Hàng loạt chuyên gia nước ngoài rời Bắc Kinh vì sợ bẩn
Do tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trở nên trầm trọng, ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài đã quyết định rời bỏ thành phố này. Hiện tượng trên khiến không ít doanh nghiệp nước ngoài gặp khó.
Tạp chí phố Wall dẫn lời giám đốc điều hành của tập đoàn ô tô Đức BMW tại Trung Quốc Kirk Cordill cho biết, kể từ sau khi tình hình ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh tăng vọt hồi tháng Giêng vừa qua, nhiều ứng viên cho các vị trí chuyên gia tầm trung của công ty này đã rút hồ sơ ứng tuyển. “Họ gọi đến và nói rằng không còn được gia đình ủng hộ”, ông Cordill cho biết.
Tình trạng ô nhiễm tại Bắc Kinh rất trầm trọng
Dù vậy BMW không phải trường hợp duy nhất. Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, ô nhiễm không khí đang là thách thức hàng đầu đối với các công ty châu Âu tại đây. Nó không chỉ khiến nhiều chuyên gia quyết định rời Trung Quốc mà những người có ý định đến đây cũng phải đắn đo.
Hiện tượng này “đẩy” nhiều tập đoàn đa quốc gia vào thế khó khi muốn thu hút nhân sự điều hành cao cấp, giàu kinh nghiệm giữa lúc thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vai trò quan trọng trong thành công toàn cầu của họ. Tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức chi nhánh Trung Quốc chính là một trong số này.
Suốt những năm qua, các thành phố của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải đã trở thành những thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư cũng như những sinh viên trẻ tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tới tìm kiếm cơ hội. Marc van der Chijs là một trong số đó. Ông đã tới đây 13 năm trước để cùng sáng lập ra trang web chia sẻ video trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Tudou.
Vậy nhưng tháng trước ông đã dọn hành lý rời Thượng Hải để đến Vancouver Canada. “Tôi muốn tìm một nơi để các con tôi có thể lớn lên trong một môi trường trong lành”, ông Chijs khẳng định.
Video đang HOT
Hồi tháng Giêng vừa qua, nồng độ các hạt bụi mịn lơ lửng tại Bắc Kinh theo số liệu đo đạc của đại sứ quán Mỹ đã vượt 35 lần mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Tình trạng ô nhiễm vượt thang đo đã khiến các thành phố tại Trung Quốc càng mất điểm trong mắt các chuyên gia nước ngoài.
Trước đó các chuyên gia đã không mấy hài lòng với tình trạng internet bị giám sát chặt khiến tốc độ truy cập chậm chạp, không thể vào Facebook, Twitter, Google cùng những mối lo ngại khác về mất an toàn thực phẩm và chất lượng nước.
Scandal lợn chết trôi sông càng khiến người nước ngoài tại Trung Quốc lo sợ
Các vụ scandal mới đây như việc hàng chục nghìn con lợn chết bị thả trôi sông Hoàng Phố, nguồn cung cấp nước sinh hoạt quan trọng của Thượng Hải, càng khiến Trung Quốc trở thành điểm đến khó chào mời. Doreen Jaeger-Soong, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Hughes-Castell khẳng định.
Bà Jaeger-Soong cũng cho biết thêm rằng một trong những e ngại hàng đầu của người nước ngoài khi tới Trung Quốc chính là an toàn thực phẩm. “Hầu như bất kỳ ai đến từ các nước phương Tây đều lo lắng về an toàn thực phẩm và chất lượng sống”.
Tác động của tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng lên sức khỏe con người tại Trung Quốc là đáng báo động. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện tác động sức khỏe có trụ sở tại Boston Mỹ, ô nhiễm hạt bụi lơ lửng tại Trung Quốc là nguyên nhân của khoảng 1,2 triệu vụ sảy thai tại Trung Quốc trong năm 2010, chỉ xếp sau thuốc lá.
Ngay cả tại Hong Kong, nơi được xem là sạch hơn Bắc Kinh, tình trạng ô nhiễm do không khí bẩn từ Trung Quốc đại lục lan sang cũng khiến một số chuyên gia phải “bỏ chạy”. Petteri Piirinen, người đứng đầu mảng kinh doanh khu vực châu Á của tập đoàn công nghệ Okmetic tại Phần Lan đã quyết định đưa cả gia đình 4 thành viên rời Hong Kong sau khi con của ông bị hen suyễn chỉ sau 1 năm ở đây.
“Hầu hết trẻ em đều có thể chơi hàng giờ mà không thấy mệt nhưng con trai tôi nhanh chóng mệt mỏi và khó thở”, Piirinen khẳng định và cho biết thêm rằng con ông đã khỏe lên sau khi trở về Phần Lan.
Tình trạng ô nhiễm khiến ngay cả người Trung Quốc cũng lo ngại. Theo bà Louisa Wong, nhà sáng lập công ty tìm kiếm nhân sự cấp cao Bó Lè Associates cho biết, không ít lãnh đạo người Trung Quốc tin rằng họ nên ra đi. “Những ai ở Bắc Kinh muốn tới Thượng Hải. Người ở Thượng Hải lại muốn sang Hong Kong còn người ở Hong Kong thì muốn ra nước ngoài”, bà Wong khẳng định.
Theo Dantri
Trung Quốc tính cấm thịt nướng
Trung Quốc đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm đối với đồ nướng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng, khiến dư luận nước này lập tức phản ứng mạnh mẽ.
Một hàng bán thịt xiên nướng trên phố Trung Quốc. Ảnh: buzzhome
Xinhua đưa tin cơ quan giám sát môi trường Trung Quốc vừa công bố dự thảo hướng dẫn các thành phố lớn trong cả nước thông qua quy định cấm "các hoạt động liên quan đến đồ nướng".
Dự thảo trên được đưa ra sau khi tình trạng ô nhiễm ở Bắc Kinh và các vùng miền bắc Trung Quốc đạt đến cấp độ nghiêm trọng, gây lo ngại về sức khỏe và làn sóng giận dữ từ người dân.
Nguyên nhân ô nhiễm ở Bắc Kinh được cho là do khí thải từ các nhà máy điện hoạt động bằng than và khói thải từ các phương tiện giao thông, khiến chính quyền thành phố phải ra lệnh đóng cửa khẩn cấp các nhà máy này.
Tuy nhiên, trong dự thảo hướng dẫn công bố đầu tháng này, Bộ Môi trường Trung Quốc cũng cho rằng các hình thức nướng thực phẩm là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Tài liệu dẫn lời một quan chức giấu tên kêu gọi người dân không nướng thực phẩm ngoài trời như một cách sống thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, dự thảo trên lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Trung Quốc.
Trong khi nhiều người mệt mỏi vì phải đeo mặt nạ liên tục khi ra đường hoặc phải ngồi lì trong nhà suốt những ngày không khí bị bao phủ bởi một màn khói mù dày đặc, những người yêu mến ẩm thực ở Trung Quốc cho rằng cấm bán các loại đồ nướng trên đường phố là biện pháp đã đi quá xa.
"Thật là nực cười. Tiếp theo sẽ là gì đây? Cấm cả đồ rán à?", một người viết trên mạng xã hội Sina Weibo.
"Tỷ lệ ô nhiễm từ các lò nướng thịt là bao nhiêu? Tôi tự hỏi khi nào thì chính phủ bắt đầu cấm xì hơi"?, một người khác viết.
Thịt nướng là món ăn rất được ưa thích ở Trung Quốc, đặc biệt là thịt cừu xiên nướng, một đặc sản của vùng Tân Cương phía tây bắc.
Cuối tuần trước, khói mù độc hại bao phủ thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố tại Trung Quốc cũng khiến giao thông đường bộ gián đoạn và nhiều chuyến bay bị hủy.
Theo VNE
Doanh nghiệp Trung Quốc phát tài từ ô nhiễm không khí Tình trạng ô nhiễm không khí đang đem lại cơ hội kiếm tiền khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc, theo tin tứctờ Los Angeles Timesđăng tải hôm 2.2. Các mặt hàng chống ô nhiễm như lều lớn ngăn không khí ô nhiễm, khẩu trang với bộ phận lọc khí tiên tiến, máy lọc khí và thậm chí cả hộp đựng...