Hàng loạt vi phạm của 1 Hiệu trưởng, 9 tháng chưa bị xử lý vì lãnh đạo Sở… bận
Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại Trường THPT Phan Văn Trị (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) được chỉ rõ trong kết luận nội dung tố cáo.
Nhưng đã hơn 9 tháng trôi qua từ ngày ban hành kết luận, lãnh đạo, cán bộ, những người phải chịu trách nhiệm về các vi phạm này vẫn chưa bị xử lý vì lãnh đạo Sở… bận.
Trường THPT Phan Văn Trị, nơi lãnh đạo và một số cán bộ, nhân viên dính hàng loạt vi phạm – Ảnh: Thanh Nguyên
Kết luận nội dung tố cáo đối với lãnh đạo Trường THPT Phan Văn Trị được Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – bà Trần Hồng Thắm, ban hành vào ngày 23.1.2019. Theo kết luận này, lãnh đạo và một số nhân viên, cán bộ trong Trường THPT Phan Văn Trị phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm như: lộ đáp án đề kiểm tra học kỳ, các khoản thu từ học sinh sai quy định, việc thu tiền giữ xe cho học sinh gấp đôi so với quy định và không qua đấu thầu…
Tuy nhiên đến nay, sau gần 9 tháng, những hành vi vi phạm của cá nhân tập thể này vẫn chưa được xử lý. Ông Nguyễn Phúc Tăng – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết, do thời gian qua, lãnh đạo Sở bận nhiều việc nên vẫn chưa giải quyết. Còn ông Phạm Văn Dũng – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, cho biết, lý do chậm xử lý những vi phạm trên là sau khi ban hành kết luận nội dung tố cao, thời điểm rơi vào đợt thi nên Sở chưa kịp xử lý. “Khi có hình thức xử lý với những cá nhân sai phạm trên, chúng tôi sẽ công khai, ông Dũng nói.
Dưới đây là những vi phạm mà “Kết luận nội dung tố cáo…” đã chỉ ra:
Lộ đáp án đề kiểm tra, ra đề sai, cộng điểm cho học sinh không đúng quy định
Trong đợt kiểm tra học kỳ 2, năm học 2016-2017, ông Phạm Quốc Hưng – Tổ trưởng Tổ bộ môn Toán – Tin đã đăng tải file đáp án môn Toán của khối 10 và 11 lên trang website của trường 1 tiếng đồng hồ, trước khi học sinh làm bài. File đáp án này ông Hưng nhận từ bà Trần Ngọc Thiền – lúc này là Phó hiệu trưởng, của trường (hiện là Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Q.Ninh Kiều). Bà Thiền sau này biện hộ, do không kiểm tra file đáp án trước khi gửi và không nắm lịch thi học kỳ của trường nên mới xảy ra vụ việc, dù bà lúc đó là Hiệu phó.
Khi được học sinh thông báo việc lộ đáp án, nhà trường đã cho kiểm tra môn khác thay thế và tổ chức in đề dự phòng cho môn Toán để học sinh có thể thi trong ngày. Sau khi xảy ra sự cố, Hiệu trưởng Trường – Nguyễn Hoàng Minh, không tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan mà mãi hơn 1 năm sau mới có báo cáo về vụ việc trên. Hình thức xử lý bằng hình thức trừ điểm thi đua và không đề nghị danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp thành phố đối với bà Thiền, Chiến sĩ thi đua cơ sở đối với ông Hưng trong năm học đó.
Năm học 2017-2018, trong khi tổ chức kiểm tra học kỳ 1, bộ môn Toán của 2 khối 10 và 11 lại bị phát hiện ra đề sai sau khi học sinh làm bài xong. Để khắc phục sự cố trên, Tổ bộ môn Toán – Tin thống nhất việc… cộng điểm cho học sinh ở bài kiểm tra 1 tiết vào học kỳ 2. Việc cộng điểm này không căn cứ vào quy định nào mà do thành viên trong Tổ tự thống nhất.
Theo kết luận, bà Thiền đã chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm xem xét lại lịch kiểm tra học kỳ đã thông báo trước đó, cũng như thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra nội dung thông tin, tài liệu liên quan đến đề kiểm tra trước khi chuyển giao cho giáo viên để đăng tải lên trang website của trường. Hành vi này đã vi phạm Nghị định 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với hình thức phạt tiền từ 20.000.000 – 50.000.000 đồng.
Thu tiền giữ xe cao gấp đôi giá quy định, lập biên bản chỉ định thầu khống
Video đang HOT
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, đã quy định giá tiền giữ xe cho học sinh cao gấp đôi giá được UBND TP quy định. Sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện từ năm 2016 – 2019, chỉ có 1 kỳ họp duy nhất đề cập đến việc tổ chức dịch vụ này vào ngày 27.9.2017. Trong khi, nếu làm đúng quy định, việc tổ chức dịch vụ trông giữ xe phải thông qua cuộc họp hàng năm.
Theo đó, năm học 2016-2017, lúc này Trường THPT Phan Văn Trị vẫn còn ở cơ sở cũ (dưới chân cầu Trà Niền, nay là Trường THCS TT.Phong Điền) ông Nguyễn Văn Sang – nguyên Hiệu trưởng Trường, có ký hợp đồng dịch vụ gửi, giữ xe cho học sinh với giá 1.000 đồng/xe đạp, 2.000 đồng/ xe máy. Trong 1 năm hợp đồng sẽ kết thúc, nhà trường sẽ thu về 32.000.000 đồng. Ông Sang giải thích rằng, do sân trường lúc bấy giờ có diện tích nhỏ. Học sinh đa số đi xe đạp, và gửi xe ở các điểm tư nhân bên ngoài trường với mức giá trên nên ông mới quy định đồng giá bên ngoài.
Khi ông Sang chuyển công tác về làm Trưởng phòng GD-ĐT H.Phong Điền vào tháng 10.2016, ông Nguyễn Hoàng Minh lên làm Hiệu trưởng vẫn giữ giá dịch vụ giữ xe này. Khi trường chuyển sang cơ sở mới vào đầu năm học 2017-2018, ông Minh vẫn hợp đồng mức giá đó là sai quy định. Và, khi tổ chức dịch vụ giữ xe nhà trường phải đấu hoặc chỉ định thầu thì mới đúng quy định, nhưng ông Minh đã không thực hiện những việc này.
Để đối phó với đoàn thanh tra, ông Minh cho lập 2 biên bản chỉ định nhà thầu giữ xe khống vào các ngày 9.7.2017 và ngày 1.7.2018. Sau khi xác minh, đoàn thanh tra đã kết luận thực tế không có 2 phiên họp của Hội đồng xét chỉ định thầu nêu trên. Ông Minh tự ra quyết định về việc chỉ định thầu trong 2 năm học 2017-2018 với giá trị 42.000.000 đồng và năm học 2018-2019 có giá trị 105.000.000 đồng. Trong những hợp đồng giữ xe này đều ghi rõ giá giữ xe là 1.000 đồng/xe đạp, 2.000 đồng/xe máy. Mức giá này cao gấp đôi so với giá mà UBND TP.Cần Thơ quy định.
Theo tìm hiểu của PV, trong những năm qua, Trường THPT Phan Văn Trị luôn giữ số lượng gần 1.500 học sinh. Trong đó rất nhiều học sinh tự đi xe máy tới trường. Ngoài giờ học chính khóa sáng, chiều, nhiều học sinh còn có những buổi học khác như thể dục, quốc phòng… nên 1 ngày nhiều học sinh phải gửi xe 2 lượt. “Tôi tính thấy tiền gửi xe mỗi ngày khoảng 2,5 triệu đồng, như vậy mỗi năm trừ thời gian nghỉ hè thì số tiền thu từ dịch vụ này đến nay phải gần cả tỉ đồng. Hợp đồng chỉ vài chục triệu cho đến 100 triệu là chẳng thấm vào đâu”, 1 giáo viên trong trường phản ánh.
Người đứng tên trong các hợp đồng dịch vụ trông giữ xe với nhà trường là ông Phan Văn Tèo (SN 1974, ngụ TT.Phong Điền). Đoàn thanh tra xác minh và phát hiện ông Tèo có quan hệ họ hàng thông gia với bà Lâm Thị Khoảnh – kế toán của trường. Bà Khoảnh với vai trò, nhiệm vụ của mình cũng không tham mưu, đề xuất với Hiệu trưởng cách thức tổ chức, cũng như các thủ tục cần thiết theo quy định cho việc thực hiện dịch vụ trông giữ xe.
Cuối năm 2017, ông Tèo có mua một số vật tư, thuê thợ để mở rộng diện tích trông giữ xe. Việc này được ông Minh thống nhất và giảm số tiền phải nộp trong hợp đồng từ 105.000.000 đồng xuống còn 75.000.000 đồng. Nội dung này không có ghi nhận thành biên bản.
Ông Tèo cho biết không tự ý đề xuất giá tiền giữ xe, mà mức giá này là do Hiệu trưởng quy định. Làm việc với đoàn thanh tra, ông Minh thừa nhận không có nghiên cứu văn bản của UBND TP quy định về giá giữ xe trên địa bàn TP. Đến cuối năm 2018, ông Minh mới có thông báo điều chỉnh giá giữ xe với mức 500 đồng/xe đạp và 1.000 đồng/xe máy.
Bãi giữ xe của Trường THPT Phan Văn Trị được sắp xếp khá bừa bộn vì số lượng xe máy được gửi khá nhiều - Ảnh: Thanh Nguyên
Như vậy, trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, số tiền thu từ dịch vụ giữ xe với mức giá sai quy định đã đi về đâu? Ông Phạm Văn Tèo với những hợp đồng có giá trị chỉ vài chục triệu đồng, chênh lệch rất lớn với số tiền thực tế thu được. Thanh tra Sở GD-ĐT cũng kết luận khó thu hồi số tiền vi phạm.
Lạm thu, và nhiều vi phạm khác
Trong những năm học trước, Trường THPT Phan Văn Trị không phải chi tiền cho việc thu gom rác. Việc này do UBND H.Phong Điền ký kết hợp đồng với công ty vệ sinh và chi trả chung cho các đơn vị trên địa bàn. Vậy nhưng, trong năm học 2017-2018, ông Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Minh tổ chức thu tiền của 20.000 đồng/học sinh để phục vụ cho việc thu gom rác thải và tưới cây xanh là không đúng quy định, đây là hành vi lạm thu.
Ông Minh còn vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, giao cho bà Nguyễn Lê Duyên, nhân viên y tế, kiêm thủ quỹ, quản lý thu và chi các khoản đóng góp cho kinh phí hoạt động của ban Đại diện cha mẹ học sinh, cũng như nguồn thu từ học sinh cho việc thu gom rác thải và tưới cây xanh.
Với những vi phạm trên, ông Minh buộc phải trả số tiền 24.060.000 đồng cho học sinh vì đã lạm thu. Theo nguồn tin của PV, thời điểm Kết luận nội dung tố cáo được ban hành, một số học sinh lớp 12 đã ra trường, nên không thể trả lại tiền được. Vậy, số tiền không trả lại được này bây giờ ở đâu?
Cũng trong năm học này, ông Minh tổ chức thu tiền tăng tiết đại trà đối với học sinh lớp 12 với 2 mức: học sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội thì thu 1.450.000 đồng; học sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên thì thu 1.550.000 đồng, số tiền này không được công khai minh bạch. Đoàn thanh tra xác định, việc lãnh đạo trường thu tiền để tăng tiết ôn tập thi trung học phổ thông quốc gia và chi trả cho giáo viên trong khi biên chế năm học chưa kết thúc, giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ là không đúng quy định.
Ngoài ra, việc bố trí, phân công lớp dạy, giờ dạy cho giáo viên ở các tổ bộ môn, phân công dạy thay trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018 là không phù hợp nên dẫn đến tình trạng ở cùng tổ bộ môn, nhiều giáo viên vượt giờ định mức nhiều, có giáo viên không hoàn thành định mức giờ dạy.
Ngoài ra, ông Minh còn bị tố cáo ép học sinh tham gia bảo hiểm tai nạn. Tuy quá trình thanh tra, xác minh rằng nội dung tố cáo không có cơ sở nhưng ông Minh vẫn có một số hành vi vi phạm như: không làm hợp đồng trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo mẫu quy định; không thực hiện thanh lý hợp đồng bảo hiểm y tế và biên bản quyết toán sử dụng kinh phí theo mẫu. Đặc biệt là làm thất lạc hồ sơ tài chính năm học 2016-2017.
Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn, ông Minh đã không sử dụng tài liệu tuyên truyền, vận động, không có văn bản thông báo cho học sinh tham gia bảo hiểm, không tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền. Bản thân ông Minh lại trực tiếp vận động, tuyên truyền cho học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tuần. Việc tiếp nhận, sử dụng tiền từ đơn vị cung cấp bảo hiểm hỗ trợ công tác thu hộ không đưa vào sổ sách quản lý và cũng không công khai minh bạch.
Ông Minh cũng không kiểm tra các hợp đồng đã ký với đơn vị bảo hiểm nên không phát hiện những thiếu sót cơ bản như ghi thiếu ngày ký. Ông Minh cũng không thanh lý hợp đồng bảo hiểm hàng năm. Không phân công nhiệm vụ thực hiện việc thu tiền bảo hiểm, không chỉ đạo bộ phận quản lý tài chính lập chứng từ việc thu tiền bảo hiểm theo quy định.
Báo điện tử Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Thanh Nguyên
Theo motthegioi
Sản xuất lúa gạo: Yếu công nghệ, liên tục "khát" vốn
Tại hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam với chủ đề: "Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo" tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm qua (19/9), nhiều ý kiến tiếp tục chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành lúa gạo trong nước đang đối mặt.
Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp lạc hậu
Theo báo cáo tại hội thảo (do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức), mặc dù ngành trồng trọt nói chung, ngành lúa gạo nói riêng phải sử dụng rất nhiều phân bón (khoảng 11 triệu tấn các loại), nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), công nghệ sản xuất phân bón hóa học ở nước ta phần lớn đều là cũ từ thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20.
Nông dân huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây
Hiện chỉ có khoảng 10% các cơ sở/nhà máy sản xuất phân bón trong tổng số 735 cơ sở/nhà máy được đầu tư theo công nghệ tiên tiến. Rất ít các cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất thế hệ mới do hạn chế về năng lực và vốn đầu tư. Ngoài ra, giá thành của các loại phân bón thế hệ mới còn tương đối cao so với sản phẩm truyền thống nên bà con chưa sử dụng rộng rãi.
"Tương tự, trong ngành lúa gạo, chi phí cho thuốc BVTV chiếm tới 5-7% tổng chi phí sản xuất lúa ở Việt Nam. Nhưng theo báo cáo của Cục BVTV, trong số hơn 4.000 sản phẩm thuốc BVTV, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học" - ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trình bày trong phần báo cáo của mình.
Theo ông Sơn, điều đáng nói là Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ sản xuất nguyên liệu thuốc BVTV mà phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó công nghệ gia công, tạo các dạng thuốc BVTV tiên tiến như SC, WG, WDG... còn chậm được ứng dụng, dạng thuốc được sản xuất phổ biến trong nước là EC nên dung môi lỏng, dễ gây ô nhiễm thứ cấp cho môi trường và sức khoẻ con người.
Ngành gạo gặp "cơn khát vốn"
Nhiều đại biểu cho rằng, sau 30 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam đạt nhiều thành tích đáng nể và hạt gạo Việt Nam hiện đã đến hơn 150 nước, mang về lượng ngoại tệ ước đạt ít nhất 50-60 tỷ USD cho nền kinh tế và kéo theo các ngành phụ trợ rất phát triển.
Ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam, xét về tổng thể có thể coi là ngang với Thái Lan và đứng trên các nước Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia... Bằng chứng là từ lâu, các hợp đồng đấu thầu Chính phủ của Indonesia, Malaysia, Philippines hầu như đều chỉ chọn gạo Việt Nam và Thái Lan vào danh sách tham dự, vì chỉ có 2 nước này mới đáp ứng được thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định khi họ có nhu cầu. Một số chương trình đấu thầu gạo cứu trợ khẩn cấp của WFP - Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) cũng chỉ định rõ gạo Việt và Thái.
Tuy nhiên, hàng chục năm nay, điệp khúc "được mùa rớt giá" vẫn cứ lặp đi lặp lại, buộc các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc, "giải cứu" giá lúa gạo cho nông dân. Dù vậy, các biện pháp "giải cứu" luôn có độ trễ, thụ động và quan trọng là cũng khó giải quyết vì sản lượng lúa hàng hóa lúc chính vụ thường quá lớn và thu hoạch dồn dập trong một thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) nhận định: Đặc thù của ngành gạo mang tính mùa vụ. Lúc cao điểm thu hoạch, lượng hàng hóa cần phải giải phóng trong thời gian ngắn tăng gấp 2-3 lần. Áp lực thu hoạch, sấy, vận chuyển và thu mua thường luôn bị quá tải và doanh nghiệp phải cần nguồn tiền lớn để thu mua nhanh một lượng lớn lúa, giúp giữ giá lúa không giảm sâu.
"Phía doanh nghiệp lúc này không thể nào có đủ vốn lớn vài trăm tỷ đồng để mua lúa (trước đó đã đầu tư vốn lớn xây nhà xưởng, thiết bị máy móc...), do đó luôn ở tình trạng "khát" tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng lại hầu như chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp, không chấp nhận nhiều hình thức tín chấp. Tài sản thế chấp của doanh nghiệp quy mô khá chỉ ở mức 100 - 200 tỷ đồng là tối đa, đủ mua vào từ 10.000 - 20.000 tấn gạo. Trong khi đó, lượng hàng hóa chính vụ thu hoạch thừa ra cho xuất khẩu lên đến hàng triệu tấn gạo cho toàn vùng ĐBSCL. Bài toán "cơn khát vốn" phải tính vì nó rất cần thiết cho ngành lương thực" - ông Anh phân tích.
Ngoài yếu tố thị trường theo quy luật cung cầu, theo ông Anh, vấn đề thiếu vốn trong ngành gạo là một trong các nguyên nhân chính không giúp ngăn được đà giảm giá lúa gạo cho nông dân vào vụ thu hoạch rộ, làm doanh nghiệp cũng lỡ mất cơ hội kinh doanh khi không đủ tiền để mua nhanh lượng lúa hàng hóa này. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực mong muốn các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp để giải được nút thắt trên, giúp mọi cá thể trong chuỗi cung ứng có thu nhập tốt hơn và phát triển bền vững, đưa ngành gạo tiến lên giai đoạn mới.
Theo Danviet
Sự thật thông tin cá sấu lớn nổi đầu trên sông ở Cà Mau Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, thông tin "Cà Mau, cá sấu lớn lại nổi đầu trên sông" được đăng tải trên mạng xã hội ở tài khoản Facebook "HongKong 68" hoàn toàn sai sự thật. Thông tin sai sự thật đăng tải trên tài khoản Facebook "HongKong 68". Ảnh: Facebook Thông tin thất thiệt, thiếu...