Hàng loạt resort ở Mũi Né đóng cửa
Khoảng 30-40% khách sạn, resort tại Bình Thuận chưa mở cửa trở lại, theo ước tính từ Sở VHTT&DL tỉnh, khiến 70% lao động trong ngành mất việc.
Coco Beach nằm trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (Mũi Né) được xem là resort đầu tiên ở Việt Nam khi đi vào hoạt động từ năm 1995. Do đó, việc nơi này “cửa đóng then cài” suốt nhiều tháng qua khiến người làm du lịch tại đây không khỏi tiếc nuối.
Bên trong khuôn viên resort, hồ bơi đọng đầy nước mưa, bắt đầu phủ rêu xanh, cỏ cây mọc um tùm.
Biển hiệu nhà hàng Paradise Beach Club nằm trong Coco Beach cũng bị bỏ mặc khi resort này đã tạm dừng hoạt động từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay sau đợt cách ly toàn xã hội, du khách đã dần quay trở lại với Mũi Né. Địa phương đồng thời phát 1.000 voucher du lịch cho khách từ TP.HCM, giảm 50% chi phí lưu trú và dịch vụ tại một số cơ sở đăng ký tham gia. Tuy nhiên, chương trình vừa triển khai được mấy ngày thì dịch tái phát. Đến nay, chỉ khoảng 60-70% khách sạn, resort mở cửa trở lại. Ngay cả resort 4 sao Hoàng Ngọc và trung tâm vui chơi giải trí Mũi Né Kids Center cũng chưa có dấu hiệu quay lại hoạt động.
Trong khi đó, nhiều resort 3 sao như Vinh Sương, Dynasty… cũng đang tạm dừng kinh doanh.
Thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 8, công suất phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn chỉ đạt 25-40%, giảm khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn trong giai đoạn hiện nay, tỷ lệ này chỉ là 10-15%, chủ yếu là khách du lịch nội địa đi chơi vào các ngày cuối tuần.
Video đang HOT
Đi dọc con đường Nguyễn Đình Chiểu – Huỳnh Thúc Kháng, không khó để bắt gặp cảnh những hàng rào dài 10-30 m bao quanh các resort, khách sạn không hoạt động.
Trước đó, nơi đây được coi là “thủ phủ resort” của Việt Nam, bởi hàng loạt resort lớn nhỏ nằm liên tiếp dọc bãi biển Mũi Né, trở thành thiên đường nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, mặc dù theo ghi nhận của cơ quan quản lý, chưa có doanh nghiệp nào rơi vào tình trạng phá sản, nhưng không ít khách sạn và resort đang rao thuê mặt bằng.
Nói với Zing, đại diện khách sạn Song Hương cho biết chỉ phục vụ 1-2 phòng trong tổng công suất 50 phòng vào các ngày cuối tuần. Điều này buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà hàng bên cạnh và cho thuê lại mặt bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh vắng khách du lịch và chi tiêu người dân không còn như trước, từ đầu năm đến nay đơn vị vẫn chưa tìm được người thuê lại mặt bằng.
Dù là vào ngày cuối tuần, dọc bãi biển Mũi Né vẫn thưa thớt bóng người.
Trước tình trạng này, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã triển khai chương trình “Oh Wow! Mũi Né” (Ngạc nhiên Mũi Né) nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Bình Thuận an toàn, thân thiện, hấp dẫn và chất lượng. Đồng thời, đa số doanh nghiệp trong ngành cũng tích cực triển khai các chương trình kích cầu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
Thực tế, khoảng 2-3 resort như Seahorse, Terracotta, Làng Tre… vẫn thu hút một lượng khách khá lớn nghỉ vào cuối tuần. Trao đổi với Zing, ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Seahorse Resort, cho biết cơ sở gần như kín phòng trong tháng 10. Trước đó, hồi tháng 7, tỷ lệ lấp đầy tại đây cũng lên đến 87%.
Trong trạng thái bình thường mới hiện nay, cơ sở lưu trú này thực hiện nhiều điều chỉnh về dịch vụ để phù hợp hơn với đối tượng khách nội địa, thay vì chú trọng phục vụ du khách quốc tế như trước.
Thủ phủ resort Mũi Né đìu hiu
Dù là tối cuối tuần, hàng loạt nhà hàng, quán bar ở Mũi Né vẫn đóng cửa im lìm, còn các cửa hàng lưu niệm, tiệm massage dán đầy thông báo sang nhượng.
Trải dọc theo bờ kè biển Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận), trên con đường Nguyễn Đình Chiểu, là hơn 20 nhà hàng hải sản lớn nhỏ. Đoạn đường này không chỉ là "thủ phủ resort", mà còn là tụ điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm của du khách khi đến Mũi Né. Tuy nhiên hiện tại, chỉ khoảng 50% nhà hàng bờ kè còn mở cửa phục vụ thực khách.
Nguyên nhân là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn khách chính của những cơ sở này là người Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc... không thể đến Việt Nam du lịch.
Tình hình còn trở nên khó khăn hơn với những nhà hàng, quán bar, cafe nằm trong các cơ sở lưu trú. Đại diện khách sạn - nhà hàng Song Hương cho biết chỉ phục vụ 1-2 phòng trong tổng công suất 50 phòng dịp cuối tuần vừa qua. "Trước đây, nhiều thời điểm chúng tôi quá tải, không đủ phòng để đón khách, nhờ đó nhà hàng kinh doanh rất tốt. Từ đầu năm đến nay, lượng khách hầu như không có, chúng tôi đành đóng cửa nhà hàng và cho thuê lại mặt bằng, nhưng giờ vẫn chưa tìm được người thuê", người này nói.
Tương tự nhà hàng, các đơn vị kinh doanh dịch vụ massage, spa hiện cũng chưa thể mở cửa trở lại. "Quán ăn, tạp hóa, cửa hàng lưu niệm không bán cho khách nước ngoài thì vẫn có thể chuyển hướng sang phục vụ người địa phương hoặc khách Việt. Nhưng riêng massage và spa thì rất khó, nhất là trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu do sụt giảm thu nhập vì dịch bệnh", bà Minh Hương, quản lý một tiệm massage, nhận định.
Dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu, không khó bắt gặp những tờ thông báo sang nhượng như thế này.
Đáng chú ý, trên một số đoạn đường, có đến 5-7, thậm chí hơn 10 cửa hàng lưu niệm, tạp hóa liền kề cùng dừng hoạt động.
Thái Shop là một chuỗi cửa hàng lưu niệm lớn, với 3 chi nhánh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, mỗi điểm có mặt tiền khoảng 15-30 m. Tính đến đầu tháng 10, toàn bộ hệ thống vẫn còn đóng cửa.
Trao đổi với Zing, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đánh giá, đại dịch Covid-19 gây nên sự sụt giảm mạnh về lượng khách lẫn doanh thu ngành du lịch địa phương, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế khác, tiêu biểu là dịch vụ ăn uống, vui chơi, mua sắm trên địa bàn.
Ngay cả khu vực bán hàng rong dọc đường bờ biển, vốn là thiên đường ăn uống về đêm cho du khách trẻ hoặc ưa thích ẩm thực đường phố, nay cũng vắng lặng. Đến 20h tối thứ 7, một số quán mới phục vụ được vài ba lượt khách. Bà Ngọc Bích, một người bán tại đây, cho biết doanh số cuối tuần hiện chỉ tương đương 50% ngày thường của giai đoạn sau đợt dịch thứ nhất.
Đối với những nhà hàng, cafe, quán bar trước đây chỉ phục món ăn của châu Âu, Hàn Quốc, Sở VHTT&DL còn nhìn nhận "khó sống hơn". Những vị khách quốc tế ở Mũi Né thời gian này là người sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hoặc khách du lịch chưa thể về nước. Số lượng nhìn chung giảm sâu so với trước đây.
Tại hầu hết quán xá đã mở cửa trở lại, lượng khách cũng "nhỏ giọt". Nói với Zing, ông Cường, chủ nhà hàng Bờ kè Gia đình, cho biết đã cắt giảm nhiều nhân viên trong bối cảnh này và tự mình đón khách, giữ xe, dắt xe cho khách để tiết kiệm chi phí vận hành.
Giữa một Mũi Né vắng bóng khách du lịch, các nhà hàng, quán ăn cử nhân viên đứng ngay dưới lòng đường để mời chào.
Theo ghi nhận của Zing, vẫn có khoảng 1-2 nhà hàng hiếm hoi kín bàn từ lúc 19h. Tuy nhiên, theo ông Vũ, một nhân viên lâu năm tại quán Mr. Crab, các ngày trong tuần cũng chỉ có thể phục vụ 10 bàn, trong khi trước đại dịch luôn quá tải. Doanh số bình quân mỗi ngày vì vậy cũng sụt giảm 200-300 triệu xuống còn vài chục triệu đồng.
Từ tổng cộng gần 40 nhân sự trước đây, quán giảm còn trên dưới 10 nhân viên. "Sau Covid-19 đợt 1, lượng khách du lịch trở lại khá nhiều, phần vì vừa được kết thúc giãn cách xã hội, phần vì đúng dịp hè, các doanh nghiệp mừng lắm. Còn bây giờ rất khó gượng dậy, họ đành đóng cửa, cắt giảm lao động. Không có Covid-19 lần hai, câu chuyện đã khác nhiều", đại diện Sở VHTT&DL nói.
Đền Taj Mahal mở cửa trở lại Mặc dù ghi kỷ lục với 87.000 trường hợp dương tính Covid-19 mới trong một ngày, Ấn Độ vẫn quyết mở lại Đền Taj Mahal. Người đàn ông chụp ảnh trước đền Taj Mahal sau khi công trình nổi tiếng mở cửa trở lại lần đầu tiên sau 6 tháng. Ít hơn 300 vé đã được mua trong ngày mở cửa đầu tiên...