Hà Tĩnh: Cô giáo 20 năm cắm bản trồng người
Suốt hơn 20 năm về với bản Rào Tre, cô giáo Hoàng Thị Hương chưa một lần bỏ lớp. Không đơn thuần là cô giáo dạy chữ, cô còn là y sĩ, họa sĩ, ca sĩ đem cả bầu trời yêu thương đến với những đứa trẻ dân tộc Chứt dưới chân núi Ka Đay…
Người dân tộc Chứt định cư ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đến nay ngót nghét đã gần 30 năm. Cũng ngót nghét gần chừng ấy thời gian cô giáo Hoàng Thị Hương (sinh năm 1975) bám bản, sát cánh cùng bộ đội biên phòng Hà Tĩnh nhọc nhằn gieo chữ cho những đứa trẻ mà chúng sinh ra chỉ biết đến núi rừng.
Cô giáo Hoàng Thị Hương với trẻ em người dân tộc Chứt.
Nhớ lại ngày quyết định về quê gắn bó với những đứa trẻ người Chứt, cô Hương không thể nào quên được chuỗi ngày dày công thuyết phục gia đình đồng ý để cô trở về quê công tác. Ấy là năm 1995, khi chuẩn bị rời trường đạo tạo hệ mầm non, cô trở về nhà thông báo với gia đình sẽ xin trở về quê dạy chữ, truyền niềm thương cho những đứa trẻ ở bản Rào Tre.
Nghe cô nói, không ai trong gia đình đồng ý. Đường lên bản hồi ấy đi lại cách trở, mùa mưa nếu không cẩn thận sông suối có thể nuốt chửng bất cứ lúc nào. Những chiến sĩ biên phòng có sức khỏe và chuyên môn tốt cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận lũ trẻ.
“Tôi đã được người thân, bạn bè cảnh báo những đứa trẻ ở bản Rào Tre chỉ thích theo dấu vết từng con thú, từng quả đồi, ngọn cây. Con chữ, lớp học là không có trong đầu của chúng. Rồi tôi lại được cảnh báo nếu chọn bản Rào Tre chắc chắn tuổi xuân sẽ bị chôn vùi ở đó” – cô Hương rưng rưng nhớ lại.
Việc vận động, đưa những đứa trẻ người dân tộc Chứt tới lớp học rất gian truân.
Bị phản đối, nhưng trong sâu thẳm cô Hương vẫn tin rằng cô sẽ làm được gì đó cho lũ trẻ, chí ít là cô sẽ mang đến cho chúng những nụ cười, niềm thương. Tin vào ý nghĩ tốt đẹp ấy, cô từng bước thuyết phục thành công những người thân có ý định phản đối.
Quyết tâm lắm, nhưng những ngày đầu được tiếp nhận về với Trường Mầm non Hương Liên phụ trách điểm lẻ bản Rào Tre, ngay cả khi được trường và bộ đội biên phòng giúp đỡ hết sức, cô giáo trẻ vẫn không thể ngờ con đường cô đi khó khăn gấp bội phần so với suy nghĩ của mình.
“Khó nhất là đưa được những đứa trẻ của bản tới lớp. Nếu không có quyết tâm, tình yêu với lũ trẻ hẳn là tôi đã bỏ cuộc” – cô Hương kể.
Lớp học của những đứa trẻ dân tộc Chứt được ghép tạm bợ tại hội quán của bản Rào Tre.
Hồi ấy, để khai sáng những đứa trẻ dân tộc Chứt, chính quyền và biên phòng Hà Tĩnh đã dựng lên ngay tại chính hội quán của bản một lớp học. Nhưng buồn thay, suốt nhiều năm lớp học lúc ấy không có một bóng học sinh. Lí do đơn gian là lũ trẻ thấy lạ khi được đưa đến lớp, chúng đã quen mỗi buổi sáng nép mình với bố mẹ trong những căn nhà sàn ẩm thấp.
Video đang HOT
“Muốn các em đến lớp không còn cách nào khác phải đến tận nhà đưa đi, phải nhờ cả già làng, thầy mo đến tận nhà thuyết phục bố mẹ đưa các cháu đến lớp học. Không hiệu quả, chúng tôi đã ngồi lại và quyết định bỏ công đến tận nhà đưa các em tới lớp” – cô Hương kể nổi vất vả những ngày đầu với lũ trẻ dân tộc Chứt.
Cô Hương đến từng nhà ở bản Rào Tre để đón các em tới lớp học. Cô đã làm đủ cách mới tách được các em ra khỏi bố mẹ của mình.
Hành trình đến lớp của cô Hương bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy cho đến lúc mặt trời đã lặn khuất sau đỉnh núi. Lớp học nằm bên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, bị cắt với bên ngoài bằng con suối. Mùa khô thì đi lại thuận lợi hơn chút ít, nhưng mùa mưa thì thật đáng sợ. Con suối nhỏ lắm lúc như cái miệng hà bá, sẵn sàng nuốt chững bất cứ ai đi qua nó. Nhưng mặc hiểm nguy, gian truân, cô giáo Hương vẫn lặn lội đến nhà từng em học sinh, đánh thức các em dậy, rửa mặt, súc miệng rồi đưa các em đến lớp. Ngày 4 lần sáng, trưa, chiều, tối cô đưa đón các em đến tận nhà.
“Thời gian đầu thì rất vất vả do các cháu không tắm rửa, người bẩn có nhiều mùi hôi, nhiều cháu còn bị ghẻ, lở… nhìn các cháu như thế, em cảm thấy thương nhiều hơn sợ” – cô Hương tâm sự.
Suốt nhiều năm qua, cô Hương dùng xe máy chở học sinh tới lớp.
Cô Hương tận tình đến thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chịu đến lớp. Bọn trẻ lạ cô, sợ cô bắt đi mất. Đến lớp, thoắt cái chúng đã lẻn ra bìa rừng rồi đi thẳng về nhà. Nhiều lúc cô tá hỏa, sợ các cháu rơi xuống suối, nước cuốn trôi.
Nhiều lúc bất lực, cô phải nhờ cả trưởng bản, già Hồ Púc cùng đến lớp. Cô dạy ở trong lớp, già Púc lại ngồi túc trực bên ngoài, đến cuối buổi cô giáo Hương lại cùng già Hồ Púc đưa từng cháu về nhà.
“Phải mất gần 2 năm trời các cháu mới bắt đầu quen cô, mới hiểu cô, mới có thể cho cô tự đưa đón các em” – cô giáo Hương nhớ lại.
Bớt tiền lương nuôi học trò
Công việc rất nặng nhọc, gian truân, nhưng tiền lương, phụ cấp quá ít ỏi, nếu không có nghị lực, tình thương lũ trẻ cô Hương khó lòng trụ lại. Suốt 7 năm ròng, từ năm 1995-2002, cô chỉ được nhận 20kg thóc của xã và 200 nghìn đồng/tháng phụ cấp từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê.
Khoản “lương” mà cô Hương nhận được là quá nhỏ bé, nhưng vẫn còn khá hơn so với đời sống của bà con dân tộc Chứt. Vốn du canh, du cư, sống bám con suối, thân cây, nên người Chứt đói quanh năm, chỉ sống được nhờ vào lúa gạo cấp phát từ biên phòng. Những đứa trẻ ở độ tuổi từ 3 – 5 tuổi được hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng/cháu, có khi cấp gạo buổi sáng, buổi tối họ âm thầm, trốn biên phòng băng qua suối đổi rượu. Đàn ông, đàn bà say khướt, còn lũ trẻ chịu cảnh đói lả.
“Thương lắm ấy. Nhiều hôm các cháu đói lả vì không có gì lót bụng” – cô Hương kể.
Thế là tình thương trong con người cô giáo Hương lại càng thêm trỗi dậy. Lập gia đình, thiếu thốn đủ bề, nhưng cô Hương đã “xẻ” một phần lương, phụ cấp của mình cho học trò của bản. Nhiều lúc cô còn bỏ tiền túi ra để mua sách vở, quần áo, đồ chơi, bánh kẹo và còn mang thêm gạo ở nhà đến để thêm vào khẩu phần ăn cho các em.
Bây giờ lương và phụ cấp đứng lớp của cô Hương đã khá hơn chút đỉnh, tất tần tật khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Nhìn còn số nghĩ lớn, nhưng nhẩm tính công việc mỗi ngày, tiền đưa về nuôi con của cô giáo có thâm niên 22 năm bám bản Rào Tre chỉ còn phân nửa.
Để đón, đưa 18 cháu tới lớp, về nhà (từ nhà các em tới lớp trung bình 1 cây số), trung bình một ngày cô Hương phải chạy hơn chục chuyến xe. Hơn chục km mỗi ngày như thế tiền xăng xe cô tự chịu. Rồi cô vẫn tiếp lặng lẽ bỏ tiền túi ra để mua sách vở, quần áo, đồ chơi cho các em khi phần cấp của phía trường chưa đủ.
Ngày hơn chục chuyến đưa đón các em học sinh người Chứt, nhưng chi phí xăng xe ấy cô Hương trích từ trong đồng lương của mình.
Không chỉ là cô giáo, cô Hương cũng là người đặt tên cho nhiều đứa trẻ người Chứt. Nhiều năm cắm bản cô Hương đã hiểu ngôn ngữ, suy nghĩ của dân tộc Chứt, nên những cái tên mà cô đặt đều khiến dân bản rất thích.
Với bà con dân tộc Chứt, cô Hương đã là thành viên của bản Rào Tre. Cô Hương đã mang lại quá nhiều niềm vui, niềm thương cho lũ trẻ, là người mẹ thứ hai của vô số đứa con. “Cô Hương là người tuyệt vời. Con em biết cái chữ, ấm cái bụng là nhờ 1 phần của cô Hương. Ai cũng yêu cô Hương lắm” – chị Hồ Thành, một người mẹ có con được cô Hương dìu dắt nói với tôi.
Tình cảm ấy càng khiến cô Hương thêm lưu luyến lũ trẻ ở bản Rào Tre. Cô đã nhiều lần từ chối chuyển điểm trường để lại với các em. “Nhà trường mấy lần đề xuất để cô Hương chuyển công tác vì thấy cô vất vả quá. Nhưng một phần cô Hương còn muốn gắn bó với bản, một phần nhà trường từng điều động giáo viên khác về nhưng học sinh không đến trường vì họ đã quen cô Hương rồi” – cô Nguyễn Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Liên tâm tình.
Với những cống hiến cho sự học ở bản Rào Tre, năm 2015 cô giáo Hoàng Thị Hương được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015.
Cô giáo Hoàng Thị Hương nhận bằng khen điển hình tiên tiến của Bộ GD&ĐT
Bằng khen ấy với cô Hương là niềm vui, nhưng cô nói, không có gì vui hơn là nhiều đứa trẻ ở bản Rào Tre giờ đã biết chữ…
(Còn nữa)
Văn Dũng
Theo Dân trí
Ấm áp ngôi nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh
Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh từ lâu đã là ngôi nhà đặc biệt của học sinh người dân tộc thiểu số Hà Tĩnh. Nơi đây quy tụ hàng trăm em học sinh đến từ hơn 10 dân tộc với nhiều hoàn cảnh khác nhau cùng học tập và lớn lên.
Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được thành lập vào năm 1996. Đây là cơ sở giáo dục công lập chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho các em dân tộc thiểu số, con em gia đình dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh
Hàng năm có hàng trăm em học sinh từ nhiều dân tộc thiểu số tại Hà Tĩnh như: Chứt, Lào, Mường, Thái, Mán, Nguồn, Tày, Khơ-me, Sán Dìu, Mã Liềng đến lưu trú và học tập.
Trải qua hàng chục năm xây dựng, đến nay hàng ngàn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã được rèn luyện, học tập và trưởng thành.
Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường có 220 em học sinh, trong số đó có 208 em là người dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Lào 98 em, dân tộc Mường 44 em, dân tộc Mán 30 em và nhất là có 20 em dân tộc Chứt... Số học sinh này đến từ nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn...
Ngôi trường này quy tụ hàng trăm em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Tĩnh
"Mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục khác nhau nên việc giúp các em hòa nhập, học tập cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và trách nhiệm của cán bộ giáo viên, tất cả các em đã như trong một nhà khi ở nội trú và học tập ở trường", thầy Phước cho biết.
Theo thầy Phước, khó khăn nhất là việc giúp các em học sinh dân tộc Chứt hòa nhập và học tập tại trường. Trình độ văn hóa, nhận thức, phong tục... của người dân tộc Chứt vẫn còn có khoảng cách khá lớn so với các dân tộc còn lại. Nhiều lúc, các em chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng bản địa khiến các giáo viên gặp khó khăn trong việc giao tiếp, dạy dỗ các em.
Ngoài kiến thức, việc dạy kỹ năng sống và giúp các em học sinh dân tộc hòa nhập cộng đồng là rất quan trọng.
"Có em dân tộc Chứt, khi bình thường thì vẫn ra ngoài chơi vui vẻ với các bạn, nhưng cứ đến giờ học là trốn ở phòng, thầy cô bạn bè thuyết phục thế nào cũng không chịu đi học. Có em thì học được vài bữa lại bỏ về nhà. Nhưng cũng có nhiều em, trong quá trình học tập đã hòa nhập rất tốt, dần mạnh dạn hơn rất nhiều. Nhà trường cũng thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cán bộ ở địa bàn dân tộc Chứt nói riêng và các dân tộc khác nói chung để phối hợp tốt trong việc quản lý, dạy dỗ các em", thầy Phước chia sẻ.
Không giống như nhiều ngôi trường khác, trường THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh ngoài việc giảng dạy kiến thức, thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất là trau dồi, phát triển kỹ năng sống, tự lập và hòa nhập cho các em học sinh.
Ngay từ khi nhập học và ở nội trú, các giáo viên trong trường luôn phải thay nhau cùng xuống sinh hoạt với các em. Mỗi phòng ở nội trú có 6 đến 8 em. Các giáo viên dạy các em từ những điều nhỏ nhất như giờ ăn, giấc ngủ, giặt quần áo đến vệ sinh cá nhân...
Vì học sinh ở đây có nhiều lứa tuổi với tâm sinh lý khác nhau, nên việc nắm bắt tâm lý các em cũng rất quan trọng. Ngoài giờ lên lớp, tối nào các thầy giáo cũng luôn phải thay phiên nhau ở lại để đồng hành với các em trong ăn uống, sinh hoạt và học tập hàng ngày.
Nhờ sự tận tình của cán bộ giáo viên và nhân viên trong trường, chỉ sau một thời gian nhập học thì hầu hết các em học sinh đã biết làm mọi việc để tự lập cuộc sống của mình.
"Việc quản lý và dạy dỗ các em học sinh dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn, vất vả hơn so với nhiều ngôi trường khác. Tuy nhiên, nếu đến với các em bằng cái tâm, quan tâm và yêu thương bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm thì sẽ cảm nhận được niềm vui rất lớn khi được chứng kiến các em trưởng thành, hòa nhập cộng đồng trong quá trình học tập và phát triển tại trường", thầy Phước xúc động cho biết.
Theo infonet
Nữ sinh bất ngờ khi biết tin đạt điểm Văn cao nhất nước Là học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học, song Trần Thị Quỳnh Anh vẫn xúc động mạnh khi biết đạt 9,75 điểm Ngữ văn. Mấy hôm nay, quầy tạp hóa của gia đình anh Trần Hậu Trí (45 tuổi, trú phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) tấp nập người vào ra chúc mừng. Con gái anh là Trần Thị...