Hai tuổi biết đọc, vẫn có thể tự kỷ
TTO – Để có cơ hội hòa nhập cộng đồng, trẻ tự kỷ cần được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời, do đó cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng, đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu đáng nghi ngại nào.
Cánh cửa hòa nhập xã hội sẽ mở dễ dàng hơn nếu trẻ được can thiệp đúng cách – Ảnh: N.C.T.
Những tấm hình của V., năm nay 13 tuổi, ở Tân Phú, TP.HCM được gia đình trưng dưới tấm kính của chiếc bàn uống nước ở phòng khách. Chị Đ.T.M.L, 46 tuổi, mẹ của V. kể, hai tuổi con chị đã biết đọc dù không ai dạy.
2 tuổi biết đọc
Chị L. vẫn nhớ buổi tối hôm đó, cả nhà đang xem chương trình thời sự trên ti vi, bỗng con trai chị, lúc đó 2 tuổi, đọc “phòng khám đa khoa” khi trên ti vi vừa xuất hiện dòng chữ này. Hai vợ chồng chị rất ngạc nhiên quay sang hỏi con: “Ủa, con nói cái gì?” nhưng con trai chị chỉ yên lặng. Nhiều lần như thế đã diễn ra, vợ chồng chị nói với nhau: “Hình như con mình biết đọc”. Ba tuổi, V. học lớp mầm của một trường mầm non nhưng không chơi với bạn nào. Lớp học có các kệ đựng dép ghi tên từng bạn. V. lấy dép đã được ghi tên xếp đúng vào các vị trí trên kệ. Nhiều lần như vậy nên cô giáo của V. nói với cô hiệu trưởng về một học sinh lớp mầm đã biết đọc. Sau này, các cô đưa cho V. một tờ báo và V. đọc được hết. Cô giáo lấy làm lạ chia sẻ về khả năng “đặc biệt” của con trai chị nhưng thay vì mừng rỡ chị L. lại lo sợ. Chị L, biết rõ ngoài khả năng “đặc biệt” này con chị còn nhiều biểu hiện bất thường làm chị lo lắng như không nhìn vào mắt người khác, hay ngồi nói chuyện một mình, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, hay lặp lại từ, có lần chị L. nói ” V. ăn cơm đi V.” thì con chị lại lặp đúng y từng từ.
Lo sợ con bị tự kỷ, chị đưa con đến kiểm tra tại một chuyên viên tư vấn. Hơn một giờ đồng hồ kiểm tra, chuyên viên tư vấn này khẳng định: “bé bình thường”. Khi con trai hơn 5 tuổi, chị lại đưa con đến kiểm tra tại một chuyên viên tâm lý khác và một lần nữa chị vẫn nhận được kết luận con chị không tự kỷ. Nhưng trong lòng chị vẫn canh cánh một nỗi lo.
Đến lúc V . đến tuổi đi học lớp 1, chị cho V. học tại một trường quốc tế vì biết nơi đây ít học sinh, cô giáo chăm sóc V. tốt hơn. Những năm học cấp 1, V. vẫn theo kịp các bạn, chỉ có môn văn kém hơn. Thấy ngôn ngữ của con kém, chị cố gắng nói chuyện nhiều với con, đọc sách báo cho con nghe…. nhưng con cũng chỉ tiến bộ hơn chút xíu. Đến lớp 6, học phí của trường quốc tế tăng gấp đôi nên chị chuyển cho con sang học tại một trường tư. Lớp 6., V. vẫn là học sinh khá. Đến lớp 7, V. chỉ đạt học sinh trung bình.
Vào năm con học lớp 8, một buổi chiều đầu năm học, thầy giáo chủ nhiệm lớp gọi điện cho chị nói rằng: “Chị nên cho con chuyển trường vì V. học không được, sợ ảnh hưởng đến lớp… Cả lớp đang học, còn V. thích thì viết bài, không thích thì thôi, có nhiều lúc nói chuyện thoải mái trong lớp khi cả lớp đang nghe thầy giảng”. Thầy giáo tỏ ra rất khó chịu nên dù không muốn, chị L. đành chuyển trường cho con… V. học không tập trung và khó khăn học môn tiếng Việt và những môn học bài khác. Hiện V. nói được câu ngắn nhưng không thể tự khởi xướng hội thoại và bày tỏ cảm xúc, không biết trò chuyện để kết bạn và thường xuyên bị bắt nạt. Chỉ có mẹ hiểu V., dịch lại những ý nghĩ của V. cho người khác. Chị L. kể chị vẫn biết con chị vào học lớp nào thì thầy cô dạy lớp đó rất vất vả nên ngày nào con vừa đi học về, chị phải xem ngay vở báo bài xem con có lỗi gì trên lớp, trên trường không? Tâm trí của chị lúc nào cũng sợ con bị bắt nạt, lúc nào cũng căng thẳng.
Cha mẹ trẻ tự kỷ cũng cần được nâng đỡ tinh thần
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, đồng sáng lập viên Câu lạc bộ Phụ huynh Sống Cùng Tự kỷ cho biết đến 13 tuổi, V. học lớp 8 mới được chẩn đoán tự kỷ sau rất nhiều lần cha mẹ cố gắng đưa con khám để có chẩn đoán và can thiệp phù hợp. Vì thế, chị L. mong mỏi ở Việt nam có trường học phù hợp cho những trẻ tự kỷ như con chị học chứ chị vẫn biết con chị học ở các trường bình thường thì “quá sức với con chị”, còn trường chuyên biệt thì sợ sẽ kéo con chị xuống nữa.
Trẻ tự kỷ và gia đình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía giáo dục, y tế và nhất là gia đình. Vì nhận thức về phát triển trẻ em nói chung và tự kỷ nói riêng còn chưa cao nên ít gặp sự đồng thuận giữa cha – mẹ cũng như giữa ông bà và cha mẹ trong gia đình, chưa kể sự hợp tác giữa gia đình với nhà trường cũng chưa gắn bó một cách đồng bộ. Các mẹ phải đấu tranh với bản thân cũng như với gia đình để được đưa con đi khám tâm lý.
Sau khi có chẩn đoán xác định hay nghi ngờ trong nhóm nguy cơ, gia đình sẽ rất đau buồn, căng thẳng nên rất cần được nâng đỡ tinh thần. Có khi mất cả năm để vượt qua những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, chối bỏ, mặc cảm tội lỗi và tuyệt vọng không thể tránh khỏi. Từ đó, cha mẹ rất cần sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ từ thầy cô và nhân viên y tế để có quyết định can thiệp sớm cho con. Cho dù con chỉ thuộc nhóm nguy cơ, cha mẹ vẫn cần tiếp tục can thiệp và theo dõi sự tiến bộ của trẻ đến khi có chẩn đoán xác định là chậm nói đơn thuần hay chậm phát triển, vì các nghiên cứu cho thấy chậm nói là dấu hiệu dễ nhận biết của rối loạn tự kỷ.
Theo TTO