Hai cô giáo “hy sinh” tuổi xuân để làm mẹ của 17 đứa trẻ H’Mông
“Lũ trẻ coi lớp học là nhà, tôi là mẹ và dĩ nhiên tôi coi chúng như con ruột mình sinh ra. Đây là “nguồn sống” mỗi ngày của mình. Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi, chỉ biết rằng nếu không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm!”
Đó là tâm sự của 2 cô giáo Chương Thị Phinh và Hoàng Thị Xâm ở điểm trường Thào Chư Phìn, huyện Quản Bạ ( Hà Giang).
Vượt qua đỉnh núi là tới trường
Vượt gần 30km đường đèo từ trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang) băng qua hơn 40 cung đường gấp khúc mà người dân bản địa ví như “khúc cua tay áo”. Chúng tôi tiếp tục theo chân cô giáo Đoàn Thị Dự, Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT tiểu học Bát Đại Sơn để vào điểm trường khó khăn nhất, nằm trên đỉnh Xà Phìn thuộc dãy núi Bát Đại Sơn, trấn giữ biên giới phía Bắc tổ quốc.
Chúng tôi đã không đếm nổi có bao nhiêu phiến đá tai mèo chừng 20- 90cm, nhọn như chông vót, “rễ” chúng bám sâu vào lòng đất rồi cắm thẳng đầu nhọn lên trời. Ước tính quãng đường đi bộ vào điểm trường tầm 3km, nhưng phải mất hơn 4 tiếng quốc bộ băng qua đỉnh núi cao vút kia mới đến được điểm trường.
Con đường độc đạo để vào điểm trường Thào Chư Phìn là đi bộ băng qua hàng trăm phiến đá tai mèo sắc nhọn, đạp lên những mỏm đất trơn trượt bám đầy rêu bên sườn núi.
Cô Dự rối rít giục chúng tôi: “đi nhanh kẻo trời đứng nắng, mất sức hơn nhiều, từng có giáo viên ngất vì quá mệt. Ấy thế mà đều đặn cứ cuối tuần, các thầy cô giáo phải gánh chiếc gùi đầy ắp thực phẩm và đồ dùng từ thị trấn mang vào tiếp tế”.
Dọc đường đi, tôi quan sát chỉ thấy lác đác 2- 3 hộ dân sống cách xa nhau, những mái nhà đen xỉn rêu bám qua năm tháng, những cây samu xứ lạnh sừng sững giữa trời, quang cảnh được trùm lên một màu u tối, ảm đạm.
Vừa đi đường, cô Dự vừa kể: “cố gắng đi nốt đoạn đường dốc trước mặt là tới điểm trường. Trong này trồng được một giống “củ sâm” lâu năm quý lắm!. Hứa sẽ đưa chúng tôi đi đào để mang về xuôi ngâm rượu”.
Câu chuyện nửa đùa, nửa thật ấy khiến chúng tôi đều tin và định bụng chắc chắn sẽ có quà quý ở rừng. Cứ thế, cô Dự rôm rả kể về những kỉ niệm hơn 20 năm bấm chân vào đá, băng rừng gieo chữ cho trẻ.
Băng qua hàng trăm phiến đá tai mèo, luồn qua những lùm cây rậm rịt đến rợn người, chúng tôi cũng đã thấp thoáng nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc điểm trường lẻ Thào Chư Phìn.
“Thà bỏ chồng, quyết không bỏ nghề”
Đi từ xa lại, chúng tôi đã thấy hình bóng cô giáo Chương Thị Phinh đứng bên hiên nhà, nhoẻn miệng cười và hối lũ trẻ ùa ra đón đoàn tíu tít. Đám con nít cũng không còn lạ người như trước, chúng cười, ôm lấy cô Dự rồi khúc khích chia nhau túi kẹo của cô mang từ thị trấn vào làm quà.
Cô Phinh thấy chúng tôi rối rít nói: “lâu lắm mới lại có người tới thăm, nhất là lũ trẻ, háo hứng từ sớm, chúng ngóng mãi. Cứ một lúc lại ríu rít hỏi “Mẹ Phinh ơi!, có người vào chơi chưa?”.
Được biết, điểm trường lẻ Thào Chư Phìn có tổng cộng 17 trẻ (14 trẻ mầm non, 3 trẻ tiểu học đều là dân tộc H’Mông). Do nhà các em ở xa lớp, trong tận rừng sâu trong khi các con còn quá nhỏ, đi về trong ngày không có người đón đưa rất nguy hiểm. Cho nên các cô giáo đã vận động phụ huynh cùng góp gạo, góp rau nuôi các con ở nội trú tại điểm trường từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6 mới về.
Cô giáo Chương Thị Phinh
Nhìn lũ trẻ chơi đùa, ăn kẹo bên hiên lớp, cô Phinh tâm sự: “xung phong lên đây dạy học cũng hơn 10 năm, xa chồng, xa nhà là cả một nỗi niềm không gì kể hết đè nặng lên vai. Giữa trốn rừng xanh này, chúng coi đây là nhà, tôi là mẹ và dĩ nhiên tôi coi chúng như con ruột mình sinh ra, lấy đó làm “nguồn sống” mỗi ngày. Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi; chỉ biết rằng nếu không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm!”.
Như thường lệ, 5 sáng, cô Phinh sẽ gọi các con dậy, đánh răng rửa mặt cho từng đứa, rồi lại tất bật xắn tay áo lên để lo nấu ăn sáng, thay quần áo, chăm bẵm từng li từng tí. Vì thế mà “nhà” lúc nào cũng âm vang lên tiếng cười nói của lũ trẻ, xua đi cái lạnh lẽo một góc rừng. Trưa đến, sau giờ lên lớp mẹ con cô giáo Phinh lại quấn quýt lấy nhau cùng nhặt rau, nấu cơm… và rồi đến tối cũng vậy.
Ở đây không có điện, ánh nến mập mờ chiếu rọi mọi thứ, chỉ chừng 8 giờ tối là mẹ con đã lên giường đi ngủ. Nhưng trước khi ngủ 17 đứa con đều đồng thanh đòi mẹ hát, đọc thơ hoặc kể chuyện như một thói quen”.
Video đang HOT
Hàng ngày, cô Phinh chăm chút từng li, từng tí từ miếng ăn đến giấc ngủ cho 17 đứa con của mình.
Lo cho 17 đứa con từ miếng ăn, giấc ngủ, dạy ca dạy hát, cả ngày cô Phinh luôn tất bật chân tay chẳng lúc nào ngưng, chắc vì thế nỗi nhớ nhà sẽ vơi đi phần nào. Nhưng không, khi đêm về những nỗi buồn của riêng cô lại dâng trào, nó giống như màu đen kịt đang phủ lấy núi rừng bên ngoài vách tường lớp học kia.
Cô Phinh tâm sự, cách đây 10 năm cô từng một lần “lỡ đò”, bị “một nửa” cuộc đời phản bội chỉ vì lý do đi dạy quá xa; vợ chồng ít được gặp nhau; sóng điện thoại không có nên khó lòng tâm sự, chia sẻ buồn vui mỗi ngày. Thế là người đàn ông ấy đã “dứt áo ra đi”, bỏ lại người vợ cô đơn một mình giữa rừng sâu.
“Trước khi người ấy tuyệt tình, họ đã nói với tôi: “Nhà cũng cần bàn tay, hơi ấm từ em, nhưng em vẫn quyết chọn ở lại vùng cao dạy học thì em sẽ mất anh”. Vì câu nói đó mà tôi đã đóng cửa trái tim mình suốt thời gian vừa qua. Tôi mong có một người chồng hiểu nỗi vất vả của vợ mà san sẻ động viên hơn là… Dẫu sao cũng đâu thể trách họ được”, cô Phinh chua xót nhớ lại quá khứ.
Cô Phinh dạy trẻ nhận biết và đánh vần chữ cái.
“Lúc ấy tôi như tuyệt vọng và mất phương hướng. Tôi không biết quyết định của mình là đúng hay sai, chỉ bưng mặt khóc mà than với vách núi đá và gió trời. Nhưng rồi, hết lớp này đến lớp khác, lũ trẻ nối tiếp nhau lớn lên từng ngày, tôi cũng quên đi nỗi tủi trong hạnh phúc riêng. Những đứa con đã vá lành tâm hồn tôi”, nói đến đây cô Phinh như lạc giọng; cô quay mặt vào góc lớp để lau vội đi giọt nước mắt đang lăn trên gò má lấm tấm vết tàn nhang của mình.
Đứng nói chuyện nhưng cô Phinh cũng chưa khi nào rời mắt khỏi lũ trẻ nhỏ đang chơi ngoài sân. Thi thoảng cô lại dặn “Pư, Dính, Hủa…chạy chậm thôi con, ngã bây giờ!”.
Chúng tôi cảm nhận được sự yêu thương ấy vượt qua ngưỡng tình cảm cô trò, đó là tình cảm mẹ con; những nghĩa cử của cô Phinh như làn gió ấm thổi vào giữa chốn rừng già u tối, lạnh lẽo này. Chúng tiếp thêm sức mạnh để tôi tin vào những “chiến sĩ văn hóa” đang ngày đêm tô vẽ cho biên cương ta thêm tươi đẹp.
Tôi sẽ nhớ mãi câu nói đầy cương quyết của cô giáo Phinh: “Thà bỏ chồng, quyết không bỏ nghề”.
Chưa một lần được yêu vì… ở bản quá lâu
Sau một hồi trò chuyện và chơi đùa với lũ trẻ ngoài sân, cô giáo Dự đứng bên gian bếp gỗ liêu xiêu ở hông lớp học gọi tôi. Chạy lại gần, tôi thấy một cô giáo với dáng người nhỏ nhắn, đang lúi húi đảo nồi cơm trên bếp củi.
Cô Dự vừa cười, vừa giới thiệu: “đây là cô giáo Hoàng Thị Xâm, điểm trường Thào Chư Phìn, trường mầm non Bát Đại Sơn (xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ) đã có hơn 8 năm thâm niên làm giáo viên “cắm bản”.
Sau cái nháy mắt đầy ngụ ý của cô Dự, tôi mới chợt hiểu ra câu chuyện về “củ sâm quý” trên đường đi vào điểm trường lúc trước là đây. Cũng thật xót xa!.
Hiện tại cô Xâm đang đảm nhiệm dạy lớp mầm 3-4 tuổi, chủ yếu các nội dung là ca hát, múa và tập cho trẻ giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Hóa ra, cô Xâm năm nay đã ngoài 30 tuổi, nhưng chưa lập gia đình, chưa có người thương. Cô cùng với cô Phinh hàng ngày vẫn quấn quýt bên lũ trẻ, lấy đó làm thú vui cho tuổi xuân của mình.
Cô Xâm bẽn lẽn, tủm tỉm cười như cô gái tuổi đôi mươi: “ở đây người còn không có, lấy đâu ra tình yêu để mà mong. 8 năm trước, tôi “chân ướt, chân ráo” vừa tốt nghiệp, quyết định rời Hà Nội lên vùng cao dạy học. Gặp phải sự phản đối từ phía gia đình; không ít đêm mẹ khóc vừa ôm tôi, vừa trách con dại dột chọn nghề giáo; một mực khuyên tôi ở nhà đi làm công nhân cho đỡ vất vả”.
Nhớ lần đầu tới điểm trường, cô Xâm gần như kiệt sức vì chưa bao giờ băng qua con đường núi đá dài và dốc cao đến như vậy. Leo lên thì mỏi rã rời chân, leo xuống thì chùn bước không đứng nổi. Hơn thế, điều kiện ở đây lại có tới 7 điểm không: không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, không có phòng nghỉ riêng của giáo viên, không người và không mưa.
Học sinh Mầm Non Thào Chư Phìn
Điểm trường cô lập với thế giới xung quanh, bốn bề chỉ toàn núi đá cao ngút trời và con đường độc đạo để ra khỏi nơi đây là băng rừng. Chính vì vậy, điều đáng sợ nhất nơi đây là không có nước sạch và không có mưa. Có khi nửa tháng trời, mẹ và các con không có nước để tắm, dành dụm từng gáo nước để uống và nấu nướng.
Vừa nói, cô Xâm vừa chỉ vào bể nước dự trữ chừng 100m3 cạnh lớp học: “một năm chỉ tháng 4- 5 có mưa; mỗi khi mưa trút xuống, tất cả mẹ con nháo nhác hứng từng giọt; nào xô, nào chậu, ca, cốc, có khi mang cả tấm bạt nilon ra để lấy nước cho vào bể trữ”.
Như cô Xâm giải thích, vì địa hình ở đây có nhiều núi cao, ngăn cản hướng gió và mây nên rất hiếm có mưa. Mỗi khi hứng đầy một bể nước, cả cô và trò vừa dùng tắm gội, nấu nướng trong 2 tháng. Đến khi hết nước, các thầy cô sẽ thay phiên nhau đi gánh hoặc đèo nước từ các khe suối, giếng trời sâu trong rừng về.
Các cô giáo nơi đây đều phải treo điện thoại lên cột nhà để dò sóng, thi thoảng sóng mạnh còn tranh thủ liên lạc về với người thân.
Mọi thứ đều thiếu thốn, khiến cuộc sống cũng phải tằn tiện vô cùng, tiết kiệm từ cây nên thắp đến pin điện thoại. Ấy vậy, mà hai người mẹ và 17 đứa con thơ cũng đủ sống, “khéo co thì ấm” trong suốt bao năm bấm chân lên đá cắm bản.
“Cũng may trong điểm lẻ có 3 anh chị đồng nghiệp, mọi người động viên nhau cố gắng bám trụ lại nơi đây. Những đêm nhớ nhà, muốn có người tâm sự chỉ biết ngẩng mặt lên trời nói chuyện với gió và trăng; thi thoảng có cái máy bay vận tải bay ngang qua thì rủ các con ra ngắm cùng, lấy đó làm thú vui qua ngày”, cô Xâm cười.
Khu nhà ở của các cô giáo
Không cần những lời ca tụng hay bằng khen… mẹ Phinh và mẹ Xâm vẫn lặng lẽ đem tuổi xuân của mình để ngày đêm tận tụy chăm sóc cho lớp lớp em thơ H’Mông trên đỉnh Xà Phìn được ăn no, mặc ấm, lớn lên từng ngày.
Tôi sẽ nhớ mãi những giọt nước mắt, nụ cười và những câu chuyện tưởng chừng chỉ núi đá biên cương mới được nghe của hai người mẹ ấy. Họ như những bông hoa nở trên đá, ngày đêm gồng mình làm “bàn đạp” vững chắc, chắp cánh cho ước mơ; góp phần thay đổi số phận trẻ vùng cao.
Hà Cường
Theo Dân trí
Những con số mỉm cười
Những thầy cô ở Trường Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà, lấy hết những lời ruột gan để khuyên nhủ, động viên các học sinh đến lớp...
Các thầy cô giáo trong một chuyến vận động học sinh đến trường
Nhiều năm qua, mỗi khi bắt đầu năm học mới, các thầy cô cắm bản ở huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại bắt đầu hành trình vận động học sinh đến lớp. Để đảm bảo sĩ số và gieo con chữ, những lần đi vận động của các thầy cô cũng chìm trong sương mù và mưa núi.
Đội mưa đi vận động
Xuất phát từ TP.Kon Tum (Kon Tum) lúc 6 giờ nhưng phải đến 9 giờ chúng tôi mới đến trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông. Từ huyện lỵ này phải vượt thêm 30 km nữa mới đến được Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu. Dù là vùng sâu nhất huyện, thế nhưng trường lại có tỷ lệ học sinh đến lớp cao nhất - đạt 100% sĩ số. Để có được con số mỉm cười ấy, các thầy cô ở ngôi trường này phải căng mình đi vận động học sinh.
"Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ. Các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng cứ dựng xe dậy rồi lại đi vận động tiếp"
Thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu
Sau hơn 1 giờ vật lộn với đường rừng, cuối cùng Trường Ngọc Yêu cũng hiện ra dưới cơn mưa tầm tã. Thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng, cho biết trường có 15 thầy cô giáo. Toàn bộ số giáo viên này đều ở các huyện xa về gieo chữ. Có người ở tận huyện miền núi Đăk Glei, có người ở TP.Kon Tum.
Các thầy cô giáo Trường Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà - Ảnh: Đức Nhật
Khi kỳ nghỉ hè gần kết thúc, các thầy cô lục tục kéo nhau lên Ngọc Yêu chuẩn bị giáo án, ổn định sinh hoạt và lên nương rẫy vận động học sinh ra lớp. Thời điểm này đúng vào mùa mưa ở Tây nguyên nên hành trình đi vận động của thầy cô giáo chật vật không kém.
Năm học này nhà trường có 100 học sinh nhập học, trong đó 100% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Số học sinh này ở 8 thôn làng của xã. Thôn xa nhất cách trường đến hơn 10 km. Thời điểm nghỉ hè, các em học sinh thường lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ, nên đến ngày đi học cũng thường quên đến lớp. Vì thế, 15 giáo viên của trường hằng ngày phải tỏa ra khắp các thôn làng đi vận động. 5 giờ chiều khi con gà lên chuồng đi ngủ, dân bản từ trên nương rẫy trở về cũng là lúc các thầy cô lên xe rẽ về các làng.
"Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ. Các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng cứ dựng xe dậy rồi lại đi vận động tiếp. Những hôm mưa xối xả, tối mặt tối mũi nhưng để các em không bỏ học các thầy cô vẫn cố mặc áo mưa lên bản. Cũng có hôm mưa lớn quá, các thầy cô ngủ luôn tại nhà học trò, cùng ăn, cùng uống với họ", thầy Hải chia sẻ.
Thầy giáo của bản
Chúng tôi đến làng Ba Tu 1 (xã Ngọc Yêu) vào giữa trưa nhưng cả làng còn đang chìm trong sương núi. Người cách người vài bước chân nhưng chẳng nhìn rõ mặt nhau. Ấy vậy mà thầy Võ Văn Cương vẫn bước phăm phăm. Cả 8 thôn làng, thầy Cương quen từng góc bếp, nóc nhà. Cũng phải thôi, 15 năm qua thầy Cương vẫn luôn miệt mài đến gõ cửa từng mái nhà vận động học sinh ra lớp.
Theo thống kê của nhà trường từ năm 2016 đến nay có 63 em tốt nghiệp THPT, 6 em quay về xã làm cán bộ, 9 em học trung cấp, 23 em đậu đại học và cao đẳng. Cũng từ những "con số mỉm cười" này mà xã Ngọc Yêu được mệnh danh là vùng đất hiếu học của H.Tu Mơ Rông.
Ngày mới ra trường (năm 2004), thầy giáo trẻ Cương phải lội rừng hơn 10 km mới đến được Trường Ngọc Yêu. Cũng có những lúc mệt nhoài, thầy Cương muốn bỏ hết để trở về nhà làm ruộng, nhưng khi đối diện với những ánh mắt trong veo như giọt mưa rừng, thầy lại giấu lòng mà ở lại.
Lúc bấy giờ cả học sinh lẫn phụ huynh còn mù mờ về con chữ. Buổi sáng thầy Cương dạy cho các em viết, tối thầy lại gặp phụ huynh để mở lớp "A Bờ Cờ". Hôm nào thấy học sinh nghỉ nhiều, thầy lội bộ lên làng vận động học sinh. Những hôm mưa lớn, thầy Cương ngủ lại luôn trong làng. Tối, uống rượu với các phụ huynh, thầy dốc hết lòng khuyên bảo. Khi phụ huynh hiểu ra vấn đề cũng là lúc các em quay trở lại lớp.
Đến nay, thầy Cương nói tiếng Xê Đăng như gió. Cứ thế, chẳng kể ngày đêm, thầy không chỉ gieo chữ mà thầy bày luôn cả cách chăn nuôi, trồng trọt cho bà con ở đây. "Tôi thương tụi nhỏ quá, chúng cứ như cây trên rừng. Đầu đội mưa nhưng chẳng biết mưa là gì. Áo rách đấy nhưng chẳng biết lạnh là bao. Đến cả lúc lên lớp chúng vẫn đi chân đất, trong sương mù...", thầy Cương nói rồi nhìn ra màn sương giăng kín bản.
Thầy Cương quen từng nóc nhà, góc bếp ở các thôn làng
Riết rồi thành quen, cả xã Ngọc Yêu có 8 thôn làng, thì ai ai cũng quen với dáng đi của thầy. Họ thương thầy như người con của làng.
Vào giữa làng, thầy Cương dắt chúng tôi ghé thăm nhà em A Khuôn (học sinh lớp 9), một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của trường. Cha em bệnh nặng mất khoảng 3 năm nay. Một mình mẹ A Khuôn chật vật trên nương rẫy nuôi 2 con ăn học. Nhiều lúc khó khăn quá, Khuôn đã tính chuyện nghỉ học để theo mẹ cầm cây cuốc. Biết chuyện, thầy Cương liền đến tận nhà khuyên nhủ em cố gắng theo đuổi con chữ để thay đổi cuộc sống. Nghe lời thầy, A Khuôn đã quyết định tiếp tục đi học, theo đuổi con chữ.
Hôm nay mẹ Khuôn đi vắng, em ở nhà với bà nội. Thầy kéo Khuôn lại gần dặn dò: "Em đã chuẩn bị đầy đủ sách vở để đến lớp chưa. Nếu có khó khăn gì thì phải nói với thầy ngay, thầy sẽ tìm cách giúp đỡ. Dù thế nào cũng không được nghỉ học đâu nhé!".
Nói đoạn thầy quay sang tâm sự với bà nội Khuôn bằng tiếng Xê Đăng, đại ý: Phải cho con em đi học để có kiến thức, từ đó các cháu mới có thể ổn định cuộc sống và xây dựng buôn làng. Hiện nay các cháu ở làng Ba Tu 1 rất chăm lo học tập. Gia đình nên nhắc nhở cháu chú tâm học hành để không tụt hậu so với các bạn...
Cuộc đối thoại bằng tiếng Xê Đăng cứ kéo dài ra mãi. Thế rồi khi nghe cái bụng thầy réo, bà nội Khuôn vội vàng đi nướng mấy trái bắp để đãi người thầy giáo đáng quý.
Những con số mỉm cười
Rời mái nhà sàn của A Khuôn, chúng tôi theo chân cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga tìm đến nhà của A Khuyến (học sinh lớp 7). Cô Nga kể nhà mình ở dưới TP.Kon Tum, cách trường hơn 100 km. Vì người chồng cũng rất bận rộn nên đến mùa đi học, cô Nga ôm theo hai đứa con lên trường để tiện chăm sóc.
Vì là giáo viên chủ nhiệm của Khuyến nên cô Nga rất tường tận gia cảnh của cậu học trò này. Cô kể rằng nhà Khuyến nghèo khó lắm. Từ ngày cha bệnh rồi mất vì ung thư, nhà Khuyến vốn đã nghèo nay lại càng khó khăn.
Cũng bắt đầu từ đó Khuyến luôn trong tâm trạng buồn rầu, không chú tâm vào việc học. Nhiều khi đến lớp Khuyến chỉ úp mặt xuống bàn khóc hoặc ngủ gật. Cũng có những hôm Khuyến theo mẹ lên nương quên cả đến lớp. Biết được hoàn cảnh của Khuyến, cô Nga đã tìm cách tiếp cận, an ủi để Khuyến quên chuyện buồn mà cố gắng học tập.
Cơn mưa ban sáng khiến con đường đất dẫn vào nhà Khuyến trơn tuột. Cô giáo dù đã chống gậy nhưng cũng vài lần loạng choạng ngã. Thế rồi cô Nga quay sang nói với chúng tôi như để giải thích: "Chuyện thường xuyên ấy mà".
Thấy cô giáo đến thăm, A Khuyến chạy ra trước bậc thềm chào rồi dẫn khách vào nhà. Trong căn nhà trống hoác chẳng có gì giá trị ngoài vài chiếc nồi nhôm. Gió núi lùa qua khe hở trên vách gỗ vào nhà tê buốt. Khuyến ngồi co ro bên bếp lửa nghe cô giáo dặn dò chuẩn bị sách vở cho năm học mới.
"Cô cũng giống như mẹ của em vậy mà. Cô sẽ hỗ trợ hết sức để em được đến lớp", cô Nga xoa đầu rồi nhìn Khuyến trìu mến.
Cứ thế, những thầy cô ở Trường Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà, lấy hết những lời ruột gan để khuyên nhủ, động viên các học sinh đến lớp. Cũng nhờ những cuộc vận động trong mưa núi, sương mù này mà trường có tỷ lệ học sinh đến lớp cao nhất huyện.
Theo thanhnien
Gia Lai: Sinh viên dạy học, dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng cao dịp hè Trong chiến dịch mùa hè xanh, hơn 24 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (TP. Pleiku, Gia Lai) đã vào hai làng Thông Ngó, Thông Yố (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) để dạy văn hóa và dạy bơi cho các trẻ em người Jrai. Kết thúc những tháng học vất vả, các sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh...