Hai thái cực tại công ty Mía đường Cần Thơ
Hoạt động kinh doanh của Mía đường Cần Thơ với bên liên quan của Chủ tịch HĐQT – doanh nghiệp thuộc nhóm Kim Hà Việt được các cổ đông công ty đem ra mổ sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên và ĐHĐCĐ bất thường.
“Sóng gió” tại ĐHĐCĐ
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường CTCP Mía đường Cần Thơ ( Casuco) tổ chức hôm 26/10 vừa qua đã diễn ra có phần không êm đềm. Gần 30 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 96% cổ phần có quyền biểu quyết nhưng thực chất phân thành hai phe: Nhóm Kim Hà Việt sở hữu khoảng 56% cổ phần và Nhóm cổ đông được đại diện bởi Công ty TNHH ADC sở hữu hơn 40% cổ phần.
Ảnh minh họa: SGGP
Theo số liệu cập nhật trong báo cáo tài chính hợp nhất niên vụ 2018 – 2019 của Casuco, Kim Hà Việt sở hữu trực tiếp gần 29% cổ phần công ty mía đường của Cần Thơ, trong khi ADC sở hữu gần 25%.
Đại đội bất thường diễn ra trong bối cảnh ĐHĐCĐ thường niên của Casuco vừa được tổ chức chỉ cách đây chưa đầy một tháng; bên cạnh đó và ông Trần Ngọc Hiếu mới được bổ nhiệm thay ông Lê Hồng Thái cho vị trí Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên đây đều là hai thành viên thuộc Nhóm Kim Hà Việt, nên về cơ bản thay người nhưng cán cân quyền lực không thay đổi.
Ông Trần Ngọc Hiếu sinh năm 1956, là em trai của bà Trần Thị Thái – người sáng lập ra Nhóm Kim Hà Việt. Bà Thái là “cây đại thụ” của ngành đường Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ chính của đại hội bất thường lần này là thông qua việc bầu thay thế thành viên HĐQT. Theo đó, công ty sẽ miễn nhiệm ông Lê Hồng Thái và ông Đoàn Tấn Quan; chiều ngược lại bầu bổ sung ông Trần Vĩnh Chung và ông Phạm Quang Vinh.
Ông Phạm Quang Vinh do chính ông Đoàn Tấn Quan (đại diện cổ đông Công ty TNHH ADC) đề cử; còn ông Trần Vĩnh Chung (người của Nhóm Kim Hà Việt) cũng không phải ai xa lạ khi từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại Casuco trong gần 3 tháng (từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019).
Nhiều ý kiến phản đối việc tham gia ứng cử thành viên HĐQT của hai ông này, các cổ đông cho rằng hai thành viên ứng cử không đủ tiêu chuẩn và có những dấu hiệu không minh bạch, không đặt lợi ích của Casuco lên trên trong quãng thời gian điều hành trước kia. Nhưng cuối cùng phương án thay mới thành viên HĐQT được đa số phiếu biểu quyết thông qua.
CTCP Mía đường Sóc Trăng (Sosuco) là công ty liên kết của Casuco, nơi ông Hiếu cũng đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Từ cuối tháng 8 năm nay, công ty này vướng vào lùm xùm kiện cáo liên quan đến việc nhân viên cũ của công ty quay lại kiện doanh nghiệp nợ quĩ lương người lao động gần 10 tỉ đồng.
Tại đại hội, ông Trần Ngọc Hiếu trình bày việc để Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty và xin biểu quyết. Tuy nhiên vấn đề này bị các cổ đông chất vất, cổ đông đặt câu hỏi liệu ông Trần Ngọc Hiếu làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Casuco có biến công ty trở thành một Sosuco thứ hai.
Sau cùng, Đoàn Chủ tịch kết luận không biểu quyết vấn đề Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, giao HĐQT xem xét bổ nhiệm Tổng giám đốc sau đại hội.
Video đang HOT
Bất đồng quan điểm quản lý của hai nhóm cổ đông
Trong các vấn đề được đưa ra biểu quyết tại đại hội, sự phân luồng ý kiến giữa hai nhóm cổ đông Kim Hà Việt và ADC được thể hiện khá rõ ràng. Mỗi vấn đề đều có hai phương án gần như trái ngược nhau được đưa ra biểu quyết và sự lựa chọn của hai nhóm này cũng đối lập tương tự.
Về công tác bán hàng, nhóm ADC tán thành phương án HĐQT và BĐH không bán độc quyền cho các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến Chủ tịch HĐQT Casuco (cụ thể là Nhóm Kim Hà Việt) mà cần có thông báo rộng rãi về giá bán, phương thức thanh toán và các điều kiện kèm theo để khách hàng/cổ đông khác có thể tham gia mua. Trường hợp sản lượng cung cấp không đáp ứng được nhu cầu thì thực hiện bán theo tỉ lệ cổ phần mà cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu tại Casuco.
Nhưng nhóm Kim Hà Việt lại nghiêng về phương án thứ hai, các giao dịch bán hàng thuộc thẩm quyền của HĐQT thì giao HĐQT quyết định, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng qui chế bán hàng, đem lại hiệu quả cao nhất cho công ty. Tùy tình hình thị trường từng thời điểm và sản lượng từng mặt hàng, HĐQT có thể linh hoạt áp dụng phương án bán theo tỉ lệ cổ phần mà cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu hoặc bán cho khách hàng bên ngoài.
Về kiến nghị chia cổ tức năm 2018, nhóm cổ đông ADC tán thành phương án thực hiện trước 31/12/2019; trong khi nhóm Kim Hà Việt nghiêng về phương án giao HĐQT và BĐH chuẩn bị nguồn vốn để chi trả cho cổ đông trong thời gian sớm nhất có thể, theo qui định của pháp luật.
Tương tự với các vấn đề như thanh lý tài sản, nhóm cổ đông ADC tán thành việc thuê thẩm định giá của tất cả các tài sản bao gồm luôn dây chuyền thiết bị sản xuất đường tại nhà máy Vị Thanh, quyền sử dụng đất tại mặt bằng nhà máy Vị Thanh và các tài sản trên đất tại đây. Sau khi có kết quả thẩm định thì trình ĐHĐCĐ quyết định việc bán và phương án bán.
Tuy nhiên nhóm Kim Hà Việt lại muốn giữ lại phương án đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2019… Các vấn đề khác được nêu ra tại đại hội bất thường Casuco cũng đều nhận được biểu quyết trái chiều.
Phần thắng cuối cùng thuộc về bên đại diện gần 56% cổ phần Casuco – nhóm Kim Hà Việt.
Casuco – Kết quả kinh doanh bết bát và dấu hỏi giao dịch với bên liên quan?
Niên vụ 2018 – 2019, Casuco đạt doanh thu thuần 1.051 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì; giá vốn quá cao khiến cho công ty này lỗ gộp 34 tỉ đồng.
Chi phí tài chính 22 tỉ đồng, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi năm ngoái lên 89 tỉ đồng (chủ yếu các khoản chi khác không được thuyết minh rõ) khiến công ty thêm phần thua lỗ. Để bù lại, Casuco tăng cường các hoạt động thanh lí tài sản, giúp thu về doanh thu 51 tỉ đồng.
Năm vừa rồi, Casuco lỗ ròng gần 90 tỉ đồng, gấp 8,5 lần so với năm trước đó.
Kết thúc năm, tổng tài sản của công ty giảm gần một nửa từ 1.005 tỉ đồng xuống còn 550 tỉ đồng chủ yếu do giảm giá trị hàng tồn kho. Ở chiều ngược lại, báo cáo cáo tài chính của Casuco ghi nhận khoản phải thu từ Công ty XNK Ngũ Cốc số tiền 234 tỉ đồng.
Trong báo cáo giao dịch với các bên liên quan, Casuco cho biết đã bán đường cho Công ty XNK Ngũ Cốc giá trị 473 tỉ đồng và bán cho Công ty TNHH Kim Hà Việt lượng hàng giá trị 149 tỉ đồng.
Tình hình tài chính khó khăn, có thời điểm nông dân đến vây Tổng giám đốc Casuco đòi trả tiền mía
Kết quả kinh doanh bết bát khiến cho tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 5/10, ban chủ tọa đã phải giải trình một loạt câu hỏi do các cổ đông, tập trung xoáy quanh các vấn đề thời hạn trả cổ tức 2018, chính sách mua mía, tiền lương người lao động, bán tài sản, công bố danh sách bên có liên quan…
Theo lý giải của Chủ tịch HĐQT Casuco thời điểm đó, ông Lê Hồng Thái, tình hình tài chính của công ty trong niên vụ 2018 – 2019 gặp nhiều khó khăn. Giống như nhiều doanh nghiệp trong ngành, tồn kho các niên vụ trước chuyển qua, giá vốn cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Phía Ngân hàng Vietinbank Hậu Giang liên tục thông báo cắt giảm hạn mức tín dụng từ 350 tỉ đồng xuống 150 tỉ đồng nếu không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng và yêu cầu bổ sung thêm tài sản thế chấp.
Mặt khác, do giá đường giảm sâu, công ty không bán được hàng, nợ đến hạn trả của ngân hàng, nợ tiền mía nông dân, nợ tiền cung ứng vật tư, phụ tùng các nhà cung cấp, tiền thuế… kéo dài. Có thời điểm bà con nông dân kéo đến bao vây Tổng giám đốc, yêu cầu phải trả tiền mía.
Trong hoàn cảnh đó, công ty cho biết phải ưu tiên mọi nguồn lực, trong đó cả việc ứng trước tiền của Công ty XNK Ngũ Cốc để thanh toán nợ đến hạn, do đó chậm trả cổ tức. HĐQT cho biết đã chưa thông báo kịp thời tình hình khó khăn của công ty đến các cổ đông và xin rút kinh nghiệm.
Đối với việc thanh lý tài sản, ban lãnh đạo Casuco cho biết đã bán hai tài sản là vườn sinh thái Cái Nai và nhà làm việc số 104 đường 30/4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Công ty đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá và cho đấu giá công khai hai lần nhưng vẫn chưa bán được.
Chủ tịch Công ty Ngũ Cốc tuyên bố sẽ không mua hàng của Casuco nữa
Về công tác bán hàng cho các doanh nghiệp có liên quan, HĐQT và BĐH cho biết thực hiện theo đúng pháp luật và Điều lệ công ty, công khai, minh bạch và các thành viên có liên quan không được quyền biểu quyết. Bán hàng cho Công ty XNK Ngũ Cốc, ông Lê Hồng Thái không được quyền biểu quyết; bán hàng cho Kim Hà Việt thì ông Trần Ngọc Hiếu không được quyền biểu quyết.
Lãnh đạo Casuco trình bày thêm, từ đầu năm 2019 Vietinbank Hậu Giang thông báo cắt hạn mức tín dụng, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp, hàng hóa không bán được… Ban lãnh đạo công ty đã tìm kiếm thêm giải pháp, trong đó có làm việc với Ngân hàng BIDV – Nam Sài Gòn (là đơn vị tài trợ vốn cho Công ty Ngũ Cốc). Cuối cùng Ngân hàng này đồng ý tài trợ cho Casuco hạn mức 400 tỉ đồng với điều kiện: Công ty Ngũ Cốc phải là đầu mối thu mua hàng hóa, thành phẩm của công ty.
Để đáp ứng yêu cầu này, cuối vụ năm ngoái công ty phải bán đường cho Công ty Ngũ Cốc.
Lãnh đạo Casuco cho biết công ty đã khảo sát kỹ giá thị trường để có được giá bán có lợi nhất, mức giá các mặt hàng của Casuco bán cho Công ty Ngũ Cốc đều cao hơn đặt hàng của Công ty Mía đường Thành Thành Công từ 100 đồng – 200 đồng/kg.
Theo báo cáo của HĐQT, tổng số lỗ hàng tồn kho vụ 2017 – 2018 bán trong vụ này lên tới 131 tỉ đồng (cao hơn vốn điều lệ). Để giảm bớt số lỗ trong năm nay, công ty đã đề nghị XNK Ngũ Cốc cho xuất trước hóa đơn của toàn bộ số hàng chưa nhận vào cuối tháng 6/2019.
Vì vậy trên sổ sách thì Công ty Ngũ Cốc còn nợ Casuco nhưng cấn đối giữa số tiền đã trả và số hàng nhận được thì thực chất Ngũ Cốc trả trước cho Casuco tại thời điểm 15/9/2019 là gần 24 tỉ đồng. Ngoài ra, giá trị của số hàng chưa nhận này, hàng tháng công ty XNK Ngũ Cốc phải trả lãi vay cho Casuco bằng lãi suất ngân hàng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Lê Hồng Thái – Chủ tịch Casuco cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Ngũ Cốc tuyên bố: Từ nay Công ty Ngũ Cốc không mua hàng của Casuco nữa, các lô hàng vừa qua thực ra là công ty Ngũ Cốc mua để hỗ trợ, thực chất các giao dịch không có hiệu quả gì.
Ban lãnh đạo công ty cũng khẳng định việc bán hàng cho các bên liên quan như Kim Hà Việt và Công ty Ngũ Cốc là đúng pháp luật, điều lệ công ty và cũng đảm bảo công khai minh bạch, không vì lợi ích của bất kì nhóm cổ đông nào.
Tại đại hội cổ đông thường niên, nhóm cổ đông đại diện 11,2% vốn điều lệ đưa ra một số kiến nghị. Tuy nhiên, duy chỉ có việc đưa cổ phiếu Casuco lên sàn giao dịch là được toàn bộ cổ đông thông qua, các vấn đề còn liên quan đến phương thức mua bán hàng hóa theo đấu thầu và thêm thành viên HĐQT đều không được phần còn lại tán thành.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng
Lộ danh tính 4 cá nhân chi 88 tỷ đồng cùng ôm trọn hơn 94% vốn cổ phần của Điện lực Dầu khí Bắc Kạn
Có 4 cá nhân đã chi mỗi người hơn 22 tỷ đồng mua hơn 8 triệu cổ phần Điện lực Dầu khí Bắc Kạn do PV Power thoái vốn.
Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội, 4 cá nhân mua hơn 8,1 triệu cổ phiếu PBK của CTCP Điện lực Dầu khí Bắc Kạn do PV Power thoái vốn đã báo cáo kết quả giao dịch.
Theo đó, toàn bộ số cổ phiếu trên đều do 4 cá nhân cùng mua, mỗi người mua xấp xỉ 2.035.000 cổ phiếu, tương ứng số tiền bỏ ra hơn 22,1 tỷ đồng (giá bán bình quân 10.900 đồng/cổ phiếu). 4 cá nhân đó bao gồm bà Đặng Thị Dự, bà Nguyễn Thùy Dương, bà Nguyễn Thị Hồi và ông Chu Văn Lượng.
Đáng chú ý, cả 4 cá nhân này đều không phải là lãnh đạo hoặc người có liên quan đến người nội bộ của công ty, cũng không phải là cổ đông đang sở hữu cổ phần công ty.
Sau thông tin PV Power thoái vốn, trên thị trường cổ phiếu PBK vẫn không có nhiều thay đổi, chỉ bất thường duy nhất là xuất hiện giao dịch khớp lệnh trong 2 phiên ngày 21 và 22/10 vừa qua với tổng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh 25.000 đơn vị sau hàng loạt phiên không có cổ phiếu khớp lệnh. Giá PBK vẫn giữ nguyên mức 10.900 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu PBK từ khi lên sàn.
Nam Sơn
Theo Tài chính Plus
Chủ sở hữu nhãn hiệu Wonderfarm, Ice+ lãi quý 3 tăng trưởng 47%, hoàn thành vượt xa kế hoạch năm sau 3 quý Lũy kế 9 tháng, Interfood đạt 179,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng đạt 2.058 đồng. CTCP Thực phẩm Quốc tế - Interfood (Mã CK: IFS), chủ sở hữu thương hiệu Wonderfarm, Ice công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu...