Hàng loạt sai phạm tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra toàn diện về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Theo đó, trường này có hàng loạt sai phạm về vấn đề tuyển sinh, liên kết đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tài chính, việc tiếp nhận tiền tài trợ hơn 276.000 USD (hơn 5,87 tỷ đồng) được chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không chuyển trực tiếp cho trường…
Từ công tác cán bộ đến thu chi tài chính
Về công tác tuyển dụng viên chức, trong 3 năm 2015-2017, trường tuyển dụng tổng cộng 75 viên chức, nhưng quy trình tuyển dụng chưa thực hiện đúng quy định theo Thông tư 15 của Bộ Nội vụ. Chẳng hạn, các thông báo tuyển dụng không nêu rõ nội dung, hình thức thi/xét tuyển, nội dung thi tuyển thiếu các môn thi kiến thức chung, không xây dựng các đề thi chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp. Kiểm tra một số hồ sơ tuyển dụng cho thấy: Trường ký hợp đồng làm việc lần đầu với Võ Hoàng Thủy Tiên không đúng quy trình tuyển dụng của trường, xét tuyển đặc cách, ký hợp đồng làm việc với ông Bách và bà Duyên không đúng quy định. Kiểm tra một số hợp đồng lao động trong tổng số 77 hợp đồng lao động của trường, thì có trường hợp ký hợp đồng lao động 6 tháng và ký liên tiếp hợp đồng với cùng một cán bộ để làm những công việc có tính chất thường xuyên, là không đúng quy định. Công tác bổ nhiệm cũng có nhiều sai phạm như: Bổ nhiệm Trưởng khoa Cơ khí động lực và Khoa Công nghệ may thời trang khi chưa đạt chuẩn trình độ tiến sĩ (theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Điều lệ trường đại học); 2 trưởng bộ môn Thương mại và bộ môn Kết cấu công trình được bổ nhiệm khi chưa có bằng tiến sĩ.
Về quản lý, sử dụng kinh phí năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán và có thông báo kèm kiến nghị về các vấn đề như chấn chỉnh công tác tài chính, kế toán, công tác quản lý thu học phí qua Ngân hàng BIDV, nghiêm cấm xé nhỏ hợp đồng mua sắm gây lãng phí ngân sách và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…
Trong công tác mua sắm thiết bị, có 3 gói thầu trị giá hơn 13 tỷ đồng được thực hiện trong vòng 1 tháng và đều do Công ty cổ phần Thông tin và Giáo dục EIG trúng thầu. Tuy nhiên, việc kiểm tra hồ sơ mua sắm có nhiều vấn đề, như chưa xác định rõ nhu cầu cần thiết phải đầu tư, lựa chọn nhà thầu không đúng theo quy định, không có báo giá của nhà thầu.
Video đang HOT
Liên kết đào tạo trái quy định
Công tác tuyển sinh và đào tạo của trường này cũng có rất nhiều sai phạm. Việc tuyển vượt chỉ tiêu hệ đại học chính quy của trường diễn ra từ năm 2015 đến năm 2017, với tổng số tuyển vượt lên đến 1.688 chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2015 tuyển 4.611/3.880 chỉ tiêu (vượt 19%), năm 2016 tuyển 4.523/4.165 chỉ tiêu (vượt 8,6%) và năm 2017 tuyển 4.935/4.336 chỉ tiêu (vượt hơn 13%). Trong liên kết đào tạo trong nước, năm 2015 liên kết với 11 đơn vị, năm 2016 liên kết với 9 đơn vị, năm 2017 liên kết với 4 đơn vị, nhưng việc liên kết chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT. Đáng nói hơn, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (liên kết với Trường Đại học Sunderland, Vương quốc Anh), trường đã xét trúng tuyển đối với thí sinh không đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Trong khi đó, trường tổ chức cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức môn học trình độ sau đại học trong chương trình đào tạo thạc sĩ. Học viên có thể tham gia học chung với các lớp thạc sĩ tại trường, hoặc trường mở lớp tại địa phương khi đạt số lượng tối thiểu 20 người/lớp. Theo báo cáo của trường, từ năm 2015-2017 đã cấp 781 chứng chỉ cho học viên. Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức là chưa đúng quy định.
Một sai phạm nghiêm trọng nữa là việc tiếp nhận hơn 276.000USD (trị giá hơn 5,87 tỷ đồng) từ Trường Đại học Bang Arizona (Mỹ) để trường mở phòng dạy học số. Tuy nhiên, theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, số tiền trên lại được chuyển cho ông Lê Thanh Phúc (hiện là Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao) qua tài khoản mở tại Ngân hàng BIDV. Sau đó, ông Phúc lại chuyển toàn bộ số tiền trên cho bà Nguyễn Thị Tố Trang (nhân viên Công ty TNHH Kỹ thuật Mekong), rồi bà Trang lại chuyển cho ông Nguyễn Xuân Anh Tú (Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Mekong) để thực hiện việc cung cấp các trang thiết bị cho phòng dạy học số.
Tuy nhiên, trong công văn gửi Thanh tra Bộ GD-ĐT ngày 3-12-2017, Công ty TNHH Kỹ thuật Mekong cho rằng: không thực hiện cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị cho phòng dạy học số; không cử ông Nguyễn Xuân Anh Tú làm đại diện cho công ty để nhận số tiền hơn 5,87 tỷ đồng. Thế nhưng đến ngày 10-1-2018, Văn phòng đại diện Trường Đại học Bang Arizona tại Việt Nam lại xác nhận là có chỉ định công ty trên làm nhà cung cấp thiết bị cho dự án, nhưng số tiền chính xác là hơn 5,844 tỷ đồng. Qua thanh tra phát hiện việc tiếp nhận số tiền trên qua tài khoản cá nhân là không đúng quy định, các hóa đơn chứng từ, hợp đồng giao nhận thiết bị của đơn vị cung cấp đều không có.
Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có kế hoạch chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm nên trên. Trong đó, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chung về các vấn đề quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm, phê duyệt mua sắm, xây dựng cơ bản, tiếp nhận tài trợ. Ông Lê Thanh Phúc và ông Nguyễn Bá Hải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin không đầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu trường báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GD-ĐT trước ngày 30-3-2018.
Theo SGGP
Đề nghị kiểm điểm giám đốc Sở Nội vụ, Sở GD - ĐT TP.Đà Nẵng
Lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng bị đề nghị kiểm điểm vì những vấn đề liên quan đến tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ.
Theo Thanh tra Chính phủ, TP.Đà Nẵng có thiếu sót khi không tuyển dụng được viên chức là giáo viên hệ mầm non trong thời gian dài
Ngày 17.1, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, cho biết đã nhận được thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về giáo dục" tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, và sẽ nghiêm túc chấp hành việc kiểm điểm.
Kiểm điểm vì "không tuyển dụng được giáo viên mầm non"
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.Đà Nẵng kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc Sở Nội vụ (nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2016 - 2021) do không tham mưu UBND TP.Đà Nẵng ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, để trong thời gian dài, các quận, huyện của TP không tuyển dụng được viên chức là giáo viên hệ mầm non; rút kinh nghiệm khi hướng dẫn việc ký kết hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa thống nhất, chưa đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ đề nghị chấn chỉnh Chủ tịch UBND các quận, huyện trong việc hợp đồng với giáo viên chưa đúng quy trình; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ, Chủ tịch UBND H.Hòa Vang trong việc bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định; chấn chỉnh công tác biệt phái viên chức đối với UBND các quận, huyện; điều chuyển viên chức hết thời hạn biệt phái về đơn vị cũ công tác, nhằm đảm bảo các chế độ đối với viên chức.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sở GD - ĐT TP.Đà Nẵng phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, công khai đối với cơ sở giáo dục theo thông tư số 09/2009/TT-BGD ĐT ra ngày 7.5.2009 và chỉ đạo các Phòng GD - ĐT, cơ sở trực thuộc thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tại thông tư này.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng: "Sẽ chấp hành, nhưng..."
Trả lời PV Thanh Niên, ông Võ Ngọc Đồng cho rằng việc kiểm điểm giám đốc sở theo nhiệm kỳ là chưa hợp lý vì giám đốc sở được bổ nhiệm không theo nhiệm kỳ.
Ông Đồng cũng cho rằng, vấn đề trong kết luận thanh tra có nhận xét việc không tuyển được viên chức giáo viên là chưa chính xác, bởi TP vẫn đảm bảo được giáo viên mầm non giảng dạy.
"Việc này Đà Nẵng vẫn đảm bảo được chất lượng của giáo viên theo tiêu chí, tiêu chuẩn. Về chế độ chính sách, TP vẫn đảm bảo theo quy định. Tại TP.Đà Nẵng không xảy ra việc giáo viên mầm non thắc mắc khiếu kiện", ông Đồng nói.
"Không tuyển dụng là không tuyển dụng viên chức làm việc vô thời hạn. Việc này là vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Việc nói "không tuyển dụng" là cũng chưa đầy đủ bởi TP cũng đã tuyển dụng viên chức những giáo viên được bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng, hiệu phó với 117 trường hợp", ông Đồng nói thêm.
Khi có kết luận thanh tra, TP.Đà Nẵng đã xét tuyển đặc cách 1.175 giáo viên mầm non đang hợp đồng lao động. Về vấn đề thanh tra kết luận "rút kinh nghiệm khi hướng dẫn việc ký kết hợp đồng lao động", ông Đồng cho biết, việc này liên quan đến giám đốc Sở Nội vụ TP trong giai đoạn trước.
"Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ chấp hành nhưng trong sự việc này, chúng tôi không có vấn đề gì vụ lợi hay mờ ám...", ông Đồng nhấn mạnh.
Thanh tra TP.Đà Nẵng chưa nhận báo cáo kiểm điểm
Ông Trần Huy Đức, Chánh Thanh tra TP.Đà Nẵng cho hay, trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.Đà Nẵng giao cho Thanh tra TP kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện kết luận.
"Thanh tra TP đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu thực hiện. Đến thời điểm này, một số đơn vị đã tiến hành kiểm điểm nhưng vẫn chưa có báo cáo gửi về. Thanh tra TP đang chờ để gửi UBND TP, dự kiến trong tuần này sẽ có báo cáo đầy đủ", ông Đức nói.
Theo TNO
Vì sao Đà Nẵng phải luân chuyển, bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường trước ngày 30/7? Việc điều chuyển, bộ nhiệm cán bộ lãnh đạo sớm sẽ thuận lợi cho việc tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về nhà trường để chuẩn bị cho ngày khai giảng. Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, sẽ làm việc lại với Sở Nội vụ để thực hiện việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo...