Hà Nội: Trường THCS Thanh Xuân thu ‘khoản khác’ gấp chục lần học phí vô căn cứ
Chưa có quyết định là trường chất lượng cao, vẫn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí như một trường công lập bình thường nhưng Trường THCS Thanh Xuân vẫn thu một lúc hai loại “học phí” mà không dựa trên căn cứ pháp lý nào.
Trường THCS Thanh Xuân đang thu “khoản khác” gấp hơn chục lần học phí – ẢNH TUỆ NGUYỄN
Hai loại “học phí”
Ngày 8.10, học sinh Trường THCS Thanh Xuân ( quận Thanh Xuân, Hà Nội) được giáo viên chủ nhiệm phát tờ thông báo để mang về cho bố mẹ với nội dung các khoản thu lên tới 8,298 triệu đồng, truy thu từ tháng 8 tới tháng 11.2018.
Trong đó, mỗi tháng đều có 2 loại học phí, gồm học phí theo quy định của thành phố là 155.000 đồng/tháng và học phí theo hệ chất lượng cao là 1,958 triệu đồng/tháng. Riêng tháng 8 vì chưa chính thức vào năm học mới nên chỉ thu học phí nửa tháng của hệ chất lượng cao là 979.000 đồng…
Mức tiền học phí với chương trình chất lượng cao tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng năm học trước lên 1,958 triệu đồng/tháng. Nhận được thông báo, nhiều phụ huynh xôn xao bởi hàng loạt câu hỏi, nhà trường đã được công nhận là trường chất lượng cao hay chưa mà thu “học phí” hệ chất lương cao? Nếu có thì được công nhận từ khi nào mà lại truy thu học phí chất lượng cao từ tháng 8 đến nay… Hơn nữa, tại sao lại song song tồn tại 2 loại “học phí” trong cùng một nhà trường và áp vào tất cả học sinh như vậy?
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Ngô Diệp Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân, cũng thừa nhận đến thời điểm này nhà trường chưa có quyết định công nhận là “trường chất lượng cao”, khoản thu như trên chỉ áp dụng trong lúc chờ có quyết định.
Tuy nhiên, bà Lan đưa ra căn cứ để thu gần 8,3 triệu đồng từ tháng 8 đến tháng 11 là dựa trên văn bản thỏa thuận với phụ huynh học sinh và văn bản của UBND Quận Thanh Xuân do Phó chủ tịch UBND quận, bà Lê Mai Trang ký, thống nhất về các khoản thu năm học 2018 – 2019 của Trường THCS Thanh Xuân.
Về 2 mức học phí, bà Lan cho rằng, thực chất là một khoản là học phí theo quy định của thành phố, còn 1,958 triệu đồng là một “khoản thu” cho chương trình chất lượng cao, gồm: chương trình nâng cao, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ năng khiếu với mức thu 1,158 triệu đồng/tháng/học sinh; mô hình liên kết toán tiếng Anh là 400.000 đồng/tháng/học sinh, tiếng Anh bản ngữ là 400.00 đồng/tháng/học sinh.
Điều đáng nói là trong thông báo tuyển sinh năm học mới, Trường THCS Thanh Xuân cũng không hề thông tin về dự kiến thu chi mà nội dung này chỉ được đưa ra vào cuộc họp phụ huynh học sinh ngày 15.9, nghĩa là sau ngày tựu trường tròn 1 tháng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc tại sao không thông báo về học phí trước khi tuyển sinh theo nguyên tắc công khai đã được quy định, bà Lan cho rằng, do trường không tuyển sinh trực tuyến nên khi phụ huynh học sinh đến trường nộp hồ sơ, nhân viên nhà trường có… nói về nội dung này(?).
UBND quận Thanh Xuân “thống nhất” cho trường THCS Thanh Xuân thu 2 loại “học phí”? – ẢNH T.N
UBND quận cho phép thu theo cơ sở pháp lý nào?
Viện dẫn thỏa thuận với phụ huynh học sinh và văn bản đồng thuận của UBND quận, nhưng bà Lan không trả lời được căn cứ pháp lý nào để nhà trường đề xuất những khoản thu như vậy để yêu cầu phụ huynh ký vào biên bản thỏa thuận và trình lên UBND quận phê duyệt, ngoài Đề án xây dựng Trường THCS Thanh Xuân theo mô hình trường chất lượng cao.
Video đang HOT
Bà Lan nhiều lần nhắc tới việc các khoản thu lên tới 1,958 triệu đồng là “thu theo đề án” và cho hay khi có quyết định trường chất lượng cao thì sẽ chỉ còn một mức học phí.
Tuy nhiên, đề án xây dựng trường không thể coi là căn cứ pháp lý để đưa ra các khoản thu khi nó chưa được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Đề án đăng tải trên website của nhà trường có nêu trường sẽ thực hiện tiếp thục thí điểm mô hình trường chất lượng cao trong năm học 2018 – 2019, đồng thời đưa ra cơ chế tài chính thực hiện trong 3 năm thực hiện thí điểm, từ năm học 2017 – 2018 đến năm 2020 – 2021.
Mặc dù vậy, việc cho phép thí điểm hay công nhận trường chất lượng cao không phải là quyền hạn của UBND quận/huyện, càng không phải nhà trường tự xây dựng đề án và cho phép mình thí điểm, miễn là phụ huynh đồng thuận.
Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân, quy định: “Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”.
Như vậy, về nguyên tắc, khi chưa được công nhận là trường chất lượng cao, chưa có quyết định về việc thí điểm trường chất lượng cao của cấp có thẩm quyền, thì Trường THCS Thanh Xuân vẫn chỉ là một trường công lập bình thường.
Điều này đã thể hiện rất rõ khi trường vẫn áp dụng mức thu học phí là 155.000 đồng/học sinh/tháng theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt với trường THCS công lập và trường vẫn được ngân sách thành phố cấp đầy đủ như bất kỳ trường THCS công lập nào trên địa bàn.
Còn “khoản thu” ngoài học phí lên tới 1,5 triệu của năm học trước và gần 2 triệu đồng/học sinh/tháng của năm học này mà trường đã và đang thu của phụ huynh là khoản thu không có quy định nào cho phép.
Trên thực tế, các trường công lập của Hà Nội cũng không chỉ thu học phí mà được phép thu những khoản thu khác ngoài học phí trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, UBND thành phố và Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội có những văn bản quy định rất rõ về các khoản thu này. Việc thu tiền triệu cho “chương trình chất lượng cao” là nội dung không hề được nhắc tới trong bất cứ văn bản nào với trường chưa phải là trường chất lượng cao.
Điều đáng nói, dù chưa được công nhận là trường chất lượng cao nhưng văn bản ký ngày 6.11.2018, thống nhất các khoản thu năm học 2018 – 2019 của Trường THCS Thanh Xuân thì UBND quận Thanh Xuân lại viện dẫn quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao của HĐND thanh phố Hà Nội.
Ngoài ra, văn bản này còn căn cứ vào những văn bản rất thiếu thuyết phục khác như công văn của UBND thành phố Hà Nội về tổ chức kiểm tra, thẩm định đề án, chương trình giảng dạy đối với cơ sở giáo dục đăng ký mô hình chất lượng cao; đề nghị của hiệu trưởng…
Như vậy, ở Trường THCS Thanh Xuân, từ năm học đầu tiên thành lập cho đến nay, phụ huynh đã ký thoả thuận cho một nội dung nhà trường đề xuất; còn UBND quận Thanh Xuân thì ban hành một văn bản đồng ý cho phép thu không dựa trên một căn cứ pháp lý nào. Tuy nhiên, nhà trường thì chỉ bám vào 2 văn bản đó để nói rằng mình đã thu đúng trước phụ huynh và phương tiện truyền thông.
Theo thanhnien
Quảng Ninh phạt nặng những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu
Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm nhằm tránh lạm thu tại các trường học.
Công khai, minh bạch các khoản thu
Tại Trường Mầm non Family là một trường ngoài công lập (tại thành phố Hạ Long), các khoản thu đầu năm học đều được nhà trường thực hiện công khai, minh bạch đến các bậc phụ huynh.
Là ngôi trường có chất lượng cao, tuy nhiên, học phí và tiền ăn trung bình một trẻ thuộc nhóm nhà trẻ chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng (nếu học cả ngày thứ 7 thì mất khoảng 3,3 triệu đồng), trong đó, tiền ăn là 45.000 đồng/ngày.
Chị Đào Thu Trang, phụ huynh lớp nhà trẻ Trường Mầm non Family, chia sẻ: "Mình thấy rất hài lòng, yên tâm khi cho con học tại ngôi trường này.
Trường không yêu cầu đóng góp những khoản lặt vặt đối với các trẻ mới vào trường như chăn, đệm, nước uống hay tiền bảo vệ, điều hòa, trông trẻ ngoài giờ... Tất cả được gói gọn trong học phí hàng tháng".
Tiết học của các bé lớp nhà trẻ, Trường Mầm non Family, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: CTV)
Tương tự, tại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), việc thu chi đầu năm luôn được Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm, thực hiện nghiêm túc.
Theo cô giáo Vũ Thị Thùy Dương, Hiệu phó nhà trường, mức thu đầu năm được nhà trường công khai đến các bậc phụ huynh.
Nhà trường không thu quỹ lớp hay quỹ trường. Tất cả chi phí của nhà trường đều chi từ học phí. Ở mỗi khối thì mức thu lại khác nhau.
Như với cấp tiểu học, trường thu học phí 450.000 đồng/tháng; 15.000 đồng/bữa ăn trưa; 5.000 đồng/ngày phụ phí trông trưa; học thứ 7 (nếu có) là 50.000 đồng/ngày;
Phí cứu hộ bơi (nếu có) là 100.000 đồng/tháng; học ngoại ngữ với người nước ngoài (nếu có) là 20.000 đồng/tiết; xe đưa đón (nếu có) dao động từ 300.000-450.000 đồng/tháng (tùy vào số km).
Ở Trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, mức học phí đang thu hiện nay được đánh giá là khá thấp so với nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Nhờ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường ngày càng được đầu tư mở rộng nên ngôi trường này ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng, yên tâm khi cho con em mình theo học.
Cụ thể, năm học 2018-2019, nhà trường đã tuyển được hơn 2.200 học sinh từ cấp tiểu học đến Trung học phổ thông (tăng tới 1.000 học sinh so với năm học trước).
Qua tìm hiểu, tỉnh Quảng Ninh có quy định đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở chất lượng dịch vụ, khả năng đóng góp của nhân dân trong vùng tuyển sinh, đồng thời cân đối thu chi và có tích lũy để phát triển.
Trước khi quyết định mức thu học phí, các trường ngoài công lập phải tổ chức lấy ý kiến thống nhất của cha mẹ học sinh; phải công khai mức thu học phí, chất lượng dịch vụ trước khi tuyển sinh; công khai tình hình thu, chi, quản lý, sử dụng học phí theo quy định.
Siết chặt quản lý tránh lạm thu
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, việc thu đầu năm học đã, đang được rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Theo đó, để khắc phục tình trạng lạm thu tại các trường học, ngay từ đầu năm, Sở đã siết chặt việc quản lý thu đầu năm.
Cụ thể, Sở quán triệt đối với các khoản thu thỏa thuận để phục vụ trực tiếp cho học sinh gồm: trả tiền công phục vụ bán trú, tiền ăn bán trú, tiền mua bổ sung hằng năm về đồ dùng, dụng cụ để dùng chung phục vụ bán trú cho học sinh, tiền nước uống, trông trẻ ngoài giờ.
Các trường học tổ chức triển khai, chỉ thực hiện thu khi toàn thể cha mẹ học sinh thống nhất và tự nguyện.
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục nếu để xảy ra lạm thu (Ảnh: CTV)
Việc thu các khoản trên phải căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu của cha mẹ học sinh, theo nguyên tắc thu đủ chi, công khai, thống nhất trong ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh trường, lớp để triển khai bằng văn bản kế hoạch thu, chi đến cha mẹ học sinh.
Trong đó, tiền quản lý trông trưa và tổ chức ăn bán trú (thực hiện đối với các cơ sở giáo dục phổ thông học 2 buổi/ngày, có tổ chức ăn bán trú), mức thu không vượt quá 150.000 đồng/tháng/học sinh.
Các tài sản như xoong, nồi, bếp ga, giường, chăn, chiếu... chỉ thu đối với học sinh mới tuyển vào trường hoặc toàn trường nếu mua sắm lần đầu.
Các cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả kiểm kê dụng cụ nhà bếp hàng năm, trao đổi, thỏa thuận với cha mẹ học sinh để mua sắm bổ sung cho phù hợp.
Về tiền nước uống tinh khiết, đối với những trường chưa được lắp hệ thống lọc nước thì thu không quá 7.000 đồng/học sinh/tháng (đối với các trường học 1 buổi/ngày).
Những trường học 2 buổi/ngày có thể tính toán mức tiêu thụ nước của buổi hai để thống nhất với cha mẹ học sinh tăng mức thu cho phù hợp để chi cho việc mua nước uống tinh khiết phục vụ học sinh, chi phí quản lý nước (không thực hiện thu nội dung này đối với trẻ mầm non).
Hay như đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở cũng quy định các trường không được ấn định mức thu, không quy định mức kinh phí đóng góp, ủng hộ bình quân.
Theo bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, việc siết chặt quản lý thu, chi đầu năm học chính là để góp phần tránh được việc lạm thu ở các cơ sở giáo dục.
Sở đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra Sở tăng cường việc thanh, kiểm tra, thu chi các khoản huy động đóng góp của người học.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, ngành sẽ xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những quy định của Sở.
Theo giaoduc.net.vn
Bạn đọc viết: Họp phụ huynh đầu năm và chuyện lắp điều hòa Họp phụ huynh đầu năm, mọi người đều chăm chú lắng nghe cô giáo thông báo tình hình trường lớp và các khoản thu nộp học phí, bảo hiểm, quỹ lớp. Mọi người đều thống nhất với mức thu mà Hội Phụ huynh lớp thông báo. Câu chuyện đáng chú ý của buổi họp xoay quanh chuyện có nên mua điều hòa cho...