Hàng loạt ứng dụng OTT sắp sửa bị thâu tóm?
Facebook vừa tuyên bố mua lại WhatsApp với mức giá 19 tỉ USD. Trước đó, đại gia Nhật Bản Rakuten cũng thâu tóm Viber với mức giá gần 1 tỉ USD. Có phải đã đến lúc sắp xảy ra làn sóng thâu tóm trên thị trường ứng dụng OTT?
Sau thương vụ giữa Facebook và WhatsApp, Rakuten và Viber, trên thị trường các ứng dụng nhắn tin, gọi điện OTT vẫn còn rất nhiều dịch vụ như thế đang tồn tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sẽ không có nhiều những vụ thâu tóm tương tự xảy ra.
Trang CNN bình luận rằng, đừng hi vọng vụ thâu tóm WhatsApp trị giá 19 tỉ USD của Facebook sẽ mang lại “bữa đại tiệc mua lại các ứng dụng OTT”.
Mặc dù ứng dụng nhắn tin di động rất quan trọng với tương lai của giao tiếp, truyền thông và đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn, song mỗi một ứng dụng nhắn tin hiện nay dường như đều đã “có nơi có chốn” rất yên ổn.
Dịch vụ Hangouts của Google hiện nay có trên nền tảng web, trên iOS của Apple và là một dịch vụ nhắn tin, tán gẫu dành cho Gmail. Gần đây, Hangouts đã trở thành ứng dụng nhắn tin mặc định cho hệ điều hành Android. Trong khi đó, Apple cũng đã có dịch vu iMessage của riêng hãng, với trên 100 triệu người dùng. iMessage hoạt động trên iPhone, iPad và máy Mac. iMessage có tiềm năng phát triển, nhưng nhìn chung Apple tránh các vụ thâu tóm lớn và hãng không quan tâm nhiều về việc cung cấp ứng dụng iMessage cho các nền tảng khác.
Microsoft sở hữu Skype, một ứng dụng hiện đang được người dùng sử dụng rất rộng rãi để chat video và gọi điện thoại quốc tế giá rẻ và cả để nhắn tin. Skype đã là dịch vụ nhắn tin đa nền tảng lớn nhất. Vì thế, việc cố gắng sáp nhập thêm một công ty khác nữa vào thế giới mạng xã hội của Microsoft dường như sẽ mang lại nhiều khó khăn, bất lợi hơn là giá trị. Microsoft nên phát triển Skype theo những hướng mới, hơn là sáp nhập thêm một ứng dụng nhắn tin, gọi điện OTT tương tự.
Video đang HOT
Dịch vụ BBM của BlackBerry là một trong những tài sản còn lại có giá trị của nhà sản xuất smartphone Canada đang gặp nhiều khó khăn. Cổ phiếu của BlackBerry đã tăng mạnh sau khi có thông tin Facebook thâu tóm WhatsApp, vì các nhà đầu tư nhận ra họ đã đánh giá thấp BBM. Sau khi Facebook công bố mua lại WhatsApp, nhiều người dùng đã không hài lòng, lo ngại Facebook sẽ đưa quảng cáo vào WhatsApp, họ phản đối và thậm chí còn dọa sẽ tẩy chay WhatsApp và chuyển sang dùng BBM. Chính vì thế, cổ phiếu Facebook giảm giá còn cổ phiếu BlackBerry đã có chiều hướng tăng lên sau thông tin về thương vụ Facebook-WhatsApp. Có lẽ vì thế, BlackBerry sẽ không từ bỏ ứng dụng nhắn tin BBM đang nổi tiếng và được lòng người dùng hiện nay.
WeChat và Line là hai trong số các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT lớn nhất, có số lượng người dùng đông đảo tại Trung Quốc và Nhật Bản, quê hương của hai ứng dụng này. Nhưng cả hai đều được các tập đoàn lớn sở hữu, và họ sẽ không từ bỏ sản phẩm đang ngày càng lớn mạnh và có tương lai sẽ “ăn nên làm ra” của mình.
Những dịch vụ nhỏ hơn như Kik và Kakao Talk có khả năng sẽ rao bán, tuy nhiên cả hai đều chưa đủ sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế để có thể thu hút sự chú ý của bất kì người mua tiềm năng nào. Viber là dịch vụ khá phổ biến nhưng tuần qua cũng đã về dưới trướng đại gia Nhật Bản Rakuten với giá 900 triệu USD.
Theo phân tích, Twitter và Samsung có thể sẽ là cặp đôi sáp nhập tiếp theo. Dịch vụ ChatOn của Samsung hiện có khoảng 100 triệu người dùng, nhưng hầu như không có ảnh hưởng, tiếng tăm gì. Twitter đã cố gắng định vị công ty là một nền tảng nhắn tin trực tiếp nhưng thành công chưa thực sự đến với họ. Tuy nhiên, sự kết hợp của Twitter và Samsung có vẻ chưa hài hòa.
Ngoài các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT trên, còn có dịch vụ Snapchat, một ứng dụng nhắn tin cũng rất phổ biến khác, cho phép tự động xóa hình ảnh và video sau một vài giây. Snapchat từng từ chối lời mời mua lại 3 tỉ USD của Facebook. Sau mức giá lên tới 19 tỉ USD của WhatsApp, Snapchat có thể cũng nghĩ đến một mức giá hời như thế, tuy nhiên Snapchat vẫn chưa có bất cứ động tĩnh gì.
Thị trường nhắn tin, gọi điện OTT được đánh giá có nhiều sự phân mảnh, các dịch vụ nở rộ và cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên giờ đây WhatsApp đã về tay Facebook, dường như không còn nhiều cơ hội sẽ có những cuộc mua bán như thế nữa. Điều này có nghĩa một số dịch vụ sẽ có thể phát triển và lớn mạnh, trong khi một số dịch vụ khác đơn giản là sẽ tàn lụi dần và chết đi.
Nói về việc Facebook mạnh tay chi 19 tỉ USD cho WhatsApp, hiện nay Facebook đang ở vào một vị trí rất thuận lới để bắt đầu kiểm soát thị trường nhắn tin di động, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ. Facebook là doanh nghiệp nhắn tin duy nhất không sản xuất phần cứng hay hệ điều hành di động, vì thế hãng có động lực thực sự để sản phẩm của hãng được phổ cập trên tất cả các nền tảng.
Tuy nhiên điều quan trọng hơn là với hơn 1 tỉ người dùng, Facebook và WhatsApp có thể sẽ làm nên chuyện và thống lĩnh mảnh đất OTT hiện đang cạnh tranh mạnh mẽ và có phần hỗn loạn hiện tại.
Theo ICTnews/CNN
Viber không bán cho Viettel
Sau nhiều thông tin ứng dụng nhắn tin di động Viber đang được một công ty châu Á chào giá mua lại từ 300 - 400 triệu USD, CEO Viber Talmon Marco đã có thông điệp trả lời chính thức.
CEO Viber Talmon Marco giới thiệu tính năng mới của Viber tại Đại hội Di động Toàn cầu (MWC) 2013 - Ảnh: Reuters
Trước đó, Báo in Israel Calcalist đăng tải thông tin Viber đã có cuộc thương thảo với một công ty châu Á về mức giá mua lại công ty từ 300 đến 400 triệu USD, nhưng không cho biết rõ tên công ty. Cùng thời điểm, một số trang web công nghệ tại Việt Nam sôi nổi với thông tin không chính thức Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đang đàm phán mua lại Viber nhằm tạo cú hích trên thị trường ứng dụng OTT.
Giám đốc điều hành (CEO) Viber Talmon Marco đã bác bỏ thông tin đàm phán thương vụ bán công ty khi trả lời phỏng vấn với Reuters: "Tôi không biết gì về việc này".
Viber vận hành tại Cyprus dưới sự quản lý của doanh nhân người Israel Talmon Marco. Đây là một trong những ứng dụng nhắn tin di động dạng OTT (Over-the-Top) hàng đầu thế giới hiện nay với số lượng người sử dụng hơn 200 triệu tại 193 quốc gia, trong đó, có khoảng 63 triệu người dùng tại châu Á.
Cuối năm 2013, Viber phát hành dịch vụ ViberOut, cho phép người dùng gọi thoại đến các số di động những người không dùng ứng dụng Viber và số điện thoại cố định, tương tự Skype Out, nhưng với mức phí rẻ hơn. Tháng 11-2013, Viber phát hành Sticker Market, một thế mạnh của LINE và KakaoTalk trước nay, cho phép người dùng chèn các ảnh động vui nhộn theo nhiều chủ đề trong tin nhắn. Viber cũng đã có phiên bản cho Windows 8 và Windows Phone 8.
Ngoài Viber, thị trường ứng dụng nhắn tin OTT tại châu Á hiện rất sôi động với các tên tuổi như WeChat của Trung Quốc, LINE đến từ xứ hoa Anh đào và "vị kim chi" Hàn Quốc từ KakaoTalk. Cả ba đều có số người dùng vượt hơn trăm triệu. Tại Việt Nam, Zalo là sản phẩm hiện thu hút đông đảo người dùng trong nước và cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
Ứng dụng nhắn tin di động dạng OTT tiếp tục là nguyên nhân gây thất thu lớn cho các nhà mạng khi người dùng không còn ưa chuộng tin nhắn SMS dạng ký tự thô hay MMS với những giới hạn, thay bằng những tin nhắn qua ứng dụng dạng OTT có thể kèm hình ảnh, bài nhạc hay lời nhắn thoại kèm theo tin nhắn, và quan trọng hơn hết là sử dụng miễn phí không giới hạn khi dùng Internet với kết nối Wi-Fi.
Những chuyển đổi gần đây lên môi trường thoại như gọi thoại có phí sẽ càng gây ảnh hưởng nặng nề hơn lên các nhà mạng viễn thông.
Theo TTO
Cái giá của Zalo OTT (Over-The-Top), các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên nền internet có thể thay thế cho những dịch vụ tính phí truyền thống của các công ty viễn thông. Hệ quả tất yếu khi các ứng dụng OTT lên ngôi chính là sự sụt giảm doanh số của công ty viễn thông. Trên quy mô toàn cầu, hãng nghiên cứu thị trường...