Hà Nội thêm gần 300 ca mắc sốt xuất huyết trong 1 tuần
Bước vào cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm, ngành y tế Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh (nếu có).
Cán bộ y tế TTYT huyện Ứng Hòa tư vấn, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh sau mưa lũ tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)
Từ ngày 13/9 đến ngày 19/9, Hà Nội ghi nhận thêm 285 ca mắc sốt xuất huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, các bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Đan Phượng (46 ca); Thạch Thất (29); Hà Đông (22); Cầu Giấy (20); Chương Mỹ (17); Thanh Oai và Đống Đa mỗi nơi 14 ca; Thanh Xuân (13); Bắc Từ Liêm (11); Phúc Thọ và Hoàng Mai mỗi nơi 10 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 74,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã gồm Bắc Từ Liêm 3 ổ dịch; Phúc Thọ, Thanh Oai mỗi nơi 2 ổ dịch; còn lại mỗi nơi ghi nhận 1 ổ dịch tại Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đống Đa, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Sơn Tây, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Trì, Thanh Xuân và Thường Tín. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 165 ổ dịch, còn 32 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, hiện tại đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm tại Hà Nội (tháng 9 đến tháng 11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Về bệnh tay chân miệng, trong tuần qua thành phố ghi nhận 45 trường hợp mắc, giảm 7 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 2.006 trường hợp. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch; cộng dồn năm 2024 là 41 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Video đang HOT
Bệnh sởi ghi nhận 2 ca mắc trong tuần, cộng dồn từ đầu năm đến nay là 6 ca mắc. Ca mắc sởi trong tuần là bệnh nhân nữ (15 tháng tuổi, địa chỉ quận Đống Đa), tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 8/9 với triệu chứng sốt, ho. Ngày 11/9 xuất hiện ban từ mặt sau lan ra toàn thân, nhập Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam (7 tuổi, địa chỉ quận Hoàng Mai), tiền sử tiêm vaccine chưa đầy đủ, khởi phát bệnh ngày 30/8 với triệu chứng sốt cao, sau đó phát ban ở mặt, thân mình và chân. Ngày 9/9 đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
“Bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như TP HCM, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại Hà Nội đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi trên địa bàn. Vì vậy dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm”, CDC Hà Nội thông tin.
Bệnh ho gà ghi nhận 4 ca mắc trong tuần, bệnh liên cầu lợn ghi nhận 1 trường hợp mắc tại huyện Đan Phượng. Một số dịch bệnh khác như viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella không ghi nhận trong tuần.
Trong tuần này, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại xã Quất Động (huyện Thường Tín), xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), phường Hàng Bột (quận Đống Đa), xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai), xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ).
CDC Thành phố cũng yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.
Bên cạnh đó, phối hợp với ban ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Với các bệnh có vaccine, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn.
Tiền Giang: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết
Trong những năm gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam.
Tiền Giang là một trong những tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của dịch bệnh SXH.
Trước tình hình dịch bệnh SXH, Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều biện pháp chủ động và tích cực nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh SXH.
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệt tật tỉnh Tiền Giang kiểm tra lăng quăng tại hộ gia đình ở xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.
Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong tuần 30 (đến ngày 28-7-2024), tỉnh đã ghi nhận 19 ca mắc SXH, trong đó có 2 ca nặng và không có trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 757 ca, tương đương với tỷ lệ 41 ca mắc/100.000 dân, không có trường hợp tử vong nào do SXH từ đầu năm đến nay.
Số ca mắc SXH trong tuần 30 đã giảm đáng kể so với tuần trước (29 ca) với mức giảm 34,4%. So với cùng kỳ năm 2023, tỉnh ghi nhận 53 ca mắc trong tuần 30, con số này đã giảm 64,2%. Tính tổng cộng số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay (757 ca) cũng giảm 58,1% so với cùng kỳ năm 2023 (1.806 ca).
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thanh Nhơn, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, để đối phó với dịch bệnh SXH, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, bao gồm: Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về cách phòng, chống SXH như diệt muỗi, lăng quăng, giữ gìn vệ sinh môi trường; cách nhận biết các triệu chứng của bệnh SXH để kịp thời điều trị.
Định kỳ, các đội y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các nơi tập trung đông dân cư và các khu vực có nhiều ổ lăng quăng. Ngoài ra, CDC tỉnh Tiền Giang lập các đoàn giám sát hoạt động phòng, chống SXH tại các địa phương, thường xuyên kiểm tra và ghi nhận tình hình dịch bệnh, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch.
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn trong trạng thái sẵn sàng, từ việc cung cấp đủ thuốc men, trang thiết bị y tế, đến việc tập huấn cho cán bộ y tế về cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH.
Bên cạnh đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, rất cần sự chung tay của cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, thường xuyên vệ sinh nơi ở, tiêu diệt các ổ lăng quăng xung quanh nhà.
Theo CDC tỉnh Tiền Giang, hiện nay dịch bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong nước. Trước tình hình dịch bệnh, Tiền Giang đã không chủ quan, lơ là mà đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh SXH. Sự nỗ lực của chính quyền và ngành Y tế, cùng với sự hợp tác của cộng đồng, sẽ là yếu tố quan trọng giúp tỉnh nhà vượt qua dịch bệnh SXH và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch Tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, báo cáo y tế cho thấy số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng. Cùng với đó, bệnh ho gà tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới, chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Những bất thường về thời tiết tại thành...