Hai việc nên làm của giáo dục Việt Nam
Để phát triển giáo dục bền vững, cần tập trung vào nâng cao chất lượng, điều kiện làm việc của đội ngũ giáo chức và xây dựng động lực học tập nội tại cho học sinh.
Xem phần 1:
Góc nhìn khoa học về khảo sát giáo dục quốc tế
Các sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong buổi nghe giới thiệu về đổi mới giáo dục. Ảnh: Kim Khang
Nền giáo dục của Việt Nam có lẽ đã làm khá tốt việc giúp HS đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế nói chung.
Video đang HOT
Còn nhìn một cách rộng hơn, việc tập trung quá nhiều sự tâm sức và thời gian cho các lĩnh vực như Toán học, Khoa học, Đọc hiểu hay hiểu biết về tài chính có thể làm ảnh hướng tới hiệu quả truyền tải những giá trị văn hóa không kém phần quan trọng khác.
Học hỏi kinh nghiệm của các nền giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn cầu, có thể thấy một số việc cần làm tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam:
Tiếp cận báo cáo của OECD và các tổ chức quốc tế khác một cách hệ thống
Sau khi có kết quả đánh giá của PISA năm 2012, một thứ trưởng của Bộ GD-ĐT đã có một lưu ý xác đáng là Việt Nam cần phải học hỏi phương pháp mà OECD đã áp dụng.
Ngoài các kết quả đánh giá thành tích HS, PISA còn cung cấp nhiều thông tin về bối cảnh và hiện trạng các nền giáo dục thông qua các bảng hỏi cho nhiều đối tượng khác nhau.
Các bảng hỏi này cung cấp các thông tin hữu ích về môi trường giáo dục, thái độ và động lực học tập của HS.Việc xem xét kết quả thi của HS trong bối cảnh giáo dục rộng lớn hơn là cần thiết để đánh giá hiệu quả của nền giáo dục.
Việt Nam cần xây dựng năng lực cho những người làm giáo dục trong việc phát triển và áp dụng những hệ thống khảo sát và đo lường hiệu quả trên diện rộng. Gần đây, có tín hiệu tốt là một số ít giáo viên đã thực hiện các bảng hỏi để thu thập những thông tin phi học thuật từ HS.
Thực hiện những nghiên cứu có chất lượng về đánh giá hiệu quả giáo dục Hầu hết các nước tham gia vào các kỳ thi quốc tế như PISA, TIMSS hay PIRLS đều tiến hành thêm nhiều nghiên cứu độc lập để cung cấp thêm những căn cứ đánh giá hiệu quả giáo dục của nền giáo dục của họ. Một số nước ở Châu Âu đã thực hiện những khảo sát tương tự trên diện nhỏ hơn nhằm kiểm chứng các kết quả và khẳng định mà các khảo sát này đưa ra.
Các thầy cô giáo cần tạo điều kiện cho các em trải nghiệm đa dạng nhằm hát hiện ra sở thích, đam mê. Ảnh: Lê Huyền
Nâng cao chất lượng và môi trường làm việc của đội ngũ giáo chức và xây dựng động lực học tập lành mạnh cho học sinh
Nhìn vào các nền giáo dục như Phần Lan, Singapore, một số tỉnh của Canada, những nước như Việt Nam có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích.
Ví dụ, theo học giả thỉnh giảng tại ĐH Harvard đến từ Phần Lan, TS. Pasi Sahlberg, nhân tố quyết định tới thành tích của HS Phần Lan là chất lượng và môi trường làm việc của giáo viên. Ở đất nước Bắc Âu này, giáo viên là một trong những nghề được coi trọng nhất, được mơ ước nhất của giới trẻ. Môi trường làm việc của họ ở các trường phổ thông có tính hợp tác và chia sẻ rất cao.
Kinh nghiệm của Singapore cũng bổ ích cho nền giáo dục của các nước khác.Họ tuyển dụng và đào tạo giáo viên nghiêm ngặt và có chất lượng. Gần đây, khẩu hiệu của nền giáo dục này là “Dạy ít đi, học nhiều hơn” (Teach less – Learn more). Theo đó, giáo viên được khuyến cáo giảm thiểu cách dạy nhồi nhét kiến thức và họ nên tập trung vào việc giúp HS tự học và xây dựng động lực học tập.
Nhìn vào một số nền giáo dục có thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, có hai việc cần làm ngay đó là (i) Làm tốt hơn nữa công tác tuyển chọn, đào tạo giáo viên, và (ii) Tập trung nguồn lực xây dựng động lực học tập tự thân của từng HS.
Để những việc này có thể phát huy tác dụng trong dài hạn, toàn bộ nền giáo dục cần từng bước cải thiện môi trường và các điều kiện làm việc của giáo viên cũng như các nhà quản lý giáo dục.
Để giúp đỡ HS xây dựng động lực học tập, gia đình và các thầy cô giáo cần tạo điều kiện cho các em trải nghiệm đa dạng nhằm hát hiện ra sở thích, đam mê. Điều này sẽ giúp các em xây dựng và phát triển động lực nội tại về học tập, rèn luyện.
Nhiều nghiên cứu về tâm lý học đã chỉ ra rằng, chính động lực từ bên trong mới là yếu tố quyết định nhất tới thành tích học tập, thành công trong sự nghiệp và chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân sau này.
Theo vietnamnet