Hàng ngàn giáo viên chưa được nhận tiền Tết
Đến ngày 15.2 (13 tháng giêng âm lịch), hàng ngàn giáo viên của huyện miền núi Khánh Vĩnh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được nhận khoản tiền 650 ngàn đồng/ người của UBND tỉnh hỗ trợ nhân dịp Tết nguyên đán.
Ngày 25.1, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn gửi các đơn vị về việc chi hỗ trợ các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách địa phương nhân dịp tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011. Công văn này nêu rõ, hỗ trợ cho cán bộ, viên chức mỗi người 650 ngàn và yêu cầu các ngành, địa phương phải chi đúng, chi đủ và kịp thời cho các đối tượng được hưởng trước Tết nguyên đán. Công văn cũng hướng dẫn rõ, kinh phí được UBND tỉnh cấp bổ sung ngoài dự toán năm 2011 cho các địa phương, từ nguồn của tỉnh. Trước mắt để kịp chi hỗ trợ trước Tết, các địa phương, đơn vị sử dụng nguồn kinh phí được giao năm 2011 để chi, sau đó tỉnh sẽ cấp bổ sung.
Giáo viên ở các huyện miền núi chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh mang tính minh họa.
Thầy giáo Bành Hữu Phúc, phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Yersin, huyện Cam Lâm cho biết: “Những ngày cuối năm, được biết có hỗ trợ tiền Tết, thầy cô giáo rất là mừng. Đây là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, anh em ai cũng phấn khởi, thích thú. Anh em mong mỏi từng ngày. Giá cả tăng liên tục, anh em mong muốn có nguồn tiền để mua sắm ít quà cho gia đình. Lương giáo viên ít, giáo viên trẻ chỉ được gần 2 triệu, không được nhận thầy cô buồn, gần Tết cứ hỏi thăm, trông ngóng nhưng không có. Nhà trường đành tạm ứng cho mỗi người 500 ngàn đồng, các trường khác trong huyện trường có kinh phí, thì cho ứng, trường không thì thôi”.
Một thầy giáo tại huyện miền núi Khánh Vĩnh cho biết, đa số giáo viên trẻ, lương thấp, có người mỗi ngày đi dạy phải đi về khoảng 80 km, với mức lương trên dưới 2 triệu/ một người, tằn tiện lắm mới đủ chi dùng tối thiểu. Năm nay Tết lại vào cuối tháng 1, tiền Tết đợt 1 được nhận 350 ngàn, nghe đợt 2 có thêm 650 ngàn, thầy cô nào cũng trông đợi, hỏi dò từng ngày. Nhưng đợi mãi không có. “Bạn bè đi dạy ở các huyện khác, công chức các ngành khác trong huyện đều được nhận đủ. Trước Tết, mình không được nhận, rất buồn, cảm thấy giống như bị phân biệt đối xử”, giáo viên này nói.
Qua tìm hiểu, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện chỉ còn giáo viên của 2 huyện Cam Lâm và Khánh Vĩnh chưa được nhận khoản tiền 650 ngàn. Ông Đỗ Hữu Quỳnh, trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cam Lâm giải thích thông tin các trường biết trước Tết, tiền đã về kho bạc huyện, nhưng triển khai không kịp do trường nghỉ Tết sớm, công văn về sau. Có trường chủ động tạm ứng, nhưng cũng có trường không có. Qua Tết mồng 7, mồng 8 mới hướng dẫn các trường lập danh sách.
Nếu như huyện Cam Lâm một số trường tiến hành tạm ứng cho giáo viên, thì tại huyện Khánh Vĩnh có rất nhiều trường không có tiền để tạm ứng. Ông Bùi Hữu Hóa, trưởng phòng Giáo dục huyện Khánh Vĩnh, cũng cho biết toàn huyện 874 giáo viên, hiện nay các trường đang lập danh sách… để rút tiền. Ông cũng cho rằng anh, em ăn Tết kẻ xa, người gần, văn bản nhận muộn, không triển khai được, ăn Tết xong mới triển khai.
Video đang HOT
Rõ ràng các trường học trong tỉnh Khánh Hòa đều nghỉ Tết từ ngày 26.1 (tức ngày 23 tháng Chạp), các địa phương đều đã chuyển tiền Tết cho giáo viên trước Tết, còn lãnh đạo ngành giáo dục ở 2 huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh đều cho rằng công văn về muộn, nghỉ Tết sớm nên giáo viên chưa được nhận.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Vợ chồng rắc rối chuyện tiền Tết
Tết đến, dù không nói ra nhưng mỗi người vợ, người chồng đều phải loay hoay với "bài toán" sử dụng tiền Tết. Mỗi người một tính toán riêng, làm sao vừa lo cho gia đình của mình, vừa chu toàn được với cha mẹ, anh chị em.
Những gia đình "một kiểng hai quê", nỗi khổ của người trong cuộc lại càng lớn hơn, khi nhu cầu giúp người ở quê có khi còn lớn hơn nhu cầu chi tiêu ba ngày Tết cho gia đình. Thế nên mới có chuyện! Vợ chồng vốn vẫn công khai tài chính với nhau, giờ lại giấu giấu giếm giếm hết sức khổ sở, "âm mưu" mà bại lộ, càng bi kịch hơn...
Bi hài chuyện biếu xén
Lần gặp nhau mới đây, Khương, một người bạn thân của tôi ra chiều bí mật: "Ông chuẩn bị "chiến dịch" đến đâu rồi?". Hắn giải thích tiếp: "Chiến dịch Đông-Xuân", từ giờ đến Tết, lo mà "gây quỹ" để còn có cái lo cho mẹ, cho em ở quê. Phải có kế hoạch cụ thể mới được". Tôi suýt phì cười, việc chỉ có thế mà phải lập cả chiến dịch. Nhưng ngẫm lại, hắn nói cũng có lý.
Ảnh minh họa
Hắn phân tích: "Tiền thưởng Tết chỉ được độ 10 triệu, con số đó đều đều mỗi năm, vợ đã nắm. Chờ đến ngày lãnh thưởng Tết mới lập "quỹ đen" thì đã quá muộn, vì đưa cho vợ ít hơn sẽ khó ăn nói. Trước Tết, cơ quan tôi có từng đợt thưởng nhỏ hơn. Mỗi lần như thế, mình "thủ" bớt một ít, góp dần đến Tết là vừa". Nghe bạn nói tôi "sáng" hẳn ra. Mấy năm trước, cứ chờ lãnh thưởng Tết, tôi mới tính đến chuyện giúp đỡ mẹ và các em. Có năm tiền thưởng chẳng là bao, không dám mở miệng xin vợ, đành đi mượn bạn bè. Tết mà còn phải vay nợ, thiệt cực chẳng đã.
Nhưng biết làm sao? Tôi phận con cả, nhà thuộc diện "chuẩn nghèo" vì đông con. Tôi lên thành phố học hành trước, kiếm được công việc ổn định, nên trở thành niềm hy vọng của cả nhà mỗi độ xuân về. Có năm tôi chia sẻ với mẹ ở quê: "Con làm cũng có tiền, nhưng không đủ chi tiêu mẹ ạ, Tết không giúp được mẹ nhiều".
Mẹ tôi thắc mắc: "Làm một tháng lương những 10 triệu mà cuối năm không gom góp được gì sao con? Chắc vợ con tiêu hoang lắm?" Mẹ không hiểu việc chi tiêu ở thành phố tốn kém như thế nào, tôi không trách được, vì mẹ có ở thành phố bao giờ đâu. Biết thế, nên đến Tết là tôi lại vay nợ. Một lần, vợ tôi bắt gặp tin nhắn mượn tiền của tôi trên điện thoại. Thế là những ngày Tết tan nát. Vợ suy diễn đủ thứ: "Anh xem em là ai mà lừa dối như vậy? Em sống tệ với nhà anh lắm hay sao mà phải giấu việc cho mẹ tiền? Anh làm vậy thì nhà anh coi em ra gì nữa? Hóa ra từ trước đến giờ anh đều nói dối em, vậy làm sao sống với nhau được nữa?"
Thu nhập kha khá còn bi kịch như vậy; những gia đình nghèo, nhất là gia đình công nhân ở trọ còn buồn hơn. Người bạn làm công nhân ở KCN Tân Bình trải lòng: "Tết, mỗi người được thưởng hơn hai triệu đồng. Lo tiền tàu xe cũng đã gần hết, lấy đâu ra mà quà cáp cho bố mẹ, em út ở quê? Gia đình chị khoảng ba năm mới dám về quê một lần, nên mỗi năm chị tích cóp một chút, đến lúc về quê mới có đồng này đồng nọ".
Thế nhưng trên lý thuyết, chị vẫn bảo với chồng, lần này về quê, chẳng có tiền nên chỉ biếu bên nội vài trăm, bên ngoại vài trăm, coi như về ăn Tết ké. Chị thành thật với tôi: "Chị phải giấu chồng, sợ chồng phát hiện nên vo từng tờ hai trăm ngàn, năm trăm ngàn đút vào gấu áo. Về quê, phải lựa lúc mà cho người nhà". Cách làm của chị thật ngô nghê, thiếu gì cách giấu... nhưng cái sự ngô nghê ấy nghe mà xót. Tội cho chị hơn, đứa con lên ba một lần nghịch kéo vuốt áo mẹ thế nào mà tiền lòi ra, chị bị chồng nổi điên, đánh cho một trận. Lần đó, chị về quê với gương mặt sưng vù.
Anh Thành Tuấn (công nhân KCN Sóng Thần, quê Nghệ An) từng tiết lộ với tôi, cách anh giấu vợ giúp cha già ở quê là nhét tiền vào hộp bánh, rồi hai vợ chồng cùng đưa bánh về biếu bố. Một lần, hộp bánh định biếu cho bố anh, lại bị đưa biếu nhầm sang cho bố vợ, khiến anh cứng họng. Lộ chuyện, vợ anh giận đến ra giêng. Không những thế, anh còn ê mặt với nhà vợ. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào.
Công khai là thượng sách
Tết là dịp mỗi người hướng về nguồn cội, vợ hay chồng đều nghĩ về bố mẹ mình. Một năm lo cho công việc, lo cho gia đình nhỏ của mình, bao lo toan chồng chất, ít người có dịp dành thời gian chăm sóc người thân ở quê. Thế nên Tết đến, ai cũng muốn có quà tươm tất để bù đắp thiếu sót của cả năm. Tâm lý đó đã khiến nhiều người giấu người bạn đời kế hoạch giúp đỡ người ruột thịt ở quê. Họ giấu vì ai cũng thừa hiểu, người bạn đời dù có rộng bụng cách mấy, cũng khó trích được một khoản tiền kha khá để giúp nhà chồng hoặc nhà vợ.
Anh Hữu Điền (kỹ sư xây dựng, làm việc tại Q.Gò Vấp) bộc bạch: "Người vợ vốn quán xuyến chi tiêu trong gia đình, phải tính toán sao để thu nhập đủ trang trải nhu cầu cho cả nhà. Nhiều gia đình có thu nhập "ổn định" hoài trong khi vật giá lại leo thang chóng mặt, nên người vợ càng phải chắt bóp. Từ chắt bóp, rất dễ sinh ra hà tiện. Nhận ra cái sự chắt bóp ấy của vợ, có ông chồng nào dám mở miệng xin một khoản tiền lớn làm quà Tết cho gia đình ở quê? Không dám xin thì... bí mật xoay xở tìm cách khác. Chiếc kim trong bọc lúc nào đó cũng sẽ lòi ra, mà đến lúc đó thì... không đỡ nổi".
Thực tế, người vợ nào cũng muốn thể hiện sự công bằng giữa hai bên, giúp được bên ngoại tám lạng, thì cũng phải giúp bên nội nửa cân. Nhưng tiền đâu ra để giúp nhiều và cho đều cả hai bên? Vậy là người vợ cũng phải có "âm mưu". Nhưng có thể nói một cách chủ quan rằng, số "vụ" vợ bắt quả tang chồng giấu tiền Tết xảy ra nhiều hơn chồng bắt quả tang vợ, bởi tính vô tư của đàn ông khiến họ ít để ý việc vợ chi tiêu tiền bạc như thế nào.
Chị em lại thường nghĩ chồng "ngờ nghệch" trong tiền bạc, rất dễ cho người thân một cách "không thương tiếc", nên có xu hướng "canh me" chuyện tiền bạc ngày Tết của chồng. Nhiều quý bà còn hù dọa, dù chẳng hề có chứng cứ chồng lập "quỹ đen".
Đại loại như: Công ty anh phát tiền Tết chỉ có thế thôi à? Hay mới chỉ một đợt, còn đợt hai? Sao năm nay cơ quan anh làm ăn khấm khá hơn, mà tiền thưởng Tết chỉ bằng năm ngoái? Cái kiểu "khủng bố" đó làm nhiều ông chồng phát điên lên. Không điên sao được, khi làm việc hùng hục cả năm, cầm mấy đồng tiền Tết về chẳng được khen mà còn bị vợ chê õng chê eo, nghi ngờ lung tung.
Về hình thức, mỗi gia đình chỉ biếu tiền bạc, quà cáp dịp Tết một cách tượng trưng và cái tượng trưng ấy chỉ là "phần nổi của tảng băng". Nhu cầu giúp là có thật, ngặt nỗi "hiện thực khách quan" không cho phép vợ, chồng công khai việc đó. Thế mới có chuyện, nhiều cặp vợ chồng, cứ đến Tết là có chiến tranh lạnh vì "tảng băng trôi" gặp "ổ gà", hiện nguyên hình.
Chị Phạm Phương Lan (giáo viên dạy văn ở Q.3) chia sẻ: "Người vợ cần nghĩ thoáng hơn một chút trong việc "cơ cấu" quà cáp cho gia đình hai bên. Hai vợ chồng cần ngồi lại với nhau, phân tích tình hình tài chính thực tế của gia đình mình, xem có thể giúp tối đa hai bên nội ngoại thế nào. Nếu được thì thơm thảo hơn bình thường một chút.
Tại sao phải thơm thảo hơn? Tôi nghĩ đơn giản, mình không tăng giá trị quà lên, thấy hẻo quá, đằng nào chồng mình cũng giấu mà giúp thêm. Việc lập quỹ đen thật ra là đầy mạo hiểm, chẳng đặng đừng các ông mới làm. Nếu thấy quà hai bên cũng đã tương đối khá, người chồng hài lòng, sẽ tránh được chuyện dối nhau. Người vợ cũng cần phân tích kỹ, bên chồng, ngoài bố mẹ ra còn có em út, nên giúp cụ thể ở mức nào. Việc này phải làm nghiêm túc chứ không thể được chăng hay chớ, qua loa. Nếu người vợ làm việc này không chu đáo, Tết năm sau, chồng "rút kinh nghiệm" sẽ tìm cách lập quỹ đen để giúp theo cách của mình".
Xét cho cùng, chuyện chi tiêu tiền Tết, nếu biết ngồi lại với nhau, công khai trong vui vẻ để tìm giải pháp thỏa mãn nguyện vọng từ hai phía, cũng đâu phải chuyện quá khó. Tại sao mỗi người không làm để tránh việc "tiền mình làm ra mà mình cứ phải giấu giấu, diếm diếm"? Văn hóa người Việt vẫn quan niệm, ngày Tết mà vợ chồng lục đục sẽ mất hên, cả năm sẽ "cơm không lành, canh không ngọt". Đừng để tiền Tết trở thành "thủ phạm" khiến ba ngày Tết mất vui.
Theo PNO