Hà Tĩnh: Dạy thêm vẫn tràn lan, khó kiểm soát
Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, tuyệt đối không được dạy thêm cho đối tượng học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/tuần. Nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan.
Học sinh “bội thực” học, giáo viên thu đủ
Theo tìm hiểu của Dân trí, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương việc chấn chỉnh ngay việc dạy thêm, học thêm, tuyệt đối không được dạy thêm cho học sinh (HS) tiểu học, HS học 2 buổi/tuần. Thế nhưng, thực tế chỉ đạo trên đã không được thực hiện một cách nghiêm túc. Tình trạnghọc thêm, dạy thêm ở Hà Tĩnh vẫn cứ diễn ra ở hầu hết các cấp, ở các địa phương. Ngoài thời gian học chính, hầu hết các trường đều tổ chức học thêm, có trường học thêm 3 buổi/tuần, có trường học 2 buổi/tuần, và số tiền học thêm mỗi trường cũng khác nhau. Hết học ở trường, HS “bù đầu” vào học các trung tâm dạy thêm được tổ chức dưới các hình thức khác nhau. Trong một tối, nhiều HS tham gia học thêm đến 2 môn, còn một cô giáo mở đến 2 lớp chia thành 2 ca: ca một từ 17h15 đến 19h15, ca thứ 2 từ 19h15 đến 21h15.
Tận mục sở thị tình trạng dạy thêm học thêm tại TP Hà Tĩnh, không khó để tìm một lớp học thêm với đủ các môn, các khối, trong đó đặc biệt là cấp THCS và THPT. Nơi xôm tụ nhất về những “trung tâm dạy thêm” ở thành phố này là tuyến đường Nguyễn Du. Những trung tâm dạy thêm ở tuyến đường này đêm nào cũng đỏ đèn, giáo viên (GV) thay nhau đứng lớp. Nổi danh nhất về chuyện dạy thêm ở đây phải kể đến cơ sở do cô giáo T – GV bộ môn Hóa của Trường THPT chuyên Hà Tĩnh tổ chức. Một HS học thêm tại trung tâm này cho biết, mỗi tối trung tâm này hoạt động 2 ca, từ 17h15 đến 19h15, ca thứ 2 từ 19h15 đến 21h15.
Ngoài lớp học này, ở phía đối diện (bên kia đường), trung tâm dạy thêm của cô S còn có một phòng dạy thêm khác. Trung tâm của cô S. có sự tham gia của nhiều giáo viên khác trên địa bàn TP Hà Tĩnh
Em T, một HS học THCS trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho biết, trung bình mỗi tuần em học thêm tới 10 buổi, trong đó một phần 3 thời gian là học thêm ở trung tâm của cô T. Chi phí cho mỗi buổi học thêm ở đây dao động từ 20-30 ngàn đồng/buổi, mỗi lớp có từ 30-40 em. T. cho hay, dù ăn uống, sinh hoạt không đúng giờ, nhiều hôm mệt mỏi nhưng vì những mục tiêu phía trước mà phải học. Hỏi về chuyện “bội thực” học của con, bố mẹ T. bình thản: “Bây giờ là phải học thôi chú ạ, nếu không cho con đi, lỡ nó thua kém bạn bè thì ngại lắm. Hơn nữa, năm nay, anh chị đã hướng cho cháu thi vào đại trường chuyên Hà Tĩnh, nên việc học thêm lại càng phải chú trọng”.
Ở cấp 1 thì chủ yếu các phụ huynh cho con mình học thêm tiếng Anh, Tin học. Chị H., một người dân ở phường Đại Nại cho biết, ở đây người ta đua nhau cho con học thêm, miễn sao có lớp cho con họ học là họ đăng ký ngay. Theo lý giải của chị H., việc chị cho con đi học là do vợ chồng phải đi làm cả ngày không có thời gian để chăm con, nên cách tốt nhất là gửi cho đi học thêm tại nhà thầy cô giáo, thứ 2 là họ sợ con mình bị tụt lại so với con hàng xóm. Kết quả như chị H. thừa nhận, là cậu con trai của chị gần như phải “vùi đầu” vào sách vở suốt cả ngày và đêm.
Tại thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên), số GV tổ chức những lớp dạy thêm tại nhà trên địa bàn thị trấn không phải là chuyện hiếm, trong đó như thừa nhận của nhiều hiệu trưởng, có nhiều trường hợp chưa có giấy phép đăng ký.
Một phụ huynh ở thị trấn Cẩm Xuyên có con học lớp 7, Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên cho biết ngoài 3 buổi học thêm vào buổi chiều ở trên lớp, thì con chị mỗi tuần học 3 buổi vào buổi tối tại nhà cô giáo.
Video đang HOT
Còn một phụ huynh có con đang học lớp 4 tại một trường ở Cẩm Xuyên cho biết con chị đi học suốt cả ngày. Chị cho biết con chị ngoài học chính khóa vào buổi sáng thì còn phải đi học thêm 5 buổi chiều ở trường. “Ở đây nhiều nhà có điều kiện cũng cho con đi học thêm vào buổi tối tại nhà thầy giáo, cô giáo, nhiều người còn chở con lên thành phố để học thêm, chủ yếu là học thêm tiếng Anh hoặc tin”.
HS bội thực học thêm là một vấn đề nhức nhối, nhưng nguồn thu của GV, của các cơ sở dạy thêm không chỉ người dân mà nhiều GV trong nghề cũng phải “giật mình”. Một GVn (xin giấu tên) tại trường chuyên Hà Tĩnh từng tiết lộ, thu nhập bằng nghề dạy thêm của một số GV ở trường này mỗi tháng không dưới 50 triệu đồng. Con số này, đối chiếu với thực tế, không chênh lệch là bao. Tại một cơ sở dạy thêm mà chúng tôi tìm hiểu, trung bình mỗi lớp có 35 HS, mỗi em 30/ngàn đồng đã cho con số trên 1triệu đồng/ca. Mỗi đêm có 2 ca, mỗi ca có 2 lớp, như vậy sau khi trừ đi chi phí các khoản: quản lý dạy thêm, học thêm, tiền điện, nước, sửa chữa cơ sở vật chất…, chủ cơ sở bỏ túi hàng triệu đồng/đêm, đó là chưa kể việc dạy thêm, phụ đạo thêm tại nhà cho con em các gia đình có điều kiện.
Khó nắm bắt, kiểm soát
Theo tìm hiểu, đa phần phụ huynh xác nhận, việc học thêm là tự nguyên, theo ý của các phụ huynh, nhưng cũng không ít phụ huynh băn khoăn và không khỏi lo lắng vì bất đắc dĩ phải cho con cái của mình đi học. Có nhiều gia đình dù khó khăn vẫn cố gắng cho con học thêm, ít nhất là một môn. Điều này vô tình đã tạo ra một cuộc đua ngầm về học thêm. Và cũng nắm bắt tâm lý đó, nhiều GV đã mở lớp dạy thêm ở nhà và đương nhiên tất cả các phụ huynh đều nhất trí và có đơn từ thủ tục đúng quy đinh.
Tuy nhiên, cũng không ít lớp học thêm tại nhà mà GV không đăng ký với nhà trường và phụ huynh HS cũng không cần viết đơn mà chỉ gặp GV dạy thêm xin học là được. Thầy Hoàng Văn Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Sau khi có quy định của Bộ, quy định của UBND tỉnh, trường cũng đã có buổi làm việc với các GV trong trường. Ai có nhu cầu dạy thêm thì phải đăng ký đúng quy trình thủ tục”. Thầy Hạnh thừa nhận, chưa hề có một GV nào đang ký xin dạy thêm với nhà trường, nhưng hiện nay vẫn có một số GV vẫn đang tiến hành dạy thêm tại nhà, con số cụ thể thì nhà trường vẫn chưa nắm hết.
Các học sinh được cô giáo, nhà trường “ngụy trang” cho những đơn xin học thêm tự nguyện như thế này.
Phó hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nhà trường tổ chức học thêm một tuần 2 buổi, một buổi giá 10 nghìn. Cái này đã được đưa ra trong buổi họp phụ huynh đầu năm và đã được 100% phụ huynh nhất trí và làm đơn tự nguyện xin học”. Người này cũng cho biết số tiền học thêm mỗi trường một khác, ở thành thị, thành phố thì tiền thu sẽ khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quốc Hiền – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Cái khó khăn nhất trong quy định mới về học thêm, dạy thêm là GV trực tiếp giảng dạy không thu tiền thì ai thu, GV dạy bồi dưỡng không thu thì lấy tiền đâu mà trả?”.
Cũng theo ông Hiền dạy thêm, học thêm trở nên tốt hay xấu xuất phát từ động cơ dạy học của GV. “Có nhiều GV tâm huyết với nghề thì họ chỉ muốn truyền đạt kiến thức cho HS, tuy nhiên cũng có một bộ phận GV có động cơ dạy thêm không chính đáng. Dạy thêm thu tiền mà chất lượng dạy kém thì rất đáng lên án. Bây giờ dạy thêm, học thêm muôn hình vạn trạng nên rất khó nắm bắt, kiểm soát” – ông Hiền cho biết thêm.
Hà Phương
Theo dân trí
Bộ trưởng GD: Sẽ thanh tra việc dạy thêm
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng GD-ĐT đã gửi Quốc hội kết quả thực hiện lời hứa sau các phiên chất vấn ở kỳ thứ 2, 3 về chuyện dạy thêm, lạm thu...
Tại kỳ họp thứ hai, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận được nhiều câu hỏi về việc quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh phổ thông.
Báo cáo QH tại kỳ họp này, ông Luận cho biết, đã ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trong đó có những quy định mới và cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc dạy thêm học thêm chính đáng. Ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không lành mạnh, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Như báo cáo của các địa phương và kiểm tra đầu năm học mới 2012-2013 cho thấy: Tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn còn tồn tại, có nơi khá phổ biến.
Nguyên nhân là do nhu cầu của xã hội coi trọng bằng cấp và lo lắng của cha mẹ học sinh đã gây áp lực lên việc học hành của con cái.
Thứ hai, do một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm. Thứ ba, do việc quản lý dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về về dạy thêm, học thêm chưa thường xuyên, hiệu quả; các vi phạm về dạy thêm, học thêm tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định, sẽ tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình dạy thêm học thêm ở một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có nổi cộm vấn đề dạy thêm, học thêm tăng cường quản lý nhà nước, có biện pháp quyết liệt. Sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Chấm dứt lạm thu
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thông tin vắn tắt việc thực hiện lời hứa giải quyết tình trạng thu nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu ngoài quy định tại các trường phổ thông ở nhiều địa phương.
Theo đó, Bộ đã ban hành thông tư quy định về điều lệ đại diện cha mẹ học sinh và về tài trợ cho các cơ sở giáo dục.
Các tỉnh thành cũng đã đưa ra yêu cầu chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức của các cơ sở giáo dục trên địa bàn và sau đó cử các đoàn giám sát đi xuống địa phương. Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng... thực hiện tương đối tốt.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận là tại một số địa phương có rất nhiều khoản thu mang tính chất thu hộ như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, quỹ đội, khuyến học, chữ thập đỏ.
Một số các khoản có tính chất thỏa thuận như: học 2 buổi/ngày, nước uống, ăn trưa, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân (với học sinh bán trú), học phẩm, đồng phục học sinh, thuê sân bãi tập thể dục...
Một số ít địa phương có các khoản thu để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp.
"Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định trên để khắc phục tình trạng lạm thu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã xuất hiện trong danh sách dự kiến chất vấn tuần tới, song qua lấy phiếu thăm dò, lĩnh vực giáo dục đã phải "nhường" cho các vấn đề kinh tế, tài chính nóng bỏng.
Theo VNN
Cấm dạy thêm đối với bậc tiểu học và học sinh học 2 buổi/ngày Ngày 7.11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quy định nêu rõ, đối tượng học thêm là học sinh (HS) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình...