Hancorp thoái vốn chỉ 3 tháng trước khi dự án Khu đô thị Vibex được phê duyệt quy hoạch chi tiết
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) là một trong những cổ đông lớn của Công ty CP Bê tông xây dựng Hà Nội (Vibex) – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Vibex rộng gần 50ha. Dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 9/2018, nhưng trước đó 3 tháng (tháng 6/2018), Hancorp ra Nghị quyết thoái vốn toàn bộ vốn tại Vibex.
Khu đô thị Vibex có tổng diện tích gần 50ha tại quận Bắc Từ Liêm/ Ảnh: Vibex.vn
Kế hoạch thoái vốn
Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Vibex – Công ty cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Nội (Vibex) – có địa chỉ tại tổ dân phố số 1, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, tiền thân là Nhà máy bê tông đúc sẵn Hà Nội được thành lập ngày 06/5/1961 theo Quyết định số 472/BKT của Bộ Kiến trúc (trước đây), sau đổi là Xí nghiệp liên hợp Bê tông Xây dựng Hà Nội.
Từ ngày 26/4/1996, Xí nghiệp liên hợp Bê tông Xây dựng Hà Nội sáp nhập vào Hancorp, và được đổi tên là Công ty Bê tông Xây dựng Hà Nội.
Thực hiện Quyết định số 2283/QĐ-BXD ngày 13/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Công ty Bê tông Xây dựng Hà Nội chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Nội (Vibex).
Đầu tháng 1/2018, Công ty Vibex nâng số vốn điều lệ từ 85 tỷ đồng lên 136 tỷ đồng, nhưng Tổng Công ty Hancorp không thay đổi vốn góp là 23,841 tỷ đồng nên tỷ lệ góp vốn từ 28,5% cổ phần giảm xuống còn 17,53% cổ phần của Vibex.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Hancorp là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập năm 1982 trên cơ sở hợp nhất 05 đơn vị trực thuộc Bộ này.
Ngày 20/11/1995, Hancorp được thành lập lại theo Quyết định số 990/BXD-TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng gồm: 17 đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, 01 đơn vị phụ thuộc hoạch toán nội bộ, 06 đơn vị sự nghiệp và 06 doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty. Đến năm 2007 chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con.
Đến ngày 15/08/2014, Hancorp đã chính thức chuyển thành Công ty cổ phần với số vốn điều lệ 1.410 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Hancorp là xây dựng, thi công xây lắp và đầu tư bất động sản.
Với kinh nghiệm và lợi thế có được từ lĩnh vực xây dựng, Hancorp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Đây được xem là một trong những thành công khi đầu tư bất động sản chính là ngành đóng góp vào lợi nhuận của Hancorp những năm gần đây.
Video đang HOT
Xuất phát từ thế mạnh thi công xây dựng trong mảng xây dựng dân dụng, Hancorp cũng định hướng tập trung đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà cao tầng và khu đô thị. Các dự án của Hancorp chủ yếu nằm tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh có xu thế đô thị hóa cao. Đối với các dự án khu đô thị, chủ trương kinh doanh của Hancorp là thực hiện hoàn thiện hạ tầng sau đó chuyển giao một phần sang cho đơn vị thứ cấp đầu tư và giữ lại một phần để phát triển kinh doanh.
Một số dự án Hancorp đã và đang triển khai như: Tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long; Khu Đoàn Ngoại Giao; Khu nhà ở xã hội Thành phố kết nối xanh – “Green Link City”, tại xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội.
Mặc dù đang trên đà tìm và phát triển các dự án bất động sản, tuy nhiên với dự án Khu đô thị Vibex thì lại khác, ngày 1/6/2018, Tổng Công ty Hancorp ban hành Nghị quyết phiên họp 11 của HĐQT quyết định thoái toàn bộ vốn tại Công ty Vibex.
Dự án với thiết kế với nhà cao tầng, đất biệt thự, đất liền kề/ Ảnh: Vibex.vn
Góp và quản lý vốn Nhà nước
Về quá trình góp vốn và quản lý vốn của Hancorp tại Vibex có thể thấy, từ khi sáp nhập đến tháng 12/2014, Công ty Vibex đã thay đổi đăng ký đến lần thứ 12.
Tổng số vốn điều lệ của Vibex vào thời điểm 2014 là 85 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập lớn là Tổng công ty Hancorp và 17 cổ đông khác. Theo ghi nhận, lần 12 thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Vibex thì Hancorp góp 23,841 tỷ đồng tương đương 28,5% cổ phần, 17 cổ đông khác góp 8,453 tỷ đồng tương đương gần 10% cổ phần.
Đại diện cổ phần của Hancorp được giao cho ông Nguyễn Quốc Tuấn và ông Trần Minh Hồng. Bà Lê Thanh Hương (SN 1959) giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật.
Tháng 1/2018, Vibex tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 85 tỷ đồng lên 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn góp của Hancorp vẫn là 23,841 tỷ đồng, nên tỷ lệ nắm giữ giảm xuống còn 17,53%; trong khi đó 17 cổ đông khác không còn thấy sở hữu tỷ lệ cổ phần trong Vibex.
Và như đã thông tin, ngày 1/6/2018, HĐQT Tổng Công ty Hancorp ban hành Nghị quyết phiên họp 11, quyết định thoái toàn bộ vốn tại Công ty Vibex. Chỉ sau đó khoảng 3 tháng tức là vào tháng 9/2018 UBND TP Hà Nội đã chính thức Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Vibex với diện tích gần 50ha, quy mô dân số 7.000 người.
Điều đáng nói Hancorp thoái vốn trong giai đoạn quan trọng thực hiện dự án Khu đô thị Vibex, trong khi chính chủ đầu tư Công ty Vibex cũng đang loay hoay tìm nguồn vốn để đầu tư vào dự án.
Điều này thể hiện ở ngay buổi họp ĐHCĐ thường niên năm 2017 của Vibex diễn ra vào ngày 9/2/2018, doanh nghiệp này đã dự thảo 3 phương án tìm vốn đầu tư vào dự án Khu đô thị Vibex để các cổ đông thảo luận.
Phương án thứ nhất, các cổ đông tự nguyện góp vào Công ty Vibex theo tỷ lệ cổ phần hiện hữu để ủy quyền cho Vibex đầu tư vào pháp nhân mới thực hiện dự án hướng quyền lợi tương ứng với vốn góp.
Phương án thứ hai, ĐHCĐ ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT ký các văn bản với đối tác trong quá trình triển khai thành lập, góp vốn với công ty dự án theo quy định của pháp luật, chủ động tìm đối tác đủ năng lực tài chính thực hiện hỗ trợ công ty và đầu tư vào dự án, ký các văn bản liên quan đến liên doanh liên kết với các đối tác trong việc thực hiện dự án Khu đô thị Vibex.
Phương án thứ ba, ĐHCĐ tiếp tục ủy quyền cho HĐQT chủ động cùng với đối tác liên kết lựa chọn hình thức thành lập công ty, ký các văn bản liên doanh liên kết và các văn bản theo quy định của pháp luật để thành lập pháp nhân mới, ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án góp vốn đầu tư vào công ty dự án, phương án huy động vốn đầu tư dự án Vibex…
Cuối cùng của buổi Đại hội, 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã đồng ý và giao cho HĐQT Công ty Vibex lên phương án đầu tư tại dự án Khu đô thị Vibex.
Vậy đối tác nào sẽ là đơn vị hợp tác với Công ty Vibex thực hiện dự án Khu đô thị Vibex, trong bối cảnh Hancorp – một cổ đông lớn đã quyết định thoái vốn tại Công ty này?
Minh Quang
Theo viettimes.vn
PVcomBank sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người mua nhà Dự án Tokyo Tower
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã phát đi thông tin về việc thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án Tokyo Tower và đưa ra hướng xử lý trong thời gian tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
PVcomBank gặp gỡ người mua nhà Dự án Tokyo Tower
Cụ thể, hai khách hàng là Công ty Cổ phần Sông Đà 101 và Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương đã phát sinh nợ xấu với PVcomBank, tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu là dự án Tòa nhà Tokyo Tower. Do vậy, PVcomBank đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ để xử lý theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Việc thu giữ tài sản đảm bảo của PVcomBank được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh theo các hợp đồng mua bán, PVcomBank đã tổ chức một số buổi làm việc với các cá nhân/tổ chức mua nhà Dự án Tokyo Tower để trao đổi về những vấn đề liên quan và định hướng xử lý của Ngân hàng trong thời gian tới.
Với vai trò là ngân hàng tài trợ và bảo lãnh dự án, trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ, PVcomBank sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người mua nhà. Theo đó, sau khi thu hồi tài sản, PVcomBank cần sự hợp tác từ các cá nhân và tổ chức đã mua tài sản đến PVcomBank làm việc để ngân hàng tiếp nhận thông tin đối chiếu công nợ. Ngân hàng sẽ xử lý để thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật. Theo đó, chúng ta sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký. Khi chủ đầu tư mới chính thức tiếp quản và vận hành tiếp dự án, PVcomBank sẽ có thông báo cụ thể tới khách hàng tiến độ triển khai và thời điểm bàn giao.
Với mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện Dự án để thu nợ đồng thời giao nhà cho các cá nhân/tổ chức đã ký hợp đồng mua tài sản, PVcomBank đảm bảo quyền lợi cuối cùng là người mua nhà nhận được căn hộ theo hợp đồng đã ký. PVcomBank cũng đề nghị người mua nhà bình tĩnh và phối hợp với Ngân hàng để cùng đưa ra phương án hợp lý và nhận nhà sớm nhất có thể.
Đối với các khách hàng có khoản vay mua căn hộ Dự án Tokyo Tower tại PVcomBank, Ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất phù hợp với quy định pháp luật như miễn giảm lãi phạt và miễn phí phạt chậm trả cho khách hàng. Chính sách miễn giảm lãi phạt sẽ được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các văn bản, hợp đồng PVcomBank đã ký.
THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN & PVCOMBANK
Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Landmark 51, được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center. Chủ đầu tư Tokyo Tower là Liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) được thành lập theo Quyết định số 279/GP-NHNN ngày 16/09/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank).
PVcomBank có tổng tài sản đạt trên 125.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, quy mô hoạt động trải rộng trên toàn quốc với 116 điểm giao dịch tại các tỉnh thành trọng điểm, cung cấp đầy đủ và đa dạng các sản phẩm dịch vụ.
Với tiềm lực lớn về tài chính, khả năng ứng dụng công nghệ và thế mạnh dịch vụ chuyên nghiệp, PVcomBank là địa chỉ ngân hàng tin cậy, uy tín của các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói, toàn diện.
Hải Nam
Theo viettimes.vn
Bất động sản Phú Quốc hiện giờ ra sao? Sau cơn sốt đất hồi đầu năm nay, thị trường bất động sản Phú Quốc hiện nay được giới kinh doanh địa phương nhận định là đã ổn định. Tuy nhiên, những nhà đầu tư "lướt sóng" đầu tư vào những sản phẩm không đầy đủ pháp lý như đang "ôm bom". Đất khu trung tâm hạ nhiệt, đầu tư lướt sóng "ôm...