Hải Phòng: Học sinh cũ cùng mẹ vót đũa tặng cô giáo ngày 20/11
Về thăm cô giáo cũ, mang theo bó đũa tre do mình và mẹ tự tay vót suốt mấy ngày qua, Nguyễn Hoàng Lân, cựu HS THCS Hoàng Diệu không ngờ đã mang đến nhiều cảm xúc cho cô giáo cũ.
Sáng nay (20/11), trong căn nhà nhỏ của mình ở quận Lê Chân, Hải Phòng, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hồng, trường THCS Hoàng Diệu (Lê Chân, Hải Phòng) vô cùng hạnh phúc khi đón 30 học sinh cũ về thăm.
Đặc biệt hơn, trong niềm vui đó, cô Hồng nhận được món quà đặc biệt của phụ huynh và học sinh cũ tặng mình. Đó là một bó đũa tre thơm phức do chính học sinh và phụ huynh cất công vót tặng.
Món quà giản dị trong ngày 20/11 tạo niềm vui bất ngờ cho cô giáo cũ
Không giấu nổi niềm vui bất ngờ này, cô giáo Hồng đã chia sẻ: “Sau 4 năm làm chủ nhiệm, giảng dạy bộ môn Toán cho học sinh của mình và tiễn bao lứa học trò chuyển cấp nhưng hôm nay tôi thực sự xúc động khi học trò cũ trở về thăm. Sự xuất hiện của các em chính là món quà lớn nhất dành cho mình. Nhưng chưa hết, có một trò còn mang đến tặng tôi bó đũa tre thơm phức do chính em và mẹ vót tặng”.
Chia sẻ về món quà giản dị, bất ngờ của mình đã tặng cô giáo cũ, em Nguyễn Hoàng Lân (cựu HS trường THCS Hoàng Diệu), hiện đang là học sinh lớp 10C2, trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Hôm nay, lớp chúng em tập trung về thăm cô giáo của mình để chúc mừng và tri ân cô trong suốt niên học qua. Bó đũa tặng cô hôm nay do tự tay em và mẹ vót tặng. Tuy nó chưa được tròn nhưng là tình cảm của em dành cho cô. Em mong cô sẽ nhớ đến chúng em mỗi khi dùng nó”.
Ngay sau khi được trao tặng món quà ý nghĩa trên, cô Nguyễn Thị Bích Hồng đã đi luộc đũa, cùng các học trò nấu vài món ăn “khai trương” đũa mới.
Video đang HOT
Đinh Huyền
Theo giadinh
Hải Phòng quản lý chặt, nâng cao chất lượng các trung tâm ngoại ngữ
Năm học 2019-2020, ngành học GDTX, chuyên nghiệp và đại học của Hải Phòng đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc tiếp tục tập trung mở rộng mạng lưới quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Hải Phòng từng bước nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho người dân thành phố. (Ảnh CTV)
Quản lý chặt chẽ
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020 ngành học GDTX, chuyên nghiệp và đại học của Sở GD&ĐT Hải Phòng, ông Vũ Văn Trà- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm học mới. Trong đó có việc cấp phép, quản lý hoạt động đối với các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống.
Sự ra đời của các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống, các trung tâm hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại Hải Phòng phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, trình độ dân trí của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay trên toàn thành phố Hải Phòng có 201 trung tâm, trong đó số lượng trung tâm được cấp phép là 110 (chiếm 54,72%) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của các trung tâm đối với chính quyền địa phương.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019-2020 ngành học GDTX, chuyên nghiệp và đại học của Sở GD&ĐT Hải Phòng
Bà Bùi Thị Ngọc Quyên- Phó phòng GD&ĐT quận Lê Chân nêu quan điểm: Cái khó trong công tác quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa là chính quyền địa phương không có cán bộ chuyên trách theo dõi trong khi các trung tâm thường xuyên thành lập, giải thể và biến động mạnh.
Việc thống kê số lượng, quy mô, rà soát và quản lý các trung tâm gặp khó khăn do thẩm quyền cấp phép thuộc Sở GD&ĐT và các sở ban ngành khác của thành phố thực hiện. Hầu hết các cơ sở không cung cấp thông tin số lượng giáo viên, học sinh tham gia chương trình giảng dạy cho đoàn kiểm tra.
Từ những khó khăn trên, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Lê Chân mong muốn Sở GD&ĐT quan tâm đến những giải pháp: Sở GD&ĐT định kỳ cung cấp thông tin, danh sách các trung tâm đã được cấp phép thành lập, cho phép hoạt động; có văn bản hướng dẫn quản lý và chế tài xử lý, quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, cơ sở không được cấp phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng
Mặt khác, hoạt động liên kết đào tạo giữa các trung tâm với các nhà trường được Hải Phòng thực hiện nhiều năm nay. Hiện có 24 trung tâm có sự liên kết với các đơn vị giáo dục trong toàn thành phố. Việc liên kết đào tạo tiếng Anh, kỹ năng sống đã đi vào nề nếp góp phần nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho học sinh và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên, tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng thể hiện quan điểm, việc các trường học có hoạt động liên kết với các trung tâm phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hải Phòng. Liên kết giảng dạy hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, xếp thời khóa biểu phù hợp, không ảnh hưởng đến các tiết chính khóa; không lợi dụng giáo viên trong trường ký liên kết đào tạo với trung tâm để thu tiền của phụ huynh học sinh.
Tại hội nghị, ông Vũ Văn Trà đề cập đến việc thực hiện chiến lược mở rộng mạng lưới quy mô và nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ đối với học sinh và người dân thành phố, trong đó quan tâm đến tiếng Nhật và tiếng Hàn.
Một tiết mục văn nghệ trong ngày hội giao lưu văn hóa Việt- Nhật tại trường THCS Tô Hiệu, quận Lê Chân (Ảnh CTV)
Hải Phòng hiện nay có tới 136 dự án FDI của Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật Bản đứng đầu về số dự án và thứ 2 về vốn đầu tư tại Hải Phòng. Đặc biệt, dự án Eon Mall tại quận Lê Chân sẽ khai trương vào năm 2020 dự kiến sẽ thu hút 2000 lao động. Vì vậy, ngoài tiếng Anh thì tiếng Nhật đang là nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố.
Với tầm nhìn chiến lược, đi trước đón đầu, từ năm 2012, tiếng Nhật đã được Sở GD&ĐT Hải Phòng đưa vào trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) với 120 học sinh 4 lớp chất lượng cao theo mô hình CLB. Năm 2016, Sở GD&ĐT đã đồng ý mở lớp chuyên Nhật tại trường THPT chuyên Trần phú. Nhiều chuyên đề bằng tiếng Nhật đã được tổ chức tại một số trường học trong thành phố mang lại hiệu ứng tích cực và sự hướng ứng nhiệt tình của học sinh như Ngày hội Văn hóa 2017 tại THCS Ngô Quyền, Ngày hội nghệ thuật lần thứ 16- Hữu nghị Việt- Nhật 2019 tại trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân).
Nguyễn Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Mỗi lần đứng lớp giảng bài, ký ức tuổi thơ tôi lại ùa về Mỗi lần đứng lớp giảng bài, tôi được trải lòng mình trong những bài giảng, được trở về với kí ức của tuổi học trò và được lắng nghe những tâm sự của học sinh. Đó là những tâm sự chân tình của thầy giáo Ngô Huy Thành (sinh năm 1981), giáo viên môn Địa lý, Trường Trung học cơ sở Trần Phú...