Hai thí sinh bị ‘trượt oan’ sẽ được xét tuyển
Bùi Diệu Linh (Thanh Hóa) sẽ được xét tuyển vào Đại học Y Dược TP HCM, còn Nguyễn Minh Quân (Đồng Nai) vào Đại học Sư phạm Hà Nội.
Quyết định để hai thí sinh được xét tuyển theo nguyện vọng được lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông báo ngày 20/8.
Trường hợp Bùi Thị Linh, cựu học sinh trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, không trúng tuyển vào Đại học Y Dược TP HCM do cán bộ của trường sơ suất trong quá trình nhập dữ liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để Sở Giáo dục và Đào tạo sửa thông tin dữ liệu theo đúng với đăng ký xét tuyển. Bộ cũng sẽ có công văn gửi Đại học Y Dược TP HCM và Đại học Yersin Đà Lạt để hai trường phối hợp xét tuyển theo đúng quy chế.
Với em Nguyễn Minh Quân – thí sinh trượt nguyện vọng cuối cùng vào Đại học Đồng Nai do trường cố tình nâng điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được đơn xin xét tuyển của thí sinh. Bộ sẽ gửi công văn đến Đại học Đồng Nai và Sư phạm Hà Nội để hai trường phối hợp xử lý, xét tuyển thí sinh.
Thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết sẵn sàng nhận Nguyễn Minh Quân nếu đủ điểm trúng tuyển và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.
Đơn đăng ký nguyện vọng của Nguyễn Minh Quân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Em rất lo lắng vì theo kế hoạch, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu học tập từ ngày 19/8 mà vẫn chưa nhận được thông tin gì. Khi biết Bộ và trường tạo điều kiện, em không biết nói gì ngoài vui mừng”, Quân nói, hy vọng được Đại học Sư phạm Hà Nội báo tin trúng tuyển trong tuần này.
Bùi Thị Linh và Nguyễn Minh Quân là hai trường hợp hy hữu có điểm xét tuyển cao nhưng vẫn trượt đại học.
Linh đạt 25,4 điểm (tính cả điểm ưu tiên), trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành Dược học của Đại học Y Dược TP HCM (điểm chuẩn chỉ là 23,85) nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển do cán bộ trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa sơ suất trong quá trình nhập dữ liệu dẫn đến sai sót khi đăng ký nguyện vọng cho em trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thay vào đó, em lại đỗ ngành Dược học của Đại học Yersin Đà Lạt – một trường tư thục mà em không đủ khả năng theo học.
Video đang HOT
Quân đạt 22,3 điểm xét tuyển, đăng ký vào ngành Sư phạm Vật lý của ba trường là Đại học Sư phạm TP HCM, Sài Gòn và Đồng Nai. Em trượt hai nguyện vọng đầu do thiếu lần lượt 0,45 và 0,04 điểm, tự tin đỗ nguyện vọng ba do Đại học Đồng Nai năm nào cũng chỉ lấy 17-18 điểm đầu vào ngành này.
Nhưng Quân đã trượt nốt cơ hội cuối cùng do trường cố tình nâng điểm đánh trượt thí sinh vì không đủ chỉ tiêu mở lớp.
Theo VNE
Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, để tạo điều kiện phát triển các trường sư phạm cần tạo ra sự hỗ trợ của toàn hệ thống đại học đối với hệ sư phạm.
Thông tin từ Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm 15 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non được phân bố ở khắp các vùng, miền, địa phương.
Những số liệu này cho thấy, hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một trường sư phạm, đặc biệt tập trung nhiều ơ một số thành phố lơn như Ha Nôi va thanh phô Hô Chi Minh. Nếu tính trung bình thì mỗi tỉnh (thành) hiện có từ 02 đến 04 cơ sở đào tạo tham gia công tác đào tạo giáo viên.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã và đang là yêu cầu cấp bách. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo giáo viên - nhân tố chính tạo nên sự thay đổi.
Đồng thời phải khắc phục được những hạn chế, bất cập của hệ thống trường sư phạm hiện tại (như hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên phân bố quá dàn trải, nguồn lực bị phân tán, nhiều trường sư phạm có quy mô nhỏ, chất lượng đào tạo thấp; chức năng đao tao của nhiều cơ sở con trùng lặp, chồng chéo...)
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm khắc phục những hạn chế đó.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên chúng ta tìm hướng đi cho ngành sư phạm. bởi lẽ những năm 90 của thế kỉ XX, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đã nhắc tới vấn đề này nhiều lần.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, để tạo điều kiện phát triển các trường sư phạm cần tạo ra sự hỗ trợ của toàn hệ thống đại học đối với hệ sư phạm. (Ảnh: Trinh Phúc)
Để minh chứng cho điều đó, hôm nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trích dẫn lại phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân tại Hội nghị chuyên đề "Quy trình đào tạo mới trong các trường đại học" tổ chức ở Hà Nội vào tháng 10/1990.
Cụ thể, khi đó, Bộ trưởng Trần Hồng Quân nêu rõ:
Đào tạo đội ngũ giáo viên là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ngành sư phạm. Hiện nay cả nước có 80 vạn giáo viên phổ thông các cấp. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì đội ngũ này vẫn bám trường, bám lớp để duy trì hệ thống giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, sự đối xử của xã hội đối với giáo viên phổ thông rất không thỏa đáng. Họ phải chấp nhận mức thu nhập thiệt thòi vì đối với đa số giáo viên không có các khoản thu nhập nào khác ngoài lương.
Do đó địa vị xã hội của người giáo viên rất thấp. Kết quả là các trường sư phạm rất khó tuyển chọn học sinh giỏi, có những ngành không tuyển đủ người đi nghiên cứu sinh.
Tuy rằng cũng có một số người tâm huyết với nghề sư phạm nhưng nhìn chung toàn đội ngũ thì thật đáng lo ngại. Việc bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy ở các cấp cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến kinh phí nhà nước cấp.Nhiều năm như vậy, nhiều thế hệ như vậy cứ thế kế tiếp nhau, dẫn tới hiện tượng "lịm dần" về chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, ảnh hưởng sâu xa đến chất lượng nền giáo dục quốc dân.
Thực tế cho thấy hiện nay phần lớn địa phương đã hết chỉ tiêu nhận giáo viên. Do vậy nếu không tính toán cách khác thì xu hướng tất yếu là phải ngừng việc đào tạo giáo viên các trường sư phạm.
"Để giải quyết bế tắc này, chúng ta cần thay đổi quan niệm. Đó là: Các trường sư phạm không nên chỉ đào tạo giáo viên phổ thông và giáo viên phổ thông cũng không nên chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm.
Các trường đại học sư phạm nên được tổ chức lại để trở thành những trường khoa học cơ bản đào tạo giáo viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý xã hội, đồng thời đào tạo nguồn vào giai đoạn II cho các trường đại học chuyên ngành khác.
Đại học sư phạm cũng nên là một trường đào tạo nhiều cấp: cả đại học, cả cao đẳng, cả sư phạm cấp 1, sư phạm mẫu giáo...", Bộ trưởng Trần Hồng Quân nói.
Theo Bộ trưởng Quân, với cách đặt vấn đề như vậy, các trường đại học sư phạm sẽ có nhiều mục tiêu đào tạo.
Các vụ chức năng của Bộ như Đào tạo Đại học, đào tạo - bồi dưỡng, kế hoạch tài vụ... phải phối hợp với nhau để giúp các trường đại học sư phạm làm điều đó.
Ngoài ra, cần phải thống nhất khung kế hoạch học tập ở giai đoạn I của các trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm ở mức độ cao để đảm bảo sự liên thông sinh viên sau giai đoạn I giữa 2 loại trường này. Ở một số nơi có điều kiện chín muồi nên nhập các trường đại học sư phạm và đại học tổng hợp lại làm một.
Trong tương lai, các trường sư phạm địa phương sẽ dần chuyển thành các trường đa ngành. Mặt khác, một số loại hình giáo viên phổ thông nên được đào tạo ở các trường đại học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thật, thể dục thể thao... Theo hướng đó cần sớm thành lập ở những trường này các khoa hoặc bộ môn sư phạm.
Thí dụ, đại học Sư phạm Quy Nhơn sẽ không còn lý do tồn tại nữa nếu chỉ đào tạo giáo viên. Sắp tới, Bộ có thể sẽ giao thêm cho trường này nhiệm vụ đào tạo giai đoạn I của các ngành nông nghiệp, kinh tế...
Dần dần, trường này sẽ đào tạo cả 2 giai đoạn và nó sẽ trở thành đại học Đại học Quy Nhơn cũng giống như đại học Cần Thơ, đại học Tây Nguyên ...
Còn tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng toàn quốc 8/1992, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân nhấn mạnh:
Để tạo điều kiện phát triển các trường sư phạm cần tạo ra sự hỗ trợ của toàn hệ thống đại học đối với hệ sư phạm, đó là:
Thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng khác cần tham gia đào tạo giáo viên các bộ môn (như kỹ thuật, nghệ thuật...)
Thứ hai, các trường đại học và cao đẳng sư phạm có thể mở rộng ngành nghề đào tạo, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa tận dụng tiềm lực của nhà trường; bằng cách này có thể tạo điều kiện cho nhà trường phát triển.
Và cuối cùng, ngành sư phạm, khoa học giáo dục phải được phát triển, đó là điều khẳng định, sự liên kết đa dạng của hệ thống đại học, cao đẳng sư phạm với hệ thống đại học, cao đẳng là một con đường sớm có hiệu quả để nâng cao chất lượng phát triển ngành sư phạm...
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Vẫn còn tình trạng nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh Kỳ tuyển sinh năm 2019 vẫn còn tình trạng trường ĐH nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh do số lượng thí sinh trúng tuyển quá ít. 17h chiều 15/08, các trường đại học kết thúc thời gian nhận giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học đối với các thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 (theo hình...