Hải Phòng sẽ chấm thi cả “lượt đi” và “lượt về”
Ông Lê Quốc Tiến – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, dự kiến ngày 11/8, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT TP Hải Phòng sẽ tiến hành làm phách, sau đó tiến hành tập trung cán bộ chấm thi và thực hiện chấm thi theo đúng tiến độ và Quy chế thi
Theo ông Tiến, tại Hội đồng thi Hải Phòng, toàn bộ quá trình làm phách sẽ được tiến hành theo kế hoạch. Cán bộ dọc phách sẽ hoàn toàn cách ly trong suốt quá trình làm phách cũng như trong quá trình chấm thi.
* Vậy địa phương sẽ cần bao nhiêu người chấm thi kể cả những môn tự luận và các môn trắc nghiệm?
- Toàn tỉnh có 18.300 thí sinh đăng ký dự thi. Trên cơ sở đó, chúng tôi dự kiến huy động khoảng 700 người tham gia chấm thi, phục vụ đề thi .
* Việc chấm thi sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm nghiêm túc, công bằng và khách quan, minh bạch?
- Để bảo đảm kỳ thi thành công trên mọi phương diện, trong đó có khâu chấm thi, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo ngay từ khâu làm phách. Theo đó, quá trình làm phách như tôi đã nói ở trên là cách ly toàn bộ những người làm nhiệm vụ.
Trong quá trình chấm thi, với sự phối hợp của PA03 công an thành phố, sẽ giám sát quá trình các thầy cô thực hiện chấm thi. Việc chấm thi sẽ được tiến hành hai vòng, vòng chấm lượt đi và vòng chấm phúc khảo.
Trong trường hợp có những thay đổi bất thường, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát vòng thứ ba và có thể kiểm tra đối chứng giữa lượt chấm đi và lượt chấm về để đảm bảo kết quả được minh bạch, chính xác, công bằng.
Ông Lê Quốc Tiến (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng)
* Sở có lưu ý gì với cán bộ chấm thi, nhất là việc sử dụng phần mềm nhằm không để những sai sót xảy ra?
Video đang HOT
- Có một số thí sinh trong kỳ thi THPT thuộc diện đặc cách hoặc các em thuộc diện được miễn thi, nhưng khi sử dụng trên phần mềm nếu không đưa những thí sinh này ra, thì trên hệ thống sẽ báo điểm 0.
Chính vì thế, chúng tôi thực hiện quá trình tập huấn rất kỹ cho cán bộ liên quan đến quá trình chấm thi cũng như việc đưa các hệ thống điểm, nhằm tránh được những sai sót không đáng có.
* Đối với môn Ngữ văn thì sao, làm thế nào để hạn chế việc gian lận trong quá trình chấm thi – thưa ông?
- Tôi muốn nói đến kinh nghiệm của TP Hải Phòng trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ở Kỳ thi này, chúng tôi có chấm phúc khảo 328 bài thi môn Văn và không có bài thi nào sai biểu điểm.
Để thực hiện việc này, chúng tôi sẽ tiến hành chấm phúc khảo; nếu điểm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lượt đi thì 2 giáo viên chấm “lượt đi” sẽ tiến hành đối chứng với 2 giáo viên chấm “lượt về” để đưa ra kết quả thống nhất;
Trong trường hợp kết quả không thống nhất thì chúng tôi sẽ tiến hành mời chấm lượt ba để có kết quả công tâm, chính xác nhất, tạo được niềm tin của nhân dân, dư luận xã hội đối với ngành Giáo dục TP Hải Phòng nói riêng và ngành Giáo dục cả nước nói chung.
Xin cảm ơn ông!
“Trong quá trình chấm thi, chúng tôi sẽ phân công 2 đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, một đồng chí phụ trách phần chấm thi tự luận và một đồng chí phụ trách phần chấm thi trắc nghiệm. Đến vòng phúc khảo, chúng tôi sẽ đảo vị trí của 2 đồng chí Phó Giám đốc này, để đến ngày 27/8 sẽ công bố kết quả thi sau khi đã rà soát cũng như xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đảm bảo mọi kế hoạch đã được lập trước và theo đúng tiến độ đã đề ra ” - ông Lê Quốc Tiến.
Lý Hải Đăng và hành trình đạt kết quả vượt trội tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2020
Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 52 do Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai từ ngày 25-30/7/2020, Lý Hải Đăng, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng đã đạt 96,75 điểm, cao nhất đoàn Việt Nam, đứng thứ 5/235 thí sinh của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Kết quả vượt trội của Lý Hải Đăng đến từ việc tự học, sự hướng dẫn tận tình của cô chủ nhiệm và sự động viên kịp thời của gia đình.
Em Lý Hải Đăng (hàng đầu tiên, đứng thứ 3, từ trái sang) tại kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2020. Ảnh: TTXVN phát
Những thử nghiệm đầu tiên
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ của Lý Hải Đăng cho biết, từ bé Đăng đã đam mê đọc các loại sách nghiên cứu với đủ các lĩnh vực. Chương trình truyền hình ưa thích của em đều liên quan đến khoa học như các kênh Discovery, National Geographic... Không chỉ xem, đọc, Đăng còn thử nghiệm các phản ứng hóa học ngay tại nhà từ khi mới học những năm cuối của bậc tiểu học.
Chị Thu Hà nhớ lại hôm đi làm về thấy một chiếc chậu giặt bị cháy, hỏi con thì Đăng nói do đọc trong sách có thí nghiệm về hóa học nên muốn thực hành. Lúc đó mình chỉ dặn con là nhiều thí nghiệm hóa học cũng như một số thử nghiệm ở các lĩnh vực khác không nên làm tại nhà, nhất là với trẻ nhỏ.
Tự đọc, tự nghiên cứu là hành trình bất tận của Lý Hải Đăng. Để thỏa mãn niềm đam mê, hiếu kỳ, có bao nhiêu tiền tiết kiệm, Đăng đều mua các dụng cụ thí nghiệm hóa học, mua sách của những cấp học cao hơn để tự học, tự nghiên cứu. Tất cả những tố chất này đã đưa Đăng đến với lựa chọn học chuyên Hóa khi bước vào bậc học Trung học phổ thông.
Chị Thu Hà cho biết, Lý Hải Đăng học giỏi đều các môn tự nhiên. Trước kỳ thi vào Trường chuyên Trần Phú, hai mẹ con phân vân lựa chọn giữa lớp chuyên Toán và chuyên Hóa. Nhớ lại những lần thí nghiệm của con, chị động viên con chọn chuyên Hóa. Đó là mối duyên đầu tiên với hóa học song lại có tính chất quyết định thúc đẩy tài năng của Hải Đăng lên đỉnh vinh quang khi theo môn học này ở lứa tuổi học trò.
Đam mê thế giới thực nghiệm, thách thức
Năm 2017, Lý Hải Đăng đạt thủ khoa đầu vào lớp chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận thấy tố chất khác biệt của em và ngạc nhiên về những kiến thức Đăng có. Do thành tích vượt trội trong học tập, năm học lớp 11 Đăng học vượt lớp để học cùng các anh chị lớp 12 và tham dự một số kỳ thi học sinh giỏi liên quan đến Hóa học.
Đối với các kỳ thi ở trong nước, Lý Hải Đăng đã giành giải Nhì học sinh giỏi thành phố Hải Phòng các năm học 2018-2019, 2019-2020; Huy chương Vàng vùng Duyên hải Bắc Bộ (cuộc thi dành cho học sinh các trường Trung học phổ thông chuyên) các năm 2017-2018, 2018-2019; Giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học năm học 2017-2018, 2018-2019. Em còn giành giải Excellent (đạt điểm tuyệt đối) kỳ thi Hóa học Australia các năm học Trung học phổ thông...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Lê Quốc Tiến chúc mừng em Lý Hải Đăng. Ảnh: TTXVN phát
Với bảng thành tích sáng chói như vậy song để đến với kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, đã có lúc Lý Hải Đăng muốn bỏ cuộc.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, với kết quả học tập trên, Đăng được tuyển thẳng vào một số trường, nhưng không có trường học mà em mơ ước là Đại học Y Hà Nội. Đăng chưa từng đạt giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, đó cũng là trở lực khi em đến với kỳ thi quốc tế.
Nếu không đạt thành tích xuất sắc nhất, giấc mơ vào thẳng Đại học Y Hà Nội sẽ bị đứt gánh. Do đó, em băn khoăn muốn dừng luyện thi Olympic - kỳ thi tập trung toàn bộ sức lực cho môn Hóa để ôn thi đại học - kỳ thi đòi hỏi học sinh phải học đều các môn Toán - Lý- Hóa và phải đảm bảo yêu cầu khác là tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó có những môn học mà Đăng không mặn mà như Văn học.
Lý Hải Đăng đề xuất với cô giáo chủ nhiệm cho em rời khỏi đội tuyển và nhờ thêm cả mẹ nói đỡ. Trước sự lựa chọn của học trò, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy động viên Đăng, việc học của Đăng là màu cờ sắc áo của nhà trường, là động lực để các em học sinh lớp sau nỗ lực.
Rồi thầy Đoàn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú cũng động viên em, vẫn có tiền lệ những học sinh đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia không hẳn đã trở thành người giành Huy chương Vàng trong các kỳ thi quốc tế.
Sự động viên của thày cô giáo, cộng với việc tự tìm hiểu lịch sử các kỳ thi, Lý Hải Đăng tự tin mình còn cơ hội. Em quay trở lại tiến trình tập trung toàn bộ sức lực vào việc học tập Hóa học. Ngoài bài tập cô chủ nhiệm và các thầy cô trong đội tuyển giao, Đăng tự tìm đề của các năm trước và ôn luyện.
Phần nào khó, không hiểu, em hỏi thày cô hoặc lại tự tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp giải bài tập trên internet. Khi bước vào kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2020 do Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai, Đăng ở trong tâm thế hoàn toàn tự tin và giành kết quả vượt bậc là Huy chương Vàng, đứng đầu trong 4 thành viên của Việt Nam (cả 4 học sinh tham dự đều giành Huy chương Vàng) và thứ 5/235 trong tổng số học sinh đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Lý Hải Đăng nhất định không nói về bản thân. Khi được hỏi vì sao chọn Trường Đại học Y và môn Hóa học, lúc đó Đăng mới mở lời, Toán, Lý, Hóa đều đòi hỏi tư duy logic song Hóa học còn đòi hỏi cao hơn đó là phải có sự thực nghiệm. Học chuyên ngành y cũng cần kiến thức đa ngành và là công việc cứu giúp được nhiều người nên em thích thú.
Nói về Lý Hải Đăng, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên chủ nhiệm, người động viên em tiếp tục hành trình với môn Hóa học tâm sự: "Khi Đăng giành Huy chương Vàng, ai cũng hỏi tôi khó khăn của cô và trò là gì? Cho đến giờ này, khi đã đạt kết quả cuối cùng, cả cô và trò không còn cảm thấy khó khăn gì nữa. Mọi thứ đều đã lùi lại phía sau. Cô cảm ơn Đăng. Nếu không có em là một học sinh đầy tố chất với khả năng tự học rất cao, cô cũng sẽ không có vinh dự này".
Hiện tại, Lý Hải Đăng đang sống cùng gia đình ở phố Văn Cao, Hải Phòng. Mẹ em là Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên dạy ngoại ngữ bậc Trung học cơ sở. Bố em là Lý Sỹ Mạnh, thủy thủ Công ty Vận tải biển Việt Nam. Cuộc sống đời thường của Lý Hải Đăng bình dị như tất cả mọi học trò, luôn cân bằng thời gian học và nghỉ ngơi. Em không cảm thấy thiếu thời gian vì đơn giản, tất cả những giờ học tập, rèn luyện đều xuất phát từ niềm đam mê và đó đều là những giờ phút thăng hoa...
Chàng sinh viên đất Cảng đam mê bất tận với môn Toán "Em không có phương pháp gì đặc biệt, chỉ là em yêu thích và đam mê môn Toán, mơ ước của em là trở thành một nhà Toán học". Đó là chia sẻ của Trần Việt Hoàng, sinh viên năm hai, lớp Cử nhân Tài năng Toán học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hoàng...