Hà Nội: Trường chuẩn thừa nhận giáo viên thu sai nhiều khoản
“Nhà trường không hề có chỉ đạo gì về những khoản thu như trên. Tất cả những giáo viên thu sai sẽ phải trả lại cho phụ huynh học sinh. Chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát, giáo viên nào thu sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm”. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) về việc nhà trường tận thu nhiều khoản khiến phụ huynh bức xúc.
Rà soát toàn bộ khâu thu chi của khối 1
Trong buổi làm việc với PV Dân trí chiều 23/8, bà Nga cho biết, mình đã nắm được thông tin từ báo chí chứ phụ huynh chưa có phản ánh gì.
Về việc thu hàng chục khoản sai quy định, theo bà Nga, hiện nhà trường vẫn chưa thống nhất và ban hành quyết định thu chi đầu năm do phải chờ lãnh đạo UBND quận Long Biên, Phòng GD&ĐT quận phê duyệt rồi mới triển khai.
“Tuy nhiên, sau phản ánh của báo chí, chúng tôi đã và đang cho rà soát lại toàn bộ các lớp ở khối 1 của trường năm nay xem có giáo viên chủ nhiệm nào tiến hành thu của phụ huynh. Nếu lớp nào đã thu thì phải thông báo tới phụ huynh để trả lại tiền cho họ”, bà Nga cho biết.
Bà Nga cũng thừa nhận, phần lớn các khoản thu đều trái quy định và nhà trường không được phép thu của phụ huynh học sinh. “Tất cả các khoản thu trên, kể cả tạm ứng tiền cơ sở vật chất 1 triệu đồng đều không được phép thu của phụ huynh. Tất cả việc thu chi đều phải thực hiện theo văn bản chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên. Các khoản thu sai, thu không đúng thì yêu cầu giáo viên phải trả lại phụ huynh đầy đủ 100% có chữ kí xác nhận để nhà trường sẽ tổng hợp”, bà Nga khẳng định.
Cũng theo bà hiệu trưởng này, chiều 23/8, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận, một số giáo viên chủ nhiệm đã có thông báo cho phụ huynh học sinh đến trường để làm rõ về các khoản thu, đồng thời trả lại tiền thu không đúng quy định.
Lãnh đạo Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, các khoản thu phần lớn đều chưa đúng quy định.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc, giáo viên chủ nhiệm thường là người thực thi các chỉ thị của lãnh đạo nhà trường. Khi chưa có sự đồng ý của ban giám hiệu, một số giáo viên không thể tự đưa tên các khoản và đứng ra tổ chức thu. Bà Nga cho biết, hiện tại, UBND quận và Phòng GD&ĐT vẫn chưa có văn bản chỉ đạo về công tác thu chi năm học 2018 – 2019. Nhà trường cũng chưa có chỉ đạo gì về thu chi của các lớp.
Bà Nga cho biết thêm: “Lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng chỉ đạo chúng tôi và yêu cầu họp với các giáo viên chủ nhiệm của khối 1 báo cáo tình hình thực hiện triển khai công tác thu chi ra sao. Ai là người thực hiện chưa đúng theo chỉ đạo của nhà trường.
Theo quy định, trước khi tiến hành thu chi, nhà trường phải được sự phê duyệt của UBND quận về công tác thu chi của năm học. Đồng thời phải có thỏa thuận với phụ huynh học sinh, được phụ huynh đồng ý thì mới ra văn bản để quyết định chính thức”.
Video đang HOT
“Chúng tôi nhận lỗi trong việc mua SGK”
Như Dân trí đưa tin trước đó, một số phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng phản ánh, họ phải đóng nhiều khoản tiền đầu năm khá vô lý và không có biên lai thu tiền.
Đặc biệt, trong đó có khoản tiền mua sách giáo khoa (SGK) đầu năm lên tới hơn 700.000 đồng, bao gồm cả 10 cuốn sách bổ trợ và bộ dụng cụ học tập mà không hề có thông báo trước về tên và giá cả.
Phó hiệu trưởng nhà trường Ngô Thị Thu Ánh đã thay mặt BGH nhận lỗi và rút kinh nghiệm về vấn đề mua SGK.
Tại buổi làm việc với PV chiều 23/8, Phó hiệu trưởng nhà trường Ngô Thị Thu Ánh đã thay mặt ban giám hiệu nhận lỗi và rút kinh nghiệm về vấn đề mua SGK: “Về vấn đề mua SGK, nhà trường xin nhận rút kinh nghiệm. Trong quá trình kiểm soát và lồng ghép theo đề xuất, con số mới như vậy.
Cụ thể, với học sinh của cả khối 1 lên đến khối 5 thì con số tiền mua SGK cũng tương đương như vậy. Tuy nhiên, các cô đã lồng ghép của cá nhân lớp các cô và phụ huynh có nguyện vọng. Các cô sẽ có danh mục sách để cho các con tham khảo, nếu cần mua cuốn nào thì đánh dấu vào đó chứ nhà trường không ép học sinh phải mua cả những quyển đã có rồi hoặc không có nhu cầu mua”.
Trao đổi với PV sáng nay (24/8), chị H., phụ huynh có con học lớp 1 ở trường này cho biết, hiện nhà trường đã trả lại cho chị 1 triệu đồng tiền tạm ứng các khoản về cơ sở vật chất đã thu trước đó. Tuy nhiên, tiền SGK và tiền điều hòa nhà trường chưa có thông báo gì.
“Khoản tiền SGK, một số phụ huynh đã mang về, giờ đến trả lại cũng khó. Tuy nhiên, tiền điều hòa thì chưa biết nhà trường xử lý ra sao”? chị H. băn khoăn.
Về điều này, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là năm đầu tiên phụ huynh đề xuất được lắp điều hòa còn trước đó nhà trường chưa có lớp nào lắp. Việc xã hội hóa được nhà trường thực hiện theo quy trình 4 bước. Khi chưa có văn bản cụ thể để làm cơ sở, thì nhà trường chưa phê duyệt đề xuất đó của phụ huynh.
Liên quan đến cơ sở vật chất của nhà trường, bà Nga thông tin thêm, nhà trường đang cân đối nguồn ngân sách để có những bổ sung về cơ sở vật chất cho học sinh trong năm học mới.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Hà Nội: Bị tố thu hàng chục khoản vô lí, trường chuẩn phải trả lại tiền
Từ tiền điều hòa, bảng nỉ, ghế nhựa, tủ bán trú, giá để cốc, chăn gối, đồng hồ, cây nước nóng, tiền sơn lại tường, mua SGK và sách tham khảo... đều là các khoản phụ huynh đóng cho con khi vào lớp 1 Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Hà Nội). Phụ huynh rất bức xúc bởi nhiều khoản thu không thuộc trách nhiệm của phụ huynh phải đóng cho trường.
Một số phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay tại Trường tiểu học Việt Hưng phản ánh với Dân trí về một số khoản thu vô lí. Trong 16 khoản thu được liệt kê ra, phụ huynh cho hay, chỉ có hai khoản là giá sách cũ của GVCN đã có và rèm cửa của khóa trước để lại là không phải đóng tiền. Còn lại 14 khoản như trên đây, phụ huynh phải đóng khi con vào lớp 1.
Ngoài bộ SGK, danh mục sách đầu năm có cả sách bổ trợ. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
Theo chị H. (phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay của trường), phụ huynh phải mua từ cái cốc đến ghế nhựa là rất vô lí. Cụ thể, phụ huynh phải đóng tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập với giá 734.000 đồng/học sinh trong khi trước đó, giáo viên chủ nhiệm không hề thông báo tới các phụ huynh chi tiết gồm những quyển gì, giá cả chi tiết ra sao.
"Khi phụ huynh đến nộp hồ sơ vào khoảng thời gian từ 13-18/7/2018, chỉ nhận được bản đăng kí có mua SGK và đồ dùng học tập hay không. Còn danh mục các cuốn sách và giá cả từng cuốn, chúng tôi không được biết. Khi nhận sách, đồ dùng cho con vào ngày 10/8, chúng tôi thấy quá lãng phí vì có những thứ học sinh đã được bố mẹ mua cho từ trước. Thậm chí, một số người không đăng ký mua vẫn được cô giáo phát cho.
Ngày đầu tiên, nếu thu theo đúng danh sách cô giáo gửi là 1.929.000 đồng. Số tiền này bao gồm các khoản: Tiền học kỹ năng sống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, mũ, ghế", chị H. cho biết.
Ngoài ra, theo liệt kê miệng của cô giáo, các học sinh còn phải đóng các khoản như điều hòa, giá để cốc, để dép, giá sách, gối, chăn, tủ bán trú... Nhà trường tạm thu các khoản này là tiền cơ sở vật chất 1.000.000 đồng. Khoản này giáo viên chủ nhiệm cũng thu hộ trường và không hề có biên lai.
Về SGK, theo ghi nhận của PV Dân trí, ngoài danh mục SGK với giá 83.000 đồng, bộ sách mà phụ huynh đóng tiền để mua ở đây, có thêm 10 cuốn sách bổ trợ với giá 208.000 đồng và bộ đồ dùng học tập 17 món với giá 378.000 đồng.
"Chúng tôi cũng không dám mua ngoài bởi danh sách cô giáo phát ra, sợ nếu mua ngoài đồ dùng của con mình không đúng như chuẩn của trường lại ngại. Do vậy, nhiều người đã đăng kí mua dù biết rằng nhiều cuốn bổ trợ chả để làm gì", chị H. nói.
Tổng số tiền mà phụ huynh phải đóng ban đầu gồm tiền Kĩ năng sống, SGK, đồng phục, ghế nhựa là khoảng 2 triệu đồng/học sinh.
Chị H. và một số phụ huynh rất bức xúc, trường chuẩn quốc gia mà phụ huynh học sinh phải mua từ cái cốc, cái chổi, cái gối, giá để dép, tủ bán trú, cây nước nóng... là không thỏa đáng.
Ngoài ra, theo một số phụ huynh, tại một số lớp học, các mảng tường đã bị bong tróc, phụ huynh muốn con có lớp sạch sẽ thì phải bỏ tiền ra đóng góp và tự sơn lại tường.
"Vì sao nhà trường không đứng ra lo về cơ sở hạ tầng mà phải là phụ huynh? Lớp bị bong tróc sơn, không đảm bảo vệ sinh cho các con, nếu nhà trường không đủ năng lực thì làm văn bản để kêu gọi toàn trường lại hoàn toàn khác", một phụ huynh cho hay.
Được biết, năm học 2014-2015, trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng bắt đầu đi vào hoạt động. Năm học 2016-2017, trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ở mức độ này, trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn cần thiết để tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện ở mức độ cao hơn.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 23/8, bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng cho biết, nhà trường không hề có chỉ đạo gì về những khoản thu như trên.
"Tất cả những giáo viên thu sai sẽ phải trả lại cho phụ huynh học sinh. Chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát, giáo viên nào thu sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm."
Đến nay, một số phụ huynh cho biết, nhà trường đã trả lại tiền một số khoản thu chưa phù hợp. Tuy nhiên, còn một số khoản khác như: tiền điều hòa, tiền sách giáo khoa, vẫn chưa thấy có thông báo gì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Thao túng thị trường, người dân chịu thiệt ầu năm học mới, NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) công bố đã in đã phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch. Thế nhưng trước khi năm học mới bắt đầu cả tháng, SGK vẫn thiếu ngược thiếu xuôi. Không chỉ các thành phố lớn mà các tỉnh lẻ, SGK cũng vẫn thiếu. Học sinh tìm mua SGK tại...