Hà Văn Thắm nhận trách nhiệm để Công ty Trung Dung vay 500 tỉ
Trong phần xét hỏi, trả lời HĐXX, cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm thừa nhận có trách nhiệm cao nhất trong việc cho Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung vay 500 tỉ đồng.
Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời thẩm vấn tại phiên tòa – Ảnh: Thân Hoàng
Sau một ngày rưỡi nghe đại diện VKS đọc bản cáo trạng dài 136 trang, chiều 28-2 phiên tòa xét xử đại án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) chuyển sang phần xét hỏi.
Chủ tọa phiên tòa tiến hành xét hỏi cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đầu tiên. Chủ tọa yêu cầu cách ly các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu cùng là nguyên tổng giám đốc Oceanbank và bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, nguyên phó tổng giám đốc.
Tại tòa, Hà Văn Thắm cho biết nắm chức chủ tịch HĐQT Oceanbank từ năm 2004, chiếm giữ vốn điều lệ hơn 62%. Đến tháng 3-2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỉ đồng. Trong những thành phần góp vốn, đứng thứ hai là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm hơn 20%, các cổ đông tiếp theo là Công ty CP tập đoàn Đại Dương, Công ty VNT, Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà.
Ký kết mua ngân hàng nhưng khai là “thỏa thuận dân sự”
Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng về Oceanbank nên Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho mình.
Bị cáo Thắm cho biết có ký thỏa thuận với bà Phấn về việc tiếp quản Ngân hàng Đại Tín nhưng “đây chỉ là thỏa thuận mang tính dân sự”. Sau khi ký, ông Thắm đã đưa người vào kiểm tra ngân hàng. “Việc ký kết này bị cáo chỉ trả cho bà Phấn 5 tỉ đồng tiền mặt và tiếp quản nghĩa vụ trả nợ của bà Phấn” – ông Thắm trình bày.
Theo cáo trạng, ngày 23-2-2012, bà Phấn cho Ngô Thị Kim Huệ, phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán hơn 254.000 cổ phần (tương đương 84,9% vốn điều lệ) với giá 4,4 tỉ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và sở hữu tài sản đảm bảo là các khoản vay với trị giá 3.553 tỉ đồng, khoản đầu tư 920 tỉ đồng và một số nghĩa vụ khác.
Video đang HOT
Sau khi ký hợp đồng, Hà Văn Thắm đã cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín và thực hiện việc sáp nhập vào Oceanbank, nhưng không thực hiện việc thanh toán 4,4 tỉ đồng cho bà Phấn. Bà Phấn nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng Thắm không trả.
Bị án Phạm Công Danh tại phiên tòa – Ảnh: Thân Hoàng
“Tôi không từ chối trách nhiệm”
Về mối quan hệ với ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng), Hà Văn Thắm cho biết quen biết nhau từ năm 2010 do Danh là bạn của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc Oceanbank.
Theo cơ quan tố tụng, sau khi đưa người vào quản lý ngân hàng, Thắm nhận thấy Đại Tín có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên có ý định nhượng lại cho Phạm Công Danh.
Để có tiền cho ông Danh chuyển nhượng ngân hàng, Hà Văn Thắm bàn bạc sẽ thông qua pháp nhân là Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung cho ông Danh vay 500 tỉ đồng. Trong khi số tài sản đảm bảo cho ông Danh vay không có thật, không có tính pháp lý khiến Oceanbank thiệt hại hơn 340 tỉ đồng.
Tại tòa, Hà Văn Thắm không từ chối trách nhiệm trong thương vụ cho ông Danh vay 500 tỉ đồng. “Trách nhiệm cho vay 500 tỉ đồng là thuộc về hội đồng tín dụng và bị cáo là người chịu trách nhiệm” – Hà Văn Thắm nói.
Hà Văn Thắm cho rằng số tiền 500 tỉ cho Công ty Trung Dung vay nhưng Thắm biết thực chất công ty này là của Phạm Công Danh. Bởi vậy Thắm cho rằng mình đã bị Danh “lừa đảo”.
“Điều kiện để giải ngân số tiền 500 tỉ cho Công ty Trung Dung là phải phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên sau đấy một năm, bị cáo cho người kiểm tra tài khoản thì vẫn tồn tại số tiền này trên hệ thống Ngân hàng Đại Tín nhưng thực tế thì không còn. Phạm Công Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Oceanbank” – Hà Văn Thắm nói.
Có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Phạm Công Danh cho biết trước khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín đã đưa cho Thắm 500 tỉ đồng để Thắm nhượng quyền mua lại Ngân hàng Đại Tín. Số tiền này được đưa cho Thắm trước khi Công ty Trung Dung vay Oceanbank.
Ông Danh thừa nhận bản thân phải chịu một phần trách nhiệm trong khoản vay Oceanbank 500 tỉ đồng. Thủ tục vay cán bộ ngân hàng hai bên đã bàn bạc do trước đó đã có chỉ đạo của Thắm cho vay.
17h phiên tòa kết thúc, ngày mai HĐXX tiếp tục thẩm vấn.
Theo Tuổi Trẻ
Cáo trạng đại án OceanBank
Hôm qua (22.12), Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm (41 tuổi, ở Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và 47 bị can khác.
Hà Văn Thắm gây thiệt hại 14.000 tỉ đồng trong đại án OceanBank
Đây là các bị can trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại OceanBank và một số đơn vị liên quan.
Nợ xấu hơn 14.000 tỉ đồng
Trong đó, Hà Văn Thắm bị truy tố về 3 tội: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong 47 bị can khác còn có: Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (đều là nguyên Tổng giám đốc OceanBank); Nguyễn Văn Hoàn, Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc) và nguyên một số lãnh đạo các hội sở đến chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống OceanBank và lãnh đạo của Công ty CP BSC VN (gọi tắt là BSC).
Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành OceanBank, bằng thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, ông Thắm chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền của NH, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Đến ngày 31.3.2014, các vi phạm của ông Thắm và đồng phạm dẫn đến nợ xấu là hơn 14.000 tỉ đồng. Ngày 6.5.2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng.
Trong quá trình tham gia quản trị, điều hành OceanBank, với cương vị người đứng đầu NH, ông Thắm đã chỉ đạo Ban Tổng giám đốc OceanBank giải quyết cho vay 500 tỉ đồng đối với Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của NHNN về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục cho vay của OceanBank, trực tiếp gây thiệt hại cho OceanBank 343 tỉ đồng.
Thu phí ngoài hợp đồng khi cho vay
Cuối năm 2008, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ký thỏa thuận và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của OceanBank, đồng thời giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng giám đốc của OceanBank. Đầu năm 2009, ông Sơn và Thắm bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank, Sơn đã chủ động đề nghị với Thắm về việc OceanBank phải chi cho mình ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên, dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Ông Thắm chấp nhận đề nghị của Sơn. Nhưng để có tiền chi cho Sơn, OceanBank phải tăng lãi suất khi cho vay nhằm đảm bảo NH không bị lỗ, trong khi NHNN lại quy định trần lãi suất, nên muốn "vượt trần" thì cần có một công ty sân sau đứng ra thu phần chênh lệch này. Vì vậy, 2 người bàn bạc và thống nhất sẽ "thu phí" chênh lệch lãi suất của khách hàng vay vốn thông qua BSC - công ty "sân sau" của ông Thắm.
Sau đó, Thắm đưa Phạm Hoàng Giang (Phó phòng Pháp chế - khối tuân thủ OceanBank) về BSC làm tổng giám đốc để điều hành hoạt động công ty này và giao cho Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng, thông báo chủ trương và triển khai thực hiện hoạt động "thu phí" chênh lệch lãi suất trên toàn hệ thống OceanBank.
Bán ngoại tệ cũng... thu phí ngoài hợp đồng
Cùng thời điểm triển khai việc "thu phí" chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng tín dụng, OceanBank phát sinh bán ngoại tệ cho khách hàng, chủ yếu là khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ đến kỳ hạn thanh toán. Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu, năm 2009, thị trường ngoại tệ khan hiếm nhưng theo quy định thì OceanBank không thể bán ngoại tệ với tỷ giá cao hơn tỷ giá trần do NHNN niêm yết cũng như không được thu thêm bất kỳ các khoản phí nào khi bán ngoại tệ đối với các hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay. Khi Thu báo cáo tình hình này với Sơn thì được Sơn chỉ đạo phải bán ngoại tệ cho các khách hàng đang có quan hệ vay vốn tại OceanBank và khách hàng khác. Ngoài ra, phải thu phần chênh lệch tỷ giá ngoại tệ ngoài hợp đồng thông qua Công ty BSC bằng các hợp đồng dịch vụ. Sau đó, Thu phổ biến lại chủ trương này cho khối nguồn vốn để thu phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ trên toàn hệ thống của OceanBank.
Việc làm này của ông Thắm và Sơn gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng 68 tỉ đồng. Ông Thắm còn chỉ đạo thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi trái với các quy định của nhà nước về trần lãi suất và chế độ tài chính, kế toán gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỉ đồng.
(Theo Thanh Niên)
Hà Văn Thắm và di sản 0 đồng Trước khi rơi vào vòng lao lý, Hà Văn Thắm từng được coi là một doanh nhân trẻ giàu có, với tài sản lên tới hàng nghìn tỉ đồng... Hà Văn Thắm lúc còn ở &'đỉnh cao' Cái tên Hà Văn Thắm gắn với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như:Ocean Bank, Kem Tràng Tiền, chuỗi khách sạn và bất động sản Star...