Hạn mức tín dụng eo hẹp, ngân hàng tìm cửa tăng lợi nhuận
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra khiến không ít ngân hàng đau đầu, bởi chỉ tiêu tín dụng thấp đồng nghĩa với việc nhà băng sẽ phải đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ.
Lợi nhuận của Techcombank trong năm 2018 tăng mạnh, một phần nhờ được nới room tín dụng. Ảnh: Đức Thanh
Hãm đà tăng tín dụng vì quy mô đã quá lớn
Trong buổi họp báo diễn ra đầu tuần này, NHNN đưa ra 3 lý do siết chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2019.
Thứ nhất, năm 2018, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 14%, nhưng GDP vẫn tăng 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Thứ hai, tín dụng tăng chậm lại, song tổng quy mô tín dụng trong nền kinh tế ngày càng phình to và đã đạt trên 140%/GDP.
Thứ ba, tín dụng chỉ là một trong nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Ngoài kênh này, doanh nghiệp còn cần huy động vốn bằng kênh trái phiếu, cổ phiếu…
Cùng với việc đưa ra hạn mức tăng trưởng thấp cho toàn hệ thống, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục cấp hạn ngạch tín dụng cho từng nhà băng, dựa vào tiềm lực tài chính và sức khỏe của từng ngân hàng. Theo đó, ngân hàng nào đáp ứng được chuẩn Basel II (hiện mới có Vietcombank, VIB và OCB được công nhận), thì sẽ có lợi thế hơn trong việc phân giao chỉ tiêu tín dụng.
Video đang HOT
Như vậy, kịch bản điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 của NHNN đã rõ ràng. Trước đó, cuối năm 2018, nhiều ngân hàng vẫn mong chờ NHNN nới room tín dụng hơn cho năm 2019. Với chỉ tiêu eo hẹp này, các nhà băng sẽ phải tính toán lại hướng đi chiến lược theo hướng giảm dần nguồn thu từ tín dụng.
Tập trung cho vay những mảng siêu lợi nhuận
Điều đáng ngạc nhiên là, dù tín dụng chỉ tăng 14%, song nhiều nhà băng vẫn báo lãi khủng trong năm 2018. Chẳng hạn, Vietcombank dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế tới 18.000 tỷ đồng; BIDV thông báo lợi nhuận năm 2018 tăng khoảng 18%. Với các ngân hàng nhỏ hơn, lợi nhuận cũng khả quan không kém, như TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017; Sacombank đạt lợi nhuận hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch…
Tuy vậy, theo phân tích của giới chuyên gia, những ngân hàng có lợi nhuận tăng đột biến (như Vietcombank) một phần không nhỏ là do các khoản thoái vốn, hoặc được nới room tín dụng (Techcombank, MB…), hoặc có thị phần bán bảo hiểm lớn. Trong khi đó, số ngân hàng lãi mạnh nhờ thu dịch vụ chưa nhiều.
Hiện nay, khi đứng trước sức ép phải giảm thu từ tín dụng, nhiều nhà băng đang nhắm tới phát triển lĩnh vực dịch vụ. Tuy vậy, thực tế không thể phủ nhận là, tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu của đa phần nhà băng mới chiếm 10 – 20% và chuyển đổi rất chậm. Sự lột xác trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng chưa thể sớm diễn ra trong năm 2019. Vì vậy, trong bối cảnh tín dụng eo hẹp, ngoài đẩy mạnh thu phí, thì lĩnh vực mà ngân hàng sẽ cạnh tranh khốc liệt trong năm 2019 là bán lẻ (cho vay tiêu dùng, cho vay hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa…), vì đây là lĩnh vực có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao nhất.
“Có hai giải pháp mà ngân hàng đang làm để gia tăng lợi nhuận năm 2019. Thứ nhất, phải tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sinh lời cao. Thứ hai, phải cắt giảm tối đa chi phí”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.
Theo các chuyên gia, do nguồn thu của các nhà băng vẫn chủ yếu trông chờ vào tín dụng, nên bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2019 sẽ khó có đột biến và sẽ được phân hóa rõ nét. Những ngân hàng “khỏe”, cơ bản xử lý được nợ xấu và tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được phân giao chỉ tiêu cao và bứt phá mạnh mẽ. Ngược lại, những ngân hàng khác sẽ phải vừa gồng mình tăng vốn, xử lý nợ xấu, vừa phải đối mặt với áp lực cơ cấu lại doanh thu để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh chỉ tiêu tín dụng được phân giao ở mức thấp.
Sẽ duy trì ổn định tỷ giá và lãi suất năm 2019
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, năm 2019, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Những tháng gần đây, lãi suất trên thị trường có dấu hiệu tăng lên. Đây là điều bình thường vì vào cuối năm, nhu cầu vốn của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế gia tăng, buộc các tổ chức tín dụng phải cân đối để đáp ứng. Tuy nhiên, nếu so sánh với đầu năm 2018, khi lãi suất giảm mạnh, thì mặt bằng lãi suất hiện nay cũng chỉ tương đương mặt bằng lãi suất đầu năm 2018, thậm chí thấp hơn.
Nguồn ĐTO
Theo tbdn.com.vn
Phác họa bức tranh ngân hàng năm 2019
Thách thức lớn nhất mà hệ thống ngân hàng đối mặt trong năm 2019 được TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính chỉ ra chính là những biến động bất thường từ thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lộ trình thắt chặt tiền tệ của FED.
Bức tranh ngân hàng năm 2018 có khá nhiều điểm sáng. Nguồn: internet
Lợi ích kép từ chính sách tín dụng thắt chặt
Trong Báo cáo Tổng quan về thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tổng tài sản hệ thống các TCTD tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017; trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% giảm nhẹ so với năm 2017 (17,6%). "Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", Cơ quan này đánh giá.
Cũng theo Ủy ban, trong năm 2018, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của hệ thống tăng trưởng ổn định, ước tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 14,6%). Do vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi tín dụng tăng thấp hơn so với các năm trước nên thanh khoản của hệ thống TCTD năm 2018 duy trì ổn định.
Đáng chú ý tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân đã giảm đáng kể, xuống còn 28,7% cho thấy các NHTM đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 40% từ 1/1/2019.
Qua những dữ liệu Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2018 đã có sự cải thiện rõ nét. Thế nhưng điều khiến vị chuyên gia này ấn tượng nhất chính là việc kiểm soát chặt cung tiền, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động bất thường, sức ép lạm phát gia tăng, cho thấy sự chủ động và linh hoạt của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Việc khống chế tăng trưởng tín dụng theo quan điểm của vị chuyên gia này được coi là van an toàn quan trọng nhất giúp cho NHNN đạt được mục tiêu kép. Đó là chặn đứng nguy cơ tạo ra khủng hoảng từ cung tiền, tăng trưởng tín dụng mà ở Việt Nam đã diễn ra nhiều lần. Lợi ích lớn nữa, với sự kiểm soát chặt của NHNN, các ngân hàng cũng phải thận trọng hơn khi cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như rủi ro bất động sản, chứng khoán... Qua đó, dòng vốn chảy nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế.
Không chỉ vậy, biện pháp này còn tạo sức ép cho các ngân hàng tăng vốn. Vì muốn tăng tín dụng, buộc các ngân hàng phải tăng vốn; nếu không sẽ bị siết lại đảm bảo tổng tín dụng chỉ ở mức 14-15%. Như vậy, có thể thấy một biện pháp mà NHNN đạt nhiều mục tiêu. "Trong thời gian tới có thể NHNN áp dụng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo mức độ an toàn vốn, khả năng đáp ứng chuẩn Basel II", TS. Nghĩa thông tin thêm và đánh giá, với cách quản lý điều hành bài bản như hiện nay cho thấy tính chuyên nghiệp trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN ngày càng cao hơn, đúng phong cách của NHTW.
Bức tranh sẽ tiếp tục sáng
Có thể thấy bức tranh ngân hàng năm 2018 có khá nhiều điểm sáng, vấn đề là liệu những điểm sáng này tiếp tục được lan tỏa sang năm 2019. Theo giới chuyên môn điều này có thể xảy ra, nhưng hệ thống ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thách thức lớn nhất mà hệ thống ngân hàng đối mặt trong năm 2019 được TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính chỉ ra chính là những biến động bất thường từ thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lộ trình thắt chặt tiền tệ của FED. Nếu cuộc chiến này trở nên căng thẳng hơn, chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, theo đó mức độ chịu ảnh hưởng sẽ là không nhỏ nếu tình hình kinh tế thế giới xấu đi. Sự bất lợi trên sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, sức ép từ Hiệp định CTPPP đối với ngân hàng cũng lớn dần khi các NĐT nước ngoài tham gia sâu, rộng hơn, cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng trong nước.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những thay đổi chính sách từ bên ngoài chắc chắn tác động đến kinh tế Việt Nam nhất là chính sách lãi suất của FED. Việc Fed tăng lãi suất có thể đẩy đồng USD tăng giá. Do neo vào đồng USD, nên khi đồng USD tăng giá thì đồng VND cũng sẽ tăng giá. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới. Đây là điều mà chúng ta cần tính toán cẩn trọng để xử lý. "Việc FED tăng lãi suất làm cho việc điều hành tỷ giá của chúng ta phải thận trọng hơn. Nếu muốn duy trì tỷ giá hối đoái ổn định như hiện nay sẽ gây sức ép tăng lãi suất đối với đồng VND. Điều này trở thành hiện thực khi thời gian qua các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND. Và một khi tăng lãi suất đầu vào sẽ khó để tránh tăng lãi suất đầu ra", TS. Lê Xuân Nghĩa bổ sung thêm quan ngại chính sách.
Bên cạnh yếu tố khách quan, bản thân nội tại hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo như xử lý nợ xấu, quản trị rủi ro vẫn còn chưa đáp ứng quy định thông lệ quốc tế. Đặc biệt vấn đề tăng vốn là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2019 khi mà Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Liên quan đến vấn đề tăng vốn, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, đó không chỉ là áp lực mà cũng là động lực để các ngân hàng quyết tâm tăng vốn, nhất là các ngân hàng yếu kém nếu không muốn vị thế cạnh tranh của họ ngày càng suy giảm. Theo đó các ngân hàng này sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc, hoặc có thể phải tính tới phương án sáp nhập để tăng năng lực tài chính, tăng năng lực cạnh tranh.
Một áp lực nữa, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đó là tín dụng có thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn từ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, muốn duy trì được lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của cổ đông, buộc các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ thu phí. Muốn như vậy các NHTM cần phải đi sâu vào số hoá để giảm thiểu các chi phí về quản trị, quản lý, giảm thiểu nhân lực,... "Ngân hàng nào nhanh tay trong việc đổi mới công nghệ số hoá hoạt động từ đào tạo nhân lực đến quản trị thì ngân hàng đó sẽ chiến thắng", vị chuyên gia này bình luận.
Theo thoibaonganhang.vn
Tài chính tuần qua: Ngân hàng nào "lãi đậm" nhất năm 2018? Lợi nhuận năm 2018 của Techcombank dự tính sẽ vượt chỉ tiêu 13.000 tỷ đồng, thậm chí có thể vượt 15.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí số 1 trong Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất. Ảnh minh họa. Ngành ngân hàng "ăn đậm" 2018 Lãnh đạo Vietcombank trong một sự kiện gần đây cho biết, lợi nhuận Ngân hàng...