Hai cách đơn giản để giảm xe máy ở Việt Nam
Đa dạng các loại hình giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ… là những biện pháp trước mắt mà chúng ta có thể làm ngay để giảm sự lệ thuộc của người dân vào xe máy.
Đâu cứ phải đi xe buýt
Hiện nay, giao thông công cộng chủ lực của các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là các loại xe buýt lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không mặn mà với phương tiện này bởi tốc độ di chuyển chậm, đông đúc và rất bất tiện.
Thêm vào đó, hạ tầng giao thông đô thị tại các thành phố đông dân cư ở nước ta vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng cho hoạt động của xe buýt vì các đường nội đô rất hẹp, đến 70% là đường có khổ rộng từ 4 đến 6 mét. Đường giao thông nhanh xuyên tâm không nhiều, nhưng khổ đường lại không đều, có đoạn rộng nhưng lại có đoạn bị bóp lại. Việc tách làn đường dành riêng cho xe buýt chỉ thực hiện được ở những đoạn rất ngắn như vậy khi xe buýt lớn không phát huy được tác dụng. Hơn nữa, tất cả các con đường bị giao cắt liên tục bởi những đường ngang từ trong các ngõ nhỏ đâm ra, muốn đi nhanh cũng không được trong khi ưu thế của xe buýt là chạy nhanh, vận chuyển nhiều.
Nhiều người dân lại không “mặn mà” với xe buýt bởi tốc độ di chuyển chậm, đông đúc và rất bất tiện
Video đang HOT
Với một vài lý do như vậy, thiết nghĩ chúng ta nên đa dạng hóa loại hình xe công cộng: có loại lớn, loại trung và loại nhỏ. Đến Bangkok, chúng ta thấy các loại xe Tuk Tuk cho 6-8 người rất phổ biến, còn loại Jeepney được cải tiến từ xe quân sự Mỹ chạy khắp hang cùng ngõ hẻm của Manila. Các xe máy cải tiến từ hai người cho 4 người cũng xuất hiện khá nhiều ở Quảng Tây, Phúc Kiến của Trung Quốc. Còn ở châu Âu, xu hướng sử dụng các loại xe bus mini trở nên thông dụng ở các thành phố vừa và nhỏ.
Khi đã có các phương tiện giao thông công cộng phù hợp với đường sá nhỏ hẹp, di chuyển nhanh, tiện lợi và giá rẻ, chắc hẳn nhiều người sẽ sử dụng chúng thay vì cứ mỗi người một chiếc xe máy chen chúc nhau trên đường.
Đi xe đạp và đi bộ
Một điều đáng lưu ý là nên phát triển trở lại xe đạp và đi bộ. Đây có thể là giải pháp khiến nhiều người cảm thấy nực cười, nhưng lại là cách mà nhiều thành phố văn minh trên thế giới đang áp dụng.
Người dân Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng đã mất thói quen đi xe đạp và đi bộ. Các thành phố lớn của Trung Quốc đã khôi phục lại việc đi xe đạp và coi đó là “mốt thời thượng” không chỉ cho người nghèo mà cả cho người giàu.
Trong nhiều thành phố lớn ở châu Á (Trung Quốc, Malaysia…) và châu Âu (Pháp, Đức…), họ dành đất thiết kế làn đường ưu tiên dành riêng cho xe đạp, làm các bãi để xe không mất tiền, bãi xe sử dụng xe đạp miễn phí hoặc cho thuê với giá cực rẻ nhằm khuyến khích sử dụng xe đạp.
Nếu tuyên truyền tốt, tổ chức tốt và người dân có nhận thức thì có thể xe đạp sẽ được trở lại thời hoàng kim, và lúc này xe đạp không phải là hệ quả và biểu tượng của nghèo đói.
Theo Thế Đạt (TTTD) – AutoDaily
Hãy tập thói quen đi bộ!
Theo các chuyên gia y học, đi bộ rất có lợi cho sức khỏe, nó là một môn thể thao không tốn kém.
Từ ngày xưa, người ta đã biết đến tác dụng của luyện tập thể thao. Một trong các môn thể thao xưa nhất mà con người biết đến là đi bộ. Theo các chuyên gia y học, đi bộ rất có lợi cho sức khỏe, nó là một môn thể thao không tốn kém.
Một số nghiên cứu có giá trị còn cho thấy việc đi bộ thường xuyên sẽ làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giúp tăng hàm lượng HDL (loại cholesterol có lợi), đặc biệt là giảm hàm lượng LDL (loại cholesterol có hại) vốn là nguyên nhân chính gây bệnh xơ vữa động mạch.Khi đi bộ, toàn thân chúng ta đều vận động, nhịp tim tăng lên, các mạch máu giãn nở, quá trình trao đổi chất tăng lên và kết quả là hạn chế được rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh về tim mạch. Ngoài ra, đi bộ nhiều còn có thể hạn chế được tình trạng béo phì - nguyên nhân của các loại bệnh mạn tính đang là đại dịch đe dọa sức khỏe của toàn nhân loại như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư...
Đi bộ còn giúp cơ thể trở nên thon thả, khỏe mạnh, tạo sự tự tin và tăng vẻ thẩm mỹ cho mỗi người. Một số nhân vật nổi tiếng hay chính khách tên tuổi như các cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin rất thích đi bộ vào buổi sáng.
Đi bộ còn giúp cơ thể trở nên thon thả, khỏe mạnh, tạo sự tự tin và tăng vẻ thẩm mỹ cho mỗi người. (Ảnh minh họa)
Nếu mỗi ngày chúng ta đi bộ được khoảng 2.000 m thì thật là tuyệt vời. Hồi còn tu nghiệp tại Pháp, mỗi buổi sáng, chúng tôi đều đi bộ từ nhà ở đến ga tàu điện ngầm và từ ga tàu điện ngầm về nhà vào buổi chiều, tổng cộng khoảng 3.000 m. Kết quả là sau một năm, tôi đã gầy bớt được 8 kg, suốt năm không bị bệnh gì dù chỉ hắt hơi sổ mũi. Ai từng đi học ở nước ngoài cũng đều sợ nhất là bệnh tật vì giá dịch vụ y tế ở các nước này rất cao, không thể tự trả nổi nếu không có bảo hiểm.
Nếu không có thời gian, chúng ta hãy cố gắng đi lại, vận động nhiều khi làm việc, hạn chế đi thang máy, hạn chế sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa... Trong tuần, nếu từ nhà đến nơi làm việc không xa quá 5.000 m, chúng ta có thể đi bộ 2 lần vào buổi sáng. Buổi chiều có thể về nhà bằng phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhất là tại TP HCM, vấn đề đi bộ đến nơi làm việc hơi khó. Do tình trạng buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè nên rất ít nơi còn lề đường cho người đi bộ. Mặt khác, bầu không khí cũng bị ô nhiễm nhiều, cộng với cái nắng nóng của miền nhiệt đới khiến rất nhiều người ngại đi bộ, lâu dần thành thói quen, cứ một bước ra đường là lên xe gắn máy.
Nếu mọi người trong chúng ta đều vì sức khỏe của cộng đồng, vì sự phát triển lành mạnh của xã hội và môi trường thì tập thói quen đi bộ không phải là điều quá khó.
Theo Người Lao Động
6 cách đơn giản để kiểm soát sức khỏe Bạn cho rằng, để khỏe mạnh theo đúng nghĩa thì thực sự rất khó, nào là kiểm tra sức khỏe định kì, nào là tập thể dục, nào là ăn uống lành mạnh không gluten, rồi phải tìm hiểu thêm thông tin về sức khỏe mà chưa nói đến những thông tin này có thể sai lệch. Kiên trì và nỗ lực làm...