Hà Nội vẫn còn 16 điểm úng ngập khi có mưa trên các tuyến phố
Về giải pháp khắc phục úng ngập, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra chặt chẽ các công trình xây dựng đang thi công nhằm kiểm soát tốt thỏa thuận thoát nước.
Chiều 13/8, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Xây dựng đã thông tin về tình hình thực hiện việc bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành.
Các điểm úng ngập khi có mưa to luôn có mặt lực lượng công nhân thoát nước túc trực.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố đến nay vẫn còn 16 điểm úng ngập, với cường độ mưa khoảng từ 50-100mm/2h. Đó là khu vực phố Đội Cấn, đường Phạm Văn Đồng; phố Thanh Đàm (quận Hoàng Mai), phố Nguyễn Khuyến; ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; phố Trường Chinh; ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng; phố Cao Bá Quát; ngã ba La Pho – Thụy Khuê; phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); đường Ngọc Lâm; phố Hoàng Như Tiếp,…
Video đang HOT
Bên cạnh đó, vẫn còn các điểm ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp như: một số ngõ, ngách khu dân cư tại 12 quận nội thành, các tuyến đường ngoài khu đô thị như: QL 1A, QL 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), QL 32, QL 21B…
Các trạm bơm tiêu chính và công trình đầu mối kèm theo như trạm bơm Liên Mạc (giai đoạn 1 là 90m3/s), trạm bơm Đông Mỹ 60m3/s, trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65m3/s) chưa được đầu tư xây dựng, trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/2 đã lắp đặt hoàn thiện nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh xả, kênh dẫn chưa được đầu tư đồng bộ (mới vận hành tối đa 2/10 tổ máy); sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét và kè mái nên nhiều đoạn bị bồi lắng, lấn chiếm dẫn tới co thắt dòng chảy cũng là những nguyên nhân chính dẫn tới không đảm bảo thoát nước.
Về giải pháp khắc phục úng ngập, ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ các công trình xây dựng đang thi công nhằm kiểm soát tốt thỏa thuận thoát nước. Đồng thời đơn vị thực hiện thường xuyên việc duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, trọng tâm là đập Thanh Liệt, cụm công trình đầu mối Yên Sở, cụm công trình Bắc Thăng Long – Vân Trì và hệ thống hồ điều hòa, các trạm bơm cục bộ… đồng thời xây dựng kế hoạch ứng trực cụ thể, chi tiết cho từng khu vực; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và nhân lực để ứng phó khi có mưa lớn.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp tục nâng cấp phần mềm HSDC Maps, bổ sung các chức năng cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh của điểm ngập, đồng thời tương tác với người dân thông qua chức năng gửi thông tin sự cố… /.
Theo H.La/VOV.VN
Nơm nớp nỗi lo cây xanh gãy cành, bật gốc ở Hà Nội mùa mưa bão
Cứ đến mùa mưa bão, tình trạng cây xanh gãy cành, bật gốc tại Hà Nội gây nguy hại tới tính mạng, tài sản của người đi đường
Mới đây nhất vào rạng sáng 10/8, trận mưa dông tại thủ đô đã khiến một gốc cây lớn trên đường Trần Đăng Ninh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) bất ngờ đổ ra giữa lòng đường, khiến một người đi đường thiệt mạng. Thực trạng này đang đòi hỏi cần nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hiểm họa đối với người dân, nhất là khi mùa mưa bão năm nay đang có những dấu hiệu bất thường.
Bão số 3 đổ bộ vào đất liền đêm 2/8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, mang theo mưa lớn trên diện rộng.
Do ảnh hưởng của mưa bão số 2, tối 3/7, tại phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, một cây xanh bất ngờ đổ xuống đường khiến hai người phụ nữ đi xe máy bị thương. Rạng sáng 9/8, Hà Nội có mưa lớn kèm gió to, một cây phượng trên đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy cũng bất ngờ gãy đổ, đè trúng người đàn ông điều khiển xe máy đi ngang khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Còn tại nhiều quận huyện của Hà Nội, mỗi khi trời mưa bão cũng xảy ra tình trạng cây đổ, tuy không làm ai bị thương nhưng điều đó cũng cho thấy cần phải xử lý cây xanh có nguy cơ gãy đổ, nhất là trong thời điểm mưa bão.
Có thể thấy, mỗi năm đến mùa mưa bão tại Hà Nội đều có không ít cây xanh bị bật gốc, gãy cành khiến nhiều người dân lo lắng. Chị Trần Thị Hiền, quận Thanh Xuân cho biết: "Mỗi mùa mưa bão hà nội đổ cây nhiều, nên mỗi khi trời mưa là tôi không dám ra đường, sau mỗi trận mưa có nhiều thông tin về cây đổ gây chết người hay đè vào ô tô nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Tôi rất mong muốn Hà Nội có biện pháp không để xảy ra tình trạng này nữa".
Hiện nay, phần lớn hệ thống cây xanh ở Thủ đô đã phát triển qua nhiều thời kỳ, với hệ thống cây bóng mát, cây cổ thụ có khi hàng trăm tuổi. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn tiềm ẩn khá nhiều. Ngoài ra, còn phải kể tới những tuyến đường có các loại cây tuy nhỏ nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm gãy đổ do đặc điểm thân cây giòn, rễ nông, không được rào chắn cẩn thận...
Chị Nguyễn Phương Dung ở Quận Cầu Giấy cho biết: "Mỗi lần trời mưa đều nán lại ở nhà nếu việc không quá gấp. Nhiều khi đang đi trên đường gió mạnh cành cây cũng rơi xuống trước mặt mình, may mắn chỉ là những cành nhỏ thôi. Tôi rất mong muốn Hà Nội có biện pháp giảm thiểu cây gẫy đổ, có những che chắn, chống cây bớt đổ, thường xuyên cắt tỉa cành".
Bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị khá bất cập. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao khiến rễ cây lâu năm bị nông, dẫn đến cây dễ gãy đổ. Mưa lớn, đất nền yếu, lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật mạnh cây rất dễ đổ.
Hàng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều có chỉ đạo về việc xử lý hiểm họa cây xanh có nguy cơ bật gốc, gãy đổ, tuy nhiên cũng không thể giải quyết triệt để được vấn đề. Ông Nguyễn Việt Hưng, Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Sở Xây dựng và các ban ngành sẽ tăng cường kiểm tra và gia cố cọc chống, cắt sửa những cây nặng tán trong mùa mưa bão. Sở Xây dựng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện duy trì cắt tỉa cây xanh trong địa bàn thành phố, tăng cường kiểm tra và rà soát hàng quý, hàng tháng".
Để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, thành phố Hà Nội cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, phát triển trồng mới các loại cây đô thị, bảo đảm an toàn, bên cạnh những biện pháp tình thế như: cắt ngọn, tỉa cành, thay thế cây rỗng, mục... nhằm hạn chế cây đổ bất ngờ mỗi khi mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến tính mạng người dân./.
Theo Phương Thoa /VOV1
Hà Nội triển khai hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2019 Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chỉ đạo triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của địa phương, đơn vị trong năm 2019. Ảnh minh họa Cụ thể, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc theo Hướng dẫn số 03-HD/BTGTW ngày 16-3-2011...