Hai ‘bông hoa ban’ thắp sáng con chữ ở bản Mông
Vất vả là vậy nhưng khi nghe các em nhỏ bập bẹ được vài từ tiếng phổ thông là chúng tôi hạnh phúc lắm, bao vất vả cũng theo đó mà tan biến.
Nậm Tin là một xã nội địa khó khăn bậc nhất của huyện biên giới Nậm Pồ (Điện Biên). Dù nằm ở huyện biên giới, nhưng do không có đường giáp biên nên các giáo viên công tác trên địa bàn xã không được hưởng chế độ phụ cấp dành cho giáo viên biên giới.
Chính vì vậy, thầy cô ở khu vực này gặp rất nhiều vất vả, khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất, đường sá đi lại khó khăn, bên cạnh đó là chuyện bất đồng ngôn ngữ với học trò ở những bản sâu, bản xa.
Trên hành trình “gieo chữ, trồng người” ở những vùng khó như vậy, không ít giáo viên đã phải bỏ cuộc. Song, không vì khó khăn mà việc học tập ở Nậm Tin, đặc biệt ở điểm trường bản Mốc 4 bị gián đoạn.
Cô Nguyễn Thị Mai Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Tin cho biết: ở điểm trường bản Mốc 4, xã Nậm Tin, (huyện Nậm Pồ) có 2 cô giáo đã tình nguyện vào vùng khó để thắp sáng ước mơ cho những học trò vùng cao.
Hai cô giáo được ví như những bông hoa ban gieo hi vọng giữa miền gian khó là cô Lò Thị Anh và cô Vì Thị Học.
Đường đến điểm trường mầm non Mốc 4 rất khó đi, trời mưa, con đường như hóa cơn “ác mộng” với bất kỳ ai. Ảnh: NVCC
Hai cô giáo người Thái, một cô quê ở huyện Điện Biên Đông, một cô quê ở huyện Nậm Pồ đã trở thành đôi bạn đồng nghiệp thân thiết qua quá trình cùng giảng dạy. Với 6 năm công tác và giảng dạy tại một số thôn, bản gần xa của xã Nậm Tin, không có khó khăn nào mà đôi bạn thân – cô giáo Học và cô giáo Anh – chưa trải qua.
Chứng kiến những thiếu thốn vất vả của học sinh vùng cao, thương các em, nên dù nắng hay mưa, dù mùa đông, giá rét, sương mù giá lạnh các cô đều miệt mài ngược núi, băng rừng đi gieo chữ cho các em nhỏ người Mông trên khắp các bản làng.
Năm học này, cô Học và cô Anh được phân công giảng dạy tại điểm trường bản Mốc 4 (thuộc Trường Mầm non Nậm Tin), một trong những điểm bản xa và đường sá đi lại khó khăn nhất của xã Nậm Tin.
Hiệu trưởng trường Mầm non Nậm Tin cho biết, hiện tại điểm trường có hai cô giáo với 54 học sinh, chia làm 2 lớp.
Cả cô Anh và cô Học đều đã xây dựng tổ ấm tại huyện Nậm Pồ, từ nhà các cô đến trường khoảng 30km. Vì nhà xa, đường gập ghềnh khó đi lại, hai cô đành phải gửi con cho ông bà, tạm biệt chồng, con, khăn gói lên ở lại điểm trường để thuận lợi cho việc dạy học. Cuối tuần các cô mới tranh thủ thời gian để về nhà.
Đường từ trường về nhà, vào mùa nắng thì bụi mù mịt, vào mùa mưa thì trơn trượt, nhiều dốc đứng, đi bộ còn khó chứ chưa nói đến việc các cô là phụ nữ mà cầm lái xe máy; những lúc như thế, cả tháng các cô mới về nhà một lần.
Video đang HOT
Thời gian về nhà nhanh vội, gấp gáp, có nhiều khi trên hành trình quay lại trường, đường quá xấu, hai cô đành phải bỏ xe lại, mang theo hành lý, thực phẩm cho học sinh, tay xách nách mang đi bộ vào bản để còn kịp giờ dạy.
Hành trình lên điểm trường của cô giáo là đủ thứ lỉnh kỉnh có thể mang theo. Ảnh: NVCC
Tất cả những gì có thể tận dụng, sáng tạo cho học trò là các cô tích cực thực hiện. Ảnh: NVCC
Bản Mốc 4 vẫn chưa có điện quốc gia để sử dụng nên các cô không thể bảo quản đồ ăn cho học sinh lâu được. Cứ hai, ba ngày là cô Học và cô Anh lại thay phiên nhau vượt 12km đường gập ghềnh sỏi đá xuống chợ xã mua các loại thực phẩm như: trứng, thịt lợn, rau cỏ và ít đồ khô để đảm bảo bữa ăn cho học sinh; hôm nào may mắn có người dân xuống chợ, thì các cô nhờ dân mua giúp cân thịt, bó rau mang lên.
Kể về hành trình dạy học của mình, cô Vì Thị Học chia sẻ: “Năm 2016, tôi vào nhận công tác, một mình vượt đường rừng lên bản dạy học mà người cứ run bần bật. Thuở ấy ở đây còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề.
Khó khăn là vậy nhưng học trò ở điểm trường Mốc 4 luôn được chăm sóc chu đáo. Ảnh: NVCC
Lúc ấy chỉ muốn bỏ nghề nhưng nhìn thấy những ánh mắt đầy ngơ ngác nhưng đầy trìu mến của các em nơi đây tôi lại có thêm động lực tiếp tục bám trường, bám bản dạy học, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà”.
Người dân nơi đây chủ yếu là làm nương rẫy, họ lên nương từ sáng sớm đến tối mịt, khi con gà lên chuồng mới về nhà, họ có ít thời gian và điều kiện chăm sóc con cái.
Vì thế mà chuyện học hành của các con cũng phó mặc cho thầy cô luôn. Hai cô giáo đã quen với hình ảnh các em học sinh mặt mũi lấm lem đến lớp, nhiều em mặc một bộ quần áo đến hai, ba ngày chưa thay.
Thương học sinh, các cô lại lau mặt, chải đầu, buộc tóc, rửa chân tay cho các em đầu mỗi buổi học.
Đối mặt với những khó khăn trên hành trình thắp sáng con chữ cho bản làng, cô Học và cô Anh chưa bao giờ nản chí mà luôn nỗ lực trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo các trò chơi, bài hát gần gũi với các em vùng cao, cố gắng truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất, luôn cố gắng để các em biết đọc, biết viết và nhận biết những điều hay của thế giới xung quanh qua từng tiết học.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ dạy học, cô Lò Thị Anh và cô Vì Thị Học còn làm tốt công tác dân vận, là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thực thụ. Các cô đã vận động nhân dân cùng xây dựng cơ sở vật chất với nhà trường. Ảnh: NVCC
Cô Lò Thị Anh cho biết thêm, 100% học sinh ở điểm bản Mốc 4 là dân tộc Mông và trước khi đi học, các em không biết tiếng phổ thông nên việc tiếp thu bài học gặp nhiều khó khăn.
Do đó, hai cô bắt buộc phải học tiếng Mông để dạy theo kiểu “song ngữ” – vừa dạy tiếng phổ thông vừa phiên dịch sang tiếng Mông cho các em dễ hiểu và tiếp thu bài tốt hơn.
“Vất vả là vậy nhưng khi nghe các em nhỏ bập bẹ được vài từ tiếng phổ thông là chúng tôi hạnh phúc lắm, bao vất vả cũng theo đó mà tan biến”, cô Anh nói.
Trao đổi thêm về hai cô giáo ở điểm trường bản Mốc 4, cô giáo Nguyễn Thị Mai Thu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Tin cho biết: Hiện Trường Mầm non Nậm Tin có 16 lớp với 11 điểm trường trong đó 1 điểm trung tâm và 10 điểm bản. Mốc 4 là điểm bản trường xa và đường đi lại khó khăn nhất.
Mong rằng với lòng yêu nghề, mến trẻ các cô giáo sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách để đem con chữ đến với học sinh vùng cao.
Học sinh ở những vùng khó như chúng tôi công tác, việc học phải bắt đầu từ lớp mầm non, các em dần dần có ý thức về việc đi học, vui khi đến trường, bố mẹ các em mới cho đi học tiếp những năm sau. Nếu các em không thích học, bố mẹ cũng sẽ chiều, bằng cách cho ở nhà tự chơi với đất đá trên đồi. Vì thế, việc dạy học của các cô giáo vất vả gấp nhiều phần.
Dù khó khăn, gian nan là vậy, nhưng cô Vì Thị Học và cô Lò Thị Anh – cũng như nhiều thầy cô giáo khác trên mọi miền Tổ quốc vẫn sẵn sàng ở lại vùng cao bám trường bám bản, ngày đêm nỗ lực dạy học vì một ước mơ, mong sao các em học sinh đều được đến trường, được học tập, để có một tương lai tốt, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bà con và học trò ở đây rất quý mến hai cô, họ ví các cô giáo người Thái đang dạy học sinh mầm non tại bản như hai bông hoa ban thắp sáng núi rừng của bản khó tại Nậm Tin.
Sáng tạo trong công tác giảng dạy ở trường học trên địa bàn vùng khó
Sự sáng tạo của các giáo đã giúp cho trường Mầm non Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ luôn duy trì được tỷ lệ chuyên cần ở mức 98-99% trở lên.
Đồ dùng dạy học tự chế từ nguyên liệu địa phương
Là đơn vị ở vùng biên giới, đặc biệt khó khăn, với 7 điểm trường bản, vừa thiếu cơ sở vật chất vừa thiếu giáo viên, thế nhưng những năm qua, trường Mầm non Vàng Ma Chải luôn duy trì được tỷ lệ chuyên cần ở mức 98-99% trở lên. Đồ dùng học tập, giảng dạy của cô trò nơi đây phong phú, đa dạng. Từ vỏ ngao, chai nhựa, viên sỏi được các cô giáo chế tạo thành những đồ dùng hữu ích đáp ứng tốt cho công tác dạy và học. Có trên 85% đồ dùng dạy học là tự chế.
Do địa bàn vùng cao, trẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông còn hạn chế nên các cô giáo đã chủ động học tiếng địa phương để dễ dàng giao tiếp với học sinh và phụ huynh.
Cô giáo trường Mầm non Vàng Ma Chải luyện hát cùng trẻ.
Cô giáo Má Thị Nhung - Giáo viên trường Mầm non Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ chia sẻ: Tôi là 1 giáo viên vùng cao biên giới, đã công tác ở trên này được 3 năm. Trong quá trình công tác tôi thấy trẻ ở trên này chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông còn rất nhiều hạn chế, nên tôi cố gắng học tiếng địa phương để có thể dễ dàng giao tiếp và dạy các cháu.
Cô Nhung đã chủ động phối kết hợp với các phụ huynh dạy học thêm ở nhà cho trẻ. Đồng thời, cô sử dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương làm đồ dùng giảng dạy để trẻ dễ tiếp thu, đồng thời tạo cảm giác thân thiện, an toàn cho học sinh.
Theo Cô giáo Đinh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Ma Chải, để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, nhà trường đã tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, trong việc duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần. Chỉ đạo giáo viên cắm bản, bám trường bám lớp. Đề xuất với cấp trên bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa lớp học, bổ sung thêm giáo viên đảm bảo chất lượng công tác dạy và học.
Tạo niềm tin với các bậc phụ huynh
Song song với việc cùng cấp ủy, chính quyền vận động học sinh ra lớp; đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, các trường học trên địa bàn huyện Phong Thổ chú trọng công tác nuôi dạy bán trú, trong đó, tập trung thực hiện các mô hình trồng rau, nuôi gà, lợn, góp phần cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập. Tạo niềm tin với các bậc phụ huynh yên tâm khi đưa con đến trường.
Thầy giáo Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng trường THCS Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ cho biết, trong công tác hướng nghiệp tổ chức cho học sinh trồng rau, trong năm học này, nhà trường trồng thêm nấm để tăng thêm bữa ăn cho các em học sinh. Thầy Trường hy vọng, với mô hình trồng rau sạch, trồng nấm tại chỗ cho học sinh, chất lượng bữa ăn được nâng lên và chất lượng giáo dục được nâng cao.
Còn theo ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, năm học 2022-2023, ngày giáo dục đại phương đã xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn rất quan trọng. Đối với giáo dục đại trà, tăng cường tuyên truyền, truyền thông giáo dục, nhất là thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; phòng giao chỉ tiêu, số lượng, chất lượng cho các trường. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn ngành. Đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên.
"Đối với giáo dục mũi nhọn, những năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh đạt cao, vì vậy, chúng tôi tập trung rà soát, phân luồng học sinh để có cách bồi dưỡng, nhằm đạt kết quả cao nhất', ông Khổng Văn Thiện cho biết.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có trên 25 nghìn học sinh ở các cấp bậc học.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có 52 trường với hơn 900 lớp, nhóm lớp, trên 25 nghìn học sinh ở các cấp bậc học. Để tiếp tục phát huy kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Từ sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp đỡ của các tổ chức Hội, câu lạc bộ thiện nguyện, chương trình "Nâng bước em đến trường" của Biên phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, và sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các đơn vị trường, giáo dục của huyện biên giới Phong Thổ ngày càng khởi sắc. Chỉ tính riêng trong năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục có 910 lớp, nhóm lớp ở 52 trường học với gần 24.600 học sinh, trên 1.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học ra lớp đạt trên 99,9%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng bậc Mầm non giảm còn khoảng 10%. Trên 98% học sinh bậc Tiểu học hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục. 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 99,88% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cô giáo không ngừng sáng tạo, lan tỏa yêu thương Với ước vọng 'Mở ra tri thức - Chạm tới trái tim học trò - Lan tỏa yêu thương đến cộng đồng', cô giáo Trần Thị Mai Trang, giáo viên Trường Tiểu học Bà Triệu đã thắp sáng ý tưởng, hiện thực hóa những sáng tạo của mình thành các dự án giáo dục giá trị và đầy thiết thực cho học sinh....