ Minh Hoàng cũng cho biết thông thường khi phụ huynh rơi vào các trường hợp bất cập về hộ khẩu, nếu đề nghị mà thấy hợp lý thì Sở can thiệp cho HS vào học trường gần nhà. "Tuy nhiên, chính sách thì không thể giải quyết riêng như vậy. Xử lý linh hoạt thì không công bằng giữa quận này với quận kia, trẻ này với trẻ kia. Chính sách cần công bằng cho mọi người dân. Vì vậy, cần phải tính toán lại cách tuyển sinh theo hộ khẩu", ông Hoàng nhấn mạnh.
Thay sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân
Ngày 24.5, Chính phủ chính thức trình Quốc hội dự án luật Cư trú sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021 khi luật có hiệu lực.
Một trong những chính sách quan trọng được Chính phủ đề xuất lần này là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư. Thay vào đó, việc quản lý sẽ được thực hiện bằng mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú chạy trên internet.
Bỏ sổ hộ khẩu, cơ hội tuyển sinh theo nơi cư trú Khi chuyển quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân, theo nhiều chuyên gia, đây cũng là cơ hội để chuyển từ tuyển sinh theo hộ khẩu sang theo nơi cư trú với sự tiến bộ của công nghệ. Có thể áp dụng công nghệ định vị địa điểm cư trú của học sinh để tuyển...