Hàn Quốc: Chính sách dạy Anh ngữ gây tranh cãi
Bộ Giáo dục Hàn Quốc tiếp tục đưa ra kế hoạch gây phản ứng dư luận: Cấm dạy Anh ngữ tại các trường mầm non và nhà trẻ. Đây là biện pháp cấm đoán dạy Anh ngữ ở lứa tuổi nhỏ tiếp sau quy định cấm dạy Anh ngữ ở lớp 1 và 2 tiểu học sẽ có hiệu lực vào tháng 3 này.
ảnh minh họa
Cấm dạy để giảm áp lực?!
Theo lí giải của Bộ Giáo dục thì việc dạy Anh ngữ từ lứa tuổi quá nhỏ kém hiệu quả trong khi tạo ra áp lực lớn lên trẻ em.
“Có 2 lí do khiến Bộ đề ra kế hoạch này. Nhiều chuyên gia tin rằng, quá trình học Anh ngữ quá áp lực và kém hiệu quả cho trẻ nhỏ” – theo Kwon Ji-young, phụ trách Cục GD mầm non, Bộ Giáo dục – “Thứ hai, Anh ngữ chỉ được dạy từ lớp 3, vì vậy học Anh ngữ từ mầm non là sự chuẩn bị quá sớm cho trường tiểu học”.
Kế hoạch nói trên của Bộ Giáo dục sẽ “vênh” với quy định của Bộ Sức khoẻ và Phúc lợi, cho phép thực hiện các giờ học ngoại ngữ tại trường mầm non. Vì vậy chính phủ sẽ phải điều chỉnh lại quy định hiện hành.
Hai bộ đang bàn thảo việc cấm các lớp Anh ngữ trong trường mẫu giáo và quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra trong tháng 1 này.
Có khoảng 40.000 trường mầm non tại Hàn Quốc và 70% là thành viên Hiệp hội GD mẫu giáo Hàn Quốc (KEA) – tổ chức phản đối mạnh mẽ kế hoạch cấm nói trên.
“Việc cấm dạy Anh ngữ nhìn chung đi ngược lại ý muốn và quan điểm phụ huynh là vô lí. Chúng tôi sẽ đấu tranh chống lại kế hoạch này” – Ryu Ho-young, một lãnh đạo KEA cho biết – “Chúng tôi sẽ bàn thảo cụ thể biện pháp phản ứng kế hoạch này”.
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ khẳng định, việc cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ từ bé với liều lượng vài tiết/ 1 tuần chẳng thể nào ảnh hưởng tới việc nói tiếng mẹ đẻ cũng như không gây áp lực lên trẻ.
Làn sóng chuyển sang trường tư?
Video đang HOT
Nhiều phụ huynh lo lắng rằng việc cấm dạy Anh ngữ ở trường mầm non, mẫu giáo công lập sẽ khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài cho con học trường tư.
“Trong trường hợp chính phủ cấm các lớp Anh ngữ, phụ huynh sẽ xem xét gửi con và trường tư bởi hầu hết phụ huynh tin rằng, Anh ngữ là yếu tố quan trọng trong hành trang của con cái họ” – Choi Sun-hee, một giáo viên tại một trường mẫu giáo ở Seoul phân tích.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại quy định cấm có thể tạo hiệu ứng bùng nổ giáo dục tư nhân khi nhiều phụ huynh không có lựa chọn khác. Điều này cũng có nghĩa gánh nặng học phí sẽ thêm đè nặng lên nhiều gia đình Hàn Quốc.
Trong khi những lo lắng của phụ huynh về quyết định cấm dạy Anh ngữ ở lớp 1 và lớp 2 sắp có hiệu lực, thì kế hoạch cấm mở rộng xuống cả mẫu giáo, mầm non khiến nỗi lo âu tăng lên gấp bội phần.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc hồi tháng 12/2017 chính thức xác nhận rằng từ tháng 3/2018, toàn bộ các lớp học tiếng Anh cho lớp 1 và 2 sẽ bị cấm. Lập luận của Bộ Giáo dục là quyết định được đưa ra dựa trên thực tế các lớp học Anh ngữ có rất ít hiệu quả nâng cao kĩ năng Anh ngữ của học sinh và đi ngược lại việc cấm giáo dục sớm.
Trong khi thực tế ai cũng nhận thấy là tiếng Anh vẫn đang giữ một vị trí quan trọng trong xã hội Hàn Quốc. Tiếng Anh vẫn là một trong những môn học được ưu tiên nhất với học sinh và phụ huynh Hàn Quốc.
Khoảng 7.000 giáo viên Anh ngữ đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên toàn quốc sẽ mất việc làm khi chính sách cấm dạy Anh ngữ ở lớp 1 và 2 có hiệu lực. Nếu kế hoạch cấm dạy Anh ngữ ở mẫu giáo và mầm non được thực thi thì sẽ có hàng chục ngàn giáo viên nữa mất việc.
Theo Giaoducthoidai.vn
Quy định trường nhận trẻ mầm non từ 3 tháng tuổi có khả thi?
Theo Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT, trường nhận trẻ từ 3 tháng tuổi sẽ tạo điều kiện cho công nhân đi làm. Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương có quan điểm ngược lại.
ảnh minh họa
Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến dư luận xã hội về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, Điều 25 quy định: "Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi".
Quy định nhận trẻ mầm non từ 3 tháng tuổi gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng quy định này nhân văn vì "cởi trói" cho những gia đình thu nhập thấp không có điều kiện để nghỉ làm chăm con cái.
Luồng ý kiến khác bày tỏ trẻ có quyền nhận được sự chăm sóc của gia đình hoàn toàn trong ít nhất trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời.
Băn khoăn về tính khả thi
Cô Nguyễn Trà My - giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng trẻ mầm non dưới 3 tháng tuổi có sức đề kháng yếu, hoàn toàn phụ thuộc người lớn, nên việc chăm sóc rất khó và vất vả. Nó đỏi hỏi giáo viên sự tỉ mỉ và kiến thức về nghiệp vụ, y tế.
Quy định là như vậy nhưng có rất ít trường dám nhận trẻ từ độ tuổi này. Trường học của cô My chỉ nhận trẻ từ 12 tháng trở lên kèm điều kiện các bé đã biết đi.
Nếu thực hiện quy định này, theo nữ giáo viên, cần rất nhiều nhân lực, tiền bạc để đủ điều kiện chăm sóc trẻ.
Chị Lê Hoàng Hương - phụ huynh tại quận Thanh Xuân, Hà Nội - cho rằng trẻ mầm non cần phải có quyền của mình, đó là được ở bên bố mẹ, gia đình, người thân ít nhất trong 6 tháng đầu tiên.
"Việc giao trẻ mầm non 3 tháng tuổi đến lớp là không nên. Trẻ lúc này thường bú mẹ hoàn toàn và được bảo vệ, chở che trong vòng tay của mẹ", chị Hương nói.
Lý giải về quy định nhận trẻ mầm non từ 3 tháng tuổi, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT - cho biết theo quy định, các mẹ được nghỉ thai sản 6 tháng nhưng ở một số nhà máy, công ty, người mẹ nghỉ trước khi sinh từ 2-3 tháng.
Cùng với đó, một số nhà máy, công ty thành lập các nhà trẻ nhận trông con của công nhân để tạo điều kiện cho họ đi làm. Do đó, dự thảo luật quy định nhận trẻ 3 từ tháng tuổi.
Hiện nay, các trường mầm non chủ yếu nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vì việc nhận trẻ từ 6 tháng tuổi gặp khó khăn, không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện đảm bảo vật chất, đội ngũ giáo viên...
TP.HCM có nhận đề án từ năm học 2016-2017 tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. Chỉ có các cơ sở mầm non đủ điều kiện mới dám nhận trẻ, bởi độ tuổi này cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bé.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, điều lệ trường mầm non quy định trường được nhận trẻ từ 3 tháng đến 72 tháng tuổi. Do nhiều cơ sở công lập chưa đủ điều kiện vật chất và giáo viên để nhận trẻ quá nhỏ tuổi, phụ huynh thường phải gửi con đến nhóm lớp tư thục.
Những yêu cầu khi nhận trẻ từ 3 tháng tuổi
Không đồng tình với ý kiến từ phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi cho rằng trẻ mầm non 3 tháng tuổi đến lớp là tạo điều kiện cho các gia đình có thu nhập thấp, TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - nêu quan điểm: Lớp mầm non nhận trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi đi học cần phải đảm bảo tiêu chí một cô giáo trông 3 trẻ. Thông thường từ 12 tháng tuổi trở lên, một giáo viên sẽ nhận trông từ 5 đến 10 trẻ.
Ngoài ra, giáo viên phải tốt nghiệp đại học ngành mầm non, có bằng y tá, cơ sở phải có giấy phép.
"Trẻ 3 đến 6 tháng tuổi, phần lớn thời gian các con nằm, không chạy nhảy vui chơi nên yếu tố về con người quan trọng hơn điều kiện cơ sở vật chất", TS Hương nhấn mạnh.
Một lớp học đạt được những yếu tố trên cũng đi liền việc học phí đắt hơn. Vì vậy lớp học này không phù hợp gia đình có thu nhập thấp, chỉ người có điều kiện mới nên cho con học.
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, với công nhân thu nhập thấp, họ phải có sự chuẩn bị trước khi sinh con, phải đủ điều kiện như có một khoản tiền nhất định trong ngân hàng và được nghỉ ít nhất 6 tháng để chăm sóc con...
Giải pháp tốt nhất cho trẻ mầm non ở các khu công nghiệp là chủ đầu tư phải đứng ra mở lớp mầm non cho con em nhân viên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn, giáo viên có trình độ.
Những cơ sở này sẽ đứng ra thu tiền của phụ huynh, được kiểm tra liên tục, nếu vi phạm sẽ bị kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép kinh doanh.
Về chăm sóc trẻ mầm non dưới 3 tháng, TS Vũ Thu Hương cho hay giáo viên phải hiểu biết, có trình độ, vì chỉ một sai lầm nhỏ có thể gây ra hậu quả mà cả cuộc đời đứa trẻ phải gánh chịu.
"Có trường hợp phụ huynh đun cháo với thịt, pha muối rồi chắt lấy nước cho con bú từ khi một tháng tuổi. Điều này gây ra hậu quả đứa trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong suốt 2 năm đầu tiên của cuộc đời, sau đó sức khỏe cũng rất yếu", bà Hương nói.
Bên cạnh đó, trẻ từ 3 tháng tuổi có thể mắc một số bệnh như đường hô hấp, hen suyễn, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa... Nếu xảy ra sự cố, người chăm sóc không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Trẻ 3 tháng tuổi trở lên bắt đầu biết lẫy, tập bò, nếu không được trông coi chu đáo có thể bị tai nạn không đáng có.
Theo Zing
Tranh cãi gay gắt về dự thảo mới trẻ 3 tháng tuổi được học mầm non Theo các nhà quản lý giáo dục và giáo viên, Dự thảo Luật Giáo dục quy định cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ, mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi là quy định không thực tế, thiếu tính khả thi. Nhiều phụ huynh phấn khởi khi có thể gửi con đi học từ rất sớm (Ảnh...