Hà Tĩnh tập trung hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ lụt
Mưa lớn sau bão số 4, nước sông lên nhanh, các hồ đập, thủy điện xả tràn đã gây ngập lụt, chia cắt ở nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh.
Nước lũ ngập sâu, người dân thôn Tiền Phong xã Quang Vĩnh huyện Đức Thọ tránh trú ở nhà văn hóa cộng đồng. Ảnh: Công Tường/TTXVN
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động di dời, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm tại những điểm bị ngập.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ đã đến thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) – nơi có số nhà dân bị ngập nước nặng nhất trong mấy ngày qua. Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thăm hỏi động, viên và trao quà cho hàng trăm người dân đang tránh trú ở Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tiền Phong; động viên nhân dân vượt qua khó khăn trước mắt.
Ông cũng đề nghị cấp ủy chính quyền huyện Đức Thọ và xã Quang Vĩnh luôn theo dõi sát tình hình nhân dân, diễn biến của mưa lũ để chủ động các phương án đối phó; sẵn sàng nhân lực, phương tiện, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người già, trẻ em, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Video đang HOT
Mưa lớn nhiều ngày qua đã làm nước sông La, sông Lam dâng cao. Nước lũ đã làm ngập 1.313 hộ dân các xã ngoài đê huyện Đức Thọ như Quang Vĩnh, Tùng Châu, Liên Minh, Bùi La Nhân, Trường Sơn… Số hộ bị nước lũ cô lập hoàn toàn trên 500 hộ ở các xã Tùng Châu, Liên Minh, Quang Vĩnh, Trường Sơn, Bùi La Nhân. Nhiều tuyến đường liên thôn bị ngập sâu và hư hỏng nặng.
Riêng tại xã Quang Vĩnh nhiều thôn ngập chìm trong biển lũ. Đã có gần 340 hộ ở 2 thôn Tiền Phong và Bãi Đình nước ngập vào nhà, trong đó 84 hộ bị cô lập. Ngày 2/10, chính quyền xã Quang Vĩnh tiếp tục sơ tán hàng chục hộ bị ngập sâu, đưa người già, trẻ em, người tàn tật lên tránh trú an toàn tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tiền Phong.
Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) Nguyễn Quang Việt cho biết: Do đã chủ động các phương án phòng, chống mưa lũ nên địa phương đã kịp thời di dời hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu vùng sát bờ sông là thôn Tiền Phong, Bãi Đình đến nhà văn hóa công đồng và các điểm tránh trú nên không có thiệt hại về người, tài sản. Hiện tại chính quyền, các cấp đoàn thể, thôn xóm thường xuyên kiểm tra tình hình, hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp nhân dân vùng ngập lụt vượt qua khó khăn.
Mưa lớn hoàn lưu sau bão cũng làm cho gần 2.000 hộ dân ở các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân và các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê ngập lụt. Nhiều công trình giao thông, công trình phúc lợi bị hư hỏng và thiệt hại nặng nề. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam, Xuân Hồng huyện Nghi Xuân bị ngập sâu và hư hỏng. Quốc lộ 8A đi Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo bị sạt lở nhiều đoạn. Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12C, Quốc lộ 46C nhiều điểm sát lở đã tạm thời được khắc phục nhằm đảm bảo thông suốt giao thông.
Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 cho biết: Do nhiều tuyên đường bị hư hỏng đã ảnh hưởng đến giao thông, Đơn vị huy động nhân lực, phương tiện, máy móc tập trung khắc phục thông tuyến Quốc lộ 8A; cắm các biển cảnh báo, sạt lở nguy hiểm, phân luồng giao thông đảm bảo nhân dân, các phương tiện tham gia giao thông an toàn.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, ban, ngành giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; huy động lực lượng dọn dẹp nhà cửa, trường học khi nước xuống, chủ động phòng, chống dịch bệnh sau khi nước lũ rút.
Hà Tĩnh khắc phục sạt lở bờ sông, kè biển sau bão Noru
Do ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa trên diện rộng, làm sạt lở bờ sông và kè biển, uy hiếp trực tiếp đến hàng trăm hộ dân ở các xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Lĩnh, Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên).
Nhằm khắc phục hậu quả sau bão, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền huyện Cẩm Xuyên nhanh chóng triển khai giải pháp, huy động lực lượng, vật tư giúp các địa phương kè lại điểm sạt lở.
Lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Thành kè lại điểm sạt lở. Ảnh: Công Tường/TTXVN
Chính quyền huyện Cẩm Xuyên khẩn trương chỉ đạo chính quyền các xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ huy động hơn 400 người là lực lượng tại chỗ như dân quân tự vệ, quân sự, công an, khối đoàn thể và người dân dùng 75 rọ thép, 200 khối đá và 300 cọc tre kè lại các điểm sạt lở nhằm giúp nhân dân yên tâm sinh sống.
Ông Lê Công Quang, thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành cho biết, nhà ông ở bên bờ sông Ngàn Mọ gần cầu Kho. Mỗi lần mưa, lũ, nước đổ về gây sạt lở vào vườn 3 - 4m. Năm nay, nước lũ làm sạt lở, đổ 16m tường rào, gây sụt lún, nứt tường nhà ngang, hư hại công trình phụ, công trình chăn nuôi, ông rất lo lắng. Xã đã huy động người dân kè lại đoạn sạt lở, ông đã yên tâm phần nào.
Trong những ngày, qua tại thôn 1 xã Cẩm Lĩnh, tuyến đường quốc phòng ven biển sạt lở 10 điểm, với chiều dài hơn 1km làm ảnh hưởng tới 15 hộ dân, được chính quyền di dời đến nơi an toàn và làm biển cảnh báo ngăn cấm người qua lại khu vực nguy hiểm do sạt lở. Tại kè biển thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, triều cường đã làm sạt lở tuyến kè biển đoạn qua đây. Trước tình hình đó, huyện Cẩm Xuyên huy động lực lượng tại chỗ, chỉ đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể sớm khắc phục tình hình, đảm bảo đời sống nhân dân.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, trước tình trạng sạt lở đất ở các địa phương bên sông Ngàn Mọ, đường ven biển xã Cẩm Lĩnh và sạt lở kè biển ở Cẩm Nhượng, huyện đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương nhanh chóng huy động lực lượng giúp nhân dân kè lại những điểm xung yếu. Đồng thời, chính quyền địa phương cảnh báo người dân trước diễn biến mưa lớn sau bão để có phương án tránh trú an toàn. Hiện các điểm sạt lở đã được kè và gia cố an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện đề xuất tỉnh có giải pháp bền vững để đảm bảo đời sống tại những điểm xung yếu này giúp nhân dân yên tâm định cư sinh sống.
Từ đêm 27/9 đến nay, tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực ven biển có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, nhiều nơi gió giật cấp 9 kèm theo mưa lớn. Tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, thị xã Kỳ Anh chủ động phương án bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở ven sông, biển, vùng xung yếu. Đặc biệt là tuyên truyền, hỗ trợ người dân vùng trũng di dời đến nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, lượng mưa đo được tại một số Trạm thủy văn ở Hương Khê là 124,0mm, Hương Trạch 115,0mm, Chu Lễ (Đức Thọ) 101,0mm, Thạch Đồng (Thạch Hà) 87,35mm... Mực nước một số hồ chứa dâng cao và đang xả tràn như Sông Rác xả 30m3/s, Bộc Nguyên xả 10m3/s...và thủy điện Hố Hô xả tràn 69m3/s. Trước dự báo mưa lớn do hoàn lưu sau bão sẽ xảy ra trên diện rộng, tỉnh Hà Tĩnh gấp rút chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, ban, ngành có biện pháp hỗ trợ người dân trong vùng xung yếu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Ứng phó với bão Noru: Gia Lai vận hành xả nước qua tràn hồ Ka Nak và An Khê Sáng 27/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Gia Lai đã phát lệnh vận hành hồ chứa, xả nước qua tràn hồ Ka Nak và An Khê vào 9 giờ 30 phút ngày 27/9 đến khi kết thúc đợt mưa do bão số 4 (bão Noru) gây nên. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy...