Hàng loạt thông tin nghi vấn trẻ bị dụ dỗ, bắt cóc: Quá bất an!
Thông tin về nhiều vụ việc “trẻ bị dụ dỗ, bắt cóc” liên tiếp diễn ra, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến phụ huynh vô cùng bất an.
Dồn dập thông tin “cướp trẻ”
Một số phụ huynh (PH) của trường Mẫu giáo Duy An (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hoảng sợ kể lại chuyện xảy ra vào sáng thứ Sáu, ngày 18/3: tranh thủ giờ đưa trẻ đến trường, một thanh niên và một phụ nữ đến trường trước cổng bên hông. Nam thanh niên ngồi trên xe ngoài cổng, còn người phụ nữ vào trường dụ dỗ HS ra. Nhưng nhờ nhớ rõ mặt từng cháu và từng PH đưa đón cháu nên các bảo vệ của trường đã kiên quyết giữ trẻ lại. Thấy không thể thực hiện được ý đồ, kẻ lạ mặt đành bỏ ra ngoài. Người thanh niên hỏi “có dắt được cháu nào không?”, người phụ nữ trả lời: “Không, ở đây bảo vệ biết từng cháu một”, rồi cả hai chở nhau đi.
Chiều 21/3, trên đường đi học về, bé Lê Thanh Bích N., học sinh (HS) Trường Tiểu học Phù Đổng (Q.7, TP.HCM) bị người lạ dụ dỗ chở đi và lấy mất nữ trang khiến gia đình và nhà trường một phen hoảng hốt. Theo thông tin của nhà trường, khi vừa tan học, bé N. ra cổng cùng hai HS khác. Thấy trên người N. đeo dây chuyền bạc giả với đôi bông tai nên một phụ nữ chạy xe máy tới dụ dỗ: “Bé ơi, cô giáo nói chở đến nhà cô”.
Nhiều học sinh trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5 tự đi về sau khi tan học – Ảnh: P. Huy(ảnh chụp lúc 16g40, ngày 24/3/2016)
Sau khi người phụ nữ chở N. chạy đi, hai HS còn lại chạy về trường báo với cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo liền gọi điện cho người thân bé N. thì được biết gia đình không nhờ ai đón bé. Sau đó, nhà trường gọi điện báo Công an P.Tân Thuận Tây, đồng thời cùng gia đình tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm bé N. Khoảng 30 phút sau, cha của bé N. thông báo có một người dân nói thấy N. đang ở đường Cao Lỗ, gần cầu Nhị Thiên Đường (Q.8). Bé N. được gia đình đón trong trạng thái hoảng sợ và khóc. Nhà trường cũng đã báo cáo vụ việc lên Phòng Giáo dục-đào tạo Q.7; thông báo và khuyến cáo các bậc PH không cho con em mang nữ trang đi học.
Trước đó vài ngày, chị Nguyễn Thị Bé H. (quê Cần Thơ) cũng hoảng sợ khi phải giằng co giành đứa con năm tuổi với hai thanh niên lạ mặt. Chị kể, chiều 18/3, khi vừa đón con trai từ trường Mẫu giáo Anh Tú và đi bộ sang hướng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì để đón đứa con lớn, đến đoạn đường Âu Cơ (P.14, Q.Tân Bình) có hai thanh niên đi xe chạy đến hỏi đường. Chị quay sang định trả lời thì gã ngồi sau liền nhảy xuống bế lấy bé trai định bỏ chạy. Dù bất ngờ nhưng chị H. cũng kịp giằng con lại khiến xe của hai thanh niên bị ngã. Quá sợ hãi, chị ôm chặt con rồi tri hô. Hai bảo vệ của cửa hàng thời trang gần đó chạy đến hỗ trợ, hai thanh niên vội vàng lên xe bỏ chạy.
Tuy cơ quan chức năng chưa ghi nhận vụ bắt cóc nào nhưng thông tin về nhiều vụ việc liên tiếp diễn ra lan truyền trên mạng xã hội, khiến PH vô cùng bất an trước sự an toàn của con em mình.
Dù bạn bè đã về hết, học sinh tiểu học này vẫn đứng ngoài đường để chờ ba mẹ đến đón (Ảnh chụp tại đường Phù Đổng Thiên Vương, Q.5, TP.HCM)
Video đang HOT
Trường học lo đối phó với kẻ xấu
Ngay khi những thông tin trẻ bị người lạ dụ dỗ, rình rập lan truyền trên mạng, các trường mầm non và tiểu học lập tức ban hành thông báo, nhắc nhở PH, giáo viên, bảo vệ cảnh giác phòng ngừa người xấu bắt cóc HS. Trường Mẫu giáo Duy An ra thông báo yêu cầu PH khi đưa con đến trường phải giao tận tay các xơ.
Khi đón trẻ về không được để cháu chơi tự do ngoài sân một mình mà phải có sự theo dõi cẩn thận. Khi các xơ đã trả trẻ cho PH thì PH chịu trách nhiệm về sự an toàn của trẻ. Nhà trường cũng cảnh báo hiện nay có rất nhiều trường hợp bắt cóc trẻ em từ tuổi rất nhỏ đến 15 tuổi nên PH phải hết sức cảnh giác, đưa đón con phải đúng giờ. Nếu trẻ đi học sớm hơn giờ quy định, cha mẹ phải giữ cháu cẩn thận, trường hợp đặc biệt phải báo cho cô phụ trách lớp.
Đứng trước những nguy cơ đang rình rập, hàng loạt trường mầm non, tiểu học tại Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh dán thông báo khắp các cửa lớp để cảnh báo PH cùng phối hợp phòng kẻ gian bắt cóc trẻ. Hầu hết các trường đều yêu cầu PH phải trao trẻ tận tay cô, tránh để trẻ tự lên lớp, hoặc chơi ngoài sân mà không có người giám sát. Bảo vệ, giáo viên, bảo mẫu được yêu cầu phải tăng cường cảnh giác đề phòng người lạ lợi dụng giờ cao điểm đón và trả trẻ để trà trộn vào dụ dỗ trẻ. Những trường có cổng phụ, cổng hông đều tăng cường bảo vệ giám sát.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho biết: “Khi thấy thông tin bắt cóc xôn xao trên các trang mạng, báo chí, dù chưa biết thực hư như thế nào nhưng nhà trườ ng vẫn phải đề phòng bất trắc xảy ra. Ngay từ đầu, trường yêu cầu PH phải thống nhất người đưa đón trẻ, khi có việc bận hay thay người phải thông báo lại cho trường nắm. Cô và bảo mẫu khi trả trẻ phải trao tận tay PH. PH có gấp gáp thế nào thì khi đưa và trả trẻ đều phải để cô và trẻ chào nhau như sự xác nhận”.
Thực tế, có những PH không có điều kiện đưa đón con nên tại rất nhiều trường tiểu học, THCS, trẻ phải tự đi học một mình. Ghi nhận tại một số trường ở Q.5, Q.6, Q.11… sau giờ tan học, trẻ tự đi về, chơi đùa la cà trên đường rất mất an toàn, kể cả khi không gặp kẻ xấu.
Cách ứng phó của các trường chỉ có thể “đối phó” với người ngay, bởi lực lượng bảo vệ trong nhà trường mỏng không đủ sức quan sát hết hàng trăm, hàng ngàn PH và HS trong giờ cao điểm đưa đón HS. Thêm nữa, bên ngoài nhà trường có rất nhiều tai nạn luôn rình rập trẻ, người lớn không thể cứ bao bọc trẻ cả ngày. Để phòng tránh những sự cố xảy đến với trẻ, cách tốt nhất là dạy cho các em kỹ năng tự bảo vệ, nhận biết người lạ, người đáng tin cậy để phòng tránh nguy hiểm.
Từ đầu năm 2016, TP. HCM không xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào
Ngà 24/3, trao đổi với PV, đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng phòng Tham mưu Công an (CA) TP.HCM cho biết: “Trước những tin đồn, nhất là trên facebook về tình trạng bắt cóc trẻ em diễn ra trên địa bàn TP, tôi khẳng định từ đầu năm 2016 đến nay, TP không xảy ra bất cứ vụ bắt cóc trẻ em nào, kể cả vụ mới tung tin ở Q.Tân Bình gần đây. Bởi nếu là một vụ bắt cóc thì đó là trọng án, CA quận, huyện phải báo cáo về CATP tập trung phá án”.
Thông báo bắt cóc
Đại tá Quang cảnh báo, quần chúng nhân dân phải hết sức chú ý và cảnh giác trướ c những thông tin thất thiệt. Ngay từ hôm nay, 25/3, CATP sẽ thực hiện việc truy ra nguồn gốc của các tin đồn thất thiệt trên những trang mạng xã hội, các trang tin điện tử… để có thể xử lý về mặt pháp luật. Cụ thể, với những đối tượng tung thông tin thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng, có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Đề cập việc một số trường học có dán thông báo mang tính cảnh báo tới PHHS, ông Quang cho rằng, việc nhà trường lo lắng cho an toàn của HS là rất đáng hoan nghênh. Nhiều HS đến trường có đeo tư trang vàng, bạc, tạo cơ hội cho tội phạm cướp giật ra tay… nên việc tuyên truyền cho PHHS để họ cảnh giác với con em họ là rất quan trọng. HS cầ n nắ m quy tắc khi cha mẹ chưa đến đón thì không ra khỏi trường, không theo người lạ khi họ cho quà, bánh.
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang không thể dạy con trong “môi trường chân không”
Phụ huynh (PH) không thể chọn cách bảo vệ con bằng cách cho con vào “môi trường chân không”, tức môi trường tuyệt đối an toàn. Thay vào đó, PH phải bắt tay vào việc rèn luyện cho trẻ cách tự bảo vệ và tránh các mối nguy, nhất là nguy cơ bị bắt cóc qua những tình huống thực tế và cụ thể.
Từ lúc còn nhỏ, trẻ cần được cha mẹ dẫn đến chỗ đông người, thậm chí là chỗ có nhiều mối nguy để thực hành. Đưa trẻ đi xem kịch, xem xiếc để tiếp xúc đám đông, dạy trẻ nên tiếp xúc với những đối tượng nào, nên tránh những đối tượng nào; đưa trẻ đi hồ bơi để dạy trẻ phân biệt người quen, người lạ; dẫn trẻ ra chợ, siêu thị để dạy trẻ không nên nhận quà của ai và nên nhận quà từ ai. Ngoài ra, PH có thể dạy trẻ thông qua sách báo.
Ví dụ, đọc thấy một câu chuyện trẻ gặp nguy hiểm từ người lạ trên báo, PH cần đọc lại thông tin ấy cho trẻ nghe và cùng bàn luận, bắt đầu bằng câu hỏi “nếu là con trong trường hợp ấy con phải xử lý thế nào?”, sau đó đưa ra thông tin hướng dẫn cụ thể. Những lúc chở trẻ đi học, cha mẹ cũng nên tranh thủ “bắt” một tình huống trên đường để giảng giải cho trẻ.
Cha mẹ hãy cùng xem truyền hình với trẻ và dừng lại ở một số tình huống để làm ví dụ cho một số kỹ năng thoát hiểm. Hoặc có thể chủ động tìm những clip trên mạng để hướng dẫn. Ngoài ra, có thể đặt tình huống giả định “nếu con đi lạc con sẽ làm thế nào?”, “nếu con bị người lạ bắt con sẽ làm thế nào?”. Việc diễn tập sẽ tạo phản xạ cần thiết để trẻ có thể ứng phó khi tình huống thật xảy ra.
Thay vì để trẻ tự nhận ra bài học một cách bản năng, người lớn đồng hành và định hướng nhận thức cho trẻ thông qua từng tình huống cụ thể sẽ hiệu quả hơn.
Một số trường học đã viết lên bảng thông báo “quy trình khép kín” trong việc giao-nhận trẻ giữa PH và giáo viên, nhưng điều đó chỉ giải quyết phần ngọn, bởi chẳng có môi trường sống nào an toàn tuyệt đối. Điều quan trọng là phải chủ động cho trẻ va chạm và có thật nhiều bài học thực tế, để trẻ có “vốn liếng” ứng phó.
Theo Phu nư TPHCM
Cảnh báo chiêu dụ dỗ bắt cóc trẻ em cực tinh vi ở cổng trường
Với thủ đoạn nói dối là bạn cha mẹ, nhờ đón các cháu, kẻ lạ lân la dụ dỗ các em học sinh cấp 1 lên xe rồi bắt cóc.
Ngày 16/3, bà Trần Thị Công Nga - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Như Thạch (phường 9, TP Đà Lạt) cho biết, hiện ngày nào trường cũng bắc loa nhắc nhở các em học sinh không được nghe lời dụ dỗ đi theo người lạ. Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm các lớp kiểm soát học sinh trong lớp mình, phải đảm bảo cho bố mẹ hoặc người thân đến đón các cháu rồi mới được ra về.
Cảnh báo việc học sinh cấp 1 bị người lạ dụ dỗ bắt cóc. Ảnh minh họa
Sở dĩ nhà trường làm như vậy bởi trước đó có một số đối tượng đi xe máy tới cổng trường vào giờ tan học, lân la hỏi tên cha, mẹ các học sinh. Sau đó, các đối tượng này giới thiệu là bạn của cha mẹ các cháu, được nhờ đón các cháu về nhà. Có một số bé đã bị các đối tượng dụ dỗ lên xe, nhưng các bé đều cảnh giác không lên xe của người lạ và về kể lại với phụ huynh.
Nhận được phản ánh của phụ huynh về việc con em của họ bị người lạ dụ dỗ, ép lên xe, Ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương và lãnh đạo Phòng Giáo dục TP Đà Lạt.
Lực lượng Công an phường 9 (TP Đà Lạt) đã có buổi làm việc với nhà trường để tìm hiểu và điều tra vụ việc. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên tuần tra cổng trường vào giờ cao điểm tan trường để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trước đó, ngày 22/2, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng có văn bản gởi các trường học trên địa bàn huyện cảnh báo về việc học sinh bị người lạ mặt dụ dỗ, ép buộc lên xe.
Theo đó, Phòng yêu cầu các giáo viên, phụ huynh và học sinh luôn đề cao cảnh giác để đảm bảo an ninh trật tự trong giờ tan học, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn tại khu vực cổng trường hay trong trường học. Đặc biệt, đối với các trường mầm non và tiểu học, nhà trường quán triệt phụ huynh có trách nhiệm đưa đón con đến trường và tan học.
Trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Tẻh đã nhận được báo cáo của trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Hà Đông) về việc có 2 em học sinh của trường trên đường đi học về đã bị hai thanh niên lạ mặt dụ dỗ và ép buộc phải lên xe.
Theo Khoe & Đep
Công an vào cuộc vụ thầy giáo bị tố sàm sỡ nữ sinh lớp 3 Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra Công an TP Vinh (Nghệ An) đã làm việc với trường tiểu học Hưng Bình để làm rõ. Như đã đưa tin trước đó, nhiều phụ huynh học sinh tại trường tiểu học Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An có đơn tố cáo...