Hàng loạt lệ phí dự thi ĐH, CĐ 2013 sẽ tăng?
Theo Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ GD – ĐT và Bộ Tài chính, phí đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tăng lên 60.000 đồng/hồ sơ.
Hiện nay, Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT/BTC-BGDĐT quy định phí đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là 50.000 đồng/hồ sơ và đang được dự kiến tăng lên là 60.000 đồng/hồ sơ trong dự thảo mới.
Kỳ tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi, từ nội dung đến các loại phí.
Ngoài ra, mức phí sơ tuyển (đối với các trường có tổ chức sơ tuyển trước khi thi chính thức) cũng có sẽ tăng. Cụ thể, đối với các ngành năng khiếu, phí sơ tuyển hiện tại là 100.000 đồng/hồ sơ sẽ dự kiến được nâng lên 120.000 đồng/hồ sơ; còn sơ tuyển đối với các ngành khác dự kiến tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/hồ sơ.
Về lệ phí dự thi, Bộ GD – ĐT, Bộ Tài chính đang đề xuất nâng phí dự thi văn hóa từ 30.000 đồng/hồ sơ lên 45.000 đồng/hồ sơ; còn dự thi năng khiếu là 300.000 đồng/hồ sơ thay cho mức 200.000 đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).
Đối với các thí sinh thuộc diện tuyển thẳng hoặc xét tuyển vào các trường đại học,cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thì mức thu phí là 30.000 đồng/hồ sơ.
Đối với các chương trình đào tạo sau đại học, dự thảo quy định phí đăng ký dự thi tăng lên 60.000 đồng/thí sinh/hồ sơ; phí dự thi cao học là 120.000 đồng/thí sinh/môn dự thi; còn dự tuyển nghiên cứu sinh vẫn giữ nguyên ở mức 200.000 đồng/thí sinh.
Video đang HOT
Đối với tuyển sinh đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, dự thảo quy định phí đăng ký xét tuyển không thay đổi là 200.000 đồng/thí sinh/hồ sơ.
Dự thảo này đang được Bộ GD – ĐT công bố rộng rãi để lấy ý kiến của người dân và có thể mức thu phí trên sẽ được áp dụng cho các kỳ tuyển sinh từ năm nay.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Vào đại học không phải là 'bình phong' trốn nhập ngũ
Bên cạnh sự băn khoăn, nhiều người vẫn đồng tình với quy định nhập ngũ mới và cho rằng đi nghĩa vụ vì Tổ quốc quan trọng như việc vào đại học để xây dựng đất nước.
Gần đây, Bộ Quốc phòng và Bộ GD - ĐT vừa công bố Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ (từ 18-25 tuổi).
Thông tư này quy định nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường cùng một thời điểm thì công dân vẫn thực hiện lệnh nhập ngũ. Nhưng kết quả thi đại học được bảo lưu, và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục học tập. Đối với công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương.
Sau khi quyết định này được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng bất hợp lý, ảnh hưởng đến con đường học tập của các nam sinh. Độc giả Thái Hoàng cho rằng: "Quốc gia cần nhân tài chiến đấu bằng tri thức hay cần những người hữu dũng vô mưu? Tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho những người muốn học cao, học xa để rồi chúng ta có thêm những nhân tài trên nhiều lĩnh vực phục vụ cho quốc gia? Quốc phòng rất quan trọng nhưng như Bác Hồ đã nói "Quốc gia có giàu mạnh sánh vai với các cường quốc được hay không là nhờ công học tập của các cháu". Vì vậy, đề nghị những người có thẩm quyền xem xét lại".
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiệnnghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, đồng tình với quyết định và cho rằng thay đổi này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Minh Đức, học sinh lớp 12 tại Nam Định đã khẳng định: "Đối với mỗi công dân, việc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc là hai nghĩa vụ quan trọng. Vào đại học để xây dựng Tổ quốc, còn chấp hành nghiêm túc quy định về nghĩa vụ quân sự là bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đi nghĩa vụ quan trọng không kém việc đỗ đại học. Mình có lực học khá, việc thi đại học cũng nằm trong khả năng. Tuy nhiên, nếu có giấy báo nhập ngũ, mình vẫn sẽ thực thi nghiêm chỉnh".
Nhiều bạn trẻ đồng tình với quy định nghĩa vụ quân sự mới. (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm, độc giả Đức Tuấn chia sẻ: "Thực tế, lý do các gia đình cho con mình nhập là không có điều kiện về kinh tế để tiếp tục học, học kém không đủ trình độ thi đại học, cao đẳng, hư hỗn muốn nhờ môi trường quân đội để giáo dục lại. Như vậy, hầu như rất ít các bạn trẻ cho rằng việc tuân thủ quy định nhập là trách nhiệm đối với Tổ quốc. Nhận thức này cần được xem lại và nên thay đổi".
Có quan điểm cho rằng nếu đi nghĩa vụ hai năm sẽ ảnh hưởng đến việc học, tuổi đời lập nghiệp, thậm chí không thể có cơ hội để thi vào đại học, cao đẳng bởi kiến thức đã "rơi rụng hết". Ý kiến này ngay lập tức bị phản bác.
Nickname Kaka chia sẻ: "Nếu yêu nước thì không nên trốn tránh nghĩa vụ. Thực tế, thông tư này cũng quy định rất rõ nếu bạn đỗ đại học vẫn được quyền bảo lưu và sẽ tiếp tục đi học khi giải ngũ. Như vậy, cơ hội để bạn tiếp tục học cao không hề bị thu hẹp".
Mặc dù không chịu ảnh hưởng bởi thay đổi này nhưng các nữ sinh cũng lên tiếng đồng tình. Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Hiện nay tuy đất nước đang trong thời bình, nhưng để có được điều đó lịch sử dân tộc đã ghi nhận xương máu của bao thế hệ phải đổ xuống. Hơn nữa, hiện tại nguy cơ bị xâm lược, lấn chiếm vẫn có thể xảy ra do tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Vì vậy quy định này là cần được thực hiện để đảm bảo hòa bình cho đất nước".
Một bạn trẻ khác cũng ủng hộ: "Phải thay đổi như thế thì an ninh quốc gia mới phát triển mạnh và có chỗ đứng vững chắc được. Bởi nếu chỉ tuyển những "vô công rỗi nghề" ở các địa phương sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng quân đội. Đặc biệt, thông tư này cũng quy định các bạn sau khi giả ngũ về thì có được 1 khoản tiền nhỏ trang trải cuộc sống và có thể dùng vào việc học tập".
Thay đổi cần thiết và không mới
Nhiều bạn trẻ cho rằng quy định này "không giống ai", nhưng trên thực tế, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... cũng là điều bắt buộc đối với công dân của họ.
Cụ thể, tại Hàn Quốc, việc thi hành nghĩa vụ quân sự là bình đẳng, bất kể là dân thường hay ngôi sao. Những ngôi sao nổi tiếng như Won Bin, Hyun Bin, Bi Rain, Kim Jae Won..., đều đã phải chấp hành mặc dù thời điểm đó sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Thậm chí, họ vẫn có thể bị xử lý theo quy định nếu vi phạm kỷ luật quân đội.
Ở Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không phân biệt dân thường hay người nổi tiếng.
Độc giả Trương Trung Kiên cũng nhận thức được điều này cho biết: "Ở nhiều nước, bất chấp bạn đang đi làm hay đi học thì đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sựtheo quy định. Vì vậy, sửa đổi này là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết". Hay ý kiến của Tuấn Anh (Định Công, Hà Nội) cũng cho rằng: "Các nước khác đã làm điều này hàng bao năm nay và họ vẫn phát triển. Cho nên không có lý do gì mà chúng ta không thực hiện quy định này".
Ngày 7/3, Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực. Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều và thắc mắc từ phía xã hội, nhưng nhìn một cách khách quan, việc thay đổi này có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ Tổ quốc và cần được đồng tình, ủng hộ.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Tiếp tục thi tiếng Hàn cho LĐ về nước đúng hạn Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, trong hai ngày 21 và 22/11, sẽ nhận hồ sơ đăng ký dự kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn cho lao động về nước đúng thời hạn, có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc làm việc. Dự kiến, kỳ kiểm tra tiếng Hàn diễn ra vào ngày 3/12 tới. Nếu vượt qua kỳ...