Hà Nội vẫn nhiều nơi lạm thu tiền trường
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến khai giảng năm học mới 2018-2019, thế nhưng câu chuyện lạm thu tiền trường đầu năm học vẫn tiếp tục đeo bám các bậc phụ huynh. Nhà trường luôn “sáng kiến” với các khoản thu, còn phụ huynh vì lo lắng chuyện học cho con mà đa số chịu cảnh ấm ức.
Vẫn có hàng loạt các khoản thu bất hợp lý đầu năm học. Ảnh minh họa: KT
Phát hoảng vì bị “dội” tiền trường
Trong tuần qua, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (ở Long Biên, Hà Nội) phản ánh, cuối tháng 7, khi họ đăng ký nộp hồ sơ cho con vào học tại trường thì nhận được thông báo mua SGK, đồ dùng học tập nhưng không ghi giá tiền. Đầu tháng 8, khi nhận sách và đồ dùng học tập, phụ huynh phải nộp lên tới hơn 734.000 đồng/học sinh. Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng thêm nhiều khoản khác như: Đồng phục, mũ, ghế với số tiền 895.000 đồng; học kỹ năng sống 300.000 đồng; tạm ứng sửa cơ sở vật chất 1 triệu đồng. Tổng các khoản phụ huynh phải đóng trước năm học mới lên tới gần 3 triệu đồng, nhưng lại không có biên lai thu tiền.
Sau khi phụ huynh phản ánh, theo chỉ đạo của quận, nhà trường phải trả lại hết cho phụ huynh các khoản thu sai trong ngày 27/8. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Long Biên cho biết: Đại diện nhà trường đã làm việc với các phụ huynh và đã trả lại những khoản thu không đúng. Những gì nhà trường thu chưa đúng, Phòng GD&ĐT quận Long Biên đã chỉ đạo trả lại cho phụ huynh. Tới nay, cơ bản đã hoàn lại đủ tiền, đối với những khoản tiền khác còn lại, nhà trường sẽ cử người đến tận nhà để trả hết và yêu cầu cha mẹ học sinh ký xác nhận đã hoàn lại. Còn nhà trường cho biết, số tiền này đã được trả lại cho phụ huynh học sinh do giáo viên tự ý thu sai.
Trước đó, một bức “tâm thư” kêu gọi đóng góp từ phụ huynh lên tới gần 1 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng “sửng sốt”. Theo bức thư kêu gọi này, nhà trường đã đưa ra kế hoạch bổ sung và sửa chữa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập như sau: Mua mới 5 phòng và sửa chữa bàn ghế học sinh: 256,250 triệu đồng; lắp camera cho các lớp bán trú: 265 triệu đồng; sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng 450 triệu đồng. Tổng là 971,250 triệu đồng. Được biết, bức thư kêu gọi này là của một trường Tiểu học ở TP Hải Phòng và mới chỉ dừng lại ở mức “kêu gọi”.
Trên đây là hai trường hợp xảy ra hiện tượng thu sai, vận động quyên góp chưa đúng quy định đầu năm học 2018 – 2019. Trong khi phần lớn các trường công lập hiện nay đang ở mức “nghe ngóng”, chỉ thực hiện thu sau buổi họp phụ huynh đầu năm. Trong khi phụ huynh lo lắng với các khoản tiền trường có thể “biến tấu”, Bộ GD&ĐT lại cho rằng, để xảy ra vấn đề “lạm thu”, nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh, phụ huynh mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà Nước”; Ban Đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Chấp nhận hay “vùng lên”?
Dù Bộ GD&ĐT chỉ ra được nguyên nhân của lạm thu cũng như đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý những nơi xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, có thể thấy năm học 2017 – 2018 vừa qua, “được mùa” xử lý một loạt các sai phạm thu tiền tại một số trường học ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, nhiều lãnh đạo trường bị kỷ luật. Có thể thấy vai trò trong phòng chống lạm thu lại là… phụ huynh, bởi nếu không có sự lên tiếng của phụ huynh, chắc hẳn nhiều vụ việc đã không bị phơi bày. Thực tế cho thấy, một số nơi tái diễn lạm thu do sự “tiếp sức” từ phụ huynh, đặc biệt là Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Video đang HOT
Lo con bị trù dập khi thắc mắc, khiếu nại về các khoản tiền trường, nhất là khoản thu “đeo mác” tự nguyện, nhiều phụ huynh dù bức xúc nhưng vẫn ngậm ngùi đóng cho xong vì lo lắng con bị “ra rìa” nếu không đóng tiền. “Đầu năm học khi được giáo viên thông báo các khoản, Ban Phụ huynh cũng dự chi rất nhiều khoản mua sắm kinh phí lớn… biết là hoạt động sai nguyên tắc của các khoản thu tự nguyện, nhưng hầu hết phụ huynh không bằng lòng nhưng vẫn phải đóng. Hơn nữa, nếu biết mình đi phàn nàn ở nơi khác, chỉ có nước chuyển trường cho con vì nhà trường cho rằng mình chống đối, kiện cáo”, anh Trần Trung Tuyên, phụ huynh ở Hà Nội tâm sự.
Về giải pháp chống lạm thu, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trên thực tế hiện nay khi ngân sách chưa đủ để đảm bảo các hoạt động giáo dục, nên rất cần sự ủng hộ về vật chất từ xã hội, đặc biệt là phụ huynh. Tuy nhiên, cách thức hoạt động trong công tác thu tiền xã hội hóa hiện ở một số nơi chưa đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu chi. Khâu phát động, quyên góp còn thực hiện theo phương thức “bổ đầu”, gây bức xúc đối với phụ huynh. Ngoài ra, một số trường còn tự ý thu các khoản khi chưa được ngành Giáo dục chấp thuận, phụ huynh thông qua. Do đó, nếu quản lý chặt sẽ hạn chế được lạm thu.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ: “Trong phòng chống lạm thu, không nên đẩy hết trách nhiệm lên các bậc phụ huynh vì nhiều người không dám lên tiếng. Do đó, ngoài yêu cầu các địa phương chỉ đạo các trường phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thông qua các văn bản đã ban hành về quản lý thu, chi đầu năm. Tất cả các khoản thu tiền trường phải được công khai, minh bạch cho phụ huynh biết. Bộ GD&ĐT cùng các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý lạm thu”.
Trong những năm gần đây, các vụ việc phát hiện lạm thu tiền trường chủ yếu thông qua các phản ánh của phụ huynh tới các cơ quan báo chí. Ngành Giáo dục và địa phương cũng đã vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nhiều vụ việc. Đầu năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động thu, chi đầu năm học, bảo đảm các khoản thu đúng quy định hiện hành; khắc phục triệt để tình trạng lạm thu; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra vi phạm.
Quang Anh
Theo giadinh.net.vn
Hà Nội: Bị tố thu hàng chục khoản vô lí, trường chuẩn phải trả lại tiền
Từ tiền điều hòa, bảng nỉ, ghế nhựa, tủ bán trú, giá để cốc, chăn gối, đồng hồ, cây nước nóng, tiền sơn lại tường, mua SGK và sách tham khảo... đều là các khoản phụ huynh đóng cho con khi vào lớp 1 Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Hà Nội). Phụ huynh rất bức xúc bởi nhiều khoản thu không thuộc trách nhiệm của phụ huynh phải đóng cho trường.
Một số phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay tại Trường tiểu học Việt Hưng phản ánh với Dân trí về một số khoản thu vô lí. Trong 16 khoản thu được liệt kê ra, phụ huynh cho hay, chỉ có hai khoản là giá sách cũ của GVCN đã có và rèm cửa của khóa trước để lại là không phải đóng tiền. Còn lại 14 khoản như trên đây, phụ huynh phải đóng khi con vào lớp 1.
Ngoài bộ SGK, danh mục sách đầu năm có cả sách bổ trợ. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
Theo chị H. (phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay của trường), phụ huynh phải mua từ cái cốc đến ghế nhựa là rất vô lí. Cụ thể, phụ huynh phải đóng tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập với giá 734.000 đồng/học sinh trong khi trước đó, giáo viên chủ nhiệm không hề thông báo tới các phụ huynh chi tiết gồm những quyển gì, giá cả chi tiết ra sao.
"Khi phụ huynh đến nộp hồ sơ vào khoảng thời gian từ 13-18/7/2018, chỉ nhận được bản đăng kí có mua SGK và đồ dùng học tập hay không. Còn danh mục các cuốn sách và giá cả từng cuốn, chúng tôi không được biết. Khi nhận sách, đồ dùng cho con vào ngày 10/8, chúng tôi thấy quá lãng phí vì có những thứ học sinh đã được bố mẹ mua cho từ trước. Thậm chí, một số người không đăng ký mua vẫn được cô giáo phát cho.
Ngày đầu tiên, nếu thu theo đúng danh sách cô giáo gửi là 1.929.000 đồng. Số tiền này bao gồm các khoản: Tiền học kỹ năng sống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, mũ, ghế", chị H. cho biết.
Ngoài ra, theo liệt kê miệng của cô giáo, các học sinh còn phải đóng các khoản như điều hòa, giá để cốc, để dép, giá sách, gối, chăn, tủ bán trú... Nhà trường tạm thu các khoản này là tiền cơ sở vật chất 1.000.000 đồng. Khoản này giáo viên chủ nhiệm cũng thu hộ trường và không hề có biên lai.
Về SGK, theo ghi nhận của PV Dân trí, ngoài danh mục SGK với giá 83.000 đồng, bộ sách mà phụ huynh đóng tiền để mua ở đây, có thêm 10 cuốn sách bổ trợ với giá 208.000 đồng và bộ đồ dùng học tập 17 món với giá 378.000 đồng.
"Chúng tôi cũng không dám mua ngoài bởi danh sách cô giáo phát ra, sợ nếu mua ngoài đồ dùng của con mình không đúng như chuẩn của trường lại ngại. Do vậy, nhiều người đã đăng kí mua dù biết rằng nhiều cuốn bổ trợ chả để làm gì", chị H. nói.
Tổng số tiền mà phụ huynh phải đóng ban đầu gồm tiền Kĩ năng sống, SGK, đồng phục, ghế nhựa là khoảng 2 triệu đồng/học sinh.
Chị H. và một số phụ huynh rất bức xúc, trường chuẩn quốc gia mà phụ huynh học sinh phải mua từ cái cốc, cái chổi, cái gối, giá để dép, tủ bán trú, cây nước nóng... là không thỏa đáng.
Ngoài ra, theo một số phụ huynh, tại một số lớp học, các mảng tường đã bị bong tróc, phụ huynh muốn con có lớp sạch sẽ thì phải bỏ tiền ra đóng góp và tự sơn lại tường.
"Vì sao nhà trường không đứng ra lo về cơ sở hạ tầng mà phải là phụ huynh? Lớp bị bong tróc sơn, không đảm bảo vệ sinh cho các con, nếu nhà trường không đủ năng lực thì làm văn bản để kêu gọi toàn trường lại hoàn toàn khác", một phụ huynh cho hay.
Được biết, năm học 2014-2015, trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng bắt đầu đi vào hoạt động. Năm học 2016-2017, trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ở mức độ này, trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn cần thiết để tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện ở mức độ cao hơn.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 23/8, bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng cho biết, nhà trường không hề có chỉ đạo gì về những khoản thu như trên.
"Tất cả những giáo viên thu sai sẽ phải trả lại cho phụ huynh học sinh. Chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát, giáo viên nào thu sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm."
Đến nay, một số phụ huynh cho biết, nhà trường đã trả lại tiền một số khoản thu chưa phù hợp. Tuy nhiên, còn một số khoản khác như: tiền điều hòa, tiền sách giáo khoa, vẫn chưa thấy có thông báo gì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Cần công khai các khoản thu Bước vào năm học mới, học sinh (HS) đều đã chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập và tâm lý phấn khởi bước vào trường. Nhưng đối với phụ huynh, ngoài niềm vui tựu trường thì cũng là lúc lo lắng về các khoản thu phải nộp. Ảnh minh họa: Bích Loan Ngoài học phí còn có các khoản như bảo hiểm...