Hai tháng mở cửa trường học đầy khó khăn ở TP.HCM
Bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian nghỉ dịch, đồng thời dạy chương trình học kỳ 2 trong khi tình trạng F0, F1 tăng là những khó khăn của thầy, trò ở TP.HCM thời gian qua.
“ Học trực tuyến, từ tò mò, các em chuyển sang chán nản vì tâm lý chỉ học, ở nhà và bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tinh thần. Có em tiếp thu được kiến thức, có em thì học cho có lệ, một số em chưa có ý thức nên vừa học, vừa chơi. Kết quả học tập vì thế giảm sút so với mọi năm, không đảm bảo chất lượng hoàn toàn”, cô Huyền Thảo – giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) nhận định.
Theo cô Thảo, hiện tại, sau hơn 2 tháng trở lại trường, các em đã bắt đà kịp. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp học sinh chưa tập trung cao độ. Chất lượng dạy học dù đã đảm bảo hơn nhưng vẫn chưa thể so với hình thức học trực tiếp 100%.
Học sinh tiểu học ở TP.HCM đi học trở lại sau thời gian nghỉ dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.
Khó khăn chồng chất khi giáo viên, học sinh là F0, F1
Nhớ lại khoảng thời gian học trực tiếp vừa qua, bà Anh Thư, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM), cho biết trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều giáo viên đã mắc Covid-19. Nhà trường phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên, liên tục điều phối nhân lực ở các cơ sở khác nhau để đảm bảo lớp học diễn ra bình thường.
Để đồng hành cùng học sinh là F0, F1, trường Tiểu học Tuệ Đức đã thực hiện giải pháp phân công 2 giáo viên cùng phụ trách một lớp học. Cụ thể, một giáo viên dạy trực tiếp và livestreams buổi học cho những em nghỉ ở nhà; giáo viên còn lại sẽ tham gia lớp học trên nền tảng trực tuyến để quản lý học sinh.
Sau mỗi tiết học, giáo viên dạy trực tuyến sẽ ở lại và hướng dẫn trẻ về bài giảng kỹ hơn trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút. Đây cũng là cách giúp học sinh F0 không bỏ lỡ kiến thức trong thời gian nhiễm bệnh.
“Nhà trường vẫn tìm nhiều giải pháp để có thể ‘trụ’ được khi thiếu giáo viên. Chúng tôi cũng dùng hết cách hỗ trợ các trường hợp học sinh là F0, F1 và đảm bảo chất lượng học tập”, bà Thư nói.
Giáo viên giảng dạy và động viên học sinh nhiều hơn khi trường học mở cửa trở lại sau thời gian nghỉ dịch. Ảnh: Phương Lâm.
Cùng cảnh ngộ, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM) cho biết thời gian qua, trường đã đối mặt với tình huống học sinh, giáo viên là F0, F1 gia tăng, nhưng hiện tại các em vẫn đang bắt kịp tiến độ học tập.
Video đang HOT
Giai đoạn nghỉ dịch, học trực tuyến kéo dài, giáo viên của trường đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để học sinh nắm bắt. Tuy nhiên, tình trạng “hổng” kiến thức ở học sinh rất nhiều, giáo viên trong trường phải tăng cường hỗ trợ thêm khi học trực tiếp.
“Thời gian vừa rồi, các thầy, cô đã vất vả nhiều vì phải bổ sung những kiến thức mà học sinh chưa nắm vững sau thời gian học trực tuyến, đồng thời, dạy chương trình học kỳ II để đảm bảo kịp tiến độ. Hơn một tháng đầu tiên, sau mỗi tiết học, thầy, cô đều phải dành ra khoảng từ 15 đến 20 phút để giúp học sinh hoàn thiện kiến thức của học kỳ I”, ông Đảo nói.
Trường học đã có thể sống chung với dịch
Hiện tại, sau khi TP.HCM có quyết định giảm bớt thời gian cách ly tại nhà của học sinh là F1, trường Tiểu học Tuệ Đức đã ghi nhận số trẻ đến lớp đông hơn. Ở mỗi lớp học, tình trạng học sinh là F0, F1 cũng không còn nhiều như tháng trước.
“Giai đoạn đầu, chúng tôi còn cập rập trong công tác phòng, chống dịch, nhưng hiện tại, trẻ đều đã quen với việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và biết ăn, ngủ giãn cách. Tôi nghĩ, trường học đã có thể sống chung với dịch”, bà Anh Thư nhận định.
Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức cũng cho biết trẻ đã quen với việc học trực tuyến và xem đây là hình thức học tập bình thường, không còn phải mất thời gian tiếp nhận như ở học kỳ I. Vì vậy, khi lớp có nhiều F0, F1, phải chuyển sang hình thức trực tuyến thì học sinh đều sẵn sàng học tập.
Hơn 2 tháng trôi qua, học sinh tiểu học đã quen với việc ăn, ngủ giãn cách ở trường. Ảnh: Phương Lâm.
Ở trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, ông Đào cho hay học sinh đã hòa nhịp kịp với tiến độ học trực tiếp, cùng với giáo viên thích ứng linh hoạt khi lớp có F0, F1. Trường hợp lớp có trên 50% học sinh là F0, F1 thì sẽ học trực tuyến trong thời gian 5 ngày. Ông Đào vui mừng khi học sinh thích học trực tiếp. Phụ huynh cũng đã dần ủng hộ và mong muốn con đến trường.
Về phía giáo viên, cô Huyền Thảo cho biết trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, bản thân đã thay đổi phương pháp dạy học, hướng về động viên tinh thần và cố gắng tạo động lực để thúc đẩy học sinh. Nhà trường và giáo viên đã đưa ra các kế hoạch học tập, hệ thống và giãn biên độ thời gian của học kỳ II để không tạo nhiều áp lực cho các em.
Sẽ thi giữa kỳ với mức độ nhẹ nhàng hơn
Trước tình hình dịch bệnh, ông Đào cho biết nhà trường dự kiến tổ chức đợt kiểm tra giữa kỳ sắp tới ở mức độ và hình thức nhẹ nhàng, linh hoạt. Giáo viên sẽ chủ động làm đề thi và kiểm tra học sinh theo từng lớp trong khoảng thời gian 2 tuần. Học sinh là F0, F1 nghỉ ở nhà được kiểm tra bù khi đi trở lại trường.
Trước đó, từ sau Tết Nguyên đán, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã cho học sinh hoàn thiện một đầu điểm bằng hình thức kiểm tra nhiều lần, để giảm bớt áp lực điểm số và dễ đạt được kết quả tốt. Mỗi lần kiểm tra, thầy, cô giáo đều động viên học sinh làm tốt hơn.
Theo ông Đào, việc đánh giá học sinh phải dựa trên sự tiến bộ trong cả một quá trình của người học. Kỳ thi giữa kỳ nên linh động dựa trên điều kiện thực tế của mỗi trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Nếu trường có số lượng học sinh F0, F1 nhiều thì phải thực hiện đánh giá dựa trên những nội dung kiến thức mà các em đã được tiếp thu.
“Khi kiểm tra đánh giá học sinh, chúng ta không nên đặt áp lực quá nặng nề cho các em. Làm sao để học sinh cảm thấy nhẹ nhàng và xem kiểm tra giữa kỳ là một kỳ đánh giá quá trình học mà thôi. Tôi vẫn thường gọi đây là kiểm tra giữa kỳ và không xem đây là kỳ thi”, ông Đào nói.
Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh giai đoạn hiện tại trường học cần phải quan tâm nhiều đến sức khỏe tinh thần của học sinh nhiều hơn.
“Trẻ đã phải chịu áp lực vì thời gian dài không thể đến trường, gặp bạn bè, thầy, cô, hạn chế giao tiếp ngoài xã hội. Các em chỉ ở nhà và học trực tuyến. Bây giờ, chúng ta tạo thêm áp lực cho học sinh về thi cử thì các em sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Giáo viên và nhà trường cần thấu hiểu nhiều hơn”, ông Đào nói.
Nam Định triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm học 2021-2022
Sau khi kết thúc 8 tuần học đầu tiên của học kỳ 2, ngành giáo dục Nam Định đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cũng như các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm học 2021-2022.
Chú trọng công tác phòng dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
Khắc phục khó khăn do dịch bệnh
Theo ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nam Định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh vẫn nỗ lực để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của học kỳ 1 năm học 2021-2022 và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Đặc biệt, sau 8 tuần đầu của học kỳ 2, các cơ sở giáo dục đã phối hợp với y tế địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, xử trí linh hoạt khi có trường hợp F0, F1 tại đơn vị. Phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho giáo viên, mũi 2 cho học sinh độ tuổi từ 12-17. Đến nay, tỉ lệ tiêm phủ vắcxin mũi 2 cho học sinh khối THCS từ 12-15 tuổi đạt trên 96,8%; khối THPT, GDTX là hơn 97,6%.
Bên cạnh đó, các trường đã tổ chức các kỳ thi, hội thi có nhiều sự đổi mới trên tinh thần thích ứng với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Trong đó, hội thi Hùng biện Tiếng Anh tổ chức trên nền tảng Zoom được phát trực tiếp qua kênh YouTube của Sở GD&ĐT, giám khảo chấm trực tuyến từ nhiều nước trên thế giới. Hội thi có 434 thí sinh (145 tiểu học, 145 THCS, 144 THPT) thuộc 10 phòng GD&ĐT và 47 trường THPT tham dự. Kết thúc hội thi đã có 251 giải cá nhân (28 giải Nhất, 75 giải Nhì, 93 giải Ba, 55 giải Khuyến khích) và 35 giải tập thể.
Với cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến), có 55/88 dự án dự thi đạt giải (06 giải Nhất, 10 giải Nhì, 17 giải Ba và 22 giải Tư). Ban tổ chức đã chọn hai dự án của Trường THPT Nguyễn Khuyến và THPT Mỹ Lộc dự thi cấp quốc gia.
Thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT với 92 học sinh dự thi tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm nay tăng khối lớp dự thi khi bậc THCS có thêm lớp 8, 9; THPT có lớp 11, 12 với tổng số 3.991 em. Kỳ thi nghề phổ thông được tổ chức thành hai đợt với tổng số 7.338 thí sinh được cấp giấy chứng nhận.
Các trường phổ thông tại Nam Định phải linh hoạt hình thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục Nam Định, các đơn vị đã triển khai tới toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, đánh giá, góp ý, chọn SGK lớp 3, 7 và 10 nghiêm túc, đúng theo quy định của Bộ, Sở, tỉnh. Đối với các trường THPT đang tích cực triển khai xây dựng phương án về các tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn. Thầy cô sử dụng tài khoản được cấp để bồi dưỡng các mô-đun triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo quy định.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh khiến nhiều giáo viên, học sinh trở thành F0, F1 dẫn tới các trường phải liên tục chuyển đổi hình thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến. Việc quản lý chất lượng dạy học của nhà trường gặp nhiều khó khăn; nhiều giáo viên khá vất vả chuẩn bị cho các bài dạy do vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm
Với những kết quả đạt được qua 8 tuần đầu học kỳ 2, ngành giáo dục Nam Định cũng vạch ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm học 2021-2022. Trong đó ưu tiên triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục khi học sinh học trực tiếp; căn cứ vào tình hình thực tiễn để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh học trực tuyến kéo dài; thực hiện kiểm tra, đánh giá các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ em để có giải pháp phù hợp.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch giáo dục linh hoạt, thích ứng để đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục. Đối với các trường mầm non tiếp tục phối hợp chặt chẽ với gia đình để chăm sóc, giáo dục trẻ; lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ có tâm thế tốt để vào học lớp 1.
Các hoạt động giáo dục trong 8 tuần đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022 được các trường thực hiện nghiêm túc.
Triển khai các hoạt động đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên. Tổ chức các sân chơi thu hút học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh phòng, chống bạo lực học đường.
Các trường tiến hành đánh giá định kì cuối năm học theo quy định. Tăng cường dạy học, ôn tập cho học sinh khối 12 dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thi thử tốt nghiệp THPT. Tổ chức xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT theo quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Làm tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp; phối hợp giữa trường THCS với các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trong tư vấn, định hướng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Tiếp tục triển khai kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên theo Kế hoạch số 91/KH-UBND của UBND tỉnh; bồi dưỡng giáo viên để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học; tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng. Thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ; chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học 2022-2023.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các phần mềm trong quản lý và giảng dạy; xây dựng và triển khai đề án "Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tỉnh Nam Định". Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin trong hỗ trợ tổ chức thi; hoàn thiện phần mềm xét tốt nghiệp THCS trực tuyến; xây dựng phần mềm đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo hình thức trực tuyến. "Cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong giáo dục, nhất là truyền thông kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh" - Giám đốc Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Hiệu trưởng chuyên Trần Đại Nghĩa: Cần thay đổi tiêu chí chọn HS vào chuyên Theo thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, trường chuyên là nơi để đào tạo, phát triển các năng lực đặc thù của học sinh Tại Việt Nam hiện nay hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các chính sách đặc thù áp dụng đối với các trường chuyên. Nhiều trường chuyên được...