Hai chị em đạp xe xuyên Việt gây quỹ, rủ bạn trẻ nhặt rác để sống xanh
Tám năm trước, khi còn là chàng trai 18 tuổi, anh Trần Việt Dương, ở TP Biên Hòa đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt một mình đầu tiên của mình từ cực Nam đến cực Bắc tổ quốc.
Năm nay, anh Dương một lần nữa đang trên hành trình đạp xe đến thủ đô cùng người chị của mình để truyền thông điệp xanh và gây quỹ cho trẻ em nghèo trị bệnh.
30 ngày tự do, tự lo
Yêu thích đạp xe từ những năm học cấp ba, anh Trần Việt Dương, 26 tuổi, kể lại nhờ tiếp xúc với những người có niềm đam mê đi phượt bằng xe đạp, chứng kiến họ đi xuyên Việt, rồi khi tham gia các câu lạc bộ tình nguyện cũng tổ chức các chuyến đi bằng xe đạp, anh đã nhận thấy nhiều cái hay mà bộ môn này đem lại nên bén duyên từ đấy.
Anh Trần Việt Dương, 26 tuổi, đang đạp xe xuyên Việt lần hai. Ảnh: NVCC
Nói về lý do có chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai này, anh cho hay mình muốn trở lại Hà Nội, khám phá cung đường ven biển Việt Nam và tận dụng khoảng thời gian đang tạm ngừng công việc kinh doanh của mình, trải nghiệm những ngày tháng còn độc thân.
Được biết trong lần lăn bánh đầu tiên, anh đi từ cực Nam đất Mũi đến cực Bắc ở Hà Giang, sự trở lại lần này cùng người chị gái của mình cũng cho anh những tâm thế và trải nghiệm khác khi hành trình có điểm đầu và cuối từ TPHCM ra thủ đô. Với sự hiểu biết cùng kinh nghiệm có sẵn, mục tiêu của hai chị em sẽ chinh phục trọn vẹn đường bờ biển Việt Nam, đạp men theo đường biển lộ trình từ Nam ra Bắc.
Hành trình tự do, tự lo điều kiện sinh hoạt của hai chị em. Ảnh: NVCC
“Hai chị em tôi đã đi phượt chung nhiều lần, ban đầu tôi cũng dự định đi một mình nhưng khi thấy chị muốn thực hiện chuyến đi này nên hai chị em cũng đồng ý đi chung. Đạp xe xuyên Việt nếu hỏi có cực không thì chắc chắn có, nhưng cái chúng tôi nhận được từ hành trình như rèn luyện tính kiên trì, khả năng đối diện, ứng phó với khó khăn bất ngờ trên đường đi là điều đáng quý”, anh Dương bộc bạch.
Để sắp xếp cho chuyến “phiêu lưu” lần này, anh đã lên lịch trình ổn định công việc, tìm hiểu về các dòng xe chuyên dụng rồi tìm cho mình một người bạn phù hợp để đồng hành. Anh tiết lộ mình đã dừng đạp xe nhiều năm gần đây, anh chỉ có khoảng một tuần để tập cho quen chân bằng vài vòng quanh thành phố bên cạnh thời gian làm việc bận rộn vừa qua.
Xe đạp cùng hành lý phục vụ cho suốt chuyến đi như dọn rác, nghỉ ngơi… Ảnh: NVCC
Anh dự tính hoàn thành hành trình trong vòng 30 ngày, có thể tăng thêm thời gian nếu đạp tiếp lên Hà Giang. Anh Dương cho biết mình đã tiết kiệm một khoản phí từ công việc kinh doanh nhiều năm qua cộng với thời gian làm thêm tích lũy trước khi đi vài tuần. Anh và chị gái tự lo chỗ ăn ngủ bằng việc cắm lều dọc biển, xen kẽ ngủ ở nhà trọ, tá túc nhà bạn bè quen biết để trải nghiệm thực tế, cũng như gói ghém chi tiêu cho chuyến đi dài.
Đạp xe không rác
Mỗi ngày, anh Dương cùng chị gái đạp trung bình từ 80-100km nhưng vẫn có thời điểm đi dưới 50km vì lộ trình có nhiều điểm dừng, tham quan đẹp mắt. Chỉ với hai chiếc xe đạp cùng hành lý nhỏ gọn, thêm một thùng rác di động, hai chị em hy vọng sẽ làm được nhiều điều hơn là ghi lại dấu ấn tuổi trẻ của mình qua chuyến du lịch này.
Video đang HOT
Trải nghiệm tự do, khám phá trên hành trình là điều anh Dương mong muốn có được trong lần đi xuyên Việt thứ hai này. Ảnh: NVCC
Hiện tại anh đang triển khai dự án song song hành trình đạp là kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng cho quỹ “Trái tim cho em” nhằm giúp đỡ các em nhỏ đang điều trị, mổ tim, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo và dự án “Đi không rác” để truyền tải thông điệp chung tay bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất. “Tôi dự định khi đến một vài tỉnh thành, bằng sự kết nối qua mạng xã hội, tôi sẽ kết hợp cùng các bạn trẻ ở đó dọn rác bờ biển hay trong môi trường tự nhiên”, anh nói.
Tuy vậy, khó khăn trong việc làm dự án “Đi không rác” chính là đạp xe có khá nhiều bất cập ở khâu tổ chức dọn rác nên không thể thực hiện triệt để, anh cũng đưa ra phương án sẽ liên hệ với bạn bè, cộng đồng những người trẻ chung mục tiêu bảo vệ môi trường tại tỉnh thành sắp tới cùng nhau hỗ trợ.
Hiện tại ở miền Trung đã vào mùa mưa, hai chị em đang có những ngày du ngoạn nơi đây, anh tâm sự mình khá lo lắng cho hành trình sắp tới bởi cái nắng mưa khắc nghiệt cũng làm cho hai chị em xây xẩm và mất nhiều sức lực. Thêm vào đó, việc đạp qua các con đèo dốc cũng là trở ngại lớn với người chị của anh, tuy vậy, đằng sau những giọt mồ hôi, hai người trẻ luôn tâm niệm đó đều là số ki-lô-mét hạnh phúc.
Người chị đồng hành cùng anh Việt Dương. Ảnh: NVCC
Theo anh Việt Dương, một chuyến xuyên Việt tốt cần lắm ở chúng ta sự kiên trì và ý chí lớn khi người đồng hành cùng ta không ai khác ngoài chiếc xe. Ai cũng sẽ đi qua những đoạn đường quốc lộ đông người hay những tuyến đường chỉ là vùng biển hoang sơ vắng vẻ, vì thế việc chuẩn bị tâm thế cùng những kỹ năng cần thiết để sửa chữa xe đạp, chăm sóc bản thân, ứng phó với mọi tình huống là điều cần thiết.
Cung đường ven biển nơi hai người đi qua. Ảnh: NVCC
Lăn bánh dọc đường biển Việt Nam, gặp những “đồng đạp”, người lạ ngỡ như quen thân, anh Dương không khỏi xúc động vì sự hiếu khách, tốt bụng của người dân, luôn sẵn lòng giúp đỡ khi hai người gặp khó khăn. “Thật sự đây là cột mốc đáng nhớ của hai chị em vì tôi thì được ngắm nhìn đất nước trong lần hai, tự do làm điều mình muốn, còn chị mình thì lần đầu đạp xe xuyên Việt cũng là dấu ấn khó quên. Chị tôi từng đi du lịch bảy nước châu Âu và các nước châu Á nhưng vẫn cảm thấy yêu và hạnh phúc với những vùng biển Việt Nam”, anh chia sẻ.
Nhóm bạn thân hơn 10 năm rủ nhau đi xuyên Việt
35 ngày, 4 người và 2 chiếc xe máy, nhóm của Kim Ngân vừa hoàn thành ước mơ ấp ủ từ lâu là cùng nhau đi khắp Việt Nam.
Đối với Kim Ngân (25 tuổi, Đồng Nai), chuyến đi phượt vừa hoàn thành là một trong những điều tuyệt vời mà cô có trong đời.
Đồng hành cùng Ngân là 3 người bạn thân từ thời trung học: Thành, Thảo, Hùng. Cả nhóm biết nhau và học chung từ mẫu giáo vì ở cùng xã, nhưng lên cấp 3 mới thân thiết tới giờ.
Thành đề xuất đi khắp Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học. Lúc đó, mơ ước rất nhiều nhưng họ chưa có đủ điều kiện kinh tế và kinh nghiệm để đi dài ngày.
Tới tháng 12/2021, Thành thông báo "Chuẩn bị đi xuyên Việt, tao nộp đơn nghỉ việc rồi" khiến cả nhóm vừa bất ngờ, vừa hào hứng.
4 người bạn thân vừa thực hiện chuyến xuyên Việt đầu tiên cùng nhau.
"Mình làm freelancer và kinh doanh cho gia đình nên công việc không bị gò bó về mặt thời gian. Hùng và Thành quyết định nghỉ và chuyển việc mới sau khi kết thúc hành trình, xem đó là cách để thay đổi môi trường mới. Còn Thảo là giáo viên nên chúng mình quyết định đi vào dịp nghỉ hè", Ngân nói với Zing.
Ngày 20/6, nhóm bạn thân khởi hành từ Đồng Nai. Họ đi dọc đường biển miền Trung và khắp vùng núi Đông Bắc - Tây Bắc.
Trải nghiệm khó quên
Trước chuyến đi, nhóm của Ngân chưa ai từng phượt xuyên Việt. Thỉnh thoảng, 4 người bạn cùng nhau xê dịch vào dịp cuối năm và trước Tết, đa số là hành trình ngắn 4-10 ngày trên khắp Việt Nam.
Công việc được phân chia cụ thể cho từng thành viên trong nhóm. Theo đó, Thành chịu trách nhiệm tìm hiểu thông tin, lịch trình, địa điểm. Máy móc, thiết bị quay chụp, chỉnh ảnh do Hùng đảm nhận. Ngân và Thảo lo thu chi, quản lý tiền bạc, quyết định ăn uống, chỗ ở.
"Tuy nhiên, đa phần tụi mình không tính trước quá nhiều, gặp địa điểm nào đẹp sẽ lưu lại lâu hơn", Ngân nói.
Hành trình 35 ngày diễn ra suôn sẻ hơn cả nhóm mong đợi. Dù đi vào mùa mưa bão, họ chỉ mắc mưa 2 lần, trong đó có cơn mưa đá tại núi Thủng (Cao Bằng).
"Đường trong núi khá khó đi, có đoạn dốc đứng. Khi mưa trút xuống, xe của tụi mình và người dân bị mắc lầy, phải đẩy lên rất cực. Nhưng đổi lại, cả nhóm có trải nghiệm khó quên", Ngân kể lại.
Ngoài ra, nhóm gặp một số sự cố trên đường đi như thủng bánh xe, gãy kính và yên xe, ngã xe nhẹ nhưng không đáng kể.
Cả nhóm có nhiều kỷ niệm vui lẫn sự cố nhỏ trong chuyến đi kéo dài 35 ngày.
Trong số kỷ niệm vui, Ngân nhớ nhất là những lần được người dân địa phương trên khắp nẻo đường hỏi thăm từ đâu đến và đôi khi còn được bớt tiền ăn, uống.
Do di chuyển liên tục trong hơn nửa tháng, tình trạng đuối sức là khó tránh khỏi với nhóm của Ngân, nhất là đoạn đường biển miền Trung tới Ninh Bình.
"Nắng rất gắt, đi 3-4 hôm tụi mình phải dành một ngày để nghỉ ngơi. Nhưng ra tới vùng núi phía Bắc, thời tiết mát mẻ hơn nhiều. Cực nhất là hai bạn nam phải chạy xe đường dài. Mình thì bình thường hay tập thể dục nên sức khỏe cũng khá tốt", cô nói.
Trên những cung đường đi qua, nhóm bạn ấn tượng nhất với Đông Bắc. Mặc dù đã đi phượt ở đây vào tháng 1/2020, lần này vẫn là trải nghiệm mới mẻ với họ vì những đoạn đèo quanh co, núi non, cảnh sắc và con người luôn có sức hút khó tả.
Mong có thêm nhiều chuyến đi
Theo Ngân, khi đi phượt dài ngày, các bạn nữ nên mang theo kem chống nắng, xịt khoáng vì trời rất nắng và phải liên tục di chuyển trên đường từ 6-10 tiếng/ngày.
Bên cạnh đó, quần áo nên ưu tiên gọn nhẹ, có thể mang đồ dễ kết hợp. Một món nên đầu tư là áo mưa bộ vì ngoài tác dụng tránh mưa còn có thể chống nắng, chống lạnh.
Về ăn uống, Ngân cho rằng không nên quá tin vào các quán được review trên mạng. Sau vài ngày, nhóm cô rút kinh nghiệm chọn những hàng quán nhiều người dân địa phương ăn nhất.
"Tụi mình thường đặt homestay để lưu trú qua ứng dụng vì có nhiều lựa chọn, giá cả phù hợp, thanh toán khi nhận phòng. Chỉ cần book trước khi tới địa điểm nghỉ ngơi trước 4-12 tiếng. Trường hợp không có nhiều lựa chọn trên ứng dụng, có thể homestay hoặc nhà nghỉ trên mạng để lấy số điện thoại và hỏi giá trước", Ngân chia sẻ.
Nhóm của Ngân hẹn nhau thực hiện nhiều chuyến đi xa hơn trong tương lai.
Ngân lưu ý xe cộ cũng cần được kiểm tra trước khi đi và hàn thêm khung giá đỡ phía sau để cột hành lý. Cả nhóm không mang quá nhiều vật dụng cá nhân để hạn chế chở đồ lỉnh kỉnh vì có thể mua ở bất cứ đâu dọc đường đi.
4 người bạn chuẩn bị sức khỏe tốt nhất vì có kết hợp trekking ở vài địa điểm. Tiêu chí của họ là ăn uống thoải mái, có chỗ ngủ sạch sẽ, không tính trước quá nhiều, vui vẻ và trải nghiệm là chính.
"Không quan trọng là đi nhiều hay không, quan trọng là bạn có vui vẻ tận hưởng quãng thời gian ấy hay không", Ngân nói.
Kết thúc chuyến đi, tổng chi phí là hơn 19,3 triệu đồng, chưa bao gồm vé bay từ Hà Nội về TP.HCM.
"Có lẽ đi cực khổ riết thành quen nên khi về nhà, tụi mình không kịp thích nghi. Cảm giác hụt hẫng và tiếc nuối là không thể tránh khỏi. Tụi mình vẫn muốn cuộc hành trình có thể kéo dài thêm chút nữa, để có thể những điều tuyệt vời hơn của thiên nhiên", Ngân nói.
Ngân tập thể dục khá thường xuyên nên không gặp vấn đề về sức khỏe trong chuyến đi.
Hiện tại, 4 người bạn đang tiết kiệm tiền để thực hiện tiếp những hành trình mới. Nếu có thể, họ muốn chạy xe máy xuyên Đông Dương và Thái Lan cùng nhau.
"Việt Nam thật sự rất đẹp, còn nhiều vùng đất mà mình chưa thể đến. Bởi vậy, mình hy vọng ngày nào đó có thể hoàn thiện trọn vẹn bản đồ đất nước bằng đôi chân của mình. Ngoài ra, mình cũng muốn chia sẻ điều tích cực và động lực cho mọi người thực hiện hành trình trong đời. Hãy chỉ đừng ước mơ, mà hãy đứng lên và thực hiện", Ngân chia sẻ.
Tận hưởng kỳ nghỉ, người dân thảnh thơi đạp xe dạo khắp Hà Nội Hà Nội được bình chọn là điểm du lịch bằng xe đạp lý tưởng nhất châu Á khi có thể dạo qua rất nhiều hồ nước, công viên, địa điểm lịch sử, kiến trúc cổ, đền chùa có tuổi hàng trăm năm. Được bình chọn là điểm du lịch bằng xe đạp lý tưởng nhất châu Á (theo kết quả đánh giá trên...