Hà Nội yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo vụ thi tuyển viên chức
(PL ) – UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo vụ “đánh trượt” thi tuyển viên chức tại Hội đồng tuyển dụng quận Đống Đa.
Trong văn bản số 215/VP-VX về việc xử lý vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2015, ông Lê Hồng Sơn- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Nội vụ kiểm tra, xử lý nội dung Pháp luật Plus nêu.
Ông Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu Sở này trả lời báo và báo cáo UBND Thành phố Hà Nội trước ngày 20/1/2016.
Trước đó, như Pháp luật Plus đưa tin, chị Vũ Phương Nhi (22 tuổi), trú tại 47 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm-Hà Nội) gửi đơn tới Pháp luật Plus phản ánh: “Chị Nhi tốt nghiệp loại giỏi đại học chính quy, đại học Giáo dục thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội với chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn và đã được bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với số điểm 9,4 niên khóa 2011-2015″.
Video đang HOT
Đơn khiếu nại gửi tới Phapluatplus. Ảnh: Du Nghĩa.
Ngày 18/10/2015, Phương Nhi tham gia thi tuyển viên chức dạy ngữ văn trường THCS Láng Hạ với số báo danh 468. Tháng 11, theo thông báo của Hội đồng tuyển dụng (HĐTD) quận Đống Đa, Phương Nhi đạt số điểm như sau: Điểm TH 66,5 điểm; điểm HT 79,24 điểm; điểm TN 79,24 điểm. Tổng số điểm là 291,48.
Cũng theo chị Phương Nhi: “Tôi được bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với số điểm 9,4 (theo hệ 10) nên tương đương 94 điểm (theo thang điểm 100) và đã được xếp loại giỏi. Như vậy, điểm tốt nghiệp của tôi là 94. Do đó, thông báo của HĐTD quận Đống Đa xác định điểm tốt nghiệp của tôi chỉ là 79,24 là không đúng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi”.
Không chấp nhận với cách tính điểm của HĐTD quận Đống Đa, chị Vũ Phương Nhi đã làm đơn khiếu nại gửi lên HĐTD quận Đống Đa để xem xét và được giải quyết những thắc mắc.
Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại của thí sinh Vũ Phương Nhi, HĐTD quận Đống Đa đã có văn bản số 35/HĐTD, ngày 30/11/2015, trả lời chị Nhi như sau: “Căn cứ vào khoản 3, điều 12, Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định: Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 2″.
Đến ngày 6/11/2015 Sở Nội vụ UBND TP.Hà Nội có công văn số 2772/SNV-ĐTBDTD trả lời công văn số 28/HĐTD ngày 05/11/2015 của HĐTD quận Đống Đa khẳng định: “trường hợp thí sinh được làm khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp thì điểm khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp được thay thế 2 môn thi tốt nghiệp kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên môn).
Vũ Phương Nhi trao đổi với phóng viên. Ảnh: Phú Đô.
Tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/04/2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Tại khoản 2, điều 12 quy định về cách tính điểm nêu rõ: “điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.
Cũng theo khoản 2, điều 12 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1. Nghị định cũng không phân biệt môn điều kiện hay không điều kiện, trong trường hợp không đủ điểm để tính điểm tốt nghiệp theo quy định trong tuyển dụng sẽ thực hiện quy đổi theo quyết định số 3446/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 của UBND TP.Hà Nội.
Chưa dùng lại ở đó, đến ngày 26/11/2015, Sở Nội Vụ lại tiếp tục “tung” ra công văn số 2973/SNV-ĐTBĐT gửi cho HĐTD viên chức quận, huyện, thị xã thuộc TP. Hà Nội lại nêu: “trường hợp đào tạo theo hệ thống tín chỉ kể cả Thạc sỹ, thực hiện tính điểm theo quy định tại khoản 3, điều 12, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”.
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo vụ thi tuyển viên chức tại quận Đống Đa.
Nếu theo 2 công văn của Sở Nội Vụ cũng có thể thấy, việc thí sinh học theo hình thức tín chỉ sẽ được áp dụng tính theo khoản 3, điều 12 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP. Còn đối với thí sinh được đào tạo theo hình thức niên chế sẽ được áp dụng theo khoản 2, điều 12.
Như vậy, có thể thấy rõ, việc một số thí sinh bị trượt thi giáo viên công chức tại HĐTD quận Đống Đa đang có nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc Sở Nội Vụ UBND TP.Hà Nội ban hành 2 công văn chỉ cách nhau 20 ngày, nhưng công văn này lại “đá” công văn kia đang có nhiều vướng mắc cần làm rõ.
Pháp luật Plus tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo PL