Hai cô giáo vùng cao vượt qua nghịch cảnh
Gia Lai là tỉnh rộng lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Nhiều huyện, xã vùng sâu địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông bị chia cắt vào mùa mưa.
Để đến thôn làng dạy học, nhiều thầy cô giáo yêu nghề phải chấp nhận sống xa gia đình, đối diện với nhiều bất trắc rủi ro trước những cung đường vượt đèo, qua sông nguy hiểm.
Đoàn công tác chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đến thăm, tặng quà cho cô giáo Trần Thị Thuý Ngân
Cô giáo Trần Thị Bá Tiền (SN 1984, huyện Kbang, Gia Lai) suốt 5 năm qua phải thức dậy từ 3 giờ sáng thứ hai hàng tuần chuẩn bị hành lý, đi xe máy vượt qua những con đường dốc núi hoang vắng để đến với những học trò trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, Gia Lai).
Cô Tiền kể: Năm 2014 cô đậu biên chế tại huyện Đắk Đoa và được tuyển dụng làm giáo viên dạy âm nhạc tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông. Ngày đầu tiên khi biết mình trúng tuyển và được đi dạy, cô Tiền mừng rỡ vì ước mơ lâu nay trở thành hiện thực. Nghe xong quyết định, biết mình dạy ở ngôi trường cách nhà 130km, cô Tiền không khỏi hoang mang. “Lúc đầu vợ chồng tôi rất băn khoăn, lo lắng và e ngại về quãng đường xa. Nhưng tình yêu nghề với ước mơ cháy bỏng được đứng trên bục giảng, nên tôi quyết định bước tiếp, và được gia đình đồng thuận” – Cô Tiền chia sẻ.
Vậy là hai vợ chồng cô Tiền chở nhau đi hỏi đường, cùng tìm về trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông. Đường đi càng lúc càng vào sâu trong rừng, không một bóng người dân để hỏi thăm. Nhưng lúc đến nơi được đồng nghiệp, những ánh mắt thơ ngây của học sinh chào đón, hỏi thăm ân cần nên mọi lo lắng đều tan biến. Cô Tiền cảm thấy yêu quí và có trách nhiệm gắn bó với ngôi trường này.
Vậy là 5 năm đã qua đi. Nhưng vào một ngày mưa tháng 9/2019 trời rét, như thường lệ, cô Tiền thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị đồ đạc. Băng qua con đường dài nhỏ hẹp đầy ổ gà, khi còn cách trường khoảng 10km, cô Tiền đã không may gặp tai nạn. Xe tải chở sắn cán qua dập nát cánh tay trái của cô giáo, các bác sĩ xót lòng nhưng vẫn phải phẫu thuật cắt bỏ…
Một hoàn cảnh éo le khác, đó là cô Trần Thị Thuý Ngân (SN 1983, xã Đắk Smar, huyện Kbang, Gia Lai). Năm 2004, cô Ngân được UBND huyện Kbang tuyển dụng về làm giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang). Cô Ngân tâm sự, ngày đầu tiên đến trường, bản thân rất lo lắng vì điểm trường quá xa, phải đi bộ, lội ngang qua con sông nguy hiểm. Việc bất đồng ngôn ngữ khiến công tác dạy học gặp muôn vàn khó khăn. Vậy là cô Ngân phải học thêm tiếng của người Ba Na mọi lúc, mọi nơi. Để duy trì sĩ số, cô Ngân đến nhà từng em vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Cô động viên các em bằng cách bỏ tiền túi để mua kẹo, bánh thưởng cho những học sinh chuyên cần, tạo động lực cho các em khác phấn đấu theo.
Năm 2007, cô Ngân lập gia đình. Mái ấm yên vui được một thời gian thì chồng cô phát bệnh trầm cảm, cô Ngân cũng bị bác sĩ chẩn đoán bị u tuyến thượng thận, đã cắt bên phải, nay lại xuất hiện u bên trái. Kết hôn đã lâu nhưng vợ chồng cô không có con, năm 2018 cô và chồng xin con nuôi để trong nhà có tiếng cười trẻ em, cho đỡ hiu quạnh.
ồng cảm và sẻ chia
Những ngày tháng 10 vừa qua, đoàn công tác của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên, Tập đoàn Thiên Long phối hợp với các bộ, ngành đã đến thăm hỏi, động viên cô Trần Thị Bá Tiền và cô Trần Thị Thuý Ngân.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức từ năm 2015 với nội dung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Bốn năm qua, “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương 214 thầy cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo. Năm nay, chương trình tuyên dương 63 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng khó khăn. Mỗi thầy cô được nhận 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019 tại thủ đô Hà Nội.
Cô giáo Trần Thị Bá Tiền bị xe tải cán phải cắt cụt tay đang dạy học trò
Những ngày tháng 10 vừa qua, đoàn công tác của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên, Tập đoàn Thiên Long phối hợp với các bộ, ngành đã đến thăm hỏi, động viên cô Trần Thị Bá Tiền và cô Trần Thị Thuý Ngân.
TIỀN LÊ
Theo Tiền phong
Quảng Bình: Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường
Mỗi sáng đến lớp, các em học sinh mầm non tại xã vùng cao Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình sẽ được lựa chọn màn chào hỏi nhiều hình thức như ôm, đập tay với cô giáo của mình.
Đây là cách để các cô giáo vùng cao tạo sự hứng khởi cho học sinh, giảm tình trạng bỏ học.
Video: Cách đón trẻ tới lớp của cô giáo Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa.
Đó là cách đón trẻ đến lớp mỗi ngày của các cô giáo tại Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là ngôi trường đóng trên địa bàn xã miền núi, còn rất nhiều khó khăn, là nơi sinh sống của đồng bào người Khùa, Mày, Chứt...
Cô giáo đón trẻ với bộ "menu" lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu.
Cách đón trẻ đầy độc đáo nói trên được Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa triển khai ở tất cả các điểm trường vào đầu năm học mới vừa qua. Vào mỗi buổi sáng đón trẻ, các cô giáo sẽ chờ các em ở cửa với bộ "menu" lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu.
Với mỗi lựa chọn này, cô giáo sẽ đập tay đầy hứng khởi hoặc dành tặng những cái ôm yêu thương cho học trò trước khi vào lớp. Không những vậy, mỗi khi tan trường, các cô cũng dành tặng các em những cái ôm và chào tạm biệt để về bên gia đình.
Cô trò đập tay đầy hứng khởi trước khi vào lớp.
Chia sẻ với Dân trí, cô Đinh Thị Bùi Chung, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa cho biết, do điều kiện đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, học sinh đều là con em đồng bào dân tộc nên rất nhút nhát và ngại việc đến trường. Chính vì vậy các cô giáo của ngôi trường này luôn phải tạo ra cảm giác gần gũi, thích thú đến lớp đối với các em. Cũng theo cô Chung, cô được biết và tìm hiểu hình thức đón trẻ này trên một số tờ báo và thấy thú vị cũng như mang lại hiệu quả nên đã triển khai thực hiện.
"Cứ vào đầu năm học mới là các em lại không chịu quay lại trường, hoặc học giữa buổi lại bỏ trốn về nhà. Vì vậy, ngoài việc đến trực tiếp từng nhà đón các em lên lớp, các cô giáo của nhà trường còn muốn đón trẻ với nhiều yêu thương, để học trò cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui", cô Chung chia sẻ.
Những cái ôm ấp áp, yêu thương.
Cô Thái Thị Ngân, giáo viên cắm bản tại điểm trường bản Sy, xã Trọng Hóa cho biết, không chỉ học sinh mà ngay cả các cô giáo cũng rất thích thú với các hoạt động đón trẻ đầy ý nghĩa này. Nó làm tăng thêm không khí vui tươi, nâng cao tinh thần yêu nghề, mến trẻ của cô giáo mầm non.
"Với học sinh dân tộc, các em còn thiếu thốn rất nhiều, thiệt thòi nhiều so với các bạn dưới xuôi. Ngay từ cái ăn, cái mặc đến sự quan tâm của bố mẹ cũng ít, chính vì thế những cử chỉ yêu thương sẽ khiến các em vui hơn, cảm nhận sự yêu thương nhiều hơn", cô Ngân cho hay.
Cô và trò điểm trường Ra Mai, Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa.
Cũng như cô Ngân, cô giáo cắm bản Đinh Thị Huyền Trang tâm sự, do điều kiện cũng như hiểu biết hạn chế nên tâm lý phụ huynh hầu như không quan tâm đến trẻ, khiến các em rất nhút nhát, giao tiếp với cô và các bạn rất là rụt rè.
"Để tạo cho trẻ tính mạnh dạn, tự tin thì phải gần gũi với trẻ, muốn cho trẻ đến lớp học thường xuyên thì không những trang trí lớp đẹp, sân vườn đẹp, khuôn viên cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp mà còn tạo sự thân thiện giữa cô và trẻ. Kể từ khi thực hiện đón và trả trẻ như thế thì các em và phụ huynh cũng tỏ ra thích thú, phấn khởi hơn", cô Trang tươi cười nói.
Các cô giáo mầm non luôn tạo sự thân thiện với trẻ để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa hiện có tất cả 7 điểm trường với 21 giáo viên và 214 học sinh. Đặc biệt, 2 phòng học tại điểm trường bản Sy chính là công trình mà báo Dân trí kết nối với Tập đoàn Đỉnh Vàng ủng hộ, xây dựng vào năm 2017. Nhờ vậy mà từ đó đến nay, cô và trò tại điểm trường này được dạy và học trong căn phòng khang trang, sạch đẹp.
Tiến Thành
Theo Dân trí
Bao giờ thầy trò bớt khổ? Tai họa ập đến với cô giáo Trần Thị Bá Tiền ở tỉnh Gia Lai vào những ngày đầu năm học khiến nhiều bạn đọc thương cảm. Ảnh minh họa Sáng 9-9, khi còn cách trường 10 km, xe của cô bị chiếc xe tải đụng phải, cô ngã ra đường, bị bánh xe tải cán dập nát cánh tay trái. Tại bệnh...